Áo xưa ngàn dặm

Thứ Sáu, 27/01/2017, 10:25
Ông hay hát "Tống biệt" của cụ Tản Đà bằng giọng ca trù xưa cổ. Đôi khi chỉ đến đoạn "Đá mòn rêu nhạt/ Nước chảy huê trôi/ Cái hạc bay lên vút tận trời..." là khoé mắt ông đã ướt. Ông nói, cả trọn một đời người xa đất Bắc tính nay đã 80 năm, nhưng trong giấc mơ ông luôn là những cơn gió bấc đi ngang ngõ, những phố mưa phùn mỗi dịp Xuân về.

Và cả đời ông là sự phục dựng, từ nếp sống, nếp nghĩ, của một miền Bắc đã xa ông và gia đình ông đến ngàn dặm; nhưng lại gần như hơi thở, trong cuộc sống của ông.

Phía sau cánh cửa gỗ

Tôi đang viết về một người bình thường, không phải là một người nổi tiếng. Đúng hơn là một cuộc đời thật bình thường, giấu lặng lẽ sau ô cửa gỗ kiểu Bắc xưa, của ông Trần Ngọc Bình, sống ở khu chợ Vườn Chuối (Q.3, TPHCM). Tôi biết ông một dịp tình cờ - tôi đến một khu bán đồ Bắc trên đường Trần Quốc Toản, khi cả tôi và ông cùng đi mua sấu tươi về dầm canh rau muống.

Trong câu chuyện, biết tôi vào Sài Gòn 10 năm, vẫn nấu đồ Bắc ăn mỗi ngày, vẫn dùng phương ngữ phía Bắc trong các cuộc trò chuyện, thì sự thân mật của hai bác cháu diễn ra khá nhanh. Bề ngoài, nom ông khoẻ mạnh, minh mẫn hơn bất kỳ người nào ngoài 80 tuổi mà tôi đã từng gặp trong đời.

Một lời mời cơm tối (không phải xã giao) đã được ông đưa ra, kèm theo: "Bác muốn cho cháu xem nhiều thứ về miền Bắc rất hay mà gia đình bác giữ bao đời".

5 giờ chiều, tôi đến. Ngôi nhà ông khá cũ, nằm trong một con hẻm gần chợ Vườn Chuối. Góc sân trùm lên bởi cây Ngọc Lan đã cao tuổi. Cửa gỗ được chạm trổ theo lối cửa đình Bắc Bộ, đón ánh nắng nhẹ của buổi chiều xuyên thẳng qua.

Trong ngôi nhà, toàn bộ nội thất bằng gỗ đã ghi màu thời gian đi qua nó. Bộ bàn ghế gỗ theo lối tràng kỷ đã sang màu sẫm. Trên bàn là trà, hũ mứt gừng và một ít vật dụng dùng để uống trà bằng gốm sứ Bát Tràng. Chiếc tràng kỷ để phía sau. Một chiếc quạt tre ngả màu vàng sẫm để sẵn ở đó. Trên tường là những tấm ảnh cũ đen trắng ngày xưa, thời các cụ còn mặc áo dài, đứng trang nghiêm chụp hình; những đứa trẻ con cười theo sự chỉ đạo của người chụp, miệng méo xệch. Ông Bình chỉ nhân vật ở góc ảnh, một đứa trẻ tầm 4 tuổi đứng bên cạnh mẹ. Bức ảnh đó được chụp vào năm 1934.

Khi còn ở Hà Nội, gia đình ông ở phố Gia Long (nay là phố Bà Triệu), có một cửa hiệu khắc dấu đồng. Hà Nội khi ấy trong ký ức của đứa bé 4 tuổi không có gì nhiều ngoài cái lạnh run người vào mùa đông, những trò ngỗ nghịch của trẻ con kiểu như nhặt mo cau về làm xe kéo, bắt chước các cụ phu xe vẫn kéo xe chở người đi ngang phố.

Kiến trúc nhà 87 Mã Mây, đặc trưng của Hà Nội cổ. Ảnh: Trang thông tin cổng TL -  KTQHXD QG.

2 năm sau thì gia đình ông chuyển vào Nam, vào năm 1936 đến khu Vườn Chuối này. Sài Gòn khi ấy thưa thớt lắm. Chỗ ông ở vẫn là những mảnh ruộng dài phía sau. Bố ông vẫn mang theo nghề gia truyền làm con dấu, mẹ ông thì vẫn như hồi ở Hà Nội, sống cuộc sống của một phụ nữ lặng lẽ sau lưng chồng, chăm con cái, sống với không gian bếp núc nhiều hơn là sống cuộc sống của một phụ nữ tự chủ.

