Ẩn ngữ Rashomon

Thứ Sáu, 04/01/2019, 10:02
Đạo diễn nổi tiếng Lê Dân kể lại rằng, trong năm 1957, khi xây dựng bộ phim “Hồi chuông Thiên Mụ”, ông quyết tâm làm nên một bộ phim giàu màu sắc dân tộc, rút kinh nghiệm từ tác phẩm tuyệt vời “Rashomon” của đạo diễn Nhật Kurosawa mà ông hằng ái mộ.

Là nguồn cảm hứng vô tận, rất nhiều tác phẩm điện ảnh khác trên thế giới chịu ảnh hưởng tư tưởng, tinh thần và kết cấu kể chuyện của Rashomon, tiêu biểu như bộ phim cao bồi của Hollywood The Outrage, Hero (Trương Nghệ Mưu); Vantage Point (Pete Travis); Courage Under Fire (Edward Zwick)... “Rashomon” (Lã Sanh Môn hay La Sinh Môn) là tác phẩm điện ảnh kinh điển Nhật Bản nổi tiếng thế giới, là phim đầu tiên và duy nhất của châu Á đoạt cùng lúc 2 giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá nhất: Giải Sư tử vàng “Phim truyện hay nhất” tại Liên hoan phim Venice và Giải Oscar cho “Phim nước ngoài hay nhất” năm 1951.

Đạo diễn Akira Kurosawa đã dựng bộ phim này dựa trên nội dung hai truyện ngắn của nhà văn hiện đại nổi tiếng Nhật Bản Ryunosuke Akutagawa (1892-1927) là “Trong rừng trúc” và “Lã Sanh Môn”.

Đạo diễn Akira Kurosawa.

Phim do Hãng Daiei sản xuất năm 1950 với sự tham gia của các diễn viên Toshiro Mifunne, Masayuki Mori, Machiko Kyo...

Mâu thuẫn

Một vụ cưỡng hiếp và giết người xảy ra trong rừng trúc, một võ sĩ (samurai) bị giết. Quan phủ đã bắt được hung thủ là tên cướp Tajomaru đưa về công đường tra xét cùng với người vợ chàng võ sĩ và người làm chứng là bác tiều phu. Anh võ sĩ chết là rõ ràng, sát nhân đã nhận tội, nhưng vì sao anh ta chết vẫn luôn là ẩn số qua lời khai đầy mâu thuẫn của các nhân vật liên quan.

Lời khai của tên cướp: Tajomaru nói hắn vốn không cố ý giết anh võ sĩ. Khi 3 người gặp nhau vào buổi trưa trong rừng, hắn đã say mê sắc đẹp của vợ anh võ sĩ nên tìm cách chiếm đoạt. Lợi dụng lòng tham của anh võ sĩ, hắn dụ chàng vào rừng sâu để tìm kho báu rồi trói anh lại, sau đó quay về chỗ cũ đưa vợ anh võ sĩ đến dùng sức mạnh cưỡng hiếp trước mặt võ sĩ.

Người vợ sau khi bị làm nhục đã nói khích võ sĩ và tên cướp quyết đấu với nhau, ai thắng thì cô sẽ theo người ấy. Theo Tajomaru, hắn - với võ nghệ tuyệt luân đã đấu với võ sĩ trên 23 hiệp và cuối cùng đã hạ sát anh ta bằng trường kiếm.

Lời của vợ anh võ sĩ: Tajomaru sau khi cưỡng hiếp cô đã bỏ đi. Cô cảm thấy quá nhục nhã, đến ôm chồng mà khóc và dùng con dao ngắn cắt dây trói cho chồng. Không ngờ người chồng tỏ vẻ khinh bỉ, không muốn nhìn mặt cô nữa vì đã bị nhơ nhuốc, cô quá uất ức nên đầu óc quay cuồng, hôn mê bất tỉnh. Khi tỉnh dậy thì cô thấy chồng mình đã chết, thanh kiếm ngắn cắm trên ngực. Cô xuống sông tự tử nhưng không thành.

Lời của hồn anh võ sĩ khi nhập vào xác đồng cốt: Tajomaru đã đề nghị vợ anh đi theo hắn nhưng cô ta đã yêu cầu hắn giết chết chồng mình để không ai biết nhưng tên cướp không đồng ý và xô cô vợ ngã xuống. Hắn hỏi võ sĩ là nên tha hay giết cô vợ phụ tình kia?

