Ẩn họa từ xe khách giường nằm

Thứ Ba, 28/01/2014, 15:05

Được ví như “Boeing mặt đất”, khoảng 6 năm trở lại đây, những chiếc xe khách giường nằm ngày càng trở nên phổ biến trên nhiều tuyến đường: Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP HCM; Hà Nội - miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội - Tây Bắc, TP HCM - Đà Lạt... Tuy nhiên, hàng chục vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra trong năm 2013 do xe khách giường nằm gây ra đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi loại xe này có phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông ở Việt Nam hay không?

Tai nạn kinh hoàng vì xe khách giường nằm

Cách đây không lâu, đề cập tới tình trạng TNGT do xe khách giường nằm gây ra, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đặt vấn đề rằng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) cần nghiên cứu, xem xét xe giường nằm 2 tầng có phù hợp với tình hình thực tế cơ sở hạ tầng của Việt Nam hay không vì ở các nước trên thế giới xe giường nằm không được lưu thông trên các tuyến đường dài.

Với ưu điểm đáp ứng được nhu cầu vừa đi lại vừa được nghỉ trong quá trình di chuyển của người dân, bên cạnh đó là giá cả, tiện nghi, thời gian di chuyển lại hợp lý nên xe khách giường nằm được người dân lựa chọn, sử dụng khi đi lại với những cung đường trên 200 km. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp vận tải đầu tư loại xe này.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Bộ Công an, cả nước hiện có 65.294 phương tiện vận tải hành khách từ 29 chỗ trở lên, trong đó có 1.612 xe khách giường nằm. Và theo nhận định của cơ quan này thì trong thời gian tới xe khách giường nằm còn tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong số 30.874 vụ TNGT đường bộ xảy ra trong năm 2013, có tới 21% do người điều khiển xe ôtô gây ra, trong đó có 9,7 % vụ TNGT liên quan đến xe ôtô chở khách.

Sau những vụ tai nạn như thế này, cơ quan chức năng cần có phương án sử dụng xe giường nằm phù hợp đối với điều kiện của mỗi tuyến đường.

Gần đây nhất là vào lúc 5 giờ sáng ngày 26/12/2013, tại Km 359 + 400 Quốc lộ 6 (đoạn lưng đèo Pha Đin, thuộc địa phận xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), xe khách giường nằm loại 29 chỗ mang BKS 27B - 000.46 chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên, do lái xe Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển đã đâm thẳng vào taluy dương, bật lùi rồi rơi xuống vực sâu khoảng 70m. Hậu quả là ông Trịnh Văn Vệ (66 tuổi thường trú tại Gia Khánh, Ninh Bình) chết tại chỗ và 3 người bị thương nặng.

3 ngày trước đó, lúc 2 giờ sáng ngày 23/12, trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua thôn Cà Đú, xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), xe giường nằm biển số 77B-007.88 chạy theo hướng Nam - Bắc đâm vào xe tải biển số 77C-042.82 chạy chiều ngược lại làm phụ xe giường nằm tử vong tại chỗ. Hai tài xế xe giường nằm và xe tải bị thương rất nặng. Ngoài ra còn có 3 người đi trên xe khách bị thương nhẹ.

Trước đó không lâu, vào khoảng 23 giờ ngày 30/10/2013, trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, xe khách giường nằm mang BKS 77B-004.86 chạy theo hướng Bắc - Nam bất ngờ đâm mạnh vào phần đuôi của xe rơ moóc BKS 35T-1534 đang dừng bên đường để sửa chữa khiến chiếc xe khách xoay ngang ra giữa làn đường. Đúng lúc đó, một chiếc xe khách khác mang BKS 76B-003.78 đang chạy cùng chiều với tốc độ rất cao đã không thể tránh kịp nên đã đâm mạnh vào phần đuôi của chiếc xe khách phía trước. Vụ tai nạn làm một hành khách đi trên chiếc xe BKS 77B-003.78 chết trên đường đi cấp cứu và 30 người khác bị thương.

