Bác sĩ và những tai nạn nghề nghiệp… khó đỡ

Thứ Hai, 07/04/2014, 20:35

Có thể nói, hầu hết những tình huống khó đỡ là những tình huống mà các bác sĩ không thể nào dự liệu được.Không chỉ thăm khám, mổ xẻ, các BS mới gặp phải những tình huống khó đỡ mà ngay cả một tờ xét nghiệm, một phiếu chẩn đoán cũng gây ra lắm chuyện dở khóc dở cười.

1. Lúc kể lại cho tôi nghe chuyện này, bác sĩ (BS) Giang, chuyên khoa sản phụ vẫn còn nguyên vẻ bất ngờ. Theo lời anh thì chiều hôm ấy, có một phụ nữ đến phòng khám ngoài giờ của anh trên đường Kỳ Đồng, quận 3, TP HCM. Sau khi hỏi về những triệu chứng bệnh lý, anh rửa tay, đeo khẩu trang, mang găng rồi đề nghị người phụ nữ lên bàn nằm.

Anh nói: "Ngay khi tôi vừa đặt mỏ vịt vào âm đạo thì đột ngột bệnh nhân vùng dậy, co chân nhảy xuống khiến cái mỏ vịt văng ra nền nhà. Chị ta hét lớn: "Ông làm cái gì kỳ vậy?".

BS Giang kể tiếp: "Tôi rất ngạc nhiên. Tôi giải thích là tôi chỉ thăm khám theo yêu cầu của chị ta thì chị ta vừa vơ lấy chiếc quần, vừa tiếp tục la hét rằng tôi đã…!".

Lúc ấy, cô thư ký điều dưỡng ngồi ở phía ngoài, chỉ cách giường khám bằng tấm màn vải trắng vội vã bước vào. Nhìn thấy cô điều dưỡng, người phụ nữ lại tiếp tục la, rằng "tôi đến để khám phụ khoa mà ông này làm rất kỳ cục". Hỏi kỳ cục là thế nào? Người phụ nữ đáp: "Ổng nhét… cái gì đó vào người tôi".

Hóa ra trước kia, mỗi lần đến khám phụ khoa ở những phòng khám khác, các BS khác thường kiểm tra âm đạo với mỏ vịt bằng thép không gỉ, khám xong rửa sạch, hấp vô trùng rồi dùng tiếp. Còn ở chỗ BS Giang, anh kiểm tra bằng mỏ vịt nhựa, loại xài một lần rồi bỏ luôn. Do cái mỏ vịt bằng nhựa mềm hơn kim loại và nhất là nó không tạo ra cảm giác lạnh khi đặt vào nên người phụ nữ đã hiểu lầm! Tới hồi cô điều dưỡng nhặt chiếc mỏ vịt từ dưới đất lên, đưa chị ta coi thì chị ta mới ngớ người ra rồi lắp bắp xin lỗi.

BS Giang nói: "Từ đó, tôi rút kinh nghiệm là phải giải thích cho bệnh nhân trước khi khám, đồng thời nếu hôm ấy người bệnh không đông lắm, tôi mời cả cô điều dưỡng vào để tránh gặp lại cái tai nạn khó đỡ này!".

Một chuyện khác, lần đó tôi nghe tin một người Hàn Quốc, sống ở TP HCM, bị viêm ruột thừa cấp và được đưa vào Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Trong quá trình gây mê để phẫu thuật, bệnh nhân bị sốc thuốc mê, trụy tim mạch, suy hô hấp, có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ. Lập tức, với phản xạ nhanh nhạy của một BS Ngoại khoa, phẫu thuật viên chính là BS Quang Uy cùng cộng sự đã mở khí quản, kịp thời cứu sống bệnh nhân này.

Vài ngày sau, tôi vào BV gặp bệnh nhân. Khi hỏi ông có thắc mắc gì không vì mổ ruột thừa mà lại có thêm một vết cắt ở ngay… cuống họng? Ông bệnh nhân lắc đầu: "Tôi kính phục và mang ơn các bác sĩ Việt Nam nhiều lắm. Nếu họ không có kinh nghiệm và bình tĩnh thì chắc là tôi chết rồi. Tôi hoàn toàn không thắc mắc gì về vết mổ trên cổ tôi vì tôi biết nhờ nó mà tôi sống". Tôi hỏi tiếp, rằng tôi có thể đưa câu chuyện của ông lên báo được không? Ông gật đầu: "Vâng! Nhà báo viết thêm cho tôi lời cảm ơn tất cả mọi người trong kíp mổ".

Ấy vậy mà đến sáng thứ Tư, khi Chuyên đề ANTG - Báo CAND phát hành và có đăng vụ việc này thì ngay buổi trưa, hai phẫu thuật viên trực tiếp mổ cho ông bệnh nhân Hàn Quốc là BS Quang Uy và BS Cộng Hòa được lãnh đạo BV Chợ Rẫy gọi lên, hỏi "vì sao mổ bụng mà cắt cổ?". Khi nghe xong lời giải thích, một lãnh đạo BV - nay đã nghỉ hưu - liền xoay qua "giũa" hai vị BS te tua vì "dám cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự đồng ý của cấp trên", đồng thời đòi kỷ luật hai BS ấy mặc dù họ không hề nói với tôi một lời nào.

Lúc gặp tôi, BS Quang Uy đưa hai tay than trời: "Mình cứu người mà bị hăm kỷ luật. Thiệt là oan gia! Sau này có chuyện gì, thấy ông chắc tôi né vì nếu không, sẽ lại mang tiếng là "qua mặt sếp cung cấp thông tin cho ông". Bác sĩ Bùi Ninh (nay đã mất), khi đó là Phó chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược TP HCM nói với tôi: "Hết biết luôn! Nếu Quang  Uy, Cộng Hòa "lãnh búa", ông nên tiếp tục đưa vấn đề này lên báo để anh em tụi tôi khỏi rơi vào tình trạng nhát tay vì sợ kỷ luật".

Tuy nhiên, lời dọa kỷ luật của vị lãnh đạo BV rốt cuộc vẫn chỉ là lời dọa vì khi ông bệnh nhân Hàn Quốc xuất viện rối rít cảm ơn kíp mổ thì vụ việc lặng lẽ chìm xuồng - ngoại trừ một cú điện thoại của "ai đó" gọi cho tôi, bảo tôi là "không biết gì về gây mê thì đừng bày đặt viết!"!

Để tránh những tai nạn "khó đỡ" khi khám phụ khoa, bác sĩ nam giới luôn mời điều dưỡng hoặc thân nhân người bệnh vào cùng.

2. Không chỉ thăm khám, mổ xẻ, các BS mới gặp phải những tình huống khó đỡ mà ngay cả một tờ xét nghiệm, một phiếu chẩn đoán cũng gây ra lắm chuyện dở khóc dở cười.

BS Tiến, Đơn vị Viêm gan BV Chợ Rẫy kể cho tôi nghe câu chuyện thật như đùa: Khoảng 6 năm trước, gần nhà BS Tiến có ông hàng xóm, chẳng hiểu bệnh tình sao mà ông tự đi thử máu tại một phòng xét nghiệm tư trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP HCM. Khi biết kết quả, ông nằm liệt, bỏ ăn ba bốn ngày.

Thế rồi một tối, lúc thấy BS Tiến về, hai vợ chồng liền cầm tờ phiếu xét nghiệm qua. BS Tiến kể: "Đưa cho tôi coi, ổng nói trước đây ổng có người bạn bị xơ gan do uống rượu nhiều quá, bây giờ bụng trướng lên như cái trống chầu, đang nằm chờ chết. Mà ổng cũng là dân nhậu nên sợ quá, ổng đi thử máu". Trong tờ phiếu xét nghiệm ấy, các chỉ số men gan thay vì phải ghi rõ để người bệnh đối chiếu, so sánh thì phòng xét nghiệm lại viết tắt là "CSBT" mặc dù viết kiểu này là sai nguyên tắc.

BS Tiến kể tiếp: "Tôi chưa kịp giải thích thì ông bệnh nhân đã hỏi: "Cái chữ CSBT là "chết sống bó tay", là hết chữa được rồi phải không bác sĩ vì hồi bạn tôi làm xét nghiệm, khi có kết quả, ông BS gì đó nói cái này thì "bó tay rồi". Báo hại tôi phải lấy bảng thông số về chức năng gan cho ổng coi, đồng thời giải thích bốn chữ CSBT là "chỉ số bình thường". Tuy vậy, để chắc ăn, hôm sau ông bệnh nhân cầm tờ phiếu, quay lại phòng xét nghiệm và khi biết tất cả các chỉ số chức năng gan của ông đều nằm trong giới hạn bình thường thì ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Với BS Vĩnh, tình huống anh gặp lại càng… khó đỡ hơn nữa. Gần nửa đêm hôm ấy, khi đang trực cấp cứu thì một phụ nữ tuổi trung niên được gia đình đưa vào viện trong tình trạng vật vã. Lúc Vĩnh đến cạnh giường bệnh nhân để chuẩn bị kiểm tra, ông chồng mếu máo: "Bà xã tui giận tui, bả uống thuốc tự tử. Nhờ bác sĩ cứu giùm". Rồi ông quay sang nắm tay bà vợ: "Anh xin lỗi em, em tha thứ cho anh. Em đừng chết, đừng bỏ cha con anh bơ vơ tội nghiệp".

Hỏi chồng nạn nhân có biết vợ mình uống thuốc gì không, và trong nhà có những loại thuốc gì? Ông chồng lắc đầu: "Dạ không, đi nhậu về tui thấy bả nằm sùi bọt mép trên giường, bên cạnh lá thư tuyệt mạng. Bả viết là bả uống thuốc quyên sinh để tui đi nhậu cho khỏe".

BS Vĩnh nói: "Qua thăm khám, tôi thấy tim mạch, huyết áp bình thường, phản xạ cân, cơ, đồng tử tốt, hơi thở không có mùi thuốc trừ sâu. Trong khi chờ đợi kết quả thử máu, làm xét nghiệm dịch dạ dày để tìm độc chất, tôi kêu điều dưỡng lấy băng ca đưa bả vào phòng thủ thuật".

Và khi cánh cửa phòng thủ thuật vừa khép kín thì bất ngờ, nạn nhân đột ngột ngồi bật dậy. BS Vĩnh kể: "Bả chắp tay vái tôi. Bả nói bả chỉ giả bộ thôi chứ bả không hề uống thuốc gì hết. Bả làm vậy là để dọa chồng, cho chồng bớt đi nhậu". Tuy nhiên, phát xuất từ tâm lý của đại đa số những người tự tử đều muốn chết nên trong trường hợp này, BS Vĩnh vẫn phải ra lệnh cho điều dưỡng rửa ruột vì có thể có khả năng thuốc mới uống vào, chưa kịp phát huy tác dụng.

BS Vĩnh kể tiếp: "Trong chất dịch mà bả ói ra, chỉ có ít thức ăn chưa tiêu hóa hết. Rửa ruột xong, bả nằm vật như người mới… tự tử". Lúc đưa bả ra ngoài và lúc nhận được thông báo sơ khởi của Khoa Xét nghiệm, rằng chưa phát hiện những độc chất thông thường, tôi giấu chuyện bả tự tử "dỏm", chỉ nói với ông chồng là vợ anh sống rồi. Mai mốt ráng đừng làm gì sai quấy để vợ con buồn phiền mà tự tử nữa!.

3. Có thể nói, hầu hết những tình huống khó đỡ là những tình huống mà các BS không thể nào dự liệu được. BS Tiến nói: "Với bệnh nhân, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, BS có thể biết tình trạng cũng như tiên lượng bệnh tật của họ - dù không hẳn đã chính xác 100%. Nhưng với những "sự cố" bất ngờ, xảy ra rồi mới biết, bởi lẽ trong tất cả những giáo trình của trường Y, chẳng tài liệu nào đề cập đến chuyện này".

Như BS Lan chẳng hạn, là BS mới ra trường và đang theo học sơ bộ chuyên khoa Sản tại BV Từ Dũ. Lan kể: "Hồi ở Bến Tre lên thành phố ôn thi đại học, em quen với một bạn trong lớp luyện thi. Biết hoàn cảnh em khó khăn, bạn ấy mời em về nhà ở chung, cơm nước bạn lo hết".

Thi đại học, Lan đậu còn cô bạn gái tốt bụng rớt. Đến lúc Lan học năm thứ 5 thì cô bạn lập gia đình. Lan kể: “Năm sau, bạn ấy sinh con đầu lòng, và nhờ em tìm hộ người chăm sóc vì nhà chỉ có hai vợ chồng". Để trả ơn bạn đã cưu mang mình trong những năm đèn sách, Lan tình nguyện đến hỗ trợ bạn.

Cô kể: "Cứ mỗi buổi chiều sau khi học xong, em đến nhà giúp bạn tắm rửa, vệ sinh phụ khoa, lo cơm nước và chăm sóc cháu bé. Đêm nào không trực BV, em ở luôn nhà bạn. Hai vợ  chồng bạn trên lầu còn em kê giường xếp ngủ dưới tầng trệt".

Vài đêm đầu trôi qua bình yên nhưng đến đêm thứ 6, đang ngủ Lan bỗng giật mình vì cô cảm giác như có ai đang mò mẫm trên người mình. Mở mắt ra, dưới ánh sáng của ngọn đèn từ nhà bếp, cô thấy anh chồng quý hóa của người bạn gái chỉ mặc có mỗi cái quần xà lỏn, đang ngồi chồm hổm cạnh chiếc giường xếp, tay đặt lên chỗ "nhạy cảm" của cô. Hất tay anh ta ra, Lan ngồi dậy, nghiêm giọng nói nhỏ: "Anh lên lầu ngay, nếu không đừng trách tôi là ác".

Ông chồng cô bạn gái của Lan lủi thủi đứng dậy. Từ đó đến sáng, Lan thức trắng. Cô kể: "Em suy nghĩ dữ lắm. Nếu nói ra thì hạnh phúc của bạn em chắc là tan nát, mà cũng chưa chắc bạn em đã tin vì biết đâu chồng bạn ấy lại nói với bạn ấy, rằng em cố tình quyến rũ anh ta nhưng không được nên em đặt điều nói xấu. Còn im lặng thì biết đâu anh ta lại tưởng em đồng tình nhưng muốn… làm cao".

Cuối cùng, trưa hôm sau Lan đến nhà bạn, cô chỉ nói cho bạn biết là BV điều đi thực tập ở Tây Ninh trong 3 tháng nên cô không thể tiếp tục giúp đỡ bạn được.

Cũng như BS Lan, nhưng BS Dương - vừa tốt nghiệp và đang xin việc làm - lại gặp chuyện oái oăm hơn. Dương kể: "Chiều hôm đó, lúc em vừa dừng xe vì đèn đỏ trên đường Tân Kỳ Tân Quý thì bất ngờ một cô gái còn trẻ, đầu tóc rối bù, quần áo xốc xếch, bẩn thỉu, chẳng biết từ đâu lao ra ôm chặt lấy em, vừa khóc vừa nói "sao anh bỏ em đi hoài vậy”.

Hoảng hốt, Dương cố gỡ tay cô gái ra nhưng cô ta lại càng ôm chặt lấy Dương, vừa ôm vừa khóc. Giây lát, nhiều người đi đường tò mò xúm lại và có tiếng bình phẩm, rằng "chắc thằng đó "quất ngựa truy phong" nên con bé này bắt đền". May thay, mẹ cô gái cùng người anh trai xuất hiện.

Theo lời bà thì con gái bà bị bệnh tâm thần cả năm nay, cứ hễ ở nhà không để ý là cô lại lang thang ra đường tìm kiếm ai đó. Dương kể tiếp: "Mẹ cô bé năn nỉ em là ráng dỗ dành cô bé vào nhà vì nếu không, phải trói cô ta lại mới đưa vào được".

Thế rồi suốt 4 tiếng đồng hồ sau đó, Dương phải đóng vai "người yêu bất đắc dĩ" của cô gái. Dương nói: "Theo đề nghị của bà mẹ, em khuyên cô ấy hàng ngày phải tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, ăn uống đầy đủ và phải vâng lời những người trong nhà". Bà Vân, mẹ cô gái cho tôi biết: "Lạ lùng là nó nghe lời cậu BS này răm rắp trong lúc trước đó, muốn đưa nó đi tắm thì cực khổ trần ai". 

Mấy hôm sau, Dương cùng người nhà đưa cô bé đến gặp Thạc sĩ, BS Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần học, Đại học Y Dược TP HCM. Sau hơn 3 tháng trị liệu tâm lý, cô gái giờ đây đã gần như bình thường. Tôi hỏi Dương: "Vậy cô ấy còn ngộ nhận cậu là người yêu không?". Dương cười: "Dạ, không. Nhưng bây giờ em lại thấy thích cô ấy mới chết chứ!"

Vũ Cao
.
.