Airbus lao đao sau cáo buộc gian lận

Thứ Hai, 15/08/2016, 15:35
Theo thông báo ngày 7/8 của cơ quan chống gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO), cơ quan này chính thức xác nhận họ đang tiến hành một cuộc điều tra đối với Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus về những cáo buộc tham nhũng, hối lộ và gian lận thương mại liên quan đến việc bán các sản phẩm thương mại do hãng này sản xuất.

Cũng theo thông báo này, cuộc điều tra đã bắt đầu tiến hành từ tháng 7 nhưng mới được tiết lộ bởi Airbus cuối tuần vừa rồi. SFO hiện yêu cầu các cá nhân liên quan ra trình diện sớm nhất mặc dù nhấn mạnh sẽ không công bố chính thức các chi tiết liên quan đến cuộc điều tra cho tới khi cuộc điều tra kết thúc.

Nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới có trụ sở tại Pháp cho biết sẽ hợp tác với giới chức Anh để giải quyết vụ việc tuy nhiên chưa bình luận thêm về các chi tiết.

Không còn hậu thuẫn

Sự việc bắt đầu từ tháng tư, sau khi SFO công bố những nghi vấn xung quanh hoạt động kinh doanh của Airbus, Chính phủ Anh đã thông báo tạm ngừng các đơn tín dụng xuất khẩu của Airbus và yêu cầu hãng này xem lại các chính sách liên quan đến đại lý của hãng tại các nước ngoài liên minh EU.

Một tuần sau công bố gây sốc của Anh, Đức và Pháp cũng ngừng tín dụng xuất khẩu cho Airbus do lo ngại nguồn tín dụng được sử dụng trong các gian lận thương mại liên quan đến các bên tư vấn thứ 3 tại nước ngoài của Airbus.

Cần phải nhấn mạnh, chính Airbus thừa nhận họ đã phát hiện một số sai phạm liên quan đến việc bán hàng tại nước ngoài và chủ động cung cấp các tài liệu liên quan đến các đại lý cho chính quyền. Hành động này được cho là nỗ lực của Airbus trong việc tuân thủ luật pháp EU và tránh những scandal bất ngờ vốn thường mang lại hậu quả tồi tệ.

Giám đốc điều hành Airbus trong một buổi giới thiệu máy bay mới.

Hỗ trợ tín dụng có vai trò lớn trong chiếm ưu thế cạnh tranh thương mại, đặc biệt với những tập đoàn đa quốc gia và với các mặt hàng đặc thù. Năm ngoái, tín dụng xuất khẩu chiếm 6% trong các thương vụ của Airbus.

Tín dụng xuất khẩu được nhiều chính phủ sử dụng để hỗ trợ các nhà xuất khẩu lớn của mình thông qua bảo hiểm cho các khoản vay dành cho những khách hàng nước ngoài mua sản phẩm của các quốc gia đó. Cũng giống như Boeing tại Mỹ, Airbus từng nhận được sự hỗ trợ tín dụng thường xuyên từ phía các chính phủ EU như Anh, Pháp và Đức - nơi các bộ phận chính của máy bay thương mại Airbus được sản xuất.

Hỗ trợ tín dụng cho các hãng hàng không từng vài lần đưa quan hệ Mỹ và EU lên mức căng thẳng. Năm 1992, lần đầu sau nhiều ngày đàm phán, một thỏa thuận giới hạn hỗ trợ của mỗi bên cho hãng chế tạo máy bay của mình đã được ban hành.

Theo đó, chính quyền các nước EU có quyền cho Airbus vay đến 33% chi phí phát triển máy bay và số tiền này cần được trả trước 17 năm. Thỏa thuận trên cũng cho phép Mỹ hỗ trợ Boeing với mức tối đa là 3% doanh thu của ngành công nghiệp máy bay thương mại.

Tuy nhiên vào năm 2005, khi thỏa thuận 1992 đã không còn phù hợp và nhiều ngày đàm phán vô vọng, hai bên đã buộc phải lôi nhau ra WTO: Mỹ cáo buộc EU đã vi phạm công bằng thương mại khi chấp thuận yêu cầu của Airbus với Chính phủ Anh hỗ trợ phát triển các mẫu máy bay thương mại mới.

Đáp lại, EU cũng ngay lập tức nộp đơn lên WTO cáo buộc Chính phủ Mỹ đã viện trợ ngầm cho Boeing bằng tài chính và sức ép ngoại giao nhằm giúp Boeing có được những hợp đồng lớn ở nước ngoài.

Sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu đã giảm nhiều hi vọng của Airbus trong nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính thống nhất từ chính quyền EU và vụ điều tra này đã dập tắt hi vọng ấy khi mà hãng chế tạo máy bay này công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm sút tới 1,4 tỷ Euro vì những vấn đề liên quan đến các loại máy bay quân sự A400M và A350.

Máy bay mới ế khách

Doanh thu của Airbus trong vài năm tới được dự đoán khá ổn định, tuy nhiên phần lớn doanh thu đến từ các hợp đồng trong những năm trước. Hiện nay Airbus còn khoảng 6.700 chiếc máy bay đã được đặt hàng nhưng chưa kịp sản xuất, sẽ cần khoảng 10 năm để hoàn thiện số máy bay trên.

Mặc dù Airbus vẫn đạt được một số đơn hàng mới tại triển lãm hàng không Farnborough Air Show 2016, giới chuyên gia cho rằng sẽ rất khó cho Airbus tìm kiếm được những hợp đồng tương đương với vài trăm chiếc máy bay trong các năm tới. Việc này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn của hãng.

Các đơn đặt hàng trong vài năm gần đây của Airbus chủ yếu là với các mẫu máy bay cũ hoặc các mẫu máy bay được nâng cấp trên nền tảng các mẫu máy bay cũ. Các mẫu máy bay mới như A380 và A350 dù được kì vọng sẽ mang lại những đơn đặt hàng khổng lồ lại chưa đáp ứng được kì vọng.

A380, mẫu máy bay chưa thành công của Airbus.

Từ khi ra mắt năm 2007, Airbus A380 với thiết kế xa xỉ đã mang lại cảm hứng về đẳng cấp của việc di chuyển bằng máy bay vốn bị các hãng hàng không giá rẻ xóa bỏ vài năm gần đây. Song, tiện nghi xa hoa lẫn kích thước bề thế lại chưa mang lại những đơn đặt hàng tương ứng: Chỉ có 190 chiếc đang được khai thác so với kì vọng 1.200 chiếc vào lúc ra mắt.

Hãng cũng cho biết sẽ cắt giảm 50% sản lượng mẫu máy bay A380 bắt đầu từ năm 2018. Mỗi tháng hãng này sẽ chỉ sản xuất 1 máy bay thay vì 2 máy bay A380 như hiện tại do việc tìm kiếm khách hàng mới cho mẫu máy bay này khá chật vật.

Năm ngoái, Airbus mới hòa vốn sản xuất và cho hay họ không bao giờ thu lại được 25 tỉ EURO, tương đương 32 tỉ USD, dành cho việc phát triển A380. Chuyên gia Zafar Khan của ngân hàng Société Générale cho hay nếu Airbus không tìm kiếm được hợp đồng lớn nào cho mẫu máy bay này, hãng chắc chắn sẽ lỗ trong chương trình này.

A350 khá khẩm hơn nhưng cũng một phen làm Airbus lao đao khi 3,15% giá cổ phiếu bị tụt giảm chỉ trong vòng 1 ngày sau khi hãng hàng không Emirates thông báo đã hủy bỏ đơn đặt hàng 70 chiếc máy bay đường dài này từ nhà sản xuất châu Âu. Đơn đặt hàng này có giá không dưới 16 tỉ USD.

Hiện nay, khi giá dầu thế giới đang lao dốc, chi phí nhiên liệu đã giảm 40-50% thì những chiếc máy bay tiết kiệm nhiên liệu như A350, A319Neo vốn đắt hơn 20% so với các mẫu cũ cũng sẽ mất đi ưu thế cạnh tranh, việc các hãng hàng không hủy đơn đặt hàng các mẫu máy bay hiện đại tiết kiệm nhiên liệu và tận dụng các máy bay cũ hơn cũng sẽ trở lên phổ biến hơn.

Thị trường biến động, cuộc điều tra của SFO mở rộng đã bắt đầu ảnh hưởng đến sức mạnh của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Từ đầu năm 2016, Airbus đã hai lần vướng vào những cáo buộc liên quan đến gian lận thương mại khiến cổ phiếu của hãng này giảm 16%.

Việc các quốc gia EU ngừng cung cấp hỗ trợ tín dụng cho Airbus cũng sẽ khiến hãng này gặp nhiều khó khăn hơn trong cạnh tranh với đối thủ Boeing cũng như đảm bảo thị phần trước các thế lực mới nổi của ngành hàng không dân dụng thế giới.

Phùng Nguyễn
.
.