Bắc cực đang nóng lên từng ngày vì nguy cơ tranh chấp

Thứ Tư, 04/06/2008, 10:00
Tại Greenland hôm 27/5 vừa khai mạc một hội nghị đặc biệt với sự tham dự của các đại diện từ Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Nauy - 5 quốc gia hiện đang chính thức đòi quyền tranh chấp những tài nguyên tại khu vực Bắc Băng Dương. Báo chí phương Tây nhân sự kiện này thậm chí còn bình luận, ngay cả dưới thời Chiến tranh lạnh, khu vực Cực Bắc xa xôi và lạnh giá này cũng chưa là địa bàn của những cuộc cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.

Trước nguy cơ nhiệt độ trung bình trên trái đất đang nóng dần lên dẫn tới khả năng tan băng nhanh chóng trong tương lai không xa, Bắc Cực đang trở thành nơi tập hợp nhiều lợi ích kinh tế đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia có lãnh hải tiếp giáp khu vực này, vì theo đánh giá, vùng đất này có thể là nơi đang tàng trữ khoảng 1/4 trữ lượng dầu và khí gas trên toàn thế giới. Trong một nhận định có phần bi quan hơn, một cuộc "chiến tranh vì tài nguyên" tại Bắc Cực là điều không thể tránh khỏi sau một vài thập niên nữa.

Theo tờ Frankfurter Allgemeine của Đức, đại diện 5 quốc gia trong hội nghị này dự định sẽ thỏa thuận để có thể đưa ra những yêu cầu về lãnh thổ tại khu vực này. Chẳng hạn như Nga dự kiến sẽ đòi hỏi một khu vực có diện tích tới 1,2 triệu km2 dọc theo dãy núi Lomonosov, được coi như phần nối tiếp từ thềm lục địa của mình. Còn phía Đan Mạch đang cố gắng chứng minh, dãy núi trên là phần địa chất tiếp theo của hòn đảo Greenland.

Nếu mọi chuyện không thể được giải quyết, những tranh chấp tại Bắc Cực có thể phải đưa ra phân xử tại Tòa án quốc tế về quyền lợi biển ở Hamburg, nơi từ trước vẫn có quan điểm cho rằng, những khu vực nằm sâu dưới đáy biển phải là tài sản chung của nhân loại, không có quốc gia nào có quyền sở hữu.

Hội nghị đặc biệt trên theo nhận định sẽ khó có thể đạt được bất cứ một kết quả rõ ràng nào từ nhiều lý do. Chẳng hạn như theo tờ The Independent, tham dự hội nghị này chỉ có đại diện của 5 trong tổng số 8 quốc gia có phần lãnh hải tiếp giáp với Bắc Cực (thiếu các quan chức của Thụy Điển, Tây Ban Nha và Phần Lan). Trên thực tế còn phải tính cả tới tiếng nói của người Eskimo, một cộng đồng chiếm đa số đang sinh sống tại vùng Cực Bắc này.

Bản thân hòn đảo Greenland (hiện đang là một tỉnh tự trị trong thành phần Đan Mạch) với những triển vọng tương lai từ nguồn lợi khai thác dầu cũng đã bắt đầu xuất hiện những yêu cầu đòi độc lập hoàn toàn.

Quay trở lại với quá khứ của Chiến tranh lạnh, Bắc Cực cũng từng là mối quan tâm có ý nghĩa chiến lược của các cường quốc. Lộ trình qua Bắc Cực là tuyến đường ngắn nhất từ Mỹ tới Liên Xô, do vậy đây từng là địa bàn lý tưởng cho việc bố trí các máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo. Về sau, Bắc Cực còn là địa bàn hoạt động hấp dẫn của các tàu ngầm do thám, nhờ có sự che chở hữu hiệu của lớp băng dày trên mặt có thể tiến sát tới bờ biển của đối phương.

Khó khăn duy nhất chỉ là do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi đã ngăn cản khả năng triển khai hàng loạt các căn cứ quân sự tại đây.

