Áo mới Cà Mau

Thứ Bảy, 23/05/2020, 14:22
Theo kế hoạch thì chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau của chúng tôi sẽ có điểm kết thúc là thành phố Cà Mau. Lại nhớ, buổi tối liên hoan chuẩn bị chia tay các đồng nghiệp ở Đài PT-TH tỉnh Cà Mau, chúng tôi được phóng viên Tiến Bình, người được lãnh đạo Đài cử đi chỉ dẫn cho đoàn công tác suốt mấy ngày qua, đã nói nhiều điều rất chi là thẳng thắn.

Cậu phóng viên đẹp trai nhất đài này không chỉ đãi chúng tôi món lẩu cá linh tuyệt vời mà còn hào hứng nói về sự diệu kỳ của rau bó đũa. Cứ theo cậu Bình thì rau bó đũa rất tốt cho sức khỏe đàn ông. Rồi như để củng cố thêm hiểu biết về Cà Mau cho chúng tôi, cậu Bình đứng dậy khoát tay nói to “Đến Cà Mau mà chưa vào rừng U Minh, chưa về xóm Mũi coi như là chưa tới Cà Mau”. Ái chà, câu nói khích ấy quả thực đi vào lòng người của cả đoàn chúng tôi.

Tôi liền trả lời “Đi chứ. Rừng U Minh thì chúng ta đã đi chút chút rồi. Còn về xóm Mũi thì... sáng mai sẽ đi!”.

Mũi Cà Mau.

Về đất Mũi

Từ thành phố Cà Mau về xóm mũi chừng hơn 100km. Đường số 1 (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh) đã về tận xóm Mũi nhưng cậu Bình bảo đi đường bộ không khoái. Về xóm Mũi phải đi bằng ca nô mới thấy hết được cái hay cái đẹp của sông nước Cà Mau. Nghe cũng có lý. Đúng là phải đi đường thủy mới tận hưởng sự thanh bình, không khí trong lành và đặc biệt mới thấy sức vươn của những cây đước (ở trung tâm thành phố Cà Mau có một biểu tượng tự hào của người Cà Mau, đó là hình tượng cây đước khỏe khoắn vươn cao).

Chiếc ca nô cao tốc có sức chở 6 người được làm bằng composit khá vững chãi. Sau cú khởi động máy, nó rời bến lao đi vùn vụt. Nước hai bên mạn rẽ ra nhìn tựa như cánh chim biển dang ra bay mải miết. Cậu Tư, tên người lái ca nô, đã trấn an chúng tôi bằng cách yêu cầu mọi người phải mặc áo phao, cậu bảo mặc áo phao vào là yên tâm ngay.

Hóa ra cái câu “yên tâm ngay” của cậu Tư là ở chỗ chiếc ca nô cao tốc phóng nhanh như nổi hẳn lên, nó vun vút lao đi. Những phút đầu tiên quả là cũng hơi ngài ngại nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng quen ngay được với cảm giác “bay bay” trên mặt nước. Chặng 100km đường thủy quả là một thử thách không hề nhẹ.

Các cháu thiếu nhi đến viếng tại đền thờ Bác.

Chiếc ca nô sau khi tách khỏi sự ồn ào sông nước của thành phố Cà Mau thì bắt đầu luồn lách, khi thì là một đoạn sông rộng mênh mông, lúc lại là những con lạch nhỏ đến nỗi quờ tay là chạm được vào những chùm lá đước. Tôi ngó qua thành ca nô để chiêm ngưỡng những cây đước và mường tượng ra đó là những bàn tay năm ngón chụm lại cắm chặt xuống bùn.

Cuộc khai rừng lấn biển của cha ông ta mấy trăm năm trước hình như được tái hiện trong hình dáng của những cây đước khỏe khoắn. Những bàn tay cha ông cắm chặt xuống bùn, cạp từng thớ đất để vươn ra biển. Nét độc đáo của những cây đước thực sự như một bài ca về lòng khát khao chinh phục thiên nhiên, chinh phục biển cả.

Sau gần 3 giờ đồng hồ thì đoàn chúng tôi về tới xóm Mũi (xóm Mũi hiện thuộc xã Đất Mũi của huyện Ngọc Hiển). Nét thú vị là nơi đây với bên bờ Đông là Biển Đông còn bên bờ Tây là biển Tây (vịnh Thái Lan). Một doi đất mang dáng hình mũi thuyền lại chứa đựng những phong phú thiên nhiên. Tầm này khách đến đã khá đông. Con đường bộ thẳng ra xóm Mũi quả là tạo nhiều cơ hội cho những ai muốn về thăm “Đất nước ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”.

Cô Lan, hướng dẫn viên du lịch, bữa nay tự nguyện đi cùng chúng tôi về xóm Mũi hất vành mũ ướt đẫm nước, nở nụ cười. Cô cho hay “Xóm Mũi còn có tên gọi dân dã là mũi Bãi Bùng. Gọi như vậy bởi trước kia xóm Mũi là một bãi sình lầy bập bùng. Cuộc khai phá đã biến mũi đất tưởng chừng hoang bỏ ấy trở nên sung túc”. Quả tình, khi leo lên chòi ngắm biển, chúng tôi mới thấy hết sự bạt ngàn của màu xanh. Sức sống tự nhiên mãnh liệt cộng với công việc trồng rừng ngăn nước biển làm sạt lở đã tạo nên những dải rừng đước xanh rì vươn cao bạt ngàn.

