Ngày xuân đi lễ hội Chúa Then

Thứ Hai, 27/01/2020, 09:18
Tục thờ Chúa Then là loại hình văn hóa phi vật thể hàm chứa tính nhân văn cao, mang âm hưởng của loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn liền với bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng và Thái.

Tục thờ cúng Chúa Then gắn liền với Lễ hội bà chúa Then tại đền Nam Thiên Tứ Thánh (Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang) vào dip Tết đến xuân về. Vào dịp này người dân muôn phương tụ về đền tổ chức các nghi lễ rước kiệu thánh, tế lễ, diễn xướng hầu đồng và trình diễn nghệ thuật hát Then.

Mới đây, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam thông báo Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho cộng đồng.

Chúng tôi đến thăm đền Nam Thiên Tứ Thánh thuộc xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nơi được coi là chốn tổ của Chúa Then trong Đạo Mẫu Việt Nam.

Không gian của Đền rộng rãi, linh thiêng, có rất nhiều người dân bản địa đến chuẩn bị cúng lễ Tân niên 2020 Canh Tý cùng bản Đền. Con nhang đệ tử thập phương cũng tề tựu cuối năm lễ tạ Chúa Then sau một năm mua may bán đắt. Tiếng nhạc hội vang lên trong không gian mênh mông của làng quê khiến trái tim rung cảm.

Với người thuộc ba dân tộc, tục thờ chúa Then không chỉ là cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng hàng năm của dân làng bản địa.

Thủ nhang đồng đền ông Bùi Quang Lưu chia sẻ: Then có nghĩa là "Thiên", người Tày quan niệm chúa Then là đại diện cho thần tiên, là cầu nối tâm linh để thỉnh cầu, mong ước của con người thấu tới tai đất trời. Vì thế, mỗi dịp người Nùng, Tày và Thái cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ… đều không thể vắng bóng những thầy Then.

Tục thờ Then là loại hình tâm linh tín ngưỡng trong văn hóa dân gian, tính lôi cuốn của tục thờ Then còn lôi cuốn bằng nghệ thuật biểu diễn của nghệ nhân, không gian, thời gian. Diễn xướng then là loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp của nhiều hình thức diễn xướng. Là tổng thể bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như tín ngưỡng xã hội và văn hóa nghệ thuật, nhập đồng, nhảy múa, hóa vàng, dâng lễ.

Lễ hội bà Chúa Then tại xã Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang. Ảnh: Nhật Huy.

Cụ đồng Vũ Thị Viêng năm nay đã 85 tuổi là người sống trên đất cổ của người Nùng có cụ tiền chủ là Vương Văn Bình và bà Trịnh Thị Núi, là những người đầu tiên đặt nền móng cho lễ hội chúa Then, cho biết: Thường ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày rước Thánh ra đền làng thờ vua Nùng Trí Cao. Ngài là chúa tổ của dân tộc Nùng. Còn ngày 2-2 là ngày tiệc Chúa Then, còn gọi là chúa tổ Linh Quang.

Theo những gì cụ Viêng còn nhớ thì từ những năm đầu thế kỷ 20, việc thờ cúng bà Chúa Then hay còn gọi là "giàng", "pựt" của người Tày, Nùng và Thái giống như thầy mo của người Mường, hay cô đồng bà cốt của người Kinh đã diễn ra.

Những thầy mo là những người được nhân dân tin tưởng giao cho trọng trách linh thiêng là nốt kết giữa trời và đất. Để cho uy tín và "khả năng" siêu phàm của mình được tăng cao, các "then" còn cấp sắc được gọi là lẩu then. Số tua ở sau mũ là "chứng chỉ" khẳng định khả năng giao tiếp với thần linh của mỗi Then.

Nếu dải tua mũ càng nhiều càng chứng tỏ khả năng xuất chúng của then càng lớn và vì thế mà ông, bà Then có nhiều dải càng được con nhang tôn kính và trọng vọng hơn rất nhiều.

Tổ Then có ba vị, Tổ Then của người Tày là chúa Đông Cuông thờ tại đền Đông Cuông (Yên Bái). Tổ Then của người Nùng là chúa Then thờ tại Linh Quang Từ (Bắc Giang) và Tổ then người Thái là chúa nàng Han thờ tại Phong Thổ (Lai Châu) và Quỳnh Nhai (Sơn La). Đền Linh Quang gắn liền với điển tích Tam vị Thánh Nương vốn là con gái Ngọc Hoàng giáng sinh xuống vùng Thạch Bàn, Cao Sơn, Bắc Lệ.

Chúa Then Linh Quang Bắc Giang được nhiều người biết đến và lấy ngài là tổ của việc thờ Then và tín ngưỡng cúng Then.

Ông Bùi Quang Lưu giải thích thêm rằng tín ngưỡng bản địa thờ thần trên rừng núi, đặc biệt đối với dân tộc Nùng thờ Chúa Then cũng giống tín ngưỡng thờ các vị chúa Sơn Trang.

Hằng năm vào ngày 15 tháng Chạp thì các cụ Tiên chỉ trong làng và Ban Hương trưởng xuống lễ Thánh tại đền chúa Then để đưa ra việc cụ thể về Hội làng năm tới. Sau đó, vào dịp khai xuân sẽ tổ chức lễ hội mừng Xuân rước Thánh từ Linh Quang Từ lên đền làng thờ vua Nùng Trí Cao, lễ hội tổ chức 3 ngày từ 10-12 tháng Giêng.

Thường sẽ do ông Trưởng thôn làm Trưởng ban, Đồng đền Chúa Then làm phó ban kiêm nghi lễ, cụ Tiên chỉ trong làm phó ban và nhân dân địa phương sẽ tổ chức lễ rước Thánh và trai gái trong làng được cử rước kiệu Thánh.

Thuở xưa Chúa Then giá ngự trên một tòa sơn trang, cảnh núi rừng xanh ngan ngát, nơi thượng ngàn tụ khí linh thiêng, chúa bà được coi là Tổ Then, trang phục chúa bà thường mặc áo đen chàm vạt ngắn, trang sức thường vận kiềng bạc đen khảm nạm ngọc lam, nơi chúa Then thường ngự trên thạch bàn, ngày ngày chúa tu luyện, uy linh, một đời làm phúc cứu dân, bao nhiêu nghiệp chướng xoay vần hóa không, hành nghề tạo phúc muôn đời nhớ tới công ơn của người.

Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng thôn Hương Sơn cho biết: Đến dịp lễ hội Bà Chúa thì khắp nơi trong các thôn xóm trên địa bàn xã và tất cả các nơi đều quy tụ về vùng đất địa linh này để chuẩn bị những lễ nghi truyền thống, để ghi nhớ công lao của Bà Chúa đã giúp đỡ nhân dân, đề đạt sở cầu, mong muốn cho mùa màng bội thu, nhân dân được sống bình an, no ấm. Nhân dân khắp trong Nam ngoài Bắc nhân dịp này cũng đã trở về đây, tạo nên không khí ấm áp của mùa xuân đất nước, làng quê.

Hàng năm, vào những dịp Tết đến Xuân về, song hành với những phong tục thờ cúng gia tiên, nhân dân đến bản Đền để cùng các Thầy đồng tổ chức cúng Chúa Then, cùng nhau nghe một điệu hát Then, cùng nghe những khúc ca điệu hát để cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng: "Có phen dạo sơn cùng bích thủy/ Ai có lòng tùy hỉ hữu duyên/ Có phen dạo cảnh non tiên/ Hai nàng thị nữ khăn miên theo hầu/ Khăn vấn đầu cổ đeo vòng bạc/ Lược trâm cài má hạc tóc mây/ Hây hây vành nguyệt vơi đầy/ Dáng thanh dáng lịch vẻ đầy khuôn trăng/ Dáng tiên chúa ả Hằng thua sắc/ Bước khoan thai nhẹ gót lên non/ Dù cho nước chảy đá mòn/ Thương đồng chẳng quản dù còn bao xa/ Chúa về đồng muôn nhà kính phục/ Nét phong tư vẻ thực tài hoa/ Chúa tiên linh ứng hay là/ Khúc đàn non nước cầm ca chiêu hồn/ Thành tâm khấn bái luyện mời/ Đan thành nhất dạ làm tôi chúa bà/ Làm tôi chúa đồng gia hưng thịnh/ Để cho đời nức tiếng thơm danh/ Ai ơi hữu tử hữu sinh/ Một niềm tưởng vọng tâm linh hữu thành/ Tiết ngày lành dâng văn bái thỉnh/ Nguyện phúc lai hưng thịnh đề đa/ Thỉnh tiên chúa giáng điện tòa/ Khuông phù đệ tử vinh hoa thọ trường"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.