Sập nhà 6 tầng tại 49 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội:

Ai chịu trách nhiệm đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại?

Thứ Ba, 26/04/2011, 08:59

Ngày 31/3 vừa qua, tại Hà Nội xảy ra vụ tai nạn hy hữu, ngôi nhà 6 tầng tại 49 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa bỗng dưng đổ sập, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân xung quanh. Có nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ xung quanh vụ sập nhà này?

Vụ sập nhà được báo trước

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, phóng viên ANTG đã xuống hiện trường để tìm hiểu. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, bảo vệ tòa nhà Đông Dương, sát vách ngôi nhà sập, là người đầu tiên phát hiện sự cố cho biết, khoảng 15h ngày 31/3, ông nghe thấy những tiếng động lạ, tiếng "răng rắc" và vôi vữa rơi rào rào từ ngôi nhà bên cạnh. Ông chạy ra ngoài quan sát, thấy ngôi nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng đang có hiện tượng tách dần, nghiêng về phía ngõ bên cạnh. Khe hở giữa hai ngôi nhà ngày càng lớn. Ông hốt hoảng hô hoán, gọi những người trong ngôi nhà số 49 khẩn trương chạy ra ngoài.

Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ cùng người dân báo động cho những người xung quanh ngôi nhà "sơ tán" khẩn cấp và tự căng dây lối đi vào ngõ để ngăn chặn người dân đi lại vào khu vực nguy hiểm. Những gia đình ở tập thể Liên đoàn Trắc địa địa hình (51 Huỳnh Thúc Kháng)  biết thông tin muộn hơn nhưng cũng đã kịp di chuyển xuống đất, nên khi ngôi nhà đổ sập, đã không có thiệt hại về người. Chỉ trong tích tắc, toàn bộ ngôi nhà 6 tầng đã đổ sập hoàn toàn sang phía khu nhà tập thể 5 tầng 51 Huỳnh Thúc Kháng, kéo sập phần lôgia và tường biên của khu tập thể, sập 1 nhà 1 tầng mái tôn phía sau.

"May mà ngôi nhà đổ sớm, nếu không thiệt hại sẽ khủng khiếp vì theo thông tin của nhà hàng, ngày hôm sau, nhà hàng sẽ khai trương" - một người dân sống trong ngõ rùng mình kể lại sự việc kinh hoàng, được họ ví như "động đất" vậy.

Theo người dân sống xung quanh ngôi nhà sập cho biết, nhà được xây từ khoảng những năm 1990-1993, kết cấu ban đầu 3 tầng 1 tum. Ngôi nhà chủ yếu được sử dụng cho thuê và đã qua nhiều chủ thuê. Khi chủ thuê kinh doanh nhà nghỉ Sao Mai, ngôi nhà đã được sửa sang, cải tạo lại thành 5 tầng 1 tum.

Đến tháng 5/2010, nhà nghỉ Sao Mai dừng hoạt động. Cuối năm 2010,  nhà hàng bánh Pizza thuê địa điểm, ngôi nhà được tiến hành sửa chữa lại. Toàn bộ phần tường các tầng phía mặt đường Huỳnh Thúc Kháng và mặt ngõ 49 đã được phá để thay bằng vách kính trong suốt. Các tầng trên cũng đã được đục phá tường ngăn từ các phòng nghỉ cũ thành phòng ăn cho khách hàng.

"Họ đục phá đến hơn 1 tháng khiến chúng tôi đau hết cả đầu" - một nhân viên làm việc tại tòa nhà Đông Dương liền kề cho biết. Cũng theo những người dân sống xung quanh thì chủ thuê nhà mới còn tiến hành khoan cắt mặt bê tông sàn của ngôi nhà để lắp đặt hệ thống thang máy chuyển bánh từ 2 tầng trên cùng (được bố trí làm khu bếp) xuống các tầng dưới là nơi bố trí các bàn ăn cho khách.

