Bà lão ngồi chép… thư tình

Thứ Tư, 21/02/2018, 14:47
Năm nay, bà Doanh tròn 84 tuổi. Tóc bạc phơ như cước. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Bà ngồi đó, nhưng gương mặt ánh lên nét vui tươi khi nhắc lại những kỷ niệm yêu thương về người chồng quá cố, một nhà văn lớn của Việt Nam đã đi xa lâu lắm rồi.

Dường như trong ký ức của bà, không có điều gì thuộc về nhà văn Nguyễn Minh Châu mà bà có thể lãng quên. Bà bảo: Với mọi người thì ông đã nằm xuống, nhưng với bà, thì ông ngày nào cũng hiện diện. Mỗi lần chép lại nhật ký của ông, gặp những chữ khó hiểu hoặc nét bút đã mờ theo thời gian, bà vẫn thường "nói chuyện" với ông: "Anh thương em ít chữ, về chỉ bảo để em viết xong cuốn nhật ký cuối cùng của anh!". Thế mà mọi thứ đều êm xuôi, xong hết. Như thể là ông đang ủng hộ những việc làm của bà bây giờ...

Khi mọi người hối hả sắm mua cho những ngày Tết sắp đến, những cửa hàng cửa hiệu và những căn nhà được trang hoàng xanh đỏ ngập phố phường, thì trong một không gian xanh mát của ngoại thành Hà Nội, bà Nguyễn Thị Doanh vẫn cặm cụi bên chiếc bàn đầy những giấy tờ, sách vở cũ kỹ của chồng, nhà văn Nguyễn Minh Châu. Mái tóc bà bạc trắng màu thời gian. Cái áo chống lạnh dường như quá rộng để ôm lấy cơ thể bé nhỏ của bà.

Cái giọng của người xứ Nghệ, vẫn đầm ấm và ngọt ngào, vùng đất đi vào bao nhiêu tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu, làm nên một tượng đài nghệ thuật trong văn học Việt Nam hiện đại. Không biết đã có bao nhiêu trang sách, bao nhiêu luận án, luận văn viết về tác phẩm của ông, để có thể hiểu được những gì một nhà văn đã trầm tích nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Bà Nguyễn Thị Doanh thời trẻ là một cô văn công của Đoàn Ca vũ 2, Tổng cục Chính trị. Bà có chất giọng đẹp lay động lòng người. Ca khúc bà vẫn thường hát là "Câu hò bên bến Hiền Lương" và "Ru con". Trong đoàn văn công, bà còn là thành viên của đội múa đi biểu diễn nhiều nơi. Nhưng rồi, số phận người văn công ấy đã hoàn toàn thay đổi khi gặp nhà văn Nguyễn Minh Châu như định mệnh cuộc đời bà.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu và vợ.

Chị gái của bà Doanh là Nguyễn Thị Mão, có người chồng chính là anh trai của nhà văn Nguyễn Minh Châu, ông Nguyễn Huy Trân. Hồi ấy, bà về biểu diễn ở Đoàn văn công nhân dân Quân khu Tả ngạn, Hải Phòng (tiền thân của Đoàn chèo Hải Phòng bây giờ). Vì gia đình chị gái sinh sống ở Hải Phòng nên bà đã về thăm. Đúng lúc đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng xuống thăm anh trai.

Hai bên đã biết nhau từ trước, song đợt gặp này lại khác. Nhà văn Nguyễn Minh Châu ngỏ lời muốn lấy bà Doanh làm vợ. Bà Doanh rất phân vân, vì trước đó, bà đã phải lòng một người lính ở miền Nam, dù chưa mặn mà gì, song bà vẫn có chút đắn đo.

Chị gái bà lúc đó khuyên bảo: "Tùy ở em, nhưng chị thấy Châu là người tốt, lại hiền lành, chăm chỉ. Mình nương tựa được thì  may mắn biết bao nhiêu!".

Cái duyên cái số đã đưa đến cho bà một người yêu thương, chăm chút. Khi bà Doanh đồng ý, nhà văn Nguyễn Minh Châu mới thổ lộ rằng, ông cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ gắn bó đời mình với một cô văn công, vì các cô văn công thường lãng mạn và bay bổng. Bà thì khác, bà là người cùng quê hương, lại biết rõ gia đình của nhau nên ông vẫn mong muốn sẽ gắn bó cuộc đời với bà.

Lấy nhà văn Nguyễn Minh Châu, bà Doanh nghỉ việc tại đoàn văn công. Bà học dược, công tác trong ngành dược suốt mười mấy năm để đỡ đần chồng theo nghiệp sáng tác. Bà vẫn bảo rằng, điều bà mừng nhất là trở thành một người phụ nữ làm hậu phương cho chồng.

Ông đi nhiều nơi, sáng tác nhiều tác phẩm. Bà ở nhà chăm con, chăm lo việc nội trợ, sinh hoạt để ông yên tâm sáng tác. Dù bà chẳng biết gì nhiều về việc sáng tác của ông, cũng chẳng biết ông nổi tiếng đến cỡ nào. Chỉ thấy ông có nhiều bạn bè và họ thường ca ngợi về các tác phẩm của ông khi ngồi chuyện trò.

Riêng bà, có lần thấy người ta khen tác phẩm của ông, bà cũng đọc thử, đọc đến đoạn ông tả cảnh người phụ nữ đau đẻ, bà bật cười to. Ông bảo, có gì mà em cười thế? Bà bảo, anh tả cảnh phụ nữ đau đẻ không đúng, như thế này những người đã từng đẻ con như em ấy, đọc sẽ cười cho đấy!

Bà Doanh chia sẻ: "Trong cuộc sống, tôi thường tôn trọng tuyệt đối cá tính và phong cách của chồng. Chưa bao giờ tôi hỏi han hay làm phiền ông. Nhưng tôi cũng có nhiều khuyết điểm lắm. Tôi chăm chồng nhưng ít động viên ông. Ông thức đêm triền miên. Tôi nhớ có những năm tháng ông cứ viết ở cái chái nhà nóng bức ngột ngạt, làm gì có quạt như bây giờ. Vậy mà ông chưa bao giờ than vãn, cứ âm thầm viết, âm thầm chịu đựng. Ông luôn là người như thế, giỏi chịu đựng lắm.

Năm 1988, những tháng ngày cuối đời khi ông bị ung thư, cũng là lúc ông đang viết dở tác phẩm "Phiên chợ Giát". Tôi mang tác phẩm của ông cất đi cẩn thận để ông yên tâm vào Sài Gòn điều trị. Mà tôi nghĩ, chắc ông cũng chấm dứt đời văn ở đây thôi, bởi vì tôi nghĩ, làm gì có ai đến lúc lâm trọng bệnh rồi còn tâm sức nào nghĩ ngợi mà viết văn? Ơn trời phật, sau thời gian vào Sài Gòn, sức khỏe ông ổn định và tốt lên. Trở ra Hà Nội, việc đầu tiên là ông bảo tôi mang "Phiên chợ Giát" ra để ông viết tiếp. Tôi bảo, anh ốm mệt thì nghỉ đi, viết làm gì nữa, phải suy nghĩ bệnh sẽ nặng thêm.

Ông khẳng định: “Bây giờ anh ngồi không lại suy nghĩ đến bệnh tật, vậy nên anh phải viết để quên đi”. Tôi lên gác lấy bản thảo trả lại cho ông, chỉ sau một thời gian ông hoàn thành "Phiên chợ Giát". Vài tháng sau, tháng 1-1989, ông qua đời. Ngay cả khi gần trút hơi thở cuối cùng ông vẫn bảo tôi mang giấy bút đến để nắm chặt trong tay rồi ra đi...".

Bà Nguyễn Thị Doanh vẫn xúc động khi đọc lại những lá thư của chồng.

Kể về chồng, trên đôi mắt ngân ngấn giọt nước mắt của bà ánh lên sự vui tươi đến lạ. Bà bảo, thực ra, gần 30 năm qua kể từ ngày nhà văn Nguyễn Minh Châu đi xa, chưa một ngày nào bà quên ông. Bà ngồi sắp xếp tỉ mẩn tất cả những tác phẩm của ông. Những tác phẩm đã in, những di cảo chuẩn bị in. Ngoài ra bà còn lọc ra 23 cuốn nhật ký của ông ghi chép từ năm 1956.

Bà bảo, nói là nhật ký, nhưng ông ít viết về những điều riêng tư. Ông viết về những ý tưởng văn chương, viết về bạn bè, viết về quan niệm văn chương cũng như rất nhiều những suy nghĩ của ông về tuổi trẻ, tương lai... Những trang viết cũ đã mờ đi theo thời gian, bà sợ nếu bây giờ không chép lại, thì nó sẽ nhạt nhòa dần và mất đi. Có những trang không dịch ra nổi vì đã mất nét, bà phải dịch mãi mới có thể biết là chữ gì. Hiện tại, bà đang nắn nót từng câu chữ để hoàn thành những trang cuối cùng 23 tập nhật ký của ông.

Ngoài ra, bà cũng tìm lại được hơn 200 bức thư ông đã viết cho bà và 60 bức thư bà đã viết cho ông. Nhiều người biết bà có tư liệu quý, muốn in thành sách các bức thư và nhật ký của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhưng bà bảo, bây giờ bà còn sống, còn muốn giữ cho riêng mình. Sau này khi bà mất đi, các con muốn in thì lúc đó in sau cũng chưa muộn.

Điều kỳ diệu nhất là ở tuổi 80, bà sống một mình trong căn nhà với những ký ức về ông. Bà bảo, tuổi già nhiều thứ trái khoáy, giờ giấc không ổn định nên khi còn khỏe mạnh, minh mẫn, bà sống một mình để không phải làm phiền các con. Cuối tuần các con, cháu vẫn thường về thăm bà. Bà bảo, lúc còn trẻ, bà cũng nhút nhát và hay lo sợ nhiều thứ, nhưng khi sống với nhà văn Nguyễn Minh Châu, ông lại có phần... nhút nhát hơn bà nên bà lại là người phải tỏ ra "can đảm".

Một trong những bức thư nhà văn Nguyễn Minh Châu viết cho vợ.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng chia sẻ, từ lúc còn nhỏ ông đã là một cậu bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Ông sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người ông chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm. Có lẽ bởi vì thế, nên trong gia đình, mọi công to việc lớn đều một tay bà gánh vác.

Trong trang viết, nhà văn Nguyễn Minh Châu quan sát việc đời tinh tế và sâu sắc bao nhiêu thì trong cuộc đời ông lại "lóng ngóng" bấy nhiêu. Bà bảo, có lần bà nhờ ông nối được cái dây may-so ở bếp điện, ông mừng lắm, cứ đi đi lại lại như làm được việc "đại sự" ấy. Bà đã động viên kịp thời: "Ông tiến bộ quá". Thế là ông mừng vui ra mặt.

Có bao nhiêu tiền nhuận bút, ông cũng đưa cả cho bà nuôi con, chợ búa. Ông chẳng biết tiêu pha gì. Trong cả cuộc đời, ông cũng gắn bó 30 năm với duy nhất một chiếc xe đạp. Chiếc xe chịu nhiều mưa nắng nên bong tróc, gỉ sét hết. Có lần bạn văn đến chơi, nghe tiếng xe đạp của ông lóc xóc từ xa, bà đã bảo: "Nhà tôi về đến nơi rồi đấy, chỉ cần nghe tiếng xe đạp là tôi biết". Khi ông mất, bà vẫn giữ chiếc xe ấy như báu vật để làm kỷ niệm. Sau này, bà đã tặng nó cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu nổi tiếng trong thế hệ nhà văn Việt Nam thế kỷ XX với 13 tập văn xuôi và một tiểu luận phê bình trong sự nghiệp sáng tác kéo dài ba thập kỷ (1960-1989). Nhưng chắc chắn một điều, để có một nhà văn Nguyễn Minh Châu sống mãi trong văn đàn, không thể không nói đến sự có mặt của người phụ nữ trong cuộc đời ông, bà Nguyễn Thị Doanh, người phụ nữ mà cho đến bây giờ, ở tuổi 80 khi nói về tình cảm yêu thương, gắn bó của mình với nhà văn Nguyễn Minh Châu, vẫn chân thật khẳng định rằng: "Tôi đã thề với anh ấy từ khi còn sống, là cả cuộc đời này, suốt kiếp sống này và cho đến khi tôi về với tổ tiên, chỉ yêu một người, chung thủy với anh ấy. Và tôi tin rằng, anh ấy luôn biết được điều đó...!".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.