BV Nhi Đồng 2: Có cần xây mới hay không?

Thứ Ba, 06/10/2009, 17:50
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã xuất hiện những bài viết với những ý kiến khác nhau, nói về việc Tổng Công ty cổ phần đền bù giải tỏa (TCTCPĐBGT) TP HCM đề xuất với các ngành chức năng, xin đầu tư xây dựng mới Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, với tổng kinh phí lên đến gần 3.200 tỉ đồng.

Có thêm BV mới với những trang thiết bị hiện đại là điều mà cả xã hội mong muốn. Tuy nhiên, với BV Nhi Đồng 2, thì có cần thiết xây mới hay không?

Lịch sử BV Nhi Đồng 2

Khởi công từ năm 1867, đến năm 1873 thì BV bắt đầu đi vào hoạt động với tên gọi BV Hải quân. Sau đó, nó đổi thành BV Quân đội, phục vụ cho người Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Năm 1905, bác sĩ Grall, một chuyên gia về các bệnh nhiệt đới từ Pháp sang làm việc tại BV, rồi đến năm 1925, BV  đổi tên thành BV Grall.

Năm 1958, người Pháp chuyển BV Grall thành BV dân sự - chính quyền Sài Gòn gọi là BV Đồn Đất. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp thu, quản lý BV rồi đến ngày 1/6/1978, BV chính thức mang tên BV Nhi Đồng 2, với nhiệm vụ thăm khám, điều trị cho trẻ em. Đây cũng là một trong hai BV chuyên khoa Nhi đầu ngành của các tỉnh phía Nam với số giường bệnh là 1.000 giường.

Nằm ngay trung tâm quận 1, TP HCM, BV Nhi Đồng 2 có tổng diện tích là 86.168m2, trong đó phần đã xây dựng và đang hoạt động chiếm 35% quỹ đất, còn lại là lối đi, thảm cỏ, cây xanh. BV hiện có hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi vào thăm khám, điều trị.

Đây cũng là nơi thực tập của sinh viên các trường Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời còn là cơ sở nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh sau đại học. Từ năm 2004, BV Nhi Đồng 2 đã thành công trong việc ghép tạng (gan, thận).

Để nâng cao chất lượng phục vụ, năm 2006, BV Nhi Đồng 2 đã đầu tư  gần 39 tỉ đồng để xây mới khu điều trị gồm 500 giường cho 9 khoa, chưa kể BV  còn được xếp vào danh mục các công trình cần bảo tồn cảnh quan, kiến trúc.

Vì sao xây mới?

Khách quan mà nói, đại đa số các BV trong nội thành TP HCM hiện nay, đều đã hình thành và hoạt động từ rất lâu nên việc xuống cấp là chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên, theo Công văn số 8933 của UBND TP HCM, ban hành ngày 21/12/2007, thì việc xây mới, nâng cấp các BV trong nội thành phải dừng lại.

Để phát triển mạng lưới y tế, UBND TP HCM giao Sở Y tế xúc tiến đầu tư, xây dựng 5 BV ở 5 cửa ngõ ra vào thành phố với quy mô mỗi BV 1.000 giường nên một số  BV phải chọn phương án chắp vá để tồn tại. Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT - TCTCPĐBGT TP HCM - là đơn vị hiện đang đề xuất xây mới lại BV Nhi Đồng 2, cho biết: "Ý tưởng xây dựng lại BV Nhi Đồng 2 là tâm huyết của tôi. Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát cũng như hiểu tâm tư của một số cán bộ, công nhân viên BV về vấn đề xây mới BV, cũng như tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, xây dựng, môi trường và cả... khảo cổ, bảo tàng nữa,  tôi quyết định lập phương án, trình lên Chính phủ xem xét".

