Ăn côn trùng là có lợi

Thứ Sáu, 16/12/2011, 21:50

Nuôi côn trùng không cần đến đồng cỏ, và côn trùng cũng ngon không thua gì thịt bò hay thịt heo. Nhiều nhà khoa học ca ngợi côn trùng là món ngon tuyệt vời nhưng, không giống như trâu bò, côn trùng không gây ô nhiễm môi trường.

Đến năm 2030, dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng vọt đến con số 8 tỉ người, do đó lượng thịt tiêu thụ cũng tăng theo một cách khủng khiếp. Hơn nữa, việc nuôi trâu bò và heo sẽ gây ô nhiễm nước uống, làm sinh ra khí nhà kính và gia tăng thêm nạn phá hoại rừng mưa nhiệt đới. Protein của côn trùng không chỉ cung cấp dinh dưỡng, mà nó cũng đặc biệt giúp bảo vệ môi trường. 2/3 trong tổng cộng 1,5 triệu loài động vật được khoa học khám phá trên thế giới là côn trùng.

Tại một số vùng của Cộng hòa Trung Phi, côn trùng đáp ứng 1/3 nhu cầu protein của người dân trong mùa mưa. Sâu bướm chiên có giá 10 euro (14 USD) 1kg. Các nhà hàng sang trọng ở Mexico City còn giới thiệu món gọi là escamoles, một loại trứng côn trùng được chế biến từ ấu trùng kiến.

Người dân Thái Lan dùng những cây que phết keo để bắt chuồn chuồn. Ở Nepal, người ta đặt ấu trùng ong trên một tấm vải cho ráo nước trước khi rán cho đến khi chúng kết dính lại thành một khối như quả trứng. Còn ở châu Phi, những ụ mối là nguồn thực phẩm được canh gác cẩn thận bởi vì chúng chứa hàm lượng protein cao hơn thịt gà và những con mối chúa có thể to cỡ củ khoai tây.

Bướm cũng là một món ngon phổ biến. Trong suốt mùa mưa ở Nam Phi - thời gian thu hoạch sâu bướm, thuộc loài bướm đêm saturniid - giá thịt bò sụt thê thảm. Vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, 1.600 tấn sâu bướm loại này được tiêu thụ trong khu vực mỗi năm. Và ở Italia, côn trùng được bắt gặp trong món đặc sản gọi là casu marzu - loại pho mát trộn với ấu trùng sống.

Theo Fritz Vollrath - nhà nghiên cứu ở thành phố Freiburg, Đức và hiện là nhà động vật học ở Oxford - côn trùng thân thiện với môi trường hơn bò xấp xỉ 10 lần bởi vì công việc thu hoạch côn trùng không đòi hỏi phải phá rừng mà còn giúp bảo tồn rừng nhiệt đới. Các chuyên gia trên thế giới hiện nay tin rằng càng nhiều côn trùng xuất hiện trong thực đơn hàng ngày của chúng ta sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề tệ hại nhất của nhân loại.

Dennis Oonincx, nhà côn trùng học Đại học Wageningen Hà Lan, và các nhà nghiên cứu khác đã có cuộc thí nghiệm so sánh sự phát sinh khí thải nhà kính của 5 loài côn trùng khác nhau với bò và heo. Oonincx nói, côn trùng thân thiện với môi trường nhiều hơn. Người Nhật ngay từ thời xa xưa đã chuộng món ăn chế biến từ ấu trùng côn trùng thủy sinh. Nhưng văn hóa ẩm thực này không hề có ở châu Âu và những nền văn hóa xuất xứ từ châu Âu, như là Mỹ.

Côn trùng nhỏ bé, tỉ lệ sinh sản nhanh và giúp đưa ra giải pháp cho những vấn đề về môi trường của con người. Cơ quan hàng không Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến những loài côn trùng như là con tằm và mối để cung cấp chất béo và các amino acid cho các nhà du hành vũ trụ phải thực hiện sứ mạng dài ngày. Đối với trẻ con từ 6 tháng đến 3 tuổi, lượng calorie và protein thấp là nguyên nhân chính gây tử vong - khoảng 5 triệu trẻ/năm, theo Frank Franklin, Giáo sư và Giám đốc Khoa dinh dưỡng nhi đồng Đại học Alabama ở Birmingham.

Nói chung, côn trùng sản sinh ra một lượng rất ít khí methane, nitrous oxide (loại khí không màu thường dùng làm thuốc tê trong y khoa) và ammonia. Côn trùng không chỉ giàu protein mà còn chứa các vitamin, chất khoáng và chất béo. Ví dụ, châu chấu rất giàu calcium và mối giàu chất sắt. Khoảng 100g nhộng tằm cung cấp 100% nhu cầu hàng ngày về đồng, kẽm, sắt, thiamin và riboflavin (hay vitamin B2). Kiến cũng giàu protein tùy theo kích cỡ của nó.

Dân số toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu người hàng tháng, giá thực phẩm cũng tăng gần gấp đôi trong 2 năm qua, và việc tiêu thụ thịt đang đe dọa những khu rừng nhiệt đới cũng như nguồn nước uống. Lượng protein của côn trùng có thể sánh ngang với thịt, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO). FAO cũng giải thích, côn trùng giàu các vitamin, chất khoáng, và chất béo chưa bão hòa cũng như khó bị tác động bởi những chất gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi. "Côn trùng thường được thu hoạch trong những khu vực… không có sử dụng thuốc trừ sâu", theo một báo cáo của FAO. Tuy nhiên, một số côn trùng có chứa dấu vết của thuốc trừ sâu và một số người bị dị ứng với bộ vỏ ngoài của chúng.

Karen Duve, nữ tác giả của cuốn sách best-seller "Anstandig essen" (Ăn một cách hợp lý), cũng kêu gọi mọi người nên ăn côn trùng. Những cửa hiệu ăn uống ở London như Selfridges và Fortnum & Mason nay đang quảng cáo món nhện tarantula (loài nhện đen lớn Nam Âu) và bò cạp cùng với những loài côn trùng "ghê rợn" khác. Trong tháng 2/2008, một hội nghị được Liên Hiệp Quốc tài trợ quảng bá côn trùng như một loại thực phẩm được tổ chức tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan, quy tụ khoảng 30 nhà khoa học đến từ 15 quốc gia trên thế giới.

Một nhà khoa học Nhật Bản đề nghị xây dựng trại nuôi côn trùng ngay trên tàu vũ trụ để cung cấp thực phẩm cho các nhà du hành vũ trụ. Còn các nhà nghiên cứu ở Australia, Hà Lan và Mỹ nói tại quê hương của họ nay đã mọc lên nhiều nhà hàng phục vụ những món côn trùng. FAO đánh giá có khoảng 1.400 loài côn trùng và sâu có thể ăn được tại 90 quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. Tuy nhiên, chuyên gia lâm nghiệp của FAO Patrick Durst cũng đưa ra vấn đề an toàn thực phẩm đối với côn trùng

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.