Trò chuyện với chủ nhân huy chương bạc Toán học quốc tế đầu tiên của Việt Nam

Thứ Tư, 31/10/2018, 07:13
"Tôi yêu toán bằng một tình yêu giống như định mệnh vậy. Tôi làm toán như bị thôi miên". Mỗi lần gặp Phó Giáo Sư - Tiến Sĩ (PGS.TSKH) Vũ Đình Hòa, tôi lại nhớ câu nói này của anh. Anh là “chủ nhân” Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế (IMO) đầu tiên của Việt Nam.


Từ thời là học sinh chuyên toán của Đại học Sư phạm Hà Nội những năm đất nước còn chiến tranh gian khổ, cho đến bây giờ, khi đã là thầy của nhiều thế hệ học sinh giỏi toán, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, thì tình yêu toán học trong anh vẫn trong trẻo, vẹn nguyên. 

"Rơi rụng ít nhiều trong cuộc đời, nhưng vẫn còn những người trong số chúng tôi làm khoa học và chắc chắn sẽ chỉ làm khoa học chứ không làm gì khác", PGS.TSKH Vũ Đình Hòa từng tâm niệm như vậy.

Ý chí vượt gian khó

Nhắc đến lớp chuyên Toán của Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội thuở ấy, PGS. Vũ Đình Hòa gỡ cặp kính, xúc động. “Tôi còn nhớ những năm tháng đi sơ tán theo trường phải ở nhờ nhà dân, chật chội và chen chúc. Chúng tôi thường phải ngủ 3 người trên một chiếc phản nhỏ.

Phó giáo sư - tiến sĩ khoa học Vũ Đình Hòa.

Cơm tập thể thì chậu canh nhiều khi có cả xác ruồi. Sau khi hết sơ tán trở về Hà Nội, học sinh lớp chuyên của 2 trường đại học lớn là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Tổng hợp đều ăn ở tập thể. Học sinh khối chuyên ĐH Sư phạm phải ở nhà mái dầu, vào những ngày hè cực kỳ nóng bức như chảo lửa ụp xuống giường” – PGS. Vũ Đình Hòa bồi hồi nhớ lại.

Những năm tháng đó dù điều kiện học hành khó khăn, khắc nghiệt, nhưng với anh là những năm tháng đẹp nhất, hồn nhiên, trong trẻo và thánh thiện; tất cả đều hướng tới “học thuật”. Nơi đó còn là tình cảm thầy trò trong sáng vô ngần, thầy yêu học trò như con và trò mến mộ, tôn thờ thầy.

Nhiều cựu học sinh chuyên Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1971 khi nhắc đến Vũ Đình Hòa đều nhớ đến một người bạn đồng môn yếu ớt, xanh xao, bị cận thị rất nặng nhưng siêng năng, có trí thông minh tuyệt vời và có những lời giải toán “đẹp đến lạ lùng”.

Bạn bè cùng lớp đều thương Vũ Đình Hòa vì anh sinh ra trong một gia đình nghèo, có tám anh chị em. Bố anh từng là công nhân nhà máy thuộc da Hà Nội, sau khi ông bị Pháp bắt và bỏ tù vì tham gia kháng chiến, ông mất nhiều sức khỏe, phải chuyển sang làm nghề chụp ảnh.

Cuộc sống quá vất vả nên đến năm lớp 7, lớp 8, các chị gái, em trai của Vũ Đình Hòa đều lần lượt bỏ học đi làm, lấy tiền giúp bố mẹ. Trong nỗi nhọc nhằn của gia đình xã viên hợp tác xã, Vũ Đình Hòa sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn sách vở, thiếu ăn, thiếu mặc, miễn là được đi học. Lúc nào anh cũng nơm nớp lo lắng một ngày nào đó, mình sẽ phải bỏ học. Vì thế anh cứ lặng lẽ học, cứ giấu mình, ẩn mình đi, mà không có bất cứ đòi hỏi gì.

Vũ Đình Hòa bị cận rất nặng, nhưng cho mãi đến năm lớp 7, tức là gần 7 năm đi học với trạng thái “mắt lúc nào cũng như có màn sương mỏng phía trước”, thì thầy Tôn Thân, thầy giáo chủ nhiệm của anh phát hiện anh cận quá nặng. Thầy đã đưa anh về nhà nói với bố mẹ anh. Lúc đó, bố mới đưa anh đi khám mắt, mua kính. Chiếc kính cận đầu tiên Hòa đeo đã là 7 đi ốp.

Đắm mình với những con số

Toán học gắn với Vũ Đình Hòa như một định mệnh bởi từ bé, anh đã giải toán như một thần đồng. Trong bất kỳ cuộc thi toán nào anh cũng dẫn đầu, luôn bỏ xa người thứ nhì, bởi khi các thí sinh còn đang loay hoay tìm lời giải thì anh đã giải xong bài toán đó từ rất lâu rồi. Không những giỏi toán nhất lớp chuyên toán sư phạm, mà toàn miền Bắc thời đó chưa có học sinh nào vượt qua được Vũ Đình Hòa.

Một thầy giáo của anh đã từng kể với tôi rằng, trong cuộc đời dạy học của ông, ông chưa có một học trò thứ hai nào như Vũ Đình Hòa. Anh quá thông minh, có những bài toán hóc búa thầy đưa ra, chỉ mình Hòa dám lên bảng viết lời giải.

Và lời giải đẹp đến nỗi thầy giáo cảm giác nó đến với Hòa nhanh như một tia chớp, cậu phải viết gấp, viết vội, viết tắt, nếu không “lời giải” sẽ tan biến. Chỉ có thầy mới hiểu những bước toán trung gian mà Hòa không kịp trình bày trên bảng. Khi thầy giáo giải thích thì cả lớp mới "vỡ oà", vỗ tay giòn giã cổ vũ cho Vũ Đình Hòa.

Trong hồ sơ bài tập của thầy giáo còn lưu biết bao bài giải, lời giải độc đáo và rất chuẩn mực của Vũ Đình Hòa. Năm 1970, Vũ Đình Hòa dù mới học lớp 8 nhưng đã giải được bài toán được đặt ra ngót một thế kỷ nay (do Tạp chí Lượng tử của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đề xướng), tìm ra được nghiệm thứ 10, nghiệm lớn nhất, kết thúc một cuộc đua nhiều năm trên thế giới…

PGS. Vũ Đình Hòa bảo với tôi, anh cũng không thể hiểu được vì sao lại thích học toán đến vậy. Có được bài toán khó là anh thấy bay bổng. Cảm giác như anh luôn sống một cuộc đời khác, ở đó là những phép toán mê hoặc, ở đó là những lời giải nhiều ẩn số với ánh sáng lấp lánh của những con số đã mê dụ anh. Có được cuốn sách nào hay, anh đọc ngấu nghiến như sợ bay mất chữ.

Có đêm, anh chong đèn dầu đọc sách miệt mài quá đến nỗi lửa cháy sém cả mái tóc, cũng chẳng hay. Thậm chí, ngay cả khi được phân công làm thủ môn đội tuyển bóng đá của lớp, anh vẫn vừa bắt gôn, vừa tranh thủ làm toán!...

Khao khát có sách học đến mức mà khi Bộ trưởng Bộ Đại học và Chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu mời Vũ Đình Hòa lên để gặp mặt, thì Vũ Đình Hòa đã giấu đi những khó khăn, chỉ xin Bộ trưởng “có cuốn sách nào hay, vừa trình độ với cháu thì bác cho cháu xin vài cuốn”.

Vũ Đình Hòa (đeo kính) cùng các thầy và thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế năm 1974.

Sau này, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã nhận ra tài năng toán học của Vũ Đình Hòa rất cần cho đất nước, nên khi anh xung phong nhập ngũ, Bộ trưởng đã không đồng ý với lí do “Hòa không được đi bộ đội, Hòa phải ở nhà làm khoa học”.

Vượt vũ môn

Nhớ lại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 1974 mà anh giành Huy chương Bạc, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa kể: “Đây là kỳ thi đầu tiên không chỉ của chúng tôi mà cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia kỳ thi này, cho nên trong các trường chuyên ở miền Bắc (khi đó còn chiến tranh chưa thống nhất đất nước) có một không khí xôn xao rất lớn về chuyện này.

Lẽ ra trước đó một năm, vào năm 1973, các nước XHCN cũng mời ta tham gia kỳ thi này, nhưng Việt Nam chưa dám nhận lời. Ở Hà Nội, các thầy có cho học sinh làm thử đề thi toán Quốc tế lần thứ 15 (1973), và nhận định là nếu tham gia thi thì Việt Nam chúng ta cũng sẽ có giải.

Thời kỳ học bồi dưỡng ở Bộ Đại học và Chuyên nghiệp, lúc đó nằm trên đường Hai Bà Trưng, rất vui. Chúng tôi được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho mượn một phòng lớn ở Bộ để ngủ. Bộ bố trí cho chúng tôi ăn ở nhà hàng đối diện với Rạp chiếu bóng Công Nhân ở phố Tràng Tiền. Sau mấy tháng bồi dưỡng cấp tốc, các thầy chọn ra một đội tuyển gồm 5 người, trong đó có tôi.

Đội tuyển qua Liên Xô, dừng lại 1 tuần luyện thi với đội tuyển Liên Xô. Qua CHDC Đức, chúng tôi thi ở thành phố Erfurt. Ngày ấy xa quá rồi, nhiều thứ trải qua trong thời gian đó tôi cũng quên, nhưng phải nói là lòng yêu mến và thiện cảm của các đội tuyển quốc tế dành cho đội tuyển Việt Nam, cũng như sự chuẩn bị chu đáo và đầy trách nhiệm của các thầy cô và các cơ quan Bộ Giáo dục và Bộ Đại học dành cho chúng tôi thì còn mãi đến bây giờ”.

Sau khi Vũ Đình Hòa đăng quang trong kỳ thi quốc tế, các bạn anh nhộn nhịp sang ĐH Tổng hợp Lômônôxôp (Liên Xô cũ) học. Anh cũng rạo rực, khao khát được đặt chân đến nơi được coi là “thánh đường” của đại học đỉnh cao lúc đó. Nhưng Bộ trưởng Tạ Quang Bửu nhẹ nhàng nói với Vũ Đình Hòa: “Mình sang Đức thi và đoạt giải, bạn bè Đức lại rất tốt, bác muốn cháu sang Đức học".

Vậy là năm 1975, một mình Vũ Đình Hoà sang CHDC Đức học. Anh học tại Trường ĐH Tổng hợp Greifswaid, chuyên ngành Toán rời rạc. Sau này, anh là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển lý thuyết, đặt nền móng cho ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam phát triển.

Năm 1996, Vũ Đình Hoà đã bảo vệ thành công luận án TSKH tại Viện hàn lâm Khoa học mỏ Freiberg, từ chối mọi lời mời của nước bạn để trở về quê hương. Năm 2002, anh đã chuyển công tác sang làm giảng viên của ĐH Sư phạm Hà Nội, với anh đây là một quyết định vô cùng đúng đắn.

Nguyện là người truyền lửa

Là thầy giáo của nhiều học sinh giỏi toán như Giáo sư Ngô Bảo Châu, từng là Trưởng đoàn nhiều năm dẫn đoàn đi thi Olympic Toán quốc tế, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa luôn suy nghĩ, ngày xưa các thầy chăm bẵm, yêu thương mình như thế nào, thì giờ anh sẽ truyền tình yêu thương và cảm hứng đó cho học trò.

Năm 2007, Việt Nam đăng cai Olympic Toán học quốc tế, anh mời tôi cùng anh đến “đại bản doanh” của đội tuyển Toán Việt Nam tại một khách sạn trên đường Láng Hạ. Khi thấy thầy Hòa, các bạn học sinh ùa ra đón, ríu rít bên anh như đàn chim non. Anh dặn các em phải giữ gìn sức khỏe, không được thức quá khuya và phải kết hợp chơi thể thao.

Một thành viên trong đội tuyển kể, thầy Hòa luôn yêu cầu học trò phải biết suy nghĩ, tư duy độc lập. Cách giải toán của thầy thì như một nghệ sỹ làm học trò đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Thầy còn dặn, thi Toán quốc tế còn mang tinh thần của “thi đấu thể thao” nên các em phải trung thực và “fair play”.

Còn tôi cứ suy nghĩ mãi về tâm tư của anh về Toán quốc tế. Đó là cách chọn thành viên đội tuyển của chúng ta nhiều khi chưa chính xác; thêm nữa, giờ các em đoạt giải quốc tế về nước phải “tự bơi” tìm học bổng để du học, trong khi chính sách đãi ngộ của Nhà nước dành cho những tấm “huy chương quốc tế” vẫn còn là những khoảng trống buồn!

Thu Phương
.
.