7.000 lít dầu PCB độc hại bị bỏ quên ở cảng Cái Lân như thế nào?

Thứ Sáu, 12/09/2014, 16:35

Câu chuyện 7.000 lít dầu PCB độc hại trong lô hàng máy biến thế đã qua sử dụng - mà thực chất là rác thải nguy hại - được nhập về Việt Nam và bỏ quên tại cảng Cái Lân suốt 7 năm qua đang khiến cho dư luận lo lắng vô cùng. Một khi lượng dầu này gặp sự cố tràn xuống Vịnh Hạ Long, thảm họa sẽ vĩnh viễn không thể khắc phục được. Nhưng vì sao lại có số rác thải độc hại này?

Sẽ không còn Vịnh Hạ Long, nếu…

Nếu lượng dầu máy biến thế chứa PCB này tràn khỏi nơi đã "cất giữ" chúng một cách bất đắc dĩ - khu vực thông quan Cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh. PCB (Polychlorinated Biphenyls) là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với 4 đặc tính chính là độc tính cao (chỉ sau dioxin), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa, khả năng tích tụ sinh học cao. PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt.

Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. PCB được sử dụng làm phụ gia trong dầu của các thiết bị điện. Trong hầu hết các loại máy biến thế được chế tạo trước những năm 1970 trên thế giới, dầu chứa PCB trong máy có tác dụng dẫn nhiệt nhưng không dẫn điện, chức năng chính là tỏa nhiệt làm mát.

Tại Việt Nam, PCB là hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh theo phụ lục 2, Nghị định 26/2011/NĐ-CP, là hàng hóa nguy hiểm thuộc nhóm hàng nguy hiểm trong danh mục hàng hóa nguy hiểm ở Nghị định 104/2009/NĐ-CP và 29/2005/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy và là chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT). Đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, công nghệ sử dụng dầu máy chứa PCB đã được loại bỏ gần như hoàn toàn.

Trở lại với 7.000 lít dầu chứa trong lô máy biến thế đã qua sử dụng tại tỉnh Quảng Ninh. Đến thời điểm này, phương án xử lý trước mắt sẽ là vận chuyển toàn bộ những chiếc máy biến thế cũ cùng dầu của nó và cả phần lớp đất nền xung quanh vào 2 container ra khỏi khu vực cảng và đưa về Công ty TNHH MTV Môi trường Vinacomin ở Mông Dương. Sau đó sẽ đưa về một công ty xi măng ở Hải Dương để đốt dầu. Các thiết bị nhiễm PCB sẽ được sấy khô và cho vào containter đóng gói.

Được biết sau khi báo chí vào cuộc cảnh báo về mối nguy hiểm của 7.000 lít dầu chứa PCB độc hại đang ngày đêm phơi sương gió chỉ chực tràn xuống vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh mới tá hỏa cấp tốc yêu cầu chuyển trả những rác thải độc hại nói trên về Hải Phòng chờ xử lý. Tuy nhiên, ngay lập tức, Hải Phòng đã ra văn bản cấm tiệt đưa lượng dầu chứa PCB và cả những chiếc biến thế ấy vào địa bàn tỉnh. Tại sao lại có chuyện đùn đẩy như vậy?

Bản chất của câu chuyện thật ra chỉ đơn giản là bởi, đơn vị nhập khẩu lô rác thải độc hại nói trên, Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty CP Đầu tư Cửu Long), tuy nhập lô hàng về qua đường Cảng Cái Lân, nhưng lại có trụ sở chính tại Hải Phòng. Thật may là cũng đã có sự vào cuộc và can thiệp kịp thời từ phía Bộ TN-MT nên phương án giải quyết bước đầu đã được thông qua.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo của Bộ này cho biết để hoàn tất thủ tục ở thời điểm hiện tại với lượng dầu PCB ở Cảng Cái Lân, chỉ cần một quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh là đủ.

