Ai chịu trách nhiệm việc tu bổ thô bạo Kinh thành Huế?

Thứ Năm, 02/05/2019, 16:28
Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Bao quanh chân Kinh thành là hộ thành hào với những đoạn bờ kè làm bằng đá núi, hay còn gọi là đá gan gà được xếp theo kỹ thuật đá khan không dùng vữa kết dính.

Tuy nhiên sau gần 200 năm tồn tại, bờ kè của di tích bậc nhất xứ Huế lại đang được tu bổ bằng cách đào bới, xây mới, không bảo tồn đúng nguyên trạng gốc di tích.

Từ dự án tu bổ di tích Kinh thành Huế

Kinh thành Huế được xây dựng bên bờ bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam với diện tích mặt bằng 520ha. Vòng thành có chu vi gần 10km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài bố trí cách đều nhau kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Ban đầu thành chỉ đắp bằng đất, đến cuối đời vua Gia Long mới bắt đầu xây gạch.

Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài. Riêng hệ thống sông đào (còn gọi là hộ thành hào) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy.

Theo sử sách, hộ thành hào được vua Gia Long khảo sát xây dựng từ năm 1803, đến năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng mới hoàn thành. Công trình này được đắp bằng đá núi, theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Trải qua thời gian dài với 187 năm tồn tại, do ảnh hưởng của thời tiết cùng với những tác động khác đã khiến di tích bờ kè hộ thành hào không còn nguyên trạng như ban đầu khi có nhiều điểm xuống cấp, hư hại, cần được tu bổ.

Xe múc đào bới bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế để tiến hành tu bổ, xây mới di tích này.

Nhận thấy sự cấp thiết, chống xuống cấp cho bờ kè di tích nên từ năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng. Trong đó hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích kinh thành Huế là 497 tỷ đồng, kinh phí còn lại phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư những hộ dân trong vùng dự án.

Tuy nhiên do dự án có quy mô lớn nên tỉnh Thừa Thiên- Huế đã điều chỉnh dự án đến năm 2020. Theo đó, ngoài việc tu bổ tường thành, các eo bầu, tu bổ phục hồi Quang Tượng đài, lầu Bát Phong, phần tu bổ, tôn tạo di tích hộ thành hào cũng nằm trong tổng dự án này với các hạng mục như kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ, bến cổng. Trong đó sẽ tu bổ 10.443m chiều dài kè phía trong, đoạn tiếp giáp với tuyến phòng lộ, riêng bờ kè phía nam Kinh thành Huế sẽ tu bổ với chiều dài hơn 2.500m.

Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế làm chủ đầu tư; Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung tư vấn, lập hồ sơ kỹ thuật thiết kế thi công. Mục tiêu của dự án là tu bổ toàn bộ hệ thống kè hào đã bị hư hỏng, sạt lở, nạo vét lòng hào bị bồi lấp, tu bổ tường thành, chỉnh trang hệ thống cầu. Đây được xem là dự án quan trọng góp phần bảo vệ di tích Kinh thành Huế tránh bị sói mòn, sập đổ.

Không thể phá để… tu bổ!

Tại mặt nam Kinh thành Huế, đoạn bờ kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài dài gần 1.000m được Trung tâm BTDT Cố đô Huế triển khai tu bổ từ cuối năm 2018 và đến tháng 3-2019 hoàn thành. Hồ sơ dự án ghi rõ phương án tu bổ hạng mục kè hộ thành hào, gồm “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt, tiến hành hạ giải, tu bổ phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ. Lòng hào được nạo vét 0,6m; đất thải chuyển đến vị trí quy định. Tuyến phòng lộ được san nền, trồng cỏ 3 lá, lát tuyến đường dạo bằng gạch Bát Tràng rộng khoảng 1,6m…”.

Đặc biệt, đối với việc tu bổ bờ kè di tích Kinh thành Huế, trong công văn ngày 19-9-2018 của Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL gửi Trung tâm BTDT Cố đô Huế - chủ đầu tư dự án có ghi rõ nội dung: “Cần lựa chọn một số đoạn kè còn tốt (được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo đủ kích thước và ổn định về khả năng chịu lực) để gia cố chân móng, tu bổ theo hiện trạng”.

Gần 1.000m bờ kè đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài được xây mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, đi ngược với những lưu ý chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công đã tiến hành tu bổ di tích bằng cách phá bỏ các đoạn kè rồi tiến hành xây mới với bê tông, cốt thép, đá granit.

Cụ thể, tại đoạn kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài vừa hoàn thiện, đơn vị thi công dùng xe cơ giới phá bỏ bờ kè nguyên gốc của hào nước bao bọc quanh Kinh thành Huế thay vì hạ giải những viên đá gan gà theo phương pháp thủ công. Việc làm này đã khiến người dân địa phương, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử lên tiếng phản ánh và cho rằng việc tu bổ bờ kè thực hiện không đúng theo Luật Di sản văn hóa.

Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, thành viên Hội đồng tham vấn các nhiệm vụ khoa học và nghệ thuật của Trung Tâm BTDT Cố đô Huế (gọi tắt là Hội đồng khoa học) cho biết, sự hư hỏng và sụt lún ở bờ kè hộ thành hào là thực tế nghiêm trọng cần được giải quyết, bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của phòng thành Huế.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thông, “nếu công tác bảo tồn mà chỉ nghĩ đến việc thuận lợi, tiện ích và kinh tế, bất chấp đúng sai, cũng như bất chấp những thỏa thuận buộc phải thực hiện theo tinh thần biên bản của Hội đồng khoa học thì đúng là không còn gì để nói…”.

Tại cuộc họp trước khi dự án triển khai, giải pháp được các thành viên trong Hội đồng đồng tình cao là ưu tiên giữ nguyên và có biện pháp gia cố những đoạn kè còn nguyên vẹn; những đoạn hư hỏng sẽ được ghè bằng loại đá cũ thu lại do rơi vãi dưới lòng hồ. Riêng những đoạn bị tàn phá nặng, trong trường hợp thiếu đá cũ thì có thể sử dụng thêm đá granit. Và loại đá này chỉ dùng để chêm gia cố phần trong bờ kè, nơi không thể nhìn thấy, riêng mặt ngoài tuyệt đối vẫn phải tận dụng đá cũ.

Có ý kiến cho rằng dùng 2 loại đá cũ và mới cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật về độ kết dính. Vấn đề này được giải quyết bằng cách dùng cốt bê tông được giấu trong đất để gắn loại đá mới gia cố bờ kè, sau đó sắp mặt ngoài bằng đá cũ như vốn có. Và giải pháp này nhận được sự đồng tình trong các thành viên Hội đồng khoa học.

Điều đáng buồn là đơn vị thực hiện dự án chỉ dùng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học như để làm thủ tục thông qua hồ sơ chứ họ không xem xét làm căn cứ thực hiện việc tu bổ di tích. “Có thể nói, việc đào bới bờ kè hộ thành hào và xây lại tất cả bằng loại đá granit là việc làm tùy tiện, bất chấp! Vì sao? Bởi vì làm vậy sẽ khỏi phải nạo vét, thu nhặt đá cũ, không phải xử lý rắc rối với tình trạng từng đoạn kè hư hỏng với các mức độ khác nhau.

Mặt khác, việc tu bổ bằng việc tận thu những viên đá gan gà cũ hàng trăm năm tuổi và sắp đặt, tận dụng đá cũ phải chùi rửa để có thể kết dính với vữa sẽ vô cùng mất công nên đơn vị thi công đã chọn phương án hạ giải toàn bộ để tu bổ”, ông Thông nói. Và nhiều nhà nghiên cứu khác ở Huế cũng đồng tình với quan điểm này khi đơn vị thi công đã đối xử quá “thô bạo” với di tích bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế.

Thi công tùy tiện

Liên quan đến vụ việc này, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án lý giải, trong quá trình thi công, qua khảo sát, xác định chất lượng kè đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài hư hỏng nghiêm trọng, không còn đoạn nào có thể giữ nguyên trạng nên giải pháp tu bổ là hạ giải, tháo dỡ toàn bộ để làm lại nhằm đảm bảo kè có tính ổn định, bền vững. Toàn bộ kích thước hình học, kiến trúc, diện mạo đều được đảm bảo như kè gốc và tận dụng tối đa vật liệu tháo ra để tái sử dụng(?!)

Ông Tuấn thừa nhận, trong quá tình thực hiện dự án, đơn vị thi công cũng có phần sơ suất, sai sót. Cụ thể, sau khi tháo dỡ bờ hộ thành hào bị hư hỏng, đáng lẽ đơn vị thi công phải chọn lựa những viên đá gốc còn có thể tái sử dụng; riêng phần còn lại nằm dưới lòng hào, cách bờ trên 3m thì mới tiến hành can thiệp bằng máy móc theo quy định và định mức cho phép. Thế nhưng trong lúc thi công, yêu cầu này chưa được thực hiện triệt để dẫn đến dư luận phản ứng.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (người đứng) lý giải việc tu bổ, xây mới bờ kè hộ thành hào.

Trước những phản ứng gay gắt của dư luận trong và ngoài nước nên Trung tâm BTDT Cố đô Huế, đơn vị chủ đầu tư dự án đã cho tạm dừng thi công việc tu bổ bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế. Qua kiểm tra hiện trường thi công đoạn bờ kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, đơn vị này xác nhận một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, việc triển khai thi công chưa đúng tiến độ, tại một số vị trí, việc thi công còn tùy tiện, không đúng theo yêu cầu về kỹ thuật thi công đã được phê duyệt. Đơn vị thi công sử dụng các phương tiện cơ giới trong quá trình hạ giải tuyến kè, gây ra những hình ảnh phản cảm. Sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm khi xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình.

Đau xót trước việc trùng tu, tu bổ di tích của một Di sản thế giới như xây mới, nhiều bạn đọc đã cung cấp hình ảnh các đoạn kè dọc hộ thành hào, đoạn gần cửa Quảng Đức được chụp vào tháng 4-2018 cho thấy bờ kè này còn khá nguyên vẹn. Những hình ảnh này cũng nói lên rằng, việc hạ giải, trùng tu di tích của đơn vị thi công là quá tùy tiện.

Yêu cầu rà soát toàn bộ dự án để khắc phục

Liên quan đến vụ việc này, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, UBND tỉnh vừa có công văn số 2313/UBND-XDCB gửi Trung tâm BTDT Cố đô Huế vào ngày 19-4. Theo công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế, quá trình quản lý giám sát, thi công hạng mục bờ kè hộ thành hào thuộc dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” để đánh giá xác định cụ thể các nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác tu bổ, tôn tạo đoạn bờ kè vừa triển khai (từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài); trên cơ sở xác định, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế còn yêu cầu chủ đầu tư dự án cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, không để xảy ra trường hợp tương tự. Đồng thời rà soát, tiếp thu các ý kiến của các tổ chức, cá nhân để nghiên cứu kỹ các giải pháp thực hiện các đoạn bờ kè tiếp theo, đảm bảo tính khoa học, đúng quy trình, quy định của pháp luật về xây dựng và bảo tồn di sản văn hóa và các ý kiến thẩm định về thiết kế dự án của Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL để báo cáo UBND tỉnh.

Tuy nhiên, dù chủ đầu tư dự án lẫn đơn vị thi công cố gắng đưa ra nhiều lý do để phá dỡ, xây mới nhằm trùng tu bờ kè di tích thuộc di sản thế giới thì cũng không thể nào biện minh cho hành động xâm hại di tích, vi phạm Luật Di sản văn hóa. Dư luận đang mong chờ phía cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ xử lý vụ việc này như thế nào, cũng như xử lý các cá nhân, tập thể có liên quan đến sai phạm trong việc trùng tu, bảo tồn bờ kè hộ thành hào di tích Kinh thành Huế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo việc tu bổ di tích Kinh thành Huế

Ngày 22-4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tu bổ bờ kè hộ thành hào, Kinh thành Huế.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nghiên cứu các nội dung liên quan đến công trình tu bổ kè hộ thành hào thuộc dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư để báo cáo Thủ tướng.

Anh Khoa
.
.