Trung úy Vũ Như Quỳnh, CSKV Công an phường Láng Hạ cho biết, trong khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng có 36 hộ dân, trong đó phía cầu thang sát ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng có 18 hộ. Vụ sập nhà đã ảnh hưởng trực tiếp đến 9 hộ dân. Thiệt hại tài sản chưa được thống kê chính xác nhưng sau khi xảy ra sự cố, cả 9 hộ dân đã phải "sơ tán" đi ở nhờ nơi khác.

Thiệt hại về tài sản lớn nhất là Siêu thị máy tính Đăng Khoa ở tầng 1 tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng. Một nhân viên bán hàng cho biết, vào thời điểm xảy ra sự cố, họ được thông báo di chuyển ra ngoài đường. Do thời gian quá gấp nên không kịp chuyển hàng hóa. Phần tường đổ đã đè lên gian trưng bày sản phẩm toàn bộ là máy tính xách tay và kho hàng mới nhập về nên thiệt hại rất lớn. Theo thông báo sơ bộ của siêu thị máy tính, thiệt hại ước tính 20 tỉ đồng. Con số này mới chỉ là thông báo một phía từ siêu thị, chưa được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng.

Chủ nhà là ai?

Theo Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, chủ sở hữu ngôi nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng (địa chỉ cũ số 2 A3 khu A Nam Thành Công), phường Láng Hạ là ông Trần Chí Tài (SN 1962, quê Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh), hiện đang làm ăn, sinh sống tại Đức. Ngày 21/10/2010, ông Tài làm thủ tục ủy quyền cho ông Trần Phùng (SN 1947, ở B1 tập thể Ủy ban Ngân hàng Nhà nước, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), được thay mặt ông giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến việc cho thuê ngôi nhà trên.

Trong cùng ngày 21/10/2010, ông Tài ký hợp đồng cho thuê ngôi nhà với Công ty CP Rồng địa ốc (địa chỉ 1A Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), thời hạn thuê 10 năm, tính từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2021, giá thuê 3.900 USD/tháng. Cùng ngày 21/10/2010, Công ty CP Rồng địa ốc (đại diện là ông Nguyễn Bá Bang, Tổng Giám đốc) ký hợp đồng cho Công ty TNHH Pizza Việt Nam (trụ sở 19 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM - đại diện là ông Rachan Damidi Reddy - Tổng Giám đốc) thuê lại nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng với mục đích kinh doanh nhà hàng.

Sau khi thuê nhà, Công ty TNHH Pizza Việt Nam ký hợp đồng với Công ty CP Phát triển Wedo (văn phòng đại diện 22 Liên Trì, Hà Nội) triển khai dịch vụ khảo sát đo đạc và vẽ hiện trạng công trình nhà hàng. Đến ngày 10/1/2011, Công ty TNHH Pizza Việt Nam ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Trang trí nội thất Nắng mới (ở 93 Cộng Hòa, P301, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM) do ông Choi Sung Soo làm giám đốc, thực hiện việc sửa chữa, trang trí nội thất theo thiết kế của Công ty Wedo (mẫu thiết kế được gửi từ Singapore về Việt Nam).

Do ngôi nhà được cho thuê lại qua nhiều chủ như vậy, các công ty thuê nhà và thực hiện sửa chữa lại có trụ sở tại TP HCM, do người nước ngoài đại diện, nên đến ngày 4/4, mới có đại diện của Công ty TNHH Pizza Việt Nam và Công ty TNHH Trang trí nội thất Nắng mới tới Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa làm việc.

Sau khi được cải tạo thành nhà hàng Pizza đến khi xảy ra sự cố nghiêng rồi đổ sập.

Chính quyền địa phương “còn đang kiểm tra”

Từ những thông tin thu thập được như nêu trên, để làm rõ phản ánh của người dân về việc nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng thêm thành 5 tầng 1 tum từ kết cấu ban đầu 3 tầng 1 tum; cũng như làm rõ việc đơn vị thuê mặt bằng để kinh doanh nhà hàng bánh Pizza khi cải tạo có phép hay không, đầu giờ sáng 4/4, chúng tôi đã liên hệ với bà Trương Thị Nhung, Chủ tịch UBND phường Láng Hạ theo số điện thoại di động 0906141658, nêu rõ nội dung làm việc gồm công tác khắc phục hậu quả và hồ sơ pháp lý của ngôi nhà. Bà Nhung nói cứ đến phường gặp đồng chí Quang - Phó Chủ tịch.

Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp thông tin về khắc phục tai nạn, còn lại các thông tin phóng viên đề nghị cung cấp về hồ sơ pháp lý ngôi nhà, ông Quang đều trả lời không biết, không nắm được do ông phụ trách mảng văn xã. Khi phóng viên đặt câu hỏi đã 5 ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, không lẽ bên cạnh công tác khắc phục hậu quả, chính quyền phường không cho kiểm tra lại hồ sơ pháp lý liên quan đến ngôi nhà bị sập, ông Quang trả lời: “Hình như” các đồng chí lãnh đạo đã giao trách nhiệm cho các bộ phận làm. “Hình như” phường đang rà soát tìm hồ sơ lưu vì trải qua nhiều thời gian, luân chuyển qua nhiều cán bộ rồi...

Sau những "nỗ lực" làm việc với lãnh đạo UBND phường Láng Hạ nhưng không nhận được câu trả lời cần thiết, cuối giờ chiều ngày 4/4, phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Trần Đức Học - Chủ tịch UBND quận Đống Đa. Trước thông tin UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Đống Đa kiểm tra hồ sơ pháp lý của ngôi nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng, ông Học cho biết, UBND quận đã giao Công an quận, Thanh tra xây dựng quận cùng UBND phường Láng Hạ tiến hành điều tra trách nhiệm của chủ nhà, đơn vị thuê nhà để làm rõ sự việc. Kết quả thế nào phải chờ kết luận của Công an và Thanh tra xây dựng.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Vậy đơn vị thuê nhà gần nhất khi cải tạo nhà có xin phép chính quyền địa phương không, thưa ông?” - Ông Trần Đức Học trả lời: “Cái nhà đó là nhà cũ đang sử dụng, chỉ cải tạo nội thất bên trong, chuyện có phép hay không phép, đục đẽo thế nào v.v ...  phải chờ kiểm tra, không ai trả lời lúc này được”. PV: “Theo người dân phản ánh, ngôi nhà ban đầu có kết cấu 3 tầng 1 tum sau được cải tạo lại, ông có biết thông tin này không?” - Ông Trần Đức Học: “Cái nhà đó theo phường báo cáo đã 5 tầng từ nhiều năm nay rồi. Chuyện gốc của nó 3 tầng rưỡi hay 4 tầng rưỡi thì chúng tôi đang kiểm tra vì đây nằm trong dự án bán nhà của công ty hạ tầng trước đây từ năm 1993-1994. Những thông tin đó phải chờ kiểm tra mới phát biểu được, chứ cứ nghe người dân thì không tin chắc".

Theo các chuyên gia về xây dựng, với những công trình cải tạo xây dựng lại, việc quản lý thiết kế, quản lý thi công là mấu chốt trong quản lý của chính quyền địa phương. 5 ngày đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ sập nhà nhưng từ lãnh đạo UBND phường Láng Hạ đến lãnh đạo UBND quận Đống Đa đều trả lời "phải chờ kiểm tra". Không lẽ một ngôi nhà ở địa điểm  mặt phố lớn như vậy, mà chính quyền địa phương với chức năng quản lý địa bàn lại không nắm được việc cải tạo, sửa chữa?

Có hay không việc ngôi nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng đã được cải tạo từ nhà 3 tầng thành 5 tầng, rồi 6 tầng như tại thời điểm xảy ra sự cố đổ sập nhà? Đây là điều Cơ quan điều tra cần nhanh chóng làm rõ, không chỉ để phục vụ việc xử lý bồi thường cho các gia đình bị hại, mà hơn cả là làm rõ trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng

* Ông Phạm Tiến Văn, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng: Nhà sập là do cơi nới thêm tầng

Sau khi xảy ra vụ sập nhà, tôi đã trực tiếp xuống hiện trường để tìm hiểu. Qua quan sát bằng mắt thường, ngôi nhà được xây trên nền móng băng, kết cấu hỗn hợp, khung cột và tường cùng tham gia chịu lực. Kết cấu cột trụ ngôi nhà là 220 x 220, mỗi cột chỉ có 4 thanh sắt phi 12-14, bước cột từ 4- 5m. Chỉ nhìn sơ bộ cũng thấy khung cột như vậy không thể chịu được 6 tầng. Nguyên tắc nhà khung cột chịu lực không phải tường nhưng quan trọng là tính toán kích thước cột, hàm lượng cốt thép chịu lực như thế nào.

Thông thường các công trình nếu khung cột chịu lực, xây xong mới chèn tường. Còn ở công trình này, tường phải đồng thời chịu lực với khung cột. Như vậy khi đập bỏ tường để thay bằng kính, kết cấu chịu lực của khung cột mất rồi. Việc cơi nới thêm 3 tầng trên nền móng, kết cấu cũ là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngôi nhà bị sập. Không loại trừ  khả năng, chủ ngôi nhà đã xây dựng không phép đối với 3 tầng trên.

Luật sư Phạm Hồng Hải, Trưởng VP Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự: Phải đảm bảo quyền lợi cho các gia đình bị thiệt hại

Ở đây, theo tài liệu của báo cung cấp, chủ nhà đã làm đúng các thủ tục quy định về cho thuê nhà bởi hợp đồng cho thuê nhà được thực hiện ở cơ quan công chứng. Do đó, chủ cho thuê nhà không chịu trách nhiệm bồi thường bởi khi thuê nhà, hai bên đã tự thỏa thuận với nhau, người thuê phải đến để kiểm tra chất lượng công trình. Mà công trình lúc cho thuê nhà vẫn đang sử dụng được, không phải thấy nhà nứt, hư hỏng, chuẩn bị sập rồi mới cho thuê, người cho thuê không  mong muốn đẩy thiệt hại cho người thuê.

Trường hợp ngôi nhà được thiết kế móng 3 tầng mà khi cải tạo, sửa chữa lại thành 5 tầng, nếu có phép thì không vấn đề gì,  nhưng nếu không có phép, là vi phạm các quy định về quản lý xây dựng rồi. Trường hợp này phải đưa người xây dựng không phép vào cuộc. Tiếp đó là trách nhiệm của người sau này thực hiện sửa thuê cho đơn vị thuê cuối cùng, về nguyên tắc phải có hồ sơ xây dựng của ngôi nhà từ trước đến nay. Vậy đơn vị này có làm điều đó hay không, đã tìm hiểu hay chưa? Nếu biết ngôi nhà chỉ được thiết kế 3 tầng mà bây giờ tiếp tục xây dựng thêm, thì đó là thiếu sót.  Cơ quan điều tra phải vào cuộc để làm rõ các vấn đề này.

Cho dù nguyên nhân sập nhà do thiết kế hay thi công nhưng thiệt hại của các hộ dân là đã rõ,  về nguyên tắc họ phải được bồi thường về dân sự, các bên phải thỏa thuận để bồi thường cho họ, nếu không tự thỏa thuận được thì phải đưa ra tòa dân sự để giải quyết. Còn nếu như có dấu hiệu về  hình sự, ở đây là hành vi vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thì Cơ quan điều tra phải vào cuộc để khởi tố vụ án. Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự, thì các bên cũng  không thể tự thỏa thuận bồi thường với nhau mà Cơ quan điều tra có quyền xử lý vì đây không thuộc loại án khởi tố theo đơn yêu cầu của người bị hại.

Hương Vũ
.
.