Trong khi ấy cô vợ đã lén chạy trốn, tên cướp không đuổi theo mà mở trói cho võ sĩ rồi bỏ đi. Quá đau khổ nên anh đã dùng kiếm ngắn tự sát. Trong lúc hồn lìa khỏi xác, anh cảm thấy hình như có người đến gần lấy đi thanh kiếm ngắn khảm đá quý của anh.

Vụ án cũng chẳng lấy gì làm sáng sủa hơn khi nhân chứng là bác tiều phu chỉ nói là mình vào rừng đốn củi thấy chiếc nón phụ nữ và cái mũ võ sĩ bị bẹp gí, vào sâu trong thì thấy võ sĩ đã bị giết chết. Vậy thực ra võ sĩ chết như thế nào? Chết vì hung khí gì vì thanh kiếm ngắn đã biến mất. Ai đã lấy thanh kiếm kia?

Sự thật?

Chiều hôm ấy, bác tiều phu từ công đường về nhà với tâm trạng hoang mang cực độ. Bỗng trời nổi mưa lớn, bác chạy vào cổng thành Lã Sanh Môn - một cổng thành cổ hoang phế. Tại đây đã có một vị hòa thượng và một người ăn xin đang trú mưa.

Nghe bác tiều phu cứ lẩm bẩm: “Không hiểu, đúng là không hiểu được”, người ăn xin hiếu kỳ cứ theo hỏi mãi, cuối cùng trước mặt vị hòa thượng, bác tiều phu đã kể lại sự thật của vụ án mạng mà bác chứng kiến từ đầu đến cuối: Tất cả lời khai ở công đường đều là nói dối!

Khi tên cướp đưa vợ võ sĩ đến trước mặt chồng hỏi cô ta theo ai thì võ sĩ căm tức nói không cần người đàn bà ấy nữa. Tên cướp thấy võ sĩ không cần vợ nữa thì thấy rằng chẳng có gì để cạnh tranh nên hắn cũng không cần cô ta. Cô vợ võ sĩ thấy quá mất mặt bèn lên tiếng khiêu khích cho hai người đánh nhau. Kỳ thực, tên cướp cũng như võ sĩ đều là hạng xoàng, kiếm pháp tầm thường, đánh đỡ loạc choạc, chẳng phải như lời tên cướp khoe khoang.

Người vợ thấy cả hai đánh nhau chỉ vì sĩ diện hão chứ chẳng phải vì mình nên đã bỏ đi. Võ sĩ bị tên cướp đâm chết chứ không phải tự sát bằng kiếm ngắn vì bị phụ rẫy như lời anh ta kể (qua đánh đồng thiếp). Tuy nhiên, mấu chốt là ở chỗ: Bác tiều phu vì tham lam nên thừa lúc không có ai đã đến lấy trộm thanh kiếm ngắn quý giá trên xác võ sĩ. Chính vì vậy mà bác tiều phu đã che giấu sự thật vì sợ bị liên lụy.

Ai có thể tin lời bác rằng võ sĩ kia không phải chết vì thanh kiếm ngắn, trong khi bác là người ăn cắp nó? Đâu là sự thật? Võ sĩ bị giết hay là tự sát? Nếu đúng như lời bác thì tại sao cô vợ võ sĩ lại nói khác, trong khi cô là người bị hại?...

Khám phá nhân tính

Một vụ án mạng rốt cuộc chỉ có thể có một sự thật, nhưng do mỗi cá nhân trong quá trình thuật lại đã đứng trên góc độ có lợi nhất cho mình, do đó mà sự thật bị bóp méo, khiến sự việc trở nên mơ hồ, rắc rối. “Rashomon” hấp dẫn ở chỗ: mỗi nhân vật trong phim đều nói dối. Vấn đề là tại sao người ta phải nói dối?

Tên cướp Tajomaru thì cố làm cho người ta thấy hắn là một cường tặc dũng mãnh, võ nghệ cao cường; chàng võ sĩ thì tạo cho mình hình ảnh đáng thương hại vì bị lừa dối, phản bội; vợ võ sĩ lại cố chứng minh mình là một liệt nữ trung trinh, bị cưỡng hiếp rồi bị chồng ruồng bỏ nên tự sát...

Khi sự việc đã vượt quá khả năng của mình, để tự bảo vệ, người ta không ngại né tránh sự thật để giảm sự bất lợi cho mình đến mức thấp nhất, đồng thời hành vi “mỹ hóa bản thân”, tạo cho mình một vỏ bọc đẹp đẽ nhất dù biết là dối trá, đó chính là đặc tính lớn nhất của con người: dối trá. Sự phức tạp của nhân tính thường vượt ra ngoài lý giải của bản thân. Trong cơn mâu thuẫn, hoảng loạn, phương thức trực tiếp nhất là làm hại người khác để bảo vệ mình. Tuy nhiên, bản tính của con người là hướng thiện.