Cô Lan tự hào cho biết thêm mũi Cà Mau nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng ngập ngọt cùng hệ động vật, thực vật đặc trưng, tạo tiềm năng sinh thái tự nhiên rất đa dạng, phong phú. Tôi ngẩng đầu nhìn bao quát và chợt dấy lên suy nghĩ “Đây là một vùng đất thực sự thiêng liêng mà ai cũng sẽ muốn được đến một lần trong đời”. 

Đền thờ Bác ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước.

Chuyện về những đền thờ Bác ở Cà Mau

Trên đường trở lại thành phố Cà Mau, chiếc ca nô đang rẽ sóng băng băng chợt chạy chậm lại rồi cập mạn bờ, cậu Tư lái ca nô nói trịnh trọng “Mời các anh các chị lên bờ vô viếng Bác”. Nghe mà là lạ. Cô Lan vội nói “Ở thị trấn Năm Căn này có đền thờ Bác thiêng lắm. Khách đi đường bộ hay đi đường thủy kiểu gì cũng ghé vô thăm viếng”.

Nghe cô Lan nói vậy, tôi chợt nhớ ra là khắp trong tỉnh Cà Mau nay có rất nhiều đền thờ Bác. Đền thờ Bác tại thị trấn Năm Căn hiện được nâng cấp cho nên khá bề thế với kiến trúc là những cột trụ, mái ngói đỏ tươi, nếu nhìn từ sông vào thấy như một đóa hoa nở đỏ. Một ngôi đền được xây dựng khá lâu thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của người dân nơi đây với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Chuyện kể rằng, những ngày đầu tháng 9 năm 1969, cùng đồng bào cả nước, người dân Cà Mau vô cùng thương tiếc về sự ra đi của Bác. Hồi đó, khi nhận được tin Bác qua đời, bà con khắp nơi trong tỉnh đã bảo nhau bí mật dựng lên những ngôi miếu để thờ Bác. Gọi là miếu thờ bởi đó là những ngôi miếu nhỏ được dựng lên theo kiểu dáng của những miếu thờ thông thường. Ban đầu, có ngôi miếu chỉ là những cành cây ghép lại đơn sơ, rồi dần dà những miếu thờ Bác được dựng lại chắc chắn hơn.

Phủ thờ Bác ở huyện U Minh.

Có những miếu thờ Bác dựng bên bờ sông, có miếu thờ dựng ngay trong làng trong xóm, có ngôi lại ở giữa cánh đồng và có những miếu thờ Bác lập nên ở lưng chừng những thân cây tràm trong rừng U Minh. Tuy miếu thờ dạo đó không có ảnh Bác, chỉ có bát nhang nho nhỏ nhưng trong thâm tâm người dân Cà Mau đều biết rằng đó là nơi thờ vọng Bác Hồ kính yêu.

Bữa trước cậu Tiến Bình khi đưa chúng tôi tới viếng một đền thờ Bác ở xã Khánh An, huyện U Minh (thuộc U Minh Hạ) đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động như cách thức bà con họp bàn với nhau cứ như đang đi làm đồng hay vào rừng vậy, cách bà con người nọ rỉ tai người kia kín đáo đến nỗi kẻ địch ở ngay cạnh mà không phát hiện ra. Rồi lựa chọn vị trí sao cho trang trọng, thuận tiện và đảm bảo bí mật, đảm bảo an toàn tránh đạn bom và thiên nhiên sóng gió.

Cậu Bình cho hay “Trong suốt những ngày cả nước diễn ra lễ tang Bác, những miếu thờ đó đều thơm mùi khói nhang và bà con chẳng cần chỉ đạo hay tổ chức mà tự giác âm thầm đến miếu thờ để được khóc Bác”.

Biểu tượng cây đước ở trung tâm TP Cà Mau.

Rồi chính quyền địch cũng biết chuyện bà con dựng miếu thờ Bác nhưng chúng không làm gì được bởi những miếu thờ Bác hồi đó không có ảnh Bác và lẫn với những miếu thờ thông thường khác chẳng lấy gì làm bằng chứng. Kẻ địch tuy lơ mơ đoán ra nhưng không dám ngăn cản, không dám cho lính đến đập phá.

Cậu Tiến Bình nói thêm “Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Cà Mau có 20 đền thờ, phủ thờ Bác. Ngay trong năm 1969 đã có 8 miếu thờ Bác được hình thành giữa lòng địch. Nhưng miếu thờ đó sau này được bà con tiếp tục duy trì và chỉnh trang, nâng cấp cho chắc chắn. Hiện, toàn bộ các miếu thờ được gọi là đền thờ Bác, có ảnh Bác và đều được xây bằng gạch lợp ngói rất trang nghiêm”.

Hiện, Cà Mau có 3 đền thờ Bác được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là: Đền thờ Bác tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; đền thờ Bác tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển và phủ thờ Bác tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Tất thảy là biểu tượng của niềm tin, là biểu trưng độc đáo về lòng kính yêu Bác của nhân dân vùng đất cực Nam Tổ quốc. Đồng thời cũng là địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Cà Mau.

Nguyễn Trọng Văn
.
.