Ẩn họa từ những clip nhảm trên YouTube

Thứ Ba, 16/03/2021, 09:08
Mới đây, mạng xã hội dậy sóng khi YouTuber Thơ Nguyễn chuyên làm clip cho trẻ em đã đăng một clip “xin vía học giỏi” từ búp bê giống kunmanthong khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc. Đây không phải là lần đầu YouTuber này gây sốt cộng đồng mạng vì những clip không phù hợp cho trẻ em.

Điều đáng lo ngại là những kênh YouTube mang tính chất bạo lực hay nhảm nhí lại đang thu hút được nhiều lượt like, lượt đăng kí nhất và xuất hiện ngày càng nhiều. Đã đến lúc cần có chế tài xử phạt với các YouTuber làm những clip đi ngược lại thuần phong mỹ tục, cổ xúy bạo lực này.

Nguy hiểm từ những clip nhảm trên mạng

Mới đây YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng một clip lên mạng xã hội, quay cảnh cô này một tay cầm một con búp bê, tay kia cầm một chiếc vòng lắc đi lắc lại, với khuôn mặt, cách nói năng đầy ma mị. “Sau khi đăng clip giới thiệu về “cư ma mập” này, có nhiều bạn nói rằng chị ơi chị xin vía cho em học giỏi đi, toàn là các bạn thân yêu của chị thôi. Mà xin vía học giỏi là một cái gì đó không sai trái nên chị quyết định hôm nay sẽ xin giúp các em nhé” - đó là lời mở đầu của YouTuber này...

“Thập tam muội” của diễn viên Thu Trang với nhiều cảnh bạo lực đạt được nút vàng YouTube.

Ngay sau khi đăng tải, clip của YouTuber này bị ném đá dữ dội. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, clip này không phù hợp với trẻ nhỏ, khuyến khích trẻ em nuôi kumanthong, một loại bùa chú của Thái Lan, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ. Dù YouTuber này đã lên tiếng giải thích rằng, đây chỉ là đùa vui nhưng vẫn khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Kênh YouTube Thơ Nguyễn đã sở hữu 8,74 triệu lượt người đăng ký, là một trong 7 kênh có lượng người đăng kí khủng nhất Việt Nam. Kênh TikTok cũng sở hữu hơn 900.000 người theo dõi dù mới mở được ít thời gian. Đây không chỉ là lần đầu Thơ Nguyễn bị phản đối dữ đội.

Trước đây, Thơ Nguyễn đã từng bị các bậc phụ huynh tẩy chay khi hướng dẫn trẻ em thực hành những trò nghịch dại bỏ đá khô vào chai kín gây nổ, đun bia, nước ngọt trên bếp, đổ các loại bột, thạch vào bồn tắm tạo nên màu sắc sặc sỡ, đủ mùi và nhảy vào tắm trong thành phẩm...

Thực trạng hiện nay cho thấy, những kênh YouTube nhảm nhí, với những video mang tính chất bạo lực hay đi ngược lại thuần phong mỹ tục lại càng nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo giới trẻ. Khi càng thu hút được nhiều lượt like, lượt share, lượt đăng kí thì chủ kênh YouTube càng thu về được một khoản tiền quảng cáo kếch xù. Có lẽ vì lợi nhuận mà các YouTuber đang bất chấp tất cả để làm những clip độc lạ.

Ngày càng có nhiều hơn các video gắn mác trẻ em nhưng đầy rẫy tình tiết bạo lực, máu me, các trò hướng dẫn tự tử, tự gây sát thương... Chỉ cần lên YouTube sẽ thấy một loạt những bộ phim, những kênh YouTube có đề tài giang hồ, xã hội đen thu hút hàng triệu lượt like, lượt chia sẻ. Thậm chí có nhiều phim chiếm được vị trí cao ở bảng xếp hạng top trending (xu hướng thịnh hành) của YouTube.

Nhiều bộ phim ngắn tuy gắn mác là xây dựng về thế giới học đường, về học sinh nhưng lại chứa đầy những hình ảnh gây hấn, đánh lộn, chửi thề, nói tục... của những nhân vật đóng vai học sinh, mặc áo trắng đến trường.

Giang hồ Phú Lê, Đường Nhuệ cùng xuất hiện trong “Chạm mặt giang hồ”.

Sự ảnh hưởng tiêu cực của dòng phim giang hồ hay những clip độc hại đến giới trẻ là rất rõ ràng. Cách đây không lâu thông tin một bé gái 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh tử vong vì học theo trò treo cổ trên YouTube khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Được biết, thời điểm xảy ra vụ việc, cháu bé ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ trong vài phút người lớn không để ý, cháu bé đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình.

Mới đây, một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai được phát hiện tử vong ở phòng tắm trong tình trạng treo lơ lửng sát tường. Trước đó, bé trai hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường về tâm lý. Nhưng, thường ngày khi chơi đùa, bé thích móc áo quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng.