Một vụ tai nạn thảm khốc khác xảy ra vào 7 giờ 15 ngày 9/6/2013, xe khách giường nằm BKS: 30X - 8957 đang lưu thông trên Quốc lộ 1A, hướng từ Tam Kỳ về Đà Nẵng, khi tới đường tránh Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, do tránh xe gắn máy, nên lái xe bị lạc tay lái dẫn đến xe bị lật xuống ruộng khiến 3 người chết, hơn 20 người bị thương.

Khó có thể kể hết những vụ việc tương tự bởi trong năm 2013, đã có hàng chục vụ TNGT do xe khách giường nằm gây ra.

Theo phân tích của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, có 4 nguyên nhân khiến tình trạng TNGT liên quan tới xe khách giường nằm:

Thứ nhất, do ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nhiều hành vi, lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là: chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định; chở quá tải, quá số người quy định…

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông có nhiều đoạn, tuyến chưa phù hợp với loại xe khách giường nằm: đối với các tuyến đường hẹp, đường cong, đường dốc cần phải nghiên cứu xem có nên cho phép xe giường nằm lưu thông không bởi xe giường nằm khi gặp khúc cua đường cong, dốc rất dễ bị nghiêng lật; bên cạnh đó đường đưa vào sử dụng tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là đường đồng cấp, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông trên một làn đường dễ gây mất trật tự an toàn giao thông dẫn đến TNGT.

Thứ ba, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách giường nằm do lợi nhuận thường tăng ca, tăng kíp đặc biệt là vào các dịp lễ, tết… nên buộc lái xe phải chạy nhanh, ẩu để đảm bảo chuyến cho doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thứ tư, do doanh nghiệp mua xe cũ 47 chỗ ngồi rồi hoán cải thành xe giường nằm. Các loại xe "hoán cải" này, đều có những khác biệt rất lớn so với xe giường nằm "nguyên bản". Những "khác biệt" này rất dễ nhận thấy như: Không có cửa thoát hiểm thiết kế theo kiểu đóng mở; không có nhà vệ sinh trên xe… và tất nhiên là không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.--PageBreak--

Giải pháp nào để hạn chế TNGT từ những chiếc "Boeing mặt đất"?

Từ thực tế điều tra các vụ TNGT do xe khách giường nằm gây ra, một cán bộ Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho rằng, để hạn chế tai nạn, cùng với giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho các lái xe, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định; chở quá số người quy định…

Hiện nay theo quy định các xe vận tải hành khách giường nằm bắt buộc phải có camera giám sát hành trình, đề nghị các cơ quan chức năng triệt để khai thác các ứng dụng của công nghệ này trong quá trình giám sát lái xe, hành trình xe trên đường qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các lỗi của lái xe và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng quy định vận tải cần mạnh tay xử lý (kể cả rút giấy phép kinh doanh, hợp đồng, du lịch).

Sau những vụ tai nạn như thế này, cơ quan chức năng cần có phương án sử dụng xe giường nằm phù hợp đối với điều kiện của mỗi tuyến đường.

Mới đây, Bộ GT-VT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý hoạt động của xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm.

Bộ GT-VT yêu cầu Sở GT-VT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô khảo sát kỹ điều kiện kết cấu hạ tầng trên tuyến đường, nghiên cứu xây dựng phương án hoạt động trong đó có phương án sử dụng xe giường nằm phù hợp đối với điều kiện của mỗi tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường đèo dốc, quanh co, có tầm nhìn hạn chế...

Đối với xe giường nằm, xe chạy đêm có hành trình chạy liên tục từ 4 tiếng trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng sau đó phải thay ca cho lái xe khác (thời điểm chạy đêm tính từ 8 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau).

Bộ GT-VT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đề xuất các quy định quản lý xe giường nằm, xe chạy đêm và đưa vào dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Trong kế hoạch triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã có kế hoạch rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách 2 tầng, xe giường nằm trong đó có quy định cụ thể về tuyến đường, khung giờ chạy xe, độ tuổi lái xe để ngăn chặn tai nạn

Nguyễn Thiêm
.
.