Bài học từ sự kiện “thay tướng” ở tập đoàn viễn thông vào loại hàng đầu

Thứ Ba, 27/08/2013, 21:30

Trong cuộc sống hàng ngày người ta thường học hỏi người đi trước để tiến lên trong cuộc sống. Nhưng điều này không có nghĩa là người đi trước thì không cần phải học kẻ đi sau.

Một kinh nghiệm được chia sẻ bởi những vận động viên đua thuyền buồm là, người đang dẫn đầu luôn luôn phải nhìn lại xem ai là người đang tăng tốc tốt nhất ở phía sau mình. Đó chính là người sẽ vượt qua mình nếu mình không có sự điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh bằng cách nào? Câu trả lời là: Điều chỉnh bằng cách học tập chính người đang đuổi theo gần mình nhất.

Một lẽ tự nhiên là người phía sau quan sát  tất cả những bất hợp lý của người đi đầu để điều chỉnh làm cho mình có thể vượt lên. Vì thế, trong cùng một  điều kiện biển và gió như nhau, người lái thuyền buồm phía trước biết cách lái thuyền như người đang đi nhanh nhất ngay phía sau thì chẳng bao giờ người đi sau có thể đuổi kịp.

Trong cùng điều kiện của nền kinh tế thị trường, khi Viettel mới ra đời còn rất nhỏ bé thì VNPT đã là người khổng lồ viễn thông ở Việt Nam. Nhiều người còn nhớ, nếu  không có sự điều tiết trong chính sách của Bộ Bưu chính viễn thông (BCVT) lúc đó để chống độc quyền thì "con cá lớn" VNPT đã nuốt chửng "con cá bé" Viettel rồi. Mấy ai mà nghĩ đến chuyện chỉ mươi năm sau, Viettel đã vượt lên phía trước cả VNPT?

Rõ ràng là người "lái thuyền buồm" Viettel đã nhìn thấy tất cả những hạn chế trong cách "lái thuyền buồm" ở VNPT. Nếu họ cũng thực hiện một lối quản trị doanh nghiệp như VNPT thì chắc chắn là chẳng bao giờ Viettel có thể đuổi kịp VNPT vốn đang ở phía trước rất xa. Nhưng họ đã làm khác, họ "lái thuyền"  theo cách khác, thực hiện một lối quản trị doanh nghiệp thích ứng với quy luật kinh tế thị trường hơn hẳn lối quản trị doanh nghiệp còn nặng tư duy bao cấp của VNPT.

Cứ thế qua từng năm, VNPT vẫn phát triển, nhưng tốc độ cứ chậm dần đều, trong  khi Viettel không ngừng tăng trưởng vượt bậc, thậm chí còn thu hút nhân lực chất lượng cao của chính VNPT. "Người lái thuyền" VNPT cũng biết con thuyền Viettel đang đuổi sát tới mình, và sẽ vượt qua mình, