Ai có thể cứu được nền kinh tế Mỹ?

Thứ Sáu, 10/10/2008, 16:30
Wall Street nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung đã nín thở chờ kết quả bỏ phiếu quanh dự luật giải cứu kinh tế Mỹ bằng kế hoạch trọn gói 700 tỉ USD tại Thượng viện tối thứ tư 1/10/2008.Và tất cả đã có thể (tạm) thử phào khi nhận được tin các ông nghị Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ với tỉ lệ 74/25(khoảng 8h30’ ngày 2/10/2008 giờ Việt Nam).

Tạm thời gác qua dự luật 700 tỉ USD, vấn đề bây giờ là làm thế nào tìm được “cây đũa thần” có thể vực dậy một Wall Street đang ngoi ngóp và một nền kinh tế với "cục nợ" khổng lồ lên đến gần 10.000 tỉ USD...

Từ khủng hoảng niềm tin kinh tế đến niềm tin vào hệ thống chính trị

Dự luật 700 tỉ USD đã trở thành chủ đề thời sự trọng yếu nhất những ngày qua tại Mỹ. Trưa thứ hai 29/9/2008, Wall Street thậm chí tạm ngưng hoạt động để theo dõi truyền hình trực tiếp kết quả việc bỏ phiếu thông qua dự luật trên tại Hạ viện.

Ngay khi có kết quả Hạ viện bác bỏ, chỉ số Dow Jones lập tức giảm 389 điểm, tức 3,6%, chỉ trong 7 phút! Đến cuối ngày, chỉ số Dow Jones giảm tổng cộng 7% - thấp nhất kể từ vụ khủng hoảng hệ thống tài chính Mỹ năm 1987.

Việc dự luật 700 tỉ USD bị Hạ viện khước từ rồi được Thượng viện hồi sinh (còn tiếp tục được Hạ viện xét lại vào thứ sáu 3/10/2008) cho thấy không chỉ niềm tin trong hệ thống tài chính bị lung lay mà cả niềm tin vào hệ thống chính trị cũng bị ảnh hưởng.

Dù gần như tất cả các nhân vật trọng yếu trong chính trường Mỹ đều ủng hộ dự luật (từ Tổng thống, Phó tổng thống, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán quốc gia, hai ứng cử viên tổng thống đến lãnh đạo đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa trong Lưỡng viện), nhưng cuối cùng khi được đem bỏ phiếu, dự luật lại bị bác.

Như Time phân tích, sự kiện cho thấy đây là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng niềm tin trong hệ thống chính trị một cách sâu sắc trong lịch sử cận đại Mỹ. Nó như giọt nước tràn ly thể hiện sự bất mãn của công chúng Mỹ về hệ thống chính trị đang lãnh đạo họ.

Tỉ lệ công chúng ủng hộ Tổng thống Bush hiện chỉ ở mức 28% trong khi chỉ có 18% bày tỏ ủng hộ Quốc hội. Cần biết rằng, sở dĩ có sự ngoảnh mặt với dự luật 700 tỉ USD vào phút chót trong Hạ viện là bởi ngày bầu cử đang đến gần và các nghị sĩ Hạ viện cuối cùng đã chọn giải pháp nói "Không", theo xu hướng phản đối dự luật của đa số cử tri.

Theo quan sát của ông Nate Silver, người điều hành website FiveThirtyEight.com, trong 38 dân biểu đương nhiệm thuộc cả hai đảng có khả năng bị thất cử trong cuộc bầu cử tới, 30 vị đã đành bỏ phiếu bác bỏ dự luật nhằm tạo độ an toàn cho chiếc ghế của mình.

Nói cách khác, mối quan hệ phức tạp giữa lá phiếu cử tri và sự tồn tại của chính trị gia đã quyết định kết quả cho dự luật 700 tỉ USD tại Hạ viện.  Tâm trạng cử tri Mỹ hiện tuột dốc chưa từng có.

Một tỉ lệ "kinh khủng" với 8/10 người Mỹ (theo AP tiến hành vào ngày 1/10/2008), trong cuộc thăm dò gần đây nhất, đã bày tỏ nỗi sợ cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hiện thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ và thậm chí thế hệ tương lai (45% ý kiến từ đối tượng trưởng thành phản đối dự luật 700 tỉ USD, khi cho rằng họ - những người đóng thuế - giờ đây phải "đổ vỏ" cho những kẻ "ăn ốc").

Tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức 6,1% (cao nhất trong 5 năm qua) và có thể lên 7% hoặc 7,5% vào cuối năm 2009. Tổng quát, tâm trạng bồn chồn, lo lắng và thậm chí sợ hãi đang phủ bóng đen lên xã hội Mỹ.

Không ít người hoang mang tin rằng đây là giai đoạn đầu của quá trình khủng hoảng toàn diện, một sự trở lại của cú sốc đại khủng hoảng diễn ra vào thập niên 30, thế kỷ XX (năm 1932, tiêu dùng và đầu tư Mỹ đều sụp đổ trong khi cổ phiếu giảm 80%).

Tỉ lệ tiết kiệm gần như bằng không. Nợ nước ngoài của Mỹ đã tăng từ khoảng 1 tỉ USD/ngày năm 2006 lên 2,5 ngàn tỉ hiện nay (Der Spiegel). Các hộ gia đình Mỹ hiện nợ khoảng 13 ngàn tỉ USD, với chủ nợ trong nước lẫn nước ngoài. 36% trong khoản nợ trên đã hình thành trong 5 năm qua.

Thị phần xuất khẩu hàng hóa Mỹ đã giảm 1/2 từ năm 1960 đến nay. Xuất khẩu Mỹ hiện nay, dù chiếm 11,8% GDP năm 2007, vẫn gần như bằng mức vào năm 1997. --PageBreak--

Ảnh hưởng toàn cầu

Ngay thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu "ôm của chạy theo người" khi rút tiền khỏi các quỹ đầu tư. Washington Post (1/10/2008) cho biết trong tháng 9-2008, các nhà đầu tư đã rút 22 tỉ USD vốn cổ đông khỏi các quỹ hỗ tương (so với 2 tỉ USD vào tháng 8/2008).

Cùng lúc, 24 tỉ USD cũng được rút khỏi các quỹ quản lý trái phiếu (trong tháng 9-2008) - mức cao nhất trong một tháng. "Thường thì người ta rút vốn cổ đông để chuyển sang đầu tư trái phiếu nhưng lần này họ cũng từ bỏ trái phiếu.

Bởi nhiều vấn đề liên quan tín dụng, tất cả đều lo ngại và họ chọn giải pháp an toàn nhất" - nhận xét của Conrad Gann, Chủ tịch Công ty Trim Tabs. Nhiều nhà đầu tư đã mất trắng hàng triệu đôla trong chớp mắt.

Tờ Forbes (26/9/2008) cho biết, trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, có 30 CEO (tổng giám đốc điều hành) các công ty có niêm yết thị trường chứng khoán với tổng giá trị tài sản 215 tỉ USD đã mất trắng 790 triệu USD trong năm 2007, tức mất 633,78 USD/giây.

Cụ thể, giá trị tài sản của Rupert Murdoch (chủ Tập đoàn Truyền thông News Corp) mỗi giờ bị "mẻ" hết 1,5 triệu USD trong năm 2007 (do giá cổ phiếu giảm) hoặc trường hợp của Warren Buffett (CEO của Tập đoàn Berkshire Hathaway) bị "khuyết" 2 tỉ USD bởi giá cổ phiếu giảm 18% kể từ tháng 2-2008...

Sự u ám nặng nề của kinh tế Mỹ có thể được tóm lược bằng tít một bài viết trên tạp chí Time của tác giả Justin Fox, rằng ngành xuất khẩu số một của nước Mỹ hiện nay là... các khoản nợ(!), tức Mỹ đang cố bán cổ phiếu cho nước ngoài để lấy tiền cứu hệ thống tài chính. 

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng tăng, từ 114 tỉ USD năm 1995, lên 417 tỉ USD năm 2000, 788 tỉ USD năm 2006 rồi 731 tỉ USD năm 2007 (5% GDP).

Ảnh hưởng từ tình trạng tuột dốc kinh tế Mỹ ở bình diện toàn cầu ngày càng được cảm nhận rõ hơn. Từ Anh đến Nhật, đâu đâu người ta cũng bàn đến sự tụt giảm hiệu suất kinh tế. Chỉ số tin cậy của công chúng đối với kinh tế nước nhà tại Anh hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1974 và lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro diễn ra nhanh hơn dự đoán.

Tại Nhật, khu vực sản xuất tiếp tục suy giảm. "Tất cả đều đình trệ và tất cả đang hướng đến bờ vực suy thoái" - nhận xét của Holger Schmieding, kinh tế gia thuộc Bank of America, khi nói đến xu hướng tiêu cực tại các nước công nghiệp hóa. Tại các nước đang phát triển, tình hình tất nhiên ảm đạm hơn.

Theo thăm dò của Global Insight tại 54 thị trường đang phát triển, dự báo tăng trưởng năm nay chỉ đạt khoảng 6,7%, giảm từ 7,5% so với năm 2007 trong khi 31 nước phát triển chỉ tăng được 1,6%. Kinh tế gia Mingchun Sun dự báo kinh tế Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2008 chỉ đạt 8,7% so với 10,4% trong 6 tháng đầu (và 11,4% trong 12 tháng năm 2007).

Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008 chỉ đạt 21% so với 26% cùng kỳ năm 2007 và có thể tụt còn 10-15% trong nửa năm sau của 2008. Lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2008 đã giảm nửa từ 42% năm 2007 xuống còn 21% năm nay. Đây là lần đầu tiên trong 35 năm mà thế giới đối mặt với cú sốc lạm phát một cách "đồng bộ" như vậy.

Một báo cáo của Morgan Stanley tung ra gần đây đã cho thấy phần nào mức độ nghiêm trọng của sự tụt giảm kinh tế toàn cầu: "Hoàn toàn ngạc nhiên, chúng tôi thấy rằng có đến 50 trong 190 quốc gia hiện chứng kiến tình trạng lạm phát hai chữ số (trên 10%)" - báo cáo viết.

Nói cách khác, khoảng 1/2 dân số thế giới đang chịu cảnh vật giá tăng hai chữ số”. Giữa tháng 7/2008, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cảnh báo rằng lạm phát đang đe dọa sự phát triển tại châu lục này.

Một báo cáo từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào tháng 7/2008 cũng đề nghị giới hoạch định chính sách khu vực nên từ bỏ mục tiêu phát triển để xoáy vào trọng tâm chống lạm phát.

Gánh nặng khổng lồ chờ đón người kế vị tổng thống Bush

Một trong những câu hỏi được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là ai - giữa hai ứng cử viên John McCain và Barack Obama - có thể cứu được kinh tế Mỹ, nếu một trong hai nhân vật này đắc cử tổng thống?

Cách đây một năm, hầu hết ý kiến đều tin rằng chính sách đối ngoại là chủ đề quan trọng của chiến dịch bầu cử tổng thống nhưng giờ đây vấn đề kinh tế đang trở thành trọng tâm. Cả ông Obama và McCain đều chuyển hướng xoáy mục tiêu tranh cử vào vấn đề kinh tế.

Trong khi ông McCain nhắm đến việc giảm thuế, giảm chi tiêu công và sẵn sàng “trói” Wall Street bằng luật; Obama cho thấy ông sẵn sàng phản ứng nhanh với các rắc rối kinh tế. Trong cuộc thăm dò mới nhất (AP công bố ngày 2/10/2008), Obama đang dẫn trước với chênh lệch 7 điểm (tỉ lệ 48/41%) bởi được kỳ vọng có thể xử lý các vấn đề kinh tế tốt hơn ông McCain.

Sự thắng điểm của ông Obama còn nhờ vào việc ngày càng có nhiều cử tri bày tỏ sự hoài nghi về năng lực của bà Sarah Palin, liên danh với  ông McCain ở vị trí phó tổng thống.

Bất luận là ai, một gánh nặng khổng lồ cũng đang chờ đón người kế nhiệm Tổng thống Bush, với một sứ mạng khó có thể thực thi chỉn chu trong vài năm mà thậm chí có thể mất đến một hoặc vài thập niên, một trọng trách mà chắc chắn 700 tỉ USD hoặc hơn thế nữa cũng chưa chắc giúp hoàn thành việc "chuộc tội" với công chúng Mỹ từ những gì mà hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm để lại...

Manh Kim(tổng hợp)
.
.