Bài ca… xã hội hóa

Thứ Sáu, 11/01/2008, 10:45
Xã hội hóa hiểu nôm na là Nhà nước và cả xã hội cùng chung sức thực hiện một hoạt động nào đó để đạt hiệu quả tốt, như hoạt động y tế, giáo dục chẳng hạn.

Thực ra, từ mấy chục năm trước nước ta đã có những hoạt động “xã hội hóa”. Các trường tư thục, các bệnh viện tư ở Hà Nội vẫn còn đọng lại ấn tượng không quên trong lòng người dân bởi danh tiếng, bởi chất lượng “trồng người”, chăm lo sức khỏe con người.

Thời ấy, xã hội dành sự tôn trọng, kính trọng đặc biệt, hầu như độc nhất cho hai người thầy: thầy giáo, thầy thuốc. Một người thầy chăm lo “phần hồn”, một người thầy chăm lo... phần xác.

Tiếc thay, bước sang thời cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, cả hai người “mẹ hiền” thầy thuốc và thầy giáo, cô giáo đã mờ nhạt dần trong mắt người dân. Dẫu không “vơ đũa cả nắm” nhưng một loạt vụ bạo hành trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học đã báo động tình trạng xuống cấp đạo đức nhà giáo.

Và thử bước chân vào bất cứ bệnh viện, cơ sở y tế nào cũng cám cảnh trước hàng vạn người bệnh từ nông thôn, miền núi, nội ngoại thành chen chúc, chầu trực chờ được khám chữa bệnh.

Cứ nhìn các bệnh viện có thể thấy chất lượng sống, chất lượng chăm lo sức khỏe cộng đồng của một xã hội. Áp lực đè lên các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện. Chất lượng khám chữa bệnh làm sao bảo đảm? Làm sao không diễn ra tình trạng “lót tay” phong bì? Bệnh viện “hành” bệnh nhân đủ kiểu từ xét nghiệm, thủ tục giấy tờ nhập viện cho tới mũi tiêm, viên thuốc. Quỹ bảo hiểm y tế đã được cảnh báo "bể vỡ” mà không sao chống đỡ nổi.

Từ thực tế đó, rõ ràng là xã hội hóa y tế và giáo dục không còn là một chủ trương của Nhà nước nữa, nó đã trở thành một đòi hỏi bức bách, một nhu cầu của toàn xã hội.

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa vừa kết thúc tuần qua nhưng  lại mở ra trước mắt bề bộn bao chuyện phải bàn tới và làm tiếp.

Xã hội hóa quả thực là một hoạt động đáng phấn khởi. Cho đến nay đã có tới  75% nhà trẻ, 24% trường mẫu giáo, 30% trường trung học phổ thông và 13% trường cao đẳng, đại học không phải bám vào “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, hiện có 30.000  cơ sở y tế tư nhân, mỗi năm khám cho 3 triệu lượt người và xét nghiệm cho 2,5 triệu lượt.

Từ năm 2005 - 2007, nguồn vốn xã hội hóa được huy động lên tới hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó các bệnh viện tuyến Trung ương đạt gần 1.000 tỉ đồng, tuyến địa phương là 1.200 tỉ đồng.

Ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã mọc lên 66 bệnh viện tư, 300 phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh. Con số này thật sáng sủa trong “bức tranh” xã hội hóa y tế.

Không phải ngẫu nhiên, Hội nghị sơ kết 2 năm xã hội hóa đã có tới hai Phó thủ tướng chủ trì, hai “nhạc trưởng” chỉ huy kịp thời điều chỉnh cho “bài ca” hòa tấu nhịp nhàng và đúng nhịp điệu. Xã hội hóa đâu phải như một số người cho là Nhà nước “trút” một phần gánh nặng chi phí cho dân lo, là cổ phần hóa bệnh viện công, là chuyển trường công thành trường tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định chắc chắn: Giáo dục cũng như y tế là những chính sách lớn liên quan đến an sinh xã hội và Nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Nói đến xã hội hóa và sự tham gia của người dân, không có nghĩa là sự tham gia đồng đều mà cần có sự phân hóa.