Hai container bảo quản thiết bị và dầu thải nhiễm hóa chất PCB được lưu giữ tại Cảng Cái Lân. Ảnh: Bộ TN-MT.

Tuy nhiên, có một điều ít ai biết, những người đầu tiên phát hiện và ngăn chặn lô hàng độc hại này khi nó chỉ vừa đến Việt Nam chính là cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát Môi trường (CSMT), Bộ Công an.

Thượng tá Nguyễn Quốc Trung, Trưởng Phòng Phòng ngừa đấu tranh chống các hành vi hủy hoại xâm phậm tài nguyên môi trường, Cục CSMT còn cho biết, không chỉ ngăn chặn lô hàng ngay khi nó vừa vào Việt Nam mà sau đó, Cục còn vài lần kiến nghị xử lý bởi ý thức được mức độ độc hại vô cùng của nó, nhưng không có kết quả.

Cách đây 7 năm, Cục CSMT, khi ấy vẫn mang phiên hiệu C36, còn chưa là Cơ quan điều tra, chưa có chức năng khởi tố vụ án để điều tra. Vụ việc vì thế cũng chỉ dừng ở mức ngăn chặn đống rác thải và số dầu PCB nói trên đi sâu hơn vào nội địa mà thôi.

Hơn 600 tỉ mua… rác thải độc hại!

Ngay khi sự việc xảy ra, Phòng 3 cục C36, nay là Phòng 5 Cục C49 đã xác định được toàn bộ quá trình Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin, địa chỉ 367 Tôn Đức Thắng, Hải Phòng, mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân, Quảng Ninh lô hàng các thiết bị điện của nhà máy nhiệt điện công suất 185MW bao gồm thiết bị chính là tuabin hơi đã qua sử dụng có xuất xứ từ cảng Pusan, Hàn Quốc gồm 40 kiện hàng rời, 20 chủng loại hàng với khối lượng 931 tấn đều là hàng đã qua sử dụng, không có tem mác, một số thiết bị mới được sơn lại, có thiết bị sản xuất từ năm 1967. Nhiều thiết bị đã quá cũ nát, gỉ sét. Trong lô hàng này có 3 máy biến thế điện đã qua sử dụng, trọng lượng khoảng 300 tấn, trị giá 110.000USD/chiếc còn chứa dầu PCB.

Ngày 23/11/2007, Chi cục Hải quan Cái Lân đã kiểm tra thực tế lô hàng và lập biên bản ghi rõ hàng hóa đã qua sử dụng không xác định được tên hàng, nhãn mác, xuất xứ, một số hàng hóa đã bị biến dạng.

Quá trình điều tra xác minh cho thấy, các thiết bị nhà máy nhiệt điện nhập khẩu đã qua sử dụng này là do Công ty CP Đầu tư Cửu Long thực hiện theo Hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 18-3/UTNK ngày 18/3/2006 với Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Việc nhập khẩu thiết bị nhà máy nhiệt điện là để phục vụ dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, công suất 185MW được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-CNT-KHĐT ngày 22/9/2006 với tổng mức đầu tư hơn 1.481 tỉ đồng. Trong đó phần thiết bị nhập khẩu có giá 610,5 tỉ đồng. Dự án này được UBND tỉnh Nam Định cho phép sử dụng 333.000m2 đất tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Ngày 21/5/2007, Bộ Công nghiệp có Công văn số 2242/BCN-NLDK gửi BQL các KCN tỉnh Nam Định về việc thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng trong đó nêu rõ "Hồ sơ dự án đầu tư và thiết kế cơ sở cho thấy có dấu hiệu sử dụng máy móc, thiết bị cũ trong dự án này nên rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá đảm bảo tuân thủ quy định Việt Nam về chuyển giao công nghệ và khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, xuất nhập khẩu máy móc thiết bị…".

