Antifan: Tẩy chay cũng phải văn minh!

Thứ Bảy, 21/11/2020, 09:02
Chưa khi nào từ khóa “antifan” lại xuất hiện dày đặc trên khắp các phương tiện truyền thông, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nghệ sĩ Việt như hiện tại. “Anti Nữ hoàng đạo lý”, “Anti Hương Giang”, “Hội những người không yêu chị Dậm”, “Anti Lũ Hậu”... là những cụm từ được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội nhiều ngày qua.

Từ một nhóm anti, làn sóng này lan nhanh hơn cả bệnh truyền nhiễm khi kéo theo hàng loạt nhóm kín, nhóm công khai, lớn nhỏ đủ loại trên mạng xã hội…

Ngàn vạn lý do để lập... hội antifan

Mở đầu cho trào lưu antifan có lẽ là trường hợp của Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang. Nhóm antifan có tên là “Anti Nữ hoàng đạo lý” với con số thành viên ban đầu hơn 68.000 người. Số lượng của nhóm này tăng nhanh đến 150.000 thành viên với nhiều lời lẽ “châm chích” khiến Hương Giang phải tới tận nhà một antifan để nói chuyện trực tiếp và biến thù thành bạn.

Sau khi Hương Giang lên tiếng, nhóm này đã bị khóa nhưng lại mở đường cho nhiều nhóm anti khác có cơ hội “xông lên”. Hàng loạt hội, nhóm có liên quan với lượng người tham gia tăng mỗi ngày chỉ để “vạch lá tìm sâu” nói xấu Hương Giang từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Không dừng lại ở đó, antifan còn len lỏi vào khắp fanpage của các gameshow, sự kiện có Hương Giang xuất hiện, để lại bình luận và hashtag tẩy chay, yêu cầu phải gỡ hình ảnh của người đẹp. Trước làn sóng tẩy chay rầm rộ, Hương Giang đã phải viết tâm thư xin lỗi, cho biết sẽ hạn chế nhận show mới để có thời gian nhìn nhận lại bản thân. Đồng thời, cô sẽ tạm dừng hoạt động nghệ thuật để nghỉ ngơi một thời gian trước khi trở lại với các dự án nghệ thuật và cộng đồng.

Hoa hậu chuyển giới Hương Giang vướng vào làn sóng tẩy chay của antifan.

Nếu Hương Giang bị ghét vì nói đạo lý làm người khác khó chịu thì việc xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình là lý do khiến Lâm Vỹ Dạ bị “nghỉ chơi”. Trên mạng xã hội đang có một group mang tên: “Hội những người không yêu chị Dậm” hoạt động rất sôi nổi.

Theo đó, nhóm này được lập ra với mục đích tập hợp những người không thích diễn viên Lâm Vỹ Dạ để chỉ trích mọi cử chỉ, hành động của cô. Dựa trên một số bài viết trong nhóm, có thể thấy, nhóm này khó chịu với Lâm Vỹ Dạ chỉ vì cô... thường xuyên xuất hiện trên truyền hình(!) Một số khác lại cho rằng, cô chơi các gameshow không đẹp, khiến họ không có thiện cảm. Bên cạnh đó, cách ăn mặc của bà xã Hứa Minh Đạt cũng là chủ đề bị cư dân mạng lôi ra mỉa mai, bóc mẽ. Thậm chí, một antifan cảm thấy khó chịu vì nữ diễn viên thường xuyên “lôi người yêu cũ” là Anh Đức ra để nói trên sóng truyền hình.

Không tham gia quá nhiều gameshow truyền hình, không nói đạo lý mang tính dạy đời..., Thủy Tiên cũng đang hứng cả rổ gạch đá chỉ vì làm từ thiện, cứu trợ miền Trung. Trong những ngày đầu, Thủy Tiên được tung hô hết mực khi kêu gọi được 150 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Sau đó, Thủy Tiên bỗng chốc trở thành đề tài của búa rìu dư luận. Câu chuyện bắt nguồn từ việc Thủy Tiên sơ suất trong việc rà soát và kiểm chứng chưa chính xác về hoàn cảnh của bác trưởng xóm tại Hải Lăng, Quảng Trị. Ngay lập tức, một nhóm antifan có tên “Anti Lũ hậu” có khoảng 6.000 thành viên công kích bằng những lời nói khiếm nhã.

Tìm đủ mọi lý do để ghét bỏ, lập hàng loạt các hội nhóm tẩy chay, dường như antifan vẫn chưa hả dạ. Khi đã ghét thì phải moi cho bằng được mọi chứng cứ để chứng minh họ đáng ghét thế nào bằng cách dùng những lời lẽ mang tính miệt thị, giới tính và cơ thể của người khác.

Thậm chí, họ còn muốn chứng tỏ quyền lực tối thượng bằng cách đánh vào vấn đề kinh tế, cơm áo gạo tiền để “bóp họng” nghệ sĩ. Đỉnh điểm, thành viên của các nhóm anti Hương Giang len lỏi vào các chương trình có cô tham gia để gây áp lực với nhà sản xuất buộc phải cắt sóng. Thậm chí, họ còn liên tục gửi tin nhắn cho các nhãn hàng và tuyên bố tẩy chay nếu họ không kết thúc làm việc với nàng hậu.

Ngay khi scandal nổ ra, ngày 29-10, một nhãn hàng đã gỡ tên Hương Giang trong bài thông báo về buổi livestream, mặc dù trước đó cô có tên trên áp phích quảng bá. Một bộ phận khán giả còn tạo sức ép cho chương trình Hoa hậu Việt Nam 2020, yêu cầu cô phải rời khỏi vị trí khách mời ở vòng chung kết toàn quốc.

Sau cùng, cô phải viết thư tay xin lỗi ban tổ chức, khán giả và tuyên bố rút khỏi chương trình vì lý do sức khỏe. Thủy Tiên cũng nhận những đòn chí mạng khi các thành viên trong nhóm anti lại tràn vào các nhãn hàng, đối tác của Thủy Tiên để dằn mặt, đòi tẩy chay...

"Sức mạnh" của cái gọi là quyền tẩy chay

Tại thị trường giải trí ở nhiều nước, sức mạnh của cái gọi là “quyền tẩy chay” vô cùng lớn. Không ít nghệ sĩ phải đánh đổi cả sự nghiệp, thậm chí cả mạng sống vì dính bê bối.

Như ở Hàn Quốc, sự tẩy chay mang tính gay gắt, triệt để, một khi đã vướng scandal, bê bối, gần như không thể làm lại. Sự thái quá của antifan đôi khi còn đẩy nghệ sĩ rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí sẵn sàng từ bỏ tính mạng. Còn nhớ, cuộc chiến giữa hai nhóm fan hâm mộ EXO và Big Bang năm 2015 từng khiến Kbiz lao đao. Một người hâm mộ EXO dọa sẽ đánh bom đêm diễn sắp tới của Big Bang tại Philippines.

Ngôi sao Kpop Sulli tự tử sau thời gian dài gặp áp lực trước làn sóng tẩy chay của công chúng.

Dù lời đe dọa khó thành hiện thực, phía người hâm mộ EXO phải đứng ra xin lỗi nhưng hành động này đã gây sự hoang mang trong dư luận. Trước đó, năm 1999, vì hẹn hò với Moon Hee Jun (thành viên H.O.T), Kan Mi Yeon đã được nhận được phong bì chứa đầy dao lam như một lời đe dọa cảnh cáo. Sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ, thành viên Baby VOX đã phải báo cảnh sát vì lo lắng...

Gần đây nhất, cái chết của ngôi sao Kpop Sulli là hiện trạng đáng báo động của làn sóng tẩy chay cực đoan ở xứ sở kim chi. Trước khi tự tử, cô là một ngôi sao tên tuổi, thành công cả trong sự nghiệp ca hát lẫn diễn xuất nhưng vẫn bị hứng chịu không ít chỉ trích từ một bộ phận cư dân mạng xứ Hàn.

Sulli từng xuất hiện với những biểu hiện mang tính “nổi loạn” khi bị đẩy vào tình trạng áp lực nặng nề vì búa rìu dư luận. Cô có những phán ngôn về tình trạng bế tắc của mình: “Cuộc sống của em đang cực kỳ trống rỗng, em cứ luôn giả vờ hạnh phúc và điều đó khiến em cảm thấy như thể mình đang lừa dối mọi người”.

Tại Việt Nam, không ít ngôi sao Vpop từng có những lần tự tử bất thành vì không thể sống dưới sức ép tàn khốc của dư luận. Được biết, ca sĩ Đan Trường cũng từng có ý định kết liễu mạng sống vì những scandal liên tục bủa vây thuở mới vào nghề. “Anh Bo” từng tiết lộ, đó từng là khoảng thời gian tăm tối và khốn khó nhất trong cuộc đời mình.

“Có những lúc tôi bị rơi vào tình trạng trầm cảm và stress nặng nề, không một ai chia sẻ. Tính tôi thì không muốn mang lại sự phiền lòng hay lo âu cho người khác, ngay cả những người thân. Nhiều lần tôi đã nghĩ tới cái chết nhưng rồi tôi thấy mình thật hèn hạ với lối suy nghĩ đó nên phải cố đứng lên và tiếp tục bước tiếp. Không cần giải thích, thanh minh vì tôi nghĩ sự thật không thể thay đổi”, nam ca sĩ bộc bạch.

Cần có sự kiểm soát

Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, antifan không còn là chuyện lạ. Lập hội anti cũng là chuyện đã quá quen thuộc. Hơn nữa, việc việc anti (ghét một ai đó) là điều không thể cưỡng cầu bởi nó là cảm xúc của con người.

Sau Hương Giang, Thủy Tiên là nghệ sĩ tiếp theo bị antifan lập nhóm tẩy chay.

“Trước đây khi chưa có Internet, đã có sự tẩy chay cục bộ, trong từng cộng đồng hay địa phương. Thời đại bùng nổ thông tin và internet, những nhóm anti trên các diễn đàn được thành lập. Khi mạng xã hội phát triển, các nhóm antifan được thành lập nhan nhản với cả nhân vật nổi tiếng và không nổi tiếng, rất ít người biết. Nhiều khi độ hot (phổ cập) của một nhân vật lại đến từ tai tiếng nhiều hơn danh tiếng. Việc tạo các nhóm anti đôi khi giúp họ nổi tiếng hơn. Song, chúng ta cần phân biệt nói xấu đúng sự thật và nói xấu kiểu xuyên tạc, vu khống. Nếu họ xuyên tạc hay vu khống ai thì việc nói xấu là không hợp pháp”, luật sư Trần Anh Dũng phân tích.

Song, việc phân định câu chuyện kiểu “bóc phốt”, bí mật hậu trường không phải là điều ai cũng dễ dàng phân định thật - giả. Hơn nữa, cộng đồng antifan đôi khi còn chuyên nghiệp để “lách luật” đến mức không chỉ đích danh nghệ sĩ mà gọi bằng những biệt danh, ký hiệu như: “chị X”, “chị Y”, “MC Lũ”, “chị Dậm”...

Ở góc độ tích cực, sự xuất hiện của antifan là một hình thức phê bình, giúp nghệ sĩ và các nhân tố trong giới giải trí nhận ra khuyết điểm của mình để hoàn thiện bản thân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Đây cũng là nhân tố giúp làng giải trí “thanh lọc” những chiêu trò trong showbiz.

Thật vô cùng đáng quý nếu người ta thể hiện quan điểm bằng thái độ phê phán khách quan, lịch sự, có căn cứ và mang tinh thần xây dựng. Thế nhưng, việc antifan đang ngày càng lộng quyền và triệt phá nghệ sĩ, ngày càng “giễu sóng giương oai” quả là vấn đề đáng báo động. Sự phản ứng thái quá của một bộ phận công chúng đã vượt khỏi ranh giới văn hóa ứng xử, chuyển sang chửi bới kiểu hàng tôm hàng cá, lăng mạ, moi móc đời tư, bêu riếu, sỉ nhục nhau với những ngôn từ rất... mất vệ sinh.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc đăng bài mang tính miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật, tùy mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Vì vậy, bên cạnh ý thức của công chúng, rất cần phải có sự quản lý chặt chẽ đến từ các cơ quan chức năng, không chỉ là sự quản lý thông tin lưu hành trên mạng Internet mà còn phải quản lý người dùng trên Internet. Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ và tạo ra tính răn đe cần thiết đối với xã hội cho những hành vi vi phạm pháp luật thông qua mạng Internet này”, luật sư Trương Quốc Hòe nói.

Không phải cứ nghệ sĩ là phải chịu đựng việc bị chửi mắng, xúc phạm khi họ không làm gì ảnh hưởng đến luân thường đạo lí hay vi phạm pháp luật. Antifan càng không phải đại diện một cơ quan hành pháp nào để có quyền trừng phạt nghệ sĩ.

Đừng vì những bình luận được nhiều lượt thích, vì thói cuồng ngôn vị kỷ núp bóng sau bàn phím mà kêu gọi tấn công bằng từ ngữ xấu xí, nuôi dưỡng lòng hận thù, gieo những điều tiêu cực. Cũng đừng ảo tưởng tôn vinh chỉ qua vài câu triết lý sáo rỗng, những clip đánh ghen triệu view hay những video của “thánh chửi” được tung hô... mà đánh tráo khái niệm yêu - ghét và thù hận. Cuộc sống văn minh cần thái độ ứng xử văn minh. Showbiz văn minh cần người làm nghề tử tế và khán giả có văn hóa.

Thảo Dung
.
.