Bữa cơm khách do con dâu út của ông nấu, với cơm tám xoan, cá Bống kho, trứng đúc, rau muống luộc, thịt luộc, canh nước muống dầm sấu cùng một đĩa giò Ước Lễ. Chị này hiện bán vải ở khu Tân Định, một người gốc Bắc Ninh. Ông nói, các con ông đều chọn vợ là các cô gái Bắc sinh ra trong những gia đình nền nếp. Dù có thể là những người phụ nữ thành đạt ngoài xã hội, tiếp xúc với đủ hạng người từ thượng vàng đến hạ cám, thì về nhà vẫn luôn phải là những người phụ nữ của gia đình, sống có trước có sau, theo lối sống của các cụ đất Bắc xưa.

"Tôi vào Sài Gòn đã tròn 80 năm, khi vào mới chỉ là đứa trẻ 6 tuổi. Câu đầu tiên mà bố tôi dạy anh em chúng tôi khi vào đây, dù đất có sập, nhà mình vẫn nói tiếng Bắc, sống nếp sống người Bắc, tôn trọng lễ nghĩa, tu nhân tích đức theo Phật Pháp, không khoe khoang hợm hĩnh, để yên lành trước thiên hạ thì nên kiệm lời, nên bình tĩnh, hạn chế đối đầu đấu khẩu".

6 anh em ông được trưởng thành trong cái khuôn lễ đó. Gặp người lớn thì một thưa hai gửi, ăn cơm thì phải mời tất cả những người lớn tuổi hơn, không văng tục chửi bậy kiểu kẻ đầu đường xó chợ... Và rồi chẳng ai bảo ai nhiều, anh giữ nếp thì em cũng noi theo vào mà giữ. Một nếp sống từ nguồn cội lặng lẽ chảy qua đời con cháu. Ông kể, có một lần nói chuyện với bạn ở trường, chữ "vào" ông nói thành "vô", chữ "rẽ" ông nói thành "quẹo", thế là cái roi mây mẹ ông gác dưới bếp được phát huy tác dụng.

"Bố nói với con rồi. Tiếng Bắc không có gì xấu mà con phải thay đổi. Con nói chữ "vào" bạn bè con cũng hiểu. Con nói chữ "rẽ" nếu bạn bè con không hiểu thì con phải giải thích cho họ hiểu. Đều là tiếng Việt cả chứ có phải là tiếng Pháp đâu mà con phải thay đổi?" - sau khi bị đánh, ông nhận được những lời dạy đó từ bố.

Nghiêm ngặt, gia phong là thế nhưng với các anh em ông, bố ông cho đi học trường Tây, học tiếng Mỹ, học đàn, học vẽ. Cầm kỳ thi hoạ đều đủ và không ngừng cho nạp những tinh tuý từ ngôn ngữ đến văn hoá của các nước tiên tiến, đó là điều mà bố ông muốn cho các con phải có. Bố ông bảo, cuộc đời là phải biết nhiều thứ, biết nhiều tiếng nước ngoài, để khi đi đâu không phải như ếch ngồi đáy giếng.

Anh em ông lớn lên đều làm cho sở Mỹ, cho các doanh nghiệp lớn của nước ngoài từ xưa. Thế nhưng, khi về nhà thì ai nấy đều tăm tắp: lối sống, sinh hoạt theo kiểu Bắc. "Tôi có cảm tưởng như bố mẹ tôi là những bức tường thành vững chắc. Các cụ ngồi đấy sống làm gương trong việc giữ nề giữ nếp, giữ những tinh tuý văn hoá đất Bắc để cho con cháu có cái mà nương náu, không bị trật gốc dù có đến bất cứ xứ nào".

Thế đấy, mà ở đất Sài Gòn, có ngôi nhà nho nhỏ, yên yên nằm giữa phố đông đúc là thế, mà vẫn giữ trong đó tất cả những gì là hồn cốt tinh tuý của cả một vùng đất, cả một nền văn hoá được thừa hưởng từ bao đời bao kiếp, qua những con người ở các thế hệ kế tiếp. Ở đó, lễ nghĩa được giữ lại, gia phong được giữ lại, âm thầm, bền bỉ mặc cho bao đổi thay, bao biến động, bao bể dâu của thời cuộc.

Trạm dừng chân thiêng liêng

Ông Bình có 5 người con, thì đến 4 người bây giờ đã mang theo cái nếp nhà ấy sang Mỹ, Pháp. Người con ở lại cùng ông là con trai út, học rất giỏi nhưng không chọn cách xa xứ như những anh chị trước đó. Anh quan niệm: "Đất mẹ còn nhiều điều để nương náu. Đời ông bà đến đời cha đã là những cánh chim thiên di, thì cũng phải có người dừng bước, để phụng dưỡng cha mẹ và làm bến đỗ cho những anh em khi về quê hương, còn có cái trạm dừng chân".

