Antwerp, thủ đô kim cương của thế giới

Chủ Nhật, 01/07/2018, 20:32
Khoảng 84% trong toàn bộ số lượng kim cương thô và 50% lượng kim cương đã cắt gọt trên hành tinh được kinh doanh tại thành phố cảng Antwerp (Bỉ) - được gọi là “thủ đô kim cương của thế giới”.

Con đường Hoveniersstraat được bảo vệ bởi 1 đồn cảnh sát, hàng chục camera giám sát an ninh và các binh sĩ vũ trang. Lý do: Hoveniersstraat là trung tâm ngành công nghiệp kim cương của Antwerp và cả thế giới.

Nằm cách thủ đô Brussels của Bỉ chừng 1 giờ đi tàu hỏa, Antwerp là trung tâm kinh doanh kim cương từ thời xa xưa. Nữ hướng dẫn viên Anne Claesen cho biết: “Antwerp là trung tâm kim cương từ nhiều thế kỷ qua. Sàn giao dịch kim cương đầu tiên trên thế giới cũng được thành lập tại thành phố cổ kính này và nơi đây kinh doanh mọi thứ từ đồng và bạc đến vàng và kim cương”.

Thợ chế tác kim cương Pieter Bombeke.

Anne Claesen cũng là thành viên nhóm nhân viên lưu trữ văn thư phát hiện tài liệu cổ đề ngày 15-9-1447 - được Thị trưởng và ủy viên Hội đồng thành phố ký - trong đó nêu rõ Antwerp nổi tiếng là trung tâm đáng tin cậy để mua bán đồ trang sức. Tập sách quy định rõ “không một ai bên trong thành phố Antwerp được phép mua, bán, cầm cố hay chuyển nhượng bất kỳ loại đá giả nào mô phỏng kim cương, ngọc ruby, ngọc lục bảo, sapphire...”.

Hoạt động mua bán ở Antwerp chủ yếu thuộc về người Do Thái chiếm đa số trong thành phố. Hiện nay, ở Antwerp có một khu Do Thái được gọi là Quận Kim cương.

Pieter Bombeke là thợ chế tác kim cương và chủ nhân cơ sở “Thiết kế kim cương” - một trong 1.700 doanh nghiệp kim cương chính thức có giấy phép hoạt động - nằm trên quảng trường Mile của Antwerp.

Con đường Hoveniersstraat được bảo vệ nghiêm ngặt.

Pieter Bombeke giải thích: “Trong 2 thập niên 1950 và 1960, ở Antwerp có khoảng 40.000 doanh nghiệp chế tác kim cương nhưng nay chỉ còn chừng 250. Lý do là công nghệ ngày nay phát triển mạnh cũng như sự cạnh tranh đến từ nhiều quốc gia khác - phần lớn từ Ấn Độ rồi đến Trung Quốc, Nga và Israel. Tuy nhiên, những viên đá to vẫn còn được cắt gọt tại Antwerp”.

Một viên đá to như thế là Lesotho Promise - viên kim cương thô 603 carat, được tìm thấy trong thế kỷ 21. Viên đá được bán tại Antwerp và được cắt gọt thành 26 viên kim cương thời trang đính vào một chiếc vòng cổ và bán tại cửa hiệu Graffs ở London. Con đường Hoveniersstraat cũng là sàn giao dịch kim cương thô duy nhất trên thế giới. Đó là lý do an ninh luôn được thắt chặt trên con đường này.

Trước khi được phép bước vào con đường, du khách bắt buộc phải đăng ký tên tuổi và các chi tiết trong hộ chiếu với Trung tâm Kim cương thế giới Antwerp (AWDC) - tổ chức quản lý ngành công nghiệp kim cương tại Bỉ và ở nước ngoài. Sau đó, du khách để lại hộ chiếu và camera tại khu vực cửa vào rồi đi qua máy quét kim loại trước khi vào sàn giao dịch.

Văn hóa của người Do Thái vẫn còn lưu giữ trong cuộc sống hằng ngày ở Antwerp với cái bắt tay thân thiện và câu nói “Mazal ubracha” - theo cổ ngữ Do Thái có nghĩa là “Chúc phát tài và vận may” - sau mỗi thỏa thuận mua bán kim cương thành công. Sau khi bộ phim “Kim cương máu” được công chiếu rộng rãi trên khắp thế giới, ngành công nghiệp ở Antwerp cũng hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Do đó, hiện nay nguồn gốc của mỗi viên kim cương buộc phải được bảo đảm bằng giấy chứng nhận quốc tế Kimberley Process. Nhờ đó mà hoạt động buôn bán “kim cương máu” trên toàn thế giới đã giảm từ 15% xuống còn 0,2% kể từ năm 2013 đến nay.

Quả địa cầu khổng lồ trong căn phòng thứ ba của DIVA.

Tất cả những cửa hiệu bán lẻ kim cương trong thành phố phải được cấp chứng chỉ gọi là AMB, trong đó phải vượt qua 30 bước kiểm tra chất lượng hết sức nghiêm ngặt. Theo quy định, mỗi thợ chế tác kim cương chỉ được làm việc 30 phút mỗi ngày và họ không được phép uống rượu do sẽ có hại cho cặp mắt và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng chế tác kim cương.

Tháng 5-2018, nhà bảo tàng kim cương mới khánh thành có tên gọi là DIVA nằm ở khu vực trung tâm thành phố Antwerp. Phòng đầu tiên của nhà bảo tàng trình bày lịch sử ngành kinh doanh đá quý ở Antwerp và văn hóa thu thập các vật quý hiếm của thành phố. Phòng thứ hai giới thiệu về quá trình chế tác kim cương truyền thống với nhiều đoạn phim ngắn mô tả quy trình cắt kim cương và thiết kế nhẫn kim cương.

Căn phòng thứ ba tiết lộ chi tiết về hoạt động kinh doanh kim cương, trong đó có một quả địa cầu cỡ lớn cho thấy các tuyến đường di chuyển của kim cương từ khắp nơi trên thế giới đến Antwerp. Thêm vào đó là 7 đoạn phim ngắn được trình chiếu, thể hiện cuộc sống thực của các thợ chế tác kim cương từ thế kỷ 15 cho đến nay. Phòng thứ tư trưng bày bộ sưu tập đồ bạc của nhà bảo tàng.

Căn phòng được thiết kế giống như phòng dạ tiệc hào nhoáng và du khách có thể cùng chơi các game tương tác, tìm hiểu về các giấy chứng nhận kim cương thật-giả và lắng nghe những câu chuyện cướp kim cương nổi tiếng thế giới. Phòng cuối cùng tập trung vào những người nổi tiếng mang trang sức kim cương, như Nữ hoàng Victoria hay nữ diễn viên điện ảnh Mỹ huyền thoại Marilyn Monroe.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.