Khác với thời Chiến tranh lạnh, nguyên nhân của cuộc chạy đua mới lần này lại bắt đầu từ những động cơ kinh tế. Bắt nguồn từ tình trạng trái đất nóng dần lên, xu hướng tan chảy của các lớp băng cũng như giá dầu đang cao ngất ngưởng trên thế giới, những mỏ tài nguyên giàu có tại Cực Bắc đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn về mặt kinh tế - một thực tế trước đây được cho là không có tính khả thi vì quá tốn kém. Đó là chưa kể tới khả năng kiểm soát những tuyến hàng hải dọc theo Cực Bắc sau một vài thập niên nữa, khi băng đã tan hết.

Hầu hết các bên liên quan về cơ bản đều đã lường trước không chỉ về cơ hội mà những bước phát triển nguy hiểm có thể phát sinh từ những tranh chấp tại đây. Bản báo cáo đặc biệt hồi tháng 3 vừa qua của Ủy viên EU về đối ngoại Javier Solana có nhấn mạnh rằng, trong một vài thập niên tới, rất có thể sẽ xảy ra “những cuộc xung đột nghiêm trọng” để giành quyền kiểm soát Bắc Cực.

Còn trong một tài liệu khác có tên gọi “Các chiến lược hợp tác về hải quân của thế kỷ XXI” của Washington cũng nhận định, tình hình trong tương lai tại Bắc Cực có thể được xếp vào danh sách “những thách thức của thời đại mới” mà Mỹ cần phải sẵn sàng đối đầu.

Hiện tại, ý tưởng về việc duy trì hòa bình và ổn định tại Bắc Cực vẫn là tiếng nói chủ đạo của cộng đồng thế giới. Chẳng hạn như theo tờ The Times, ngay vào những năm cao trào của Chiến tranh lạnh, cả phương Đông và phương Tây vẫn cùng thừa nhận Bắc Băng Dương là một khu vực trung gian không thuộc quyền của bất cứ ai. Đó là lý do khiến nhiều người đã ví vụ tranh chấp Bắc Cực lần này chẳng khác gì một giai đoạn của “chủ nghĩa thực dân mới”, khi các cường quốc cạnh tranh trong việc phân chia lãnh thổ, cho dù đây chỉ là cuộc chiến vì tài nguyên chứ không phải vì việc hình thành những đế chế mới.

Tình trạng mập mờ chưa rõ ràng cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng trong tranh chấp tại Bắc Cực. Hiện vẫn chưa có một Hiệp ước quốc tế chính thức nào quy định và điều hành các hoạt động của nhân loại tại khu vực này. Trong khi dưới đáy đại dương của Bắc Cực đang được đánh giá đang tàng trữ khoảng 1/4 trữ lượng dầu và khí gas của toàn thế giới, cũng như một loạt những mỏ khoáng chất quý hiếm khác.

Dù vậy, một số nhà quan sát vẫn cho rằng, không nên quá lo lắng về nguy cơ leo thang căng thẳng về tranh chấp vùng Cực Bắc trong một tương lai gần sắp tới. Vấn đề là các thỏa thuận về chính trị và công nghệ tại khu vực này chắc chắn không thể nhanh chóng được triển khai vì nhiều lý do.

Chẳng hạn như công nghệ lấy dầu từ những vùng biển sâu vẫn được coi là khá tốn kém vì mới được nghiên cứu từ vài thập niên gần đây. Ngay cả tiến trình tan băng nhanh chóng tại Bắc Cực chủ yếu vẫn dựa vào lời cảnh báo của các chuyên gia sinh thái, trong khi những cố gắng chung của nhân loại rất có thể sẽ giúp ngăn chặn hay chí ít giảm bớt đáng kể tiến trình này.

Cũng cần phải nhắc tới ý kiến của một số chính trị gia cũng như các nhà môi trường học ủng hộ cho việc chuyển giao khai thác vùng Cực Bắc cho một cơ quan quốc tế chung có thể điều hành

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.