Đoạn cuối phim: Khi tiều phu, hòa thượng và ăn mày đang nói chuyện thì nghe tiếng trẻ thơ khóc, một đứa bé bị bỏ rơi trong xó tối. Gã ăn mày muốn lột quần áo của đứa bé để bán lấy tiền sống qua ngày, nhưng bác tiều kiên quyết phản đối, giữ đứa bé đem về nuôi dù bác đã có 6 con. Hành động của bác đã khiến hòa thượng thay đổi cách nghĩ xấu về bác. Lúc này mưa đã tạnh, bóng tịch dương hiện ra chiếu sau lưng người tiều phu đang ra đi...

Điểm độc đáo của “Rashomon” là: Mặc dù vụ án mạng xảy ra không được làm sáng tỏ nhưng người xem cũng không quan tâm, kỳ thực bản thân vụ án không quan trọng. Từ mặt trái lời khai của những người liên quan, đạo diễn Kurosawa cũng như tác giả nguyên tác Akutagawa đã thể hiện hoàn hảo quy trình “khám phá nhân tính” dù phim có rất ít nhân vật. Sự thành công khiến cho 3 từ “Rashomon” từng được xem là đại danh từ dùng để chỉ “những câu đố không thể nào giải được”, trong một số từ điển tiếng Anh vẫn còn hiện diện.

Thông điệp của bộ phim lay động lòng người về ranh giới mong manh của bản thể nhân tính. Theo đó, người kể chuyện chưa phải là người biết hết tất cả mà chỉ biết một phần của sự thật. Con người, kể cả người đã chết, không ai trung thực với sự thật. Tất cả đều che giấu sự thật theo cách có lợi nhất cho mình, như lời nhà sư nói trong cổng thành Rashomon hoang tàn: “Con người sẽ mãi mãi không thể tìm thấy được sự thật, bởi sự yếu đuối và ích kỷ của chính mình”.

Số phận kỳ lạ của “Rashomon”

Năm 1951, một phái đoàn của Công ty quảng cáo Unitalia Film (Ý) cử phái đoàn sang Nhật để chọn một phim chiếu tại Liên hoan phim Venice. Nhật Bản lúc này vẫn còn hoang tàn sau Thế chiến thứ hai. Cái hay là ở chỗ, ông Giuliana Stramigioli, trưởng phái đoàn cắc cớ đề nghị với hãng phim lớn của Nhật bấy giờ là Daiei chọn ra một bộ phim hay nhất và một bộ phim dở nhất trong năm qua của hãng.

Và Daiei đã chọn “Rashomon” để giới thiệu ở “hạng mục” phim dở nhất. Đạo diễn phim này là Kurosawa khi ấy bị đánh giá là kẻ kém tài vì cả chục bộ phim đã làm của ông chẳng hấp dẫn được khán giả. “Rashomon” cũng gây thảm họa ở phòng vé vì mọi người đều cho rằng phim quá khó hiểu và lẩm cẩm.

Sau khi xem xong, Giuliana khiến Hãng Daiei bất ngờ khi lựa chọn “Rashomon”. Cả Daiei lẫn chính quyền Nhật Bản đều không đồng ý với sự lựa chọn của Giuliana với cái cớ “Rashomon chưa đủ tư cách đại diện cho nền điện ảnh Nhật” và đề xuất ông chọn một phim của đạo diễn Yasujiro Ozu, sẽ mang tính điển hình hơn về sự xuất sắc của điện ảnh Nhật. Thậm chí họ còn nghi ngờ động cơ chọn phim của Giuliana là nhằm bêu xấu hình ảnh nước Nhật với thế giới! Nhưng Giuliana kiên định: “Hoặc “Rashomon” hoặc không chọn phim nào”.

Tại Liên hoan Venice 1951, “Rashomon” đã lập tức giành được giải Sư tử vàng Venice 1951, và đoạt tiếp giải Oscar danh giá cho Phim nước ngoài hay nhất năm 1951. “Rashomon” khiến cho phương Tây chấn động về sức sáng tạo, tính thẩm mỹ và cảm nhận nghệ thuật của một nước châu Á xa lạ.

Riêng đạo diễn Kurosawa sau những thành công quốc tế lớn lao của “Rashomon” đã trở thành một tượng đài bất tử của điện ảnh thế giới, xứng đáng với danh hiệu “Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản”.

* Ảnh trong bài: Một số hình ảnh trong phim “Rashomon”.

Thiên Tường
.
.