Ấn Độ: Nỗi buồn xiếc dạo

Thứ Ba, 17/09/2013, 20:55

Những rạp xiếc dạo ở Ấn Độ đã từng có thời kỳ vàng son vì là hình thức giải trí phổ biến của bậc các vương tôn, quý tộc cho đến thường dân Ấn Độ. Những gánh xiếc lớn nhất đã từng "cắm rễ" ở trung tâm thị thành, đêm từng đêm khán giả nô nức đến xem...

Một thời vang bóng…

Ông chủ rạp xiếc  Rambo, John Matthew lặng lẽ đứng nhìn các diễn viên luyện tập với khuôn mặt đầy lo âu. Đã 38 năm rồi, ông hoạt động trong cái nghề mua vui cho người dân khắp miền nam Ấn Độ. Nhưng thời gian gần đây, khán giả đến rạp thưa dần. Gánh xiếc đã bắt đầu phải chuyển đến một vùng quê vắng vẻ ở ngoại ô Mumbai để biểu diễn… cầm cự, họ "bấu" lấy một khu đất rộng làm sân khấu, đoàn xiếc  mơ giấc mơ xưa xa ngái: có hàng ngàn khán giả sẽ đến xem, nhưng chưa đến trăm người, hiện tại các buổi biểu diễn chỉ thu hút được số lượng khách ít đến rạp.

Thời hoàng kim của xiếc dạo Ấn Độ là vào những năm 90, thế kỷ 20, khi đó  xiếc Ấn phát triển rất mạnh, có đến 300 gánh xiếc chu du khắp mọi miền để biểu diễn phục vụ khán giả. Con số đó giờ đây đã giảm xuống đến mức thê thảm, chỉ còn 30 đoàn. Nhiều gánh xiếc đang thoi thóp sống vì  giá thuê rạp diễn ngoài trời ngày một tăng cao khiến doanh thu sụt giảm.

"Trong khoảng 10-15 năm nữa, sẽ chẳng còn rạp xiếc nào ở Ấn Độ", ông chủ Matthew với dáng người mỏi mòn, ngồi thu lu  trên chiếc bàn gấp bên ngoài một chiếc lều vải được sử dụng làm nhà ở kiêm văn phòng làm việc cất tiếng than cho một  tương lai đang lụi tàn dần  của xiếc dạo Ấn Độ.

Những rạp xiếc dạo ở Ấn Độ đã từng có thời kỳ vàng son vì là hình thức giải trí phổ biến  của bậc các vương tôn, quý tộc cho đến thường dân Ấn Độ.  Những gánh xiếc lớn nhất đã từng "cắm rễ" ở trung tâm thị thành, đêm từng đêm khán giả nô nức đến xem.

Xiếc hiện đại ở Ấn Độ đã có truyền thống 130 năm, theo truyền thuyết bản xứ. Điều đó bắt đầu từ khi Vishnupant Chartre - một người huấn luyện ngựa bị một đoàn xiếc đến từ Ý chế giễu, khi đó người Ý cho rằng, đất nước Ấn Độ chẳng thể nào xây dựng được rạp xiếc cho riêng mình. Vì danh dự tổ quốc, chỉ trong vài tháng sau thời gian bị người Ý xúc phạm, Vishnupant Chartre đã quyết tâm thành lập một đoàn xiếc, lúc đó ông đặt tên cho nó là: “Đoàn xiếc Ấn độ vĩ đại”, gánh xiếc này từng là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ vì nó đã khai sinh ra một tình yêu nước nồng nàn với những chú hề, động vật hoang đã được thuần dưỡng để biểu diễn và diễn viên nhào lộn…

Những rạp xiếc dạo Ấn Độ ngày càng vắng khách.

Sau hơn 1 thế kỷ phát triển, các đoàn xiếc đột ngột bị "bức tử" kể từ năm 1990, khi đó Tòa án Tối cao Ấn Độ đã bắt đầu ra phán quyết cấm sử dụng động vật hoang dã trong các rạp xiếc, lý do được tòa án viện ra là: gấu, sư tử, khỉ và báo đen thường xuyên bị bỏ đói. Sau đó 2 năm,  lệnh cấm trẻ em biểu diễn được ban hành.

…và tương lai mai một

"Có những trường hợp lạm dụng tình dục hằng ngày ngay tại rạp xiếc, lạm dụng sức khỏe thể xác cũng như tình cảm. Trẻ em bị bỏ đói, bỏ khát", Tổ chức Hoạt động xã hội Bachpan Bachao Andolan đã nêu lên ý kiến như vậy trong một vụ kiện liên quan đến tình trạng bạo hành trẻ em trong các rạp xiếc .

Tuy nhiên, ông Matthew bác bỏ hoàn toàn hai lệnh cấm mà ông cho là vô lý và nhận xét chủ quan đó. Ông Matthew đã đưa ra lập luận "cứng rắn" để phản bác lại những cáo buộc lạm dụng trẻ em và hành hạ động vật: "chúng tôi yêu quý những con vật và cơ nghiệp của chúng tôi phụ thuộc vào chúng. Vì thế, chúng tôi chăm sóc các con vật chu đáo. Đối với lao động trẻ em, các rạp xiếc đã từng đem lại kỹ năng sống và kế sinh nhai cho những đứa trẻ nghèo đói, thất học".

Biju Nair là một trong những đứa trẻ như thế. Khi vừa tròn 10 tuổi, do gia cảnh khó khăn lại thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, Nair đã bỏ nhà ra đi. Đi lậu vé tàu đến Mumbai mà bấy giờ gọi là Bombay, trong những ngày đầu sống vất vưởng  trên miền đất lạ, không người thân thích và nơi nương tựa, Nair lang thang khắp nơi. Đói và tuyệt vọng, thế nhưng may mắn thay, một gánh xiếc đã nhận cậu bé "lạc nhà" Nair vào làm nhân viên bán và soát vé. Khi đó, Nair rất thích xem các màn trình diễn vui nhộn của những chú hề. Cuối cùng, cậu bé  đã thuyết phục được những diễn viên xiếc hài truyền nghề cho mình.

Hiện nay, Nair đã 42 tuổi, là hề chính tại đoàn xiếc Rambo, ông rất yêu công việc của mình. Nair tâm sự rằng, nghề của mình tuy có khổ cực, nhưng ông  rất tự hào vì đem lại niềm vui cho khán giả.

Do tình trạng thiếu nhân lực biểu diễn trong nước vì lệnh cấm sử dụng lao động trẻ em, các gánh xiếc Ấn Độ trong đó có Rambo đã phải tính đến việc tuyển dụng diễn viên nước ngoài để "lách luật" và hy vọng tồn tại.  Vài tháng trước, một nhóm nhào lộn người Ethiopia đã đầu quân cho đoàn xiếc Rambo. Nhưng, nguồn sống của gánh xiếc này đang cạn kiệt dần, do phải trả lương  cao cho diễn viên ngoại để giữ chân họ, rồi cả giá thuê địa điểm biểu diễn càng ngày càng tăng cùng những khoản chi liên quan khác đang đè nặng lên đôi vai của ông chủ Matthew. Đó cũng chính là tâm trạng bi đát chung của các ông chủ rạp xiếc khác

Phạm Khôi Nguyên (theo Spetrum, Thái Lan)
.
.