 |
Học sinh vùng cao đến lớp là niềm vui. |
Lâu nay, việc dạy thêm, học thêm được siết chặt theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, đối với dạy thêm trong trường, giáo viên phải có tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, đăng ký danh sách dạy thêm…
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, phải có đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với UBND cấp xã theo quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này. Về thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp hoặc ủy quyền cho giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép cho các trường hợp dạy thêm, học thêm ở phổ thông. Chủ tịch UBND cấp huyện cấp trực tiếp hoặc u‘ãy quyền cho trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép cho các trường hợp dạy thêm chương trình tiểu học, THCS…
Ngoài ra, vào ngày 10/12/2013, Bộ GD-ĐT có Văn bản số 8835/BGDĐT-TTr tiếp tục chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm; thu, chi và sử dụng tài liệu tham khảo sai quy định. Từ quy định của Bộ GD-ĐT nhiều địa phương, trường học thực hiện "siết" lại việc dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc học thêm, dạy thêm chưa bao giờ dừng lại. Không tổ chức công khai ở trường thì đem học sinh về nhà. Không đưa được về nhà thì thuê phòng ốc nơi khác đem học sinh đến. Cấp nhỏ học thêm kiểu nhỏ. Cấp lớn học thêm kiểu lớn. Lớp 1 cũng học thêm. Thậm chí chưa vào lớp 1 cũng đã học thêm.
Con gái anh bạn tôi học ở trường tiểu học trên phố lớn. Trường thiếu phòng học, các khối phải học xen kẽ cả ngày thứ bảy. Bù lại mỗi khối lớp được nghỉ 1 ngày trong tuần, thêm với ngày Chủ nhật, thế là những ngày nghỉ giữa tuần ấy tha hồ là mảnh đất màu mỡ cho các cô cày xới. Lớp gần 60 học sinh, chia thành 2 ca sáng, chiều.
Chưa cần nói không đi học thêm cô giáo có trù úm hay không, nhưng không đi học thêm thì chắc chắn một số dạng bài kiểm tra ở lớp chính khóa không thể đạt được điểm tối đa. Bởi vì các dạng ấy cô chỉ dạy ở… lớp học thêm. Rất nhiều lần con đi thi học kỳ về, hỏi có làm được bài không cháu đều trả lời: "Tốt ạ, vì bài này lớp học thêm cô đã cho luyện rồi!".
Lạm dụng dạy thêm, học thêm rõ ràng là có. Nhưng công bằng mà nói, có những cấp học mà nếu không đi học thêm, học sinh không thể có thành quả. Trong một môi trường cạnh tranh học vấn như hiện nay, học thêm cần phải được nhìn nhận thêm trên góc độ là quyền lợi của học sinh và của gia đình.
Việc học thêm hiện nay không phải chỉ để giúp các em vượt qua được chương trình học chính khóa một cách dễ dàng, mà sẽ là không thể thiếu nếu muốn vươn tới những mục tiêu cao hơn trên con đường học vấn rộng mở trong thời đại bùng nổ hiện nay. Phụ huynh học sinh rỉ tai nhau những địa chỉ học thêm chất lượng, uy tín. Càng lên cấp cao, câu chuyện dạy thêm, học thêm càng mang một sắc thái khác. Đánh đồng việc học thêm, dạy thêm ở tất cả các cấp học vào một là một cách nhìn phiến diện.
Đề ra quy định giáo viên muốn tổ chức dạy thêm, học thêm phải xin phép, rồi lại giao cho chính đơn vị quản lý giáo viên ấy cấp phép vô tình đã tạo ra tình trạng "một cổ, hai tròng" lên đội ngũ giáo viên giỏi, có trình độ, được học sinh và phụ huynh tín nhiệm. Đối với cấp học lớn như cấp THPT, học sinh bắt đầu có những định hướng tương lai. Khó có thể bắt các em đến lớp học thêm nếu các em không muốn. Thậm chí ngay cả học chính khóa, học sinh còn có quyền yêu cầu lên nhà trường thay đổi giáo viên nếu có lý do chính đáng về chuyên môn.
Vậy thì sẽ thật vô lý nếu giáo viên giỏi, được học sinh và phụ huynh tín nhiệm, lại phải rơi vào tình trạng dạy chui, học chui chỉ vì "chưa được sự đồng ý của người có trách nhiệm", mà một điều ai cũng hiểu, không thiếu những trường hợp có trách nhiệm với người này, nhưng chưa hẳn đã có trách nhiệm với người khác.
Quyền lợi của của giáo viên, học sinh và cả gia đình các em, một cách khiên cưỡng, lại phụ thuộc vào một quy định không thực tế như vậy. Quy định như vậy thực chất chỉ là cách làm cho phức tạp thêm vấn đề, mà không hề giải quyết được tình hình lạm dụng dạy thêm, học thêm hiện nay.
Một trong những biện pháp loại bỏ học thêm, dạy thêm tràn lan thiếu hiệu quả phải bắt đầu từ chính các gia đình. Quản lý con cái thật tốt và ý thức một cách rõ ràng sự cần thiết của sự học thêm theo từng cấp học, từng giai đoạn của sự định hướng là việc mà các bậc phụ huynh cần xác định rõ.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một điều, không thỏa hiệp cũng như chấp nhận kết quả học tập thực chất của con em mình là một việc làm khó mà không phải phụ huynh nào cũng có thể vượt qua
Việt Ba