Để xây mới BV Nhi Đồng 2 mà tổng chi phí lên đến 3.200 tỉ đồng, TCTCPĐBGT TP HCM đưa ra hai phương án. Một là TCTCPĐBGT sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ BV trên khu đất hiện hữu - mật độ xây dựng khoảng từ 34 đến 35% (nghĩa là tỉ lệ sử dụng đất sẽ giống như hiện tại BV Nhi Đồng 2 đang sử dụng), trong đó sẽ là một khối nhà 10 tầng với tổng diện tích sàn 185.000 m2, kinh phí 3.166 tỉ đồng. Hai là toàn bộ BV Nhi Đồng 2 sẽ chia làm 3 khu, khu 1 xây BV mới diện tích 57.619m2, khu 2 dùng để kết nối giao thông giữa đường Thái Văn Lung và đường Lê Văn Hưu, tạo sự riêng biệt cho BV.

Khu còn lại khoảng 25.316m2, xây công trình 15 tầng. Vẫn theo ông Phạm Ngọc Lâm, thì: "Ở đây, không hề có chuyện... xẻ thịt BV để mang lại lợi ích cho cá nhân, mà tôi làm là vì tôi muốn có một công trình ý nghĩa, giá trị cho xã hội lâu dài bởi lẽ ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ việc khám chữa bệnh cho các cháu, thì đây sẽ trở thành trung tâm cho các nhà khoa học, các bác sĩ, sinh viên... nghiên cứu y học hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 29/6/2009, ông Phạm Ngọc Lâm đã ký tờ trình số 69, gửi Chính phủ, trong đó TCTCPĐBGT đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư, xây mới BV Nhi Đồng 2 theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Cũng trong tờ trình này, TCTCPĐBGT cam kết tự nguyện tài trợ 100 tỉ đồng để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên BV.

Về kinh phí, TCTCPĐBGT ứng 100% vốn và trong thời gian thi công, sẽ sắp xếp sao cho không để ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của BV. Ông Phạm Ngọc Lâm, nói: "Qua tìm hiểu, tôi biết một số cán bộ, công nhân viên ngại rằng khi tiến hành xây dựng, hoạt động của BV sẽ bị thu hẹp và như vậy, thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề này, TCTCPĐBGT cam kết sẽ bù lỗ những khoản đó cho đến khi BV xây xong".

Ngày 28/7/2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5083, gửi UBND TP HCM, nêu ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: "UBND TP HCM xem xét, giải quyết đề nghị nêu trên của TCTCPĐBGT theo thẩm quyền và quy định hiện hành". Đến ngày 7/8/2009, UBND TP HCM có Công văn số 5767, giao Sở Kế hoạch và  Đầu tư phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Y tế và Ban chỉ đạo 09 làm việc với TCTCPĐBGT để xem xét cụ thể về chủ trương đầu tư, xây mới BV Nhi Đồng 2.

Ông Phạm Ngọc Lâm, nói: "Ngày 12/8/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM gửi  thư mời các đơn vị vừa kể - kể cả BV Nhi Đồng 2, đến họp bàn về vấn đề này. Trong buổi họp, hầu hết đại diện các sở, ngành đều có quan điểm ủng hộ chủ trương đầu tư, xây mới BV Nhi Đồng 2. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều chất vấn được nêu lên, và TCTCPĐBGT đã giải đáp thỏa đáng".

Một trong những chất vấn do BV Nhi Đồng 2 nêu lên, là: "Phải đảm bảo tiến độ thực hiện, không được quy hoạch treo làm ảnh hưởng đến hoạt động và phát triển của BV, phải đảm bảo trong quá trình xây dựng, không ảnh hưởng đến đời sống của BV".

Ông Phạm Ngọc Lâm, nói: "Tôi khẳng định với BV Nhi Đồng 2 rằng, ngay sau khi chủ trương được chấp thuận, bên cạnh việc mời các đơn vị tư vấn, thiết kế, quản lý dự án tiến hành lập phương án, dự toán, TCTCPĐBGT sẽ ký quỹ 100 tỉ đồng. Sau 6 tháng kể từ khi dự án được phê duyệt, mà chúng tôi không làm, thì tiền ấy coi như mất".

