Anh: Phạm tội theo thời tiết

Chủ Nhật, 15/02/2009, 17:20
Vừa qua, người đứng đầu cơ quan thống kê của Anh - Michael Scholar, đã viết một bức thư gửi đến vị Tổng thư ký Phủ thủ tướng trong đó diễn tả việc “công bố trước những thống kê chưa được hoàn toàn kiểm chứng” là “đi ngược lại với những tiêu chuẩn cao mà chúng ta tất cả đều đang cố gắng thực hiện”.

Có vẻ như là những bất mãn của Cục Thống kê Anh xuất phát từ cung cách mà những cố vấn của Thủ tướng đã sử dụng thống kê khi để Bộ Nội vụ đưa ra một bản báo cáo về hiện trạng các tội phạm tại Anh mới đây. Sau đó một tuần, Cục Thống kê đã đưa ra bản báo cáo của họ về tội phạm tại Anh và bản báo cáo này đã tỏ ra hấp dẫn một cách kỳ lạ.

Theo bản báo cáo này, hầu hết các việc phạm tội xảy ra theo mùa. Và với nước Anh đang rơi vào trong tình trạng băng giá suốt mấy ngày qua thì một tin mừng là nhiều loại tội ác xảy ra cũng giảm theo với nhiệt độ. Nhưng xin đừng vì vậy mà mừng. Tháng giêng cũng là tháng cao điểm của các vụ trộm xe hơi và các vụ trộm cắp cơ sở thương mại hoặc nhà ở.

Công trình nghiên cứu vừa được công bố này là do Cục Thống kê thực hiện cho Bộ Nội vụ Anh phân tích 29 loại tội phạm hình sự trong suốt 10 năm trời chia ra từng tháng một. Và 25 trong số 29 loại tội phạm này đều thay đổi theo mùa.

Đại đa số các tội về bạo hành tăng lên trong những tháng hè và giảm đi trong những tháng mùa đông. Các tội đả thương, hiếp dâm, hành hung và âm mưu ám sát đều cho thấy cao hơn một cách đáng kể trong các tháng từ tháng 5 cho đến tháng 8 so với các tháng khác. Đốt nhà là một tội phạm của mùa hè, tháng 7 và tháng 8 là hai tháng xảy ra nhiều vụ nhất. Tội phạm thay đổi theo mùa nhiều nhất là tội “trộm xe đạp” với tỉ lệ 28,9% trên trung bình vào tháng 9 và 31,3% dưới trung bình vào tháng 2.

Ăn trộm có thể chia ra làm hai loại, đột nhập ăn trộm tại các cơ sở thương mại có vẻ thịnh hành nhất vào cuối mùa xuân, trong khi kẻ trộm vào các nhà ở thường thì lại thích những tháng mùa đông. Tháng giêng là tháng mà các vụ trộm này xảy ra trên trung bình đến 11%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu còn hoài nghi không biết đó có phải là vì người ta đi chơi nơi khác vào dịp Giáng sinh và chỉ biết bị mất trộm khi trở về nhà sau năm mới. Một lý do khác cũng được đưa ra rằng kẻ trộm cũng nghỉ ăn Giáng sinh và đền bù lại bằng cách tăng hoạt động vào tháng giêng. Lại có thuyết nói rằng có thể là tháng giêng mới có nhiều đồ để ăn trộm trong lúc đó nhu cầu của kẻ trộm lại gia tăng vì tiêu phí trong dịp lễ.

Có lẽ trời lạnh khiến người ta cảm thấy thèm ngồi trong một chiếc xe hơi ấm áp khiến cho các vụ ăn trộm xe hơi tăng 6,3% từ tháng giêng đến tháng 3 trong lúc giảm trên 6% từ tháng 6 đến tháng 8.

Một số tội phạm có những thay đổi đều đặn trong năm nhưng lại không có liên hệ gì nhiều với các mùa. Đó là vì nghiên cứu này dựa trên những số liệu của cảnh sát, và những tội phạm này phản ánh hoạt động của cảnh sát nhiều hơn, chẳng hạn như trong tội lái xe khi say rượu mà lâu lâu các cơ quan cảnh sát lại tung ra một chiến dịch kiểm tra.

Quan hệ giữa nhiệt độ và bạo hành từ lâu vẫn là chuyện được người ta chấp nhận. “Putnam, anh có biết là nhiều án mạng xảy ra ở nhiệt độ 92độF hơn là bất cứ một nhiệt độ nào khác không? Tôi nhớ có lần đọc được một bài báo, ở nhiệt độ thấp hơn, người ta thoải mái. Trên 92độF, quá nóng để nhúc nhích. Nhưng vừa đúng 92 độ F, người ta trở thành bực dọc”. Đó là lời của một nhân vật trong phim “It Came from Outer Space” dựa trên một truyện ngắn của Ray Bradbury tóm gọn lại lý thuyết nói trên. Kể từ đó nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách chứng minh lý thuyết này tuy rằng tài liệu của Cục Thống kê cho thấy không có bao nhiêu liên hệ giữa nhiệt độ và án mạng.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin tưởng là có một quan hệ thực sự giữa án mạng - nhiệt độ và tìm cách đưa ra những lý thuyết để giải thích. Francesco Bruno, Giáo sư của Trường đại học La Sapienza tại Rome, Italia nói rằng, có một nguyên nhân sinh lý giải thích tại sao lại có nhiều án mạng vào mùa hè tại Italia hơn là những mùa khác.

Các thống kê mà ông đưa ra cho thấy trung bình tại Italia có hai vụ án mạng một ngày, nhưng vào những lúc nóng nhất, con số án mạng này gia tăng lên đến 2-3 vụ một ngày. Theo ông thì não bộ con người cần nhiều nước để có thể hoạt động tốt. Khi nhiệt độ tăng vọt lên, não bộ gặp khó khăn trong việc kiềm chế những kích động phá hoại cũng như tự phá hoại, vốn xuất phát từ những khu vực sâu nhất của bộ não. Hậu quả là những bi kịch ta thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một số nhà nghiên cứu Mỹ cũng đưa ra những giải thích tương tự: cơ thể con người sản xuất ra chất kích thích adrenaline để đối phó với nhiệt độ quá nóng; adrenaline giúp giữ nhiệt độ cơ thể ở mức an toàn, nhưng một hệ quả phụ của nó là làm cho người ta dễ bạo động hơn. Lý thuyết này được nhiều nhà nghiên cứu khác khơi sâu thêm và cho rằng, không phải nhiệt độ tự nó mà là một đợt nóng bất ngờ hoặc là một đợt mưa lớn mới có một quan hệ trực tiếp với các hoạt động tội ác.

Một tài liệu nghiên cứu của Mỹ đã đưa ra kết luận rằng cứ mỗi 10độF gia tăng trong nhiệt độ trung bình thì tạo ra 5% gia tăng trong các hoạt động tội phạm. Trong khi đó, mưa thì lại có liên hệ với tình trạng giảm sút các hoạt động này. Lượng mưa trung bình cứ tăng thêm 3 cm thì mức độ bạo hành giảm đi 10%.

Tất cả những điều đó cho thấy tại sao các nhà thống kê của Anh đã bực tức đến như vậy khi giới chính trị gia cứ thản nhiên mang các số liệu của tháng 6 so sánh với tháng 10 để tìm cách thuyết phục người dân rằng các hoạt động tội phạm đang đi xuống

H.N. (tổng hợp)
.
.