Theo cơ quan chức năng, trường hợp kể trên có liên quan đến một hiện tượng được cộng đồng mạng gọi là “Thử thách Mo Mo”. Cháu bé đã xem và làm theo video hướng dẫn của trò chơi thắt cổ nhưng vẫn thở được trong “Thử thách Mo Mo” này.

Cần xử lý nghiêm những người chuyên làm clip nhảm nhí trên mạng

Theo chuyên gia tâm lý - gia đình Hoàng Thúy Hải, việc hiện nay nhiều người làm video đăng tải lên YouTube với nội dung phản cảm xuất phát điểm từ câu chuyện muốn câu view thu hút. Ngoài ra, họ đánh vào tâm lý người xem thích cái gì đó độc lạ, hấp dẫn, đặc biệt với những kênh dành cho trẻ em. Trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng chưa đầy đủ nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên rất dễ làm theo.

Chuyên gia tâm lý - gia đình Hoàng Thúy Hải.

“Bản thân những người làm nội dung trên mạng xã hội đều có sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ, chắc chắn họ sẽ hiểu được nguy cơ tiềm ẩn từ những nội dung độc, hại do mình làm ra. Nhưng, chỉ vì cái lợi của bản thân mà họ bất chấp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi của một vài đối tượng mà còn với cả một thế hệ tương lai, đó là trẻ em”, bà Hải nói.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Việc tiếp xúc với những nội dung độc hại trong thời gian dài, các em có thể vướng vào các mặt tối của thể giới ảo. Đặc biệt, những trẻ từ 3-8 tuổi, vùng não trán trước của trẻ đang phát triển nên thiếu khả năng ức chế hành vi. Trẻ có cảm giác không thể thất bại, có xu hướng muốn tự thực hiện và bắt chước mọi thứ để khám phá giới hạn và thu hút sự chú ý của cha mẹ và những người xung quanh. Chẳng hạn, xem ảo thuật nuốt dao lam có thể các em cũng sẽ tự bắt chước nuốt như thế. Xem phim thấy nhân vật siêu nhân bay được, cũng nghĩ mình có thể bay nên nhảy từ trên tầng cao xuống...”.

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục Trường Đại học Giáo dục.

Thực tế, trong thời đại hiện nay, không thể ép trẻ tuyệt giao với công nghệ. Vì vậy, lúc này vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng những video độc hại dễ dàng được tiếp xúc với trẻ là do sự bất cẩn và thiếu sự sát sao của cha mẹ. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đưa cho con điện thoại để rảnh tay làm việc khi con chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn, không được kiểm soát về thời gian và nội dung tiếp cận.

Ngày 6-10-2020, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ðiều này cho thấy cơ quan chức năng cần kiểm soát các nội dung xấu độc trên mạng xã hội cần những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng. Để làm trong sạch môi trường mạng, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, các cơ quan chức năng cần sớm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thúy Hải cho rằng, trong quá khứ, kênh YouTube Hưng Vlog từng bị xử phạt 2 lần do thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. “Tuy nhiên, hình phạt đó chẳng đáng là bao so với số tiền bạc tỷ mà các YouTuber đã kiếm được mỗi năm nhờ lượt truy cập rất lớn, mang lại lợi nhuận khủng (từ quảng cáo). Mức xử phạt vài chục triệu rõ ràng không đủ sức răn đe. Các đối tượng chấp nhận xử phạt và tiếp tục đưa các video xấu độc lên mạng để tiếp tục kiếm tiền, thu lợi bất chính. Vì vậy, hình phạt xóa bỏ kênh YouTube hay nâng mức phạt thành hình sự cũng là điều hoàn toàn xứng đáng và cần thiết. Bởi, đây không chỉ là vấn đề cá nhân nữa mà liên quan đến vấn đề quản lý của nhà nước”, bà Thúy Hải nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt hơn nội dung video trên mạng xã hội. Đồng thời, cần có chiến lược yêu cầu gắn nhãn nội dung video clip để khuyến cáo cha mẹ về các video nào phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khuyến cáo về các nguy cơ có thể xảy ra khi xem.

“Khi YouTuber trở thành một nghề, cần được đào tạo và “cấp phép” để người dùng thực hành theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu coi các nội dung sáng tạo trên mạng xã hội là các món ăn tinh thần, cần có quy trình kiểm duyệt để đảm bảo loại bỏ các nội dung bẩn, độc hại. Cùng với đó, chương trình giáo dục hướng dẫn sử dụng mạng an toàn cần được dành thời lượng trong chương trình học tại trường”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.

Luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn Luật sư Bắc Giang nhận định, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng Internet hoặc xử lý vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng.

Mai Ngọc - Thảo Dung
.
.