Argentina: Tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu

Thứ Năm, 12/06/2014, 07:25

Liệu có phải việc sử dụng (hay lạm dụng) thuốc trừ sâu là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp ung thư và dị tật nơi trẻ sơ sinh ở Argentina? Đó là câu hỏi đặt ra tại tỉnh Chaco miền Bắc Argentina, nơi có khu vực rộng lớn canh tác những cây trồng biến đổi gien (GM). Hiện nay, lãnh đạo y tế ở tỉnh Chaco yêu cầu một ủy ban độc lập tiến hành điều tra về sự liên quan giữa sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và những vấn đề trầm trọng về sức khỏe người dân. Một vấn đề không ngừng gây tranh cãi ở Argentina.

Carlos Fria sống gần Avia Terai, vùng nông thôn hẻo lánh thuộc tỉnh Chaco, cho biết các hóa chất nông nghiệp được phun sát gần nhà ông gây nguy hiểm cho sức khỏe: "Cậu tôi đã chết vì bệnh ung thư. Vợ tôi cũng qua đời vì căn bệnh này. Gần đây có nhiều người mất mạng vì ung thư. Tôi cho rằng căn nguyên là chất độc được rải trên các cánh đồng trồng cây biến đổi gien".

Ung thư đang trở thành căn bệnh phổ biến ở khắp mọi nơi ở Chaco. Đậu nành GM trồng chủ yếu ở Chaco giúp Argentina trở thành quốc gia xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Cuộc cách mạng công nghệ sinh học đã làm thay đổi hoàn toàn Argentina vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước và các hóa chất nông nghiệp đang gây lo ngại cho người dân.

Theo một báo cáo nghiên cứu của tỉnh Chaco công bố năm 2012, gần 1/3 người dân sống ở Avia Terai đều có người thân trong gia đình chết vì ung thư trong 10 năm qua. Một trong những tác giả của báo cáo là nữ bác sĩ Maria del Carmen Seveso, lãnh đạo khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Saenz Pena, tỉnh Chaco và nay đã về hưu.

Bà Seveso cho biết cách đây khoảng chục năm số phụ nữ mang thai bị chứng kinh giật trong thai kỳ đe dọa tính mạng gia tăng đến mức báo động và đó cũng là khoảng thời gian mà hóa chất nông nghiệp được sử dụng lan tràn trên các cánh đồng đậu nành GM. Bác sĩ Seveso cho biết có khoảng 3,5% số trẻ sơ sinh trong bệnh viện của bà bị dị tật khi chào đời.

Ông Carlos Fria và bác sĩ Raul Horacio Lucero.

Bác sĩ Raul Horacio Lucero, lãnh đạo Khoa sinh học phân tử Đại học Quốc gia Đông Bắc ở Chaco, cũng thu thập dữ liệu về những đứa trẻ khuyết tật khi chào đời và cho biết: "Tôi chứng kiến nhiều dạng khuyết tật như một số bị mất chi và số khác bị dị dạng cơ quan sinh dục. Tôi không tìm thấy bất cứ sự biến đổi nào ở nhiễm sắc thể cho nên tôi bắt đầu điều tra từ các bà mẹ. Kết quả cho thấy họ thường hít phải các hóa chất nông nghiệp".

Trong khi đó, các nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp tuyên bố sản phẩm của họ không gây ung thư hay tác động tiêu cực đến quá trình sinh sản nơi phụ nữ.

Hóa chất nông nghiệp được sử dụng phổ biến ở Argentina là glyphosate - loại chất diệt cỏ cực mạnh do Công ty Hóa chất và Công nghệ sinh học nông nghiệp Mỹ Monsanto phát triển vào những năm 70. Hiện nay, glyphosate được nhiều công ty khác sản xuất và nó được cho là an toàn tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu. Và, glyphosate chỉ là sát thủ đối với cỏ dại mà không gây nguy hiểm cho đậu nành GM.

Andres Carrasco, giáo sư Đại học Buenos Aires của Argentina, tiến hành thí nghiệm tiêm chất glyphosate với tên thương mại của Monsato là Roundup vào các phôi thai ếch và gà. Kết quả cho thấy một số phôi thai đã chết trong khi số khác phát triển không bình thường.

Sản phẩm Roundup gây tranh cãi của Monsanto.

Nghiên cứu của giáo sư Carrasco được công bố năm 2010 và vẫn đang trong vòng tranh cãi. Nhưng Công ty Monsanto đã bác bỏ nghiên cứu của Carrasco. Luiz Beling, Chủ tịch phụ trách khu vực miền Nam Mỹ Latinh, tuyên bố: "Các phôi thai không là cách tốt nhất để thử nghiệm tính hiệu quả của các sản phẩm và sự tác động đến sức khỏe con người. Mà, cách tốt nhất là thực hiện với động vật sống. Chúng tôi có dữ liệu chắc chắn chứng minh sản phẩm công ty là rất an toàn. Không có bằng chứng nào cho thấy glyphosate gây hại cho sức khỏe con người".

Alejandro Ferrero bắt đầu sử dụng công nghệ GM cho cánh đồng rộng 1.200 hecta của mình ở Cordoba, miền Bắc Argentina khi cuộc cách mạng công nghệ sinh học bắt đầu bùng nổ ở nước này, và ông cũng không tin có sự liên quan giữa hóa chất nông nghiệp và các vấn đề về sức khỏe.

Ferrero phát biểu: "Tôi nghĩ rằng chưa có những nghiên cứu khoa học quy mô nào chứng minh được điều đó. Khi chưa nhìn thấy những nghiên cứu như thế thì tôi vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất nông nghiệp”.

Ở Avia Terai, bà Viviana Perez thường xuyên nhìn thấy máy bay phun thuốc trừ sâu xuống các cánh đồng. Ngồi trên chiếc ghế lăn cạnh bà là cô con gái 14 tuổi tên Nadia. Bà Viviana cho biết: "Không có thuốc trị bệnh hữu hiệu cho con gái tôi. Các bác sĩ bảo nó bị bệnh một phần do di truyền, nhưng các hóa chất nông nghiệp cũng tác động rất lớn".

Tuy nhiên, vẫn không có bằng chứng chứng minh Nadia mắc bệnh do người mẹ thường xuyên hít phải hóa chất. Ở Chaco, lãnh đạo y tế Antonio Morant đang hết sức quan ngại cho tình trạng sức khỏe của người dân địa phương: "Tôi thấy lo ngại cho những phụ nữ trẻ bị sẩy thai, trẻ con sinh ra bị dị tật và nhiều trường hợp ung thư. Nhưng, tại những khu vực không sử dụng hóa chất nông nghiệp cũng có những vấn đề về sức khỏe tương tự"

An An (tổng hợp)
.
.