Cứ nhắc lại điều con trai nói khi quyết định không đi Mỹ, ông Bình lại chảy nước mắt. Nhất là cái "trạm dừng". Ông bảo, cả một đời của cha ông và giờ đến ông, cố gắng làm hết sức có thể để xây dựng những "trạm dừng" ấy. Bố ông xa Hà Nội từ năm 1936 và xa quê gần 40 năm ròng. Cụ mất trong một cơn bạo bệnh vào năm 1974.

Trước khi mất, cụ chỉ ước được về quê, khi chết đi được nằm cạnh tổ tiên ở đất Bắc. Cả đời bố ông, canh cánh một ngày trở lại dù chỉ một lần, gặp lại bà con họ hàng ở phố Hà Nội, ngẩng mặt lên hứng một ít mưa phùn mùa đông cho thoả nhớ cái lạnh mang theo cả đời người không thể nào quên được.

Năm 1980, khi kinh tế ổn ổn, ông Bình đã cất mộ ông cụ, đưa về khu nghĩa trang của tổ tông ở miền Bắc. Khi mẹ ông bệnh sắp qua đời, gia đình cũng vội vàng đưa về cố hương, để cụ bà nhìn một lần những con phố cũ, nhìn Tháp Rùa, nhìn những rặng liễu xanh bên hồ Gươm như cả tuổi thanh xuân, cả đời con gái bà đã gửi lại chốn này, để rồi nhắm mắt.

Cảnh sinh hoạt (được dàn dựng lại) của người Hà Nội xưa trong không gian nhà 87 Mã Mây. Ảnh: HàNộiMới.

Ông Bình tâm sự, rồi đời ông cũng thế thôi. Rồi lại nhờ con đưa về phố xưa khi ông cảm thấy sức khoẻ của mình đã không còn ổn. Nhưng điều mà ông yên lòng là đến giờ phút này, ông và các con cháu ông đều thấy rất hạnh phúc khi luôn "mang theo quê hương và giữ nó trong đời sống của chính mình".

Chúng tôi ngồi uống trà. Giọng cố NSND Quách Thị Hồ lảnh lót từ Hồng Hồng Tuyết Tuyết đến Lá Đào rơi rắc lối Thiên Thai. Ông Bình lấy cái đàn đáy ra chơi, và hát. Đến đoạn "Trời đất từ nay xa cách mãi" trong Tống biệt thì nước mắt ông chảy dài.

Ông nhớ vợ ông, người con gái mà ông yêu cả một đời, cô gái Bắc đi cùng chuyến đi với gia đình ông ngày rời Hà Nội. Cô gái con một gia đình lễ giáo như gia đình ông. Cô gái ngồi hát ca trù cùng ông, những lúc ông là kẻ cầm chầu gõ nhịp. Người nối tiếp mẹ ông giữ lại nếp nhà cho các con, thầm lặng một đời đứng sau chồng con và ra đi khi các con chưa kịp trưởng thành.

Bà được về với tổ tông cũng đã ba mươi năm, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, ông một mình đảm đương cả vai trò làm cha làm mẹ dạy dỗ các con nên người. Có lần con ông khuyên ông nên đi bước nữa cho đỡ đơn độc, ông chỉ nói: "Cảm ơn các con đã lo cho bố. Nhưng giờ này, nếu bố có thêm một lựa chọn, thì sự bình yên chắc gì đã giữ được cho các con".

Và rồi chính ông, chứ không ai khác, đã chọn làm trạm dừng cho các con, mãi mãi. Để các con có nơi mà trở về, có cái gốc để không cảm thấy lạc lõng như bao nhiêu người Việt đã ra đi mà khi trở lại quê hương, như một người khách trọ trên chính quê của mình.

Thời buổi đất chật người đông, đạo đức xuống cấp, con người ở một mặt nào đó giẫm đạp lên nhau mà sống, nếu ta không có niềm tin, không có điểm tựa mà đứng, không có những người đã sống để làm "điểm dừng" cho ta, thì sự chông chênh, sự hoang mang vô định, là điều hoàn toàn xảy ra. Và đó là một bi kịch. Chỉ còn cái đạo, cái nghĩa, cái nếp gia phong cha ông gửi lại, ai có tâm thì nhận lấy để mà sống, để mà dạy cho con cháu sống cho có đạo có nghĩa, có trước có sau, có nguồn có cội...Như ông Bình và gia đình ông, vẫn giữ nếp áo xưa, dù có xa đến ngàn dặm cả về không gian lẫn thời gian.

Chỉ có những điều đó, ta mới thấy mình được nương náu.

Hoàng Nguyên Vũ
.
.