Ánh sáng nhân tạo cũng gây ô nhiễm

Thứ Tư, 14/05/2014, 16:30

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ánh sáng nhân tạo trở nên rất phổ biến. Ánh sáng cũng là một thứ xa hoa khi chỉ với một động tác bật công tắc, chúng ta có thể gọi ánh sáng là biểu tượng của sự an toàn và giàu có. Thế nhưng quá nhiều ánh sáng lại không hề tốt cho con người. Ánh sáng nhân tạo từ đèn hai bên đường, từ những biển quảng cáo, thậm chí là ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà khi trời tối, có ảnh hưởng không tốt tới con người và môi trường.

Nhà sinh thái học Franz Holker đang làm việc tại Viện Nghiên cứu hệ sinh thái nước ngọt tại Berlin, lãnh đạo đề tài nghiên cứu Leibniz với chủ đề "Sự biến mất của bóng tối" cho biết: "Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế rằng, ánh sáng không chỉ có tác động tích cực như tăng cường an ninh, hoặc tạo điều kiện cho sản xuất kinh tế mà nó còn có tiêu cực, nhất là với hệ sinh thái".

Chính vì thế, các nhà khoa học đã đề cập đến sự dư thừa ánh sáng nhân tạo đó là hiện tượng "ô nhiễm ánh sáng". Và trung bình lượng ánh sáng nhân tạo được sử dụng tăng 5-7% mỗi năm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Bầu trời tối quốc tế (International Dark Sky Association", 99% dân số châu Âu và Mỹ sinh sống dưới bầu trời bị "ô nhiễm ánh sáng". Hậu quả là vào những đêm trăng, bầu trời quang đãng, chúng ta khó có thể quan sát được những vì sao trên bầu trời. Ánh sáng nhân tạo khiến con người không còn phân biệt được ngày đêm, phá vỡ quy luật của tự nhiên, phá vỡ hệ sinh thái, nhịp sinh học của con người và động vật.

Ánh sáng nhân tạo vào buổi tối phá vỡ chu kỳ phát triển của cây trồng, khiến các loài chim di cư khó có thể tìm đường di trú, những đàn cá sẽ lầm tưởng cây cầu phát sáng là hàng rào không thể vượt qua. Những sinh vật thường hoạt động ban ngày hoặc chỉ hoạt động vào ban đêm sẽ phản ứng khác nhau đối với ánh sáng nhân tạo. chẳng hạn như loài dơi hay chim đều ra ngoài săn mồi vào buổi tối.

Nhưng chính con người mới thường xuyên phải chịu tác động của ánh sáng nhân tạo từ đèn đường, trong các tòa nhà hay tủ kính trong các cửa hàng. Ánh sáng nhân tạo làm rối loạn sự cân bằng hormone của cơ thể, và vì thế ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học, và có thể gây khó ngủ.

Loài người đang dư thừa ánh sáng nhân tạo.

Bác sĩ Dieter Kunz, Trưởng khoa Điều trị giấc ngủ Bệnh viện Hedwig tại Berlin, cho biết: "Ánh sáng vào buổi tối sẽ làm trì hoãn sự sản sinh hormone gây ngủ melatonin và vì thế làm giảm chất lượng của giấc ngủ. Điều này có nghĩa con người sẽ khó ngủ hơn, thời gian ngủ ít hơn và khó thức dậy hơn. Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận thức, hình thành trí nhớ, hệ miễn dịch và xử lý tình huống”.

Bác sĩ Kunz cũng cho biết: "Giấc ngủ tốt rất quan trọng đối với hoạt động của não và cơ thể". Thiếu ngủ triền miên sẽ khiến cơ thể gặp phải một số bệnh như huyết áp cao, bệnh tiểu đường và béo phì.

Kết quả của những cuộc thí nghiệm trên cơ thể người cho thấy, việc tăng cường ánh sáng vào ban đêm có tác động rất lớn đến giai đoạn đầu của tuổi dậy thì.

Dùng ánh sáng khi ngủ ảnh hưởng tới cơ thể - các nhà nghiên cứu của Trường đại học Johns Hopkins, bang Baltimore, Mỹ đã khám phá ra điều này khi tiến hành cuộc thử nghiệm đối với loài chuột chuyên hoạt động vào ban ngày. Kết quả cho thấy, chỉ cần một ít ánh sáng vào ban đêm cũng có thể làm biến đổi bộ não của loài gặm nhấm này tương tự với sự thay đổi trong bộ não của những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm.

Các nhà khoa học đã công bố kết quả trên tạp chí Molecular Psychiatry rằng, sau 4 tuần thực hiện ngủ 8 tiếng trong điều kiện có ánh sáng yếu, chúng bắt đầu có biểu hiện của chứng trầm cảm. Ngay sau khi lũ chuột trở lại giấc ngủ bình thường không có ánh sáng vào ban đêm, chúng không còn biểu hiện trên. Chu kỳ ngày đêm của những loài động vật hoạt động ban ngày tương tự với con người, vì thế kết quả của cuộc nghiên cứu cũng đúng đối với con người.

Theo một báo cáo về tác động của ánh sáng nhân tạo đối với sức khỏe con người được công bố bởi Ủy ban châu Âu, tác hại của ánh sáng nhân tạo không chỉ gây ra sự xáo trộn giấc ngủ và bệnh trầm cảm mà còn dẫn đến bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do hormone nữ tăng lên khi có ít melatonin được sản sinh, con người có nguy cơ mắc ung thư vú khi nồng độ hormone nữ estrogen quá cao.

Các nhà khoa học Israel cũng thừa nhận, nguyên nhân là do sự cân bằng hormone: khi ánh sáng đi từ mí mắt tới võng mạc vào buổi tối, sự sản sinh ra melatonin sẽ bị ức chế- đây chính là loại hormone giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư.

Công nhân làm việc theo ca kíp phải chịu rất nhiều ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo.

Tiến sĩ Barbara Griefahn, chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe nghề nghiệp thuộc Trung tâm nghiên cứu yếu tố con người và môi trường Đại học Kỹ thuật Dortmund, Đức, cho biết: "Khi con người làm việc vào ban đêm, chu kỳ ngủ - thức của họ sẽ bị lệch 8 tới 9 giờ, kéo theo đó là sự thay đổi của rất nhiều nhịp sinh lý"

V.Nguyễn - Phương.T. (theo WC)
.
.