Để không ảnh hưởng đến đời sống của BV, theo ông Phạm Ngọc Lâm, thì TCTCPĐBGT sẽ thi công theo phương pháp "cuốn chiếu" - nghĩa là làm dứt điểm từng hạng mục một, xong phần này mới làm phần khác chứ không làm tràn lan. Một kiến trúc sư - giảng viên Trường đại học Kiến trúc cho biết: "Tổng diện tích của BV Nhi Đồng 2 là 8,6 ha. Nếu mật độ xây dựng mới chỉ chiếm 20 đến 25% diện tích xây dựng - và xây theo lối cuốn chiếu thì có lẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của BV".

Nhận xét này phù hợp với dự kiến của TCTCPĐBGT: Trong giai đoạn 1, các hạng mục mới sẽ được xây dựng trên phần đất trống, còn các hạng mục cũ vẫn giữ nguyên để đảm bảo hoạt động của BV. Khi giai đoạn 1 hoàn tất, BV sẽ chuyển sang làm việc tại khu vừa xây. Riêng khu cũ, vẫn sẽ giữ nguyên vừa để bảo tồn cảnh quan kiến trúc, vừa dùng nó làm nơi nghiên cứu, đào tạo.

Còn với một số trang thiết bị mà BV Nhi Đồng 2 vừa đầu tư, thì sẽ giải quyết ra sao? Vẫn theo ông Phạm Ngọc Lâm: "Dựa trên ý kiến của đơn vị tư vấn thiết bị y tế, chúng tôi sẽ ưu tiên tái sử dụng những máy móc, dụng cụ phù hợp với yêu cầu của BV mới". --PageBreak--

Một vấn đề nữa - và đây cũng là vấn đề mà dư luận rất quan tâm: Đó là hoàn vốn lại cho nhà đầu tư bằng hình thức nào? Theo quan điểm của TCTCPĐBGT, có hai hình thức: Xác định quỹ đất nơi khác  - theo giá thị trường để khấu trừ. Trường hợp đất đó giá trị lớn hơn số tiền TCTCPĐBGT đã bỏ ra, thì TCTCPĐBGT có trách nhiệm nộp lại khoản chênh lệch vào ngân sách Nhà nước.

Còn nếu giá trị đất nhỏ hơn tổng số tiền đầu tư, thì thành phố thanh toán thêm cho TCTCPĐBGT. Riêng trường hợp thành phố thanh toán cho TCTCPĐBGT bằng nguồn ngân sách Nhà nước, thì việc thanh toán sẽ xác định theo công thức: Kiểm toán xác định tổng giá trị đầu tư, cộng với chi phí sử dụng vốn theo lãi suất ngân hàng, cộng với khoản từ 2% đến 5% lợi nhuận do thành phố quyết định.

Ý kiến của các cơ quan chức năng

Sau buổi họp ấy, ngày 21/8/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM có Công văn số 5138, gửi các Sở Y tế, Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường BV Nhi Đồng 2, đề nghị những đơn vị nêu trên có ý kiến chính thức về việc xây dựng BV Nhi Đồng 2 theo hình thức BT vì hình thức này không nằm trong lĩnh vực xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, quy định tại Nghị định số 78 của Chính phủ, đồng thời kiến nghị các sở, ngành đề xuất phương án xây dựng BV Nhi Đồng 2 theo phương thức khác.

Bệnh viện Nhi đồng 2 do người Pháp xây.

Ngày 9/9/2009, Sở Xây dựng TP HCM có Công văn số 7445, gửi Sở Kế hoạch Đầu tư. Sau khi nêu lại nội dung Văn bản 8933 của UBND TP HCM về việc không quy hoạch xây dựng mới các cơ sở y tế trong thành phố và các quận nội thành cũ, Sở Xây dựng cho rằng: "Trường hợp BV Nhi Đồng 2 được đề xuất cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng - kể cả xây dựng mới, phù hợp theo quy hoạch tổng thể 950 ha khu trung tâm, đang được Nikken Sekkei LTD thực hiện, là không trái với chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP".

Tiếp theo, Sở Xây dựng nhận định: "Việc TCTCPĐBGT xin chủ trương đầu tư theo phương thức tự ứng vốn xây dựng mới BV Nhi Đồng 2 và chuyển giao theo hướng trở thành BV tầm cỡ khu vực, quốc tế là tích cực, cần được xem xét tạo điều kiện thực hiện". Riêng phương thức thanh toán, Sở Xây dựng đề xuất thanh toán bằng quỹ đất theo sự xác định của Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp cùng các quận, huyện.

Cũng cùng một ý đó, Sở Y tế trong Công văn số 5112, ký ngày 11/9/2009, "ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng mới BV Nhi Đồng 2 thành một BV Nhi hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế". Sở Tài nguyên và Môi trường, thì: "Nếu thực hiện dự án theo phương thức do TCTCPĐBGT đưa ra, sẽ có BV hiện đại, quy mô lớn, bảo toàn, khai thác có hiệu quả quỹ đất của BV. Vấn đề chủ yếu là phải bố trí được nguồn vốn hoặc quỹ đất để giao cho doanh nghiệp, khả năng quỹ đất là có thể".

Sở Quy hoạch kiến trúc, cũng: "Ủng hộ hướng xây dựng nâng cấp BV Nhi Đồng 2". Riêng Sở Tài chính, thì: "Chủ trương đầu tư cho lĩnh vực y tế bằng hình thức xã hội hóa hiện đang được TP khuyến khích thực hiện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời khai thác được các nguồn vốn khác ngoài ngân sách...".

Mọi việc tưởng như đã xong, và TCTCPĐBGT chỉ chờ quyết định của UBND TP là có thể bắt tay vào việc. Và mặc dù trong buổi họp giữa các ban, ngành, BV Nhi Đồng 2 đã nêu ra những thắc mắc, và đã được TCTCPĐBGT giải đáp cụ thể, nhưng phút cuối, Tiến sĩ - bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 lại không đồng tình.

Theo ông Tuấn, BV Nhi đồng 2 "chủ trương chung là không nhất trí về việc xây mới lại toàn bộ BV", vì: "Cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa mới đầu tư và đang hoạt động hiệu quả... những dự án phát triển của BV đã được phê duyệt như dự án xây mới trung tâm chuyên sâu về ngoại khoa, trung tâm ghép tạng, mổ tim hở... rất cần thiết và đang được tiến hành, sẽ bị dừng lại làm ảnh hưởng đến việc phục vụ bệnh nhân, phát triển BV... khi tiến hành xây mới sẽ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc bệnh nhân bởi vì khi xây dựng thì diện tích dành cho chăm sóc bệnh nhân sẽ giảm đi... hệ lụy tiếp theo là đời sống cán bộ, công chức trong BV sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, dẫn đến mất nguồn nhân lực và sự phát triển của BV".

"Khi làm chuyện này, tôi không hề đặt vấn đề lợi ích cá nhân và cho dù có được các ngành chức năng chấp thuận hay không, thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức" - ông Phạm Ngọc Lâm nói: "TCTCPĐBGT không tham gia góp vốn, hoặc tính lãi tính lời, mà tất cả vì mục tiêu chung là làm thế nào để người bệnh có được một cơ sở điều trị hiện đại, khang trang, sạch đẹp...".

Vì thế, vấn đề xây mới BV Nhi Đồng 2 chắc còn phải được đem ra mổ xẻ trước khi cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng. Và dù có thành công  hay không, thì ý tưởng đột phá của TCTCPĐBGT trong lĩnh vực mới mẻ này, cũng cần được ghi nhận

Vũ Cao
.
.