Ngày 15/6/2007, Bộ Công nghiệp lại có Công văn số 2748/BCN-HLDK gửi UBND tỉnh Nam Định yêu cầu đình chỉ việc thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng nói trên tại địa bàn xã Mỹ Trung. Ngày 6/9/2007, Bộ Công thương có Văn bản số 1501 gửi UBND tỉnh Nam Định, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với nội dung các dự án nhiệt điện do Vinashin và UBND tỉnh Nam Định đề nghị đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025.

Đã có những "bài học" về sự cố liên quan đến PCB. Năm 1999 ở Bỉ, một lượng không nhiều dầu máy biến thế có chất PCB đã chảy ra một khu vực thu gom chất thải tái chế làm thức ăn cho gia súc khiến cho nhiều loại gia súc, gia cầm bị nhiễm độc. Quốc gia này đã phải chi hơn 1 tỉ USD để giải quyết hậu quả.

Năm 1968 tại Nhật Bản, 14.000 người bị ngộ độc hóa chất sau khi ăn phải dầu ăn chiết xuất từ cám của Hãng Kanemi Soko. Dầu ăn này đã bị phơi nhiễm PCB thông qua bộ phận trao đổi nhiệt của dây chuyền sản xuất. 1.853 người bị phơi nhiễm rất nặng, gây ra các chứng bệnh mãn tính suốt đời. Nhiều gia đình ở vùng Fukuoka và Nagasaki cùng mang các triệu chứng kỳ quái như chân tay run rẩy, da nổi chàm.

Năm 1979, một vụ ngộ độc tương tự xảy ra ở Đài Loan khiến 2.000 người bị ngộ độc cũng sau khi ăn phải dầu cám bị nhiễm PCB…

Không hiểu sao, tuy chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, nhưng Sở Công nghiệp Nam Định vẫn có Văn bản số 38/CV-SCN ngày 31/1/2007 gửi Hải quan Hải Phòng, Hải quan Quảng Ninh đề nghị cho phép Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin nhập khẩu thiết bị cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Dựa vào điều này, Công ty Cửu Long Vinashin đã nhập lô hàng gồm 18 máy biến thế khô về Cảng Hải Phòng và 3 máy biến thế chứa dầu PCB độc hại về Cảng Cái Lân như đã nói ở trên. Ngày 23/11/2007, C36 (nay là C49) đã phối hợp với chi cục Hải quan Cái Lân - Quảng Ninh kiểm tra thực tế lô hàng và lập biên bản lô hàng này.

Như đã nói ở trên, thời điểm ấy Cục CSMT chưa phải là cơ quan điều tra, chưa có thẩm quyền khởi tố vụ án để điều tra nên sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ đã chuyển hồ sơ vụ việc...

Còn như Thượng tá Nguyễn Quốc Trung cho biết, ngay tại thời điểm ngăn chặn lô hàng tại cửa khẩu, các trinh sát của Cục CSMT đã phát hiện có dấu hiệu giả mạo văn bản của Công ty CP Đầu tư Cửu Long và đã đề xuất lên lãnh đạo cấp trên. Dầu PCB là loại cực kỳ độc hại với con người và môi trường, nên theo thông lệ chung, phía Hàn Quốc nếu muốn đưa ra ngoài biên giới thì phải được phía Việt Nam đồng ý.

Ngay cả việc tiêu hủy loại chất thải độc hại này không phải ở đâu cũng làm được. Đối với dầu PCB, cách tiêu hủy duy nhất chỉ có đốt. Nhưng muốn đốt dầu PCB cũng phải là loại lò đốt đặc biệt, công nghệ cao. Nếu không sẽ sinh ra dioxin, thì về mặt tác hại lại còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, Bộ Thương mại (cũ) và Bộ TN-MT đã trả lời với C49 bằng văn bản khẳng định không hề có văn bản nào đồng ý về việc cho nhập lô hàng này. Vậy thì Công ty CP Đầu tư Cửu Long lấy đâu ra văn bản thật sự của hai bộ này để đưa lô máy biến thế chứa dầu PCB độc hại kia ra khỏi lãnh thổ nước bạn?

Việt Ba
.
.