7 sân bay nguy hiểm nhất thế giới

Thứ Bảy, 13/09/2008, 20:35
Sân bay Yrausquin chiếm phần lớn diện tích hòn đảo nhỏ. Một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng đây là một trong những sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới. Sân bay này nằm nép mình bên cạnh những ngọn đồi cao và một bên của sân bay chạy thẳng xuống biển hay ngước mắt lên là các vách đá núi dựng đứng...

Sân bay quốc tế Công chúa Juliana - Saint Martin

Sân bay quốc tế Công chúa Juliana nằm tại Saint Martin, một phần của hòn đảo Saint Martin thuộc vùng đất do Hà Lan quản lý. Đây là sân bay sầm uất thứ hai ở phía đông vịnh Caribbean nhưng lại có đường băng ngắn, chỉ dài có 2.180 m.

Bởi lý do này mà các chuyến bay đến đảo thường hạ cánh với tốc độ quá chậm, đặc biệt khi máy bay bay qua bãi biển Maho. Tuy nguy hiểm song từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa có bất kỳ vụ tai nạn máy bay nào ở đây cả.

Sân bay Juancho E. E. Yrausquin - đảo Saba

Sân bay Juancho E. Yrausquin là sân bay duy nhất trên hòn đảo Saba cũng thuộc vịnh Caribbean. Muốn cất cánh, các máy bay phải thực hiện thao tác lấy đà hoặc khi đến thật gần sân bay mới được phép hạ cánh.

Sân bay Yrausquin chiếm phần lớn diện tích hòn đảo nhỏ. Một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng đây là một trong những sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới. Sân bay này nằm nép mình bên cạnh những ngọn đồi cao và một bên của sân bay chạy thẳng xuống biển hay ngước mắt lên là các vách đá núi dựng đứng.

Với những trở ngại này đòi hỏi các phi công lái máy bay phải bình tĩnh, tự tin và hết sức điêu luyện trong quá trình bay, cất cánh hay hạ cánh vì chỉ cần sơ sẩy là... đâm vào vách đá núi như chơi.

Sân bay Courchevel - Pháp

Courchevel là tên của một khu trượt tuyết tọa lạc tại dãy núi Alpes thuộc nước Pháp, đây cũng là khu trượt tuyết lớn nhất thế giới, sân bay này có đường băng ngắn nhất thế giới chỉ dài có 525 m với độ dốc 18,5%.

Với độ dốc và đường băng ngắn như thế điều gì sẽ xảy ra nếu viên phi công thiếu kinh nghiệm khi cất cánh và hạ cánh. Đây cũng là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới.

Sân bay Gustaf III – ST.Barth - Pháp

Sân bay Gustaf III nằm trên hòn đảo Saint Barth thuộc vịnh Caribbean. Cả sân bay và thị trấn chính trên hòn đảo là Gustavia đều mang tên của nhà vua Thụy Điển là Gustav III, khi người Thụy Điển giành được quyền kiểm soát hòn đảo này từ tay người Pháp vào năm 1785 (hòn đảo lại được đem bán cho Pháp vào năm 1878). Chỉ có các loại máy bay dân dụng cỡ nhỏ sử dụng sân bay vào các hoạt động thương mại. Đường băng của sân bay kết thúc ngay tại bãi biển.

Sân bay quốc tế Barra - Scotland

Sân bay Barra là sân bay duy nhất trên thế giới nằm trên bãi biển, chính xác là tại bãi biển Traigh Mhor nằm trên hòn đảo Barra ở vùng ngoại ô Hebrides, Scotland. Hãng Hàng không Anh quốc, sẽ đưa bạn đến hòn đảo và nhìn thấy sân bay kỳ dị này.

Vào ban ngày khi thủy triều lên, không thể trông rõ hình thù của sân bay song khi chiều tà, bạn có thể thấy 2 chiếc xe hơi có đèn tín hiệu chớp tắt đậu trong bãi xe gần đó, hai chiếc xe này làm nhiệm vụ truyền tín hiệu cho phi công hạ cánh.

Trên bãi biển Barra vào giờ máy bay chuẩn bị hạ cánh thường có hàng chữ: "Hãy tránh xa bãi biển. Máy bay sắp hạ cánh".

Sân bay Madeira - Bồ Đào Nha

Nổi tiếng với đường băng khá ngắn, một bên sân bay là các ngọn núi cao, còn bên kia là đại dương bao la tạo nên một thử thách vô cùng khắc nghiệt cho các phi công lái máy bay khi hạ cánh hay cất cánh từ sân bay này. Đường băng của sân bay chỉ dài có 1.400m, nhưng vào năm 2003, đường băng mở rộng thêm 400m, thậm chí còn vươn ra đại dương.

Người ta đã lắp đặt tổng cộng 180 cây cột bê tông vững chắc với chiều cao 70m mỗi cột để làm nhiệm vụ nâng đỡ phần đường băng vươn ra biển. Công trình xây dựng sân bay này đã đoạt giải thưởng Công trình kiến trúc nổi bật của  Hiệp hội Xây dựng cầu đường quốc tế (IABSE).

Sân bay quốc tế Lukla - Nepal

Một ngọn núi khổng lồ nằm chính giữa với chiều cao lên tới 2.900m khiến bạn không chắc đủ khả năng để vượt qua. Sân bay Lukla là một sân bay nhỏ nằm tại thị trấn Lukla ở phía đông Nepal.

Vào tháng 1/2008, Chính phủ Nepal thông báo rằng họ xây dựng sân bay này nhằm vinh danh ngài Edmund Hillary, người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Sân bay là điểm đầu tiên khởi đầu hành trình chinh phục đỉnh núi huyền thoại Everest

Nguyễn Thanh Hải (theo Usa Today)
.
.