Nói cụ thể là, đầu tư của Nhà nước ở mức độ khác nhau. Nhà nước muốn quan tâm đến vấn đề gì và đối tượng nào. Nhà nước cần dành sự “ưu ái” đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt cần “thương” nhiều hơn, chăm lo nhiều hơn những lớp người còn khó khăn trong xã hội.

Nếu coi y tế là một phần phúc lợi của xã hội, thì Nhà nước phải đầu tư ở mức độ cơ bản để phục vụ cho tất thảy cộng đồng, bất kể người dân ấy giàu “nứt đố” hay người nghèo “rớt mùng tơi”. Đất nước còn nghèo, đa số người dân đang sống chật vật dưới mức trung bình, nâng mức viện phí mà phải chi trả toàn bộ thì dân làm sao kham nổi.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đang tính toán cân nhắc để triển khai kế hoạch dùng thẻ bảo hiểm y tế toàn dân. Ông cũng quả quyết rằng, từ nay trở đi, 3 loại hình bệnh viện: công, tư và nước ngoài cùng tồn tại bình đẳng, được quyền thu đủ viện phí. Điều “cốt tử” là, bệnh viện nào cũng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về chất lượng khám và điều trị bệnh.

Từ nay, các bệnh viện cũng có thể mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để nâng cấp trang thiết bị, mở rộng và mở thêm cơ sở điều trị. Những người tâm huyết với ngành y tế và tất nhiên cả nhân dân đều “đồng thanh” bày tỏ đồng tình với chủ trương của Chính phủ tạo ra một “sân chơi” sòng phẳng là điều mà mọi người dân đang mỏi mắt mong chờ Nhà nước thực thi trong hai lĩnh vực y tế, giáo dục vốn cực kỳ “nhạy cảm” ảnh hưởng sâu sắc và rộng khắp tới đời sống xã hội và sự bình an của dân chúng.

Công bằng, có thể ví như ánh sáng soi đường trên chặng đường dài xã hội hóa y tế, giáo dục. Chớ nên chạy theo cơ chế thị trường để tập trung huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ cho xã hội hóa.

Xã hội hóa y tế diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, chỉ “xoáy” vào các thành phố, đô thị. Trong khi ấy, tình trạng “chảy máu chất xám” từ y tế công sang y tế tư đang âm thầm diễn ra.

Ngày càng có nhiều người bệnh sẵn tiền ra nước ngoài chữa bệnh và hàng triệu USD mỗi năm đang “chảy” sang các bệnh viện ở Singapore, Trung Quốc. Vậy mà, nhiều nhà đầu tư nước ngoài “trầy vẩy” vì thủ tục địa phương khi họ muốn mở bệnh viện ở Việt Nam.

Trong 10 năm qua, số bệnh viện 100% vốn nước ngoài được thành lập chỉ đếm chưa hết 5 đầu ngón tay. Hai bệnh viện Việt - Pháp ở Hà Nội và TP HCM. Một bệnh viện Hàn Quốc ở Hà Nội. Hiện có 10 tập đoàn nước ngoài đã nộp hồ sơ xin lập bệnh viện, tới nay mới cấp phép cho 3 dự án.

Xã hội hóa có phải là tư nhân hóa? Xã hội hóa có phải là “thả nổi” trôi bập bềnh giữa dòng xoáy thương mại? Từng ấy câu hỏi dường như đã có câu trả lời.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn hiếm khi trích dẫn các câu nói kinh điển, đã khẳng định: “Muốn huy động nguồn lực xã hội vào xã hội hóa phải có cơ chế tốt để thu hút họ, bởi như Mác đã nói, lý tưởng tách rời lợi ích thì tự nó sỉ nhục nó”.

Hy vọng rằng, “bài ca” xã hội hóa y tế, giáo dục sẽ được cả xã hội... đồng ca. Ấy là “bài ca” an sinh xã hội, một xã hội hài hòa quyền lợi của mọi người dân, trước hết là những quyền tối thiểu của con người

Hồng Hạc
.
.