Afghanistan: Một diện mạo khác của thủ đô Kabul

Thứ Hai, 07/10/2013, 14:45

Hai quả lựu khổng lồ bằng bê tông ngự trị trong khu kinh doanh sầm uất của thủ đô Kabul, Afghanistan. “Tháp Lựu” của nhà thầu xây dựng Faiullah Barakzai là một phần trong xu hướng bùng nổ xây dựng làm thay đổi bộ mặt thủ đô Afghanistan hiện nay.

Trước kia chỉ có những căn nhà thấp tầng, nhưng ngày nay tại trung tâm thủ đô Kabul của Afghanistan bắt đầu mọc lên những dãy nhà cao tầng sang trọng được trang trí xa hoa. Lớp người giàu có mới còn tổ chức tiệc cưới linh đình cho con cái trong những nhà hàng cực kỳ sang trọng, nổi bật với những con voi vàng hay mô phỏng tháp Eiffel của Pháp ở mặt tiền. Kabul còn có những khu chơi bowling, siêu thị trưng bày rất nhiều quần áo và thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cùng các trung tâm giải trí có cả hồ bơi và nhà tắm hơi.

Lối sống xa hoa mới phát sinh ở Kabul nhờ dòng chảy tiền nước ngoài cũng như lợi nhuận béo bở từ buôn lậu ma túy từ đó hình thành một tầng lớp nhà giàu mới trong khi phần đông dân số Afghanistan còn sống trong nghèo khổ tột cùng, cố chống chọi với tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, mù chữ và tuổi thọ trung bình được đánh giá vào hàng thấp nhất thế giới.

Mặt tiền khu mua sắm City Star Hall ở Kabul.

Lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút đi khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 và từ đó mọi người lo sợ đất nước này sẽ phải đối mặt với sự suy sụp kinh tế, vấn nạn an ninh cũng như nội chiến sẽ quay lại như trong thập niên 1990. Lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính trong nước đã bị xói mòn sau vụ bê bối ầm ĩ của Ngân hàng Kabul vào năm 2010. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng ở Kabul lại đang bùng nổ mạnh. Những tòa nhà mới xây tương phản rõ nét với những căn nhà truyền thống của Afghanistan và tầng lớp nhà giàu mới muốn phô trương sự giàu sang của họ.

Nhà thầu Barakzai khoe khoang đế chế bất động sản thương mại của ông còn bao gồm một công trường xây dựng khác nằm gần tòa nhà Quốc hội ở Kabul và một nhà hàng tiệc cưới, bệnh viện và siêu thị ở phía nam thành phố Kandahar. Có một điều rõ ràng là gia đình của Barakzai có mối quan hệ mật thiết với những nhân vật quyền lực bậc nhất Afghanistan. Ví dụ, trong số những chiếc ôtô nằm trong bãi đỗ xe ngầm được cho là thuộc sở hữu của một phó tỉnh trưởng và một quan chức tình báo cao cấp - cả hai đều là người thuê nhà trong tòa tháp 32 căn hộ của Barakzai.

Vẻ ngoài hào nhoáng là vậy, nhưng nếu NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 sẽ phủ đám mây mù lên thị trường bất động sản ở Kabul, theo đánh giá của giới môi giới nhà đất. Syed Masoud, giảng viên kinh tế Đại học Kabul cho biết: "Một số người kinh doanh nhà đất tung tin đồn về tình trạng an ninh tồi tệ và kinh tế suy sụp sau năm 2014 ở Afghanistan nhằm mục đích thu mua bất động sản với giá thấp để sau đó bán ra với giá cao ngất ngưởng".

Nhưng, trái ngược lại với giới kinh doanh bất động sản ở Kabul, các chuyên gia kinh tế Afghanistan tỏ ra lạc quan hơn khi nhận định rằng tình hình kinh tế đất nước sẽ ổn định sau năm 2014! Ví dụ, Syed Masoud phân tích: "Mặc dù vấn đề an ninh Afghanistan sẽ bấp bênh hơn vào năm 2014, song tình hình kinh tế đất nước sẽ ổn định nhờ những cam kết hỗ trợ của quốc tế".

Các nhà phát triển bất động sản ở Kabul cho biết, họ vẫn tin tưởng vào nhu cầu nhà ở sang trọng của tầng lớp nhà giàu mới trong tương lai. Niềm tin đó không phải không có cơ sở. Mỗi ngày ở khu mua sắm City Centre hay Gulbahar Centre mới đều xuất hiện đông đảo những người ăn mặc sành điệu mua sắm đồ trang sức, laptop và camera với giá cả ngàn USD.

Và, đối tượng mà giới kinh doanh bất động sản hướng đến trong tương lai là những người Afghanistan làm việc cho các đại sứ quán hay công ty phương Tây kiếm tiền hàng tháng cao gấp 25 lần so với giáo viên!

An Di (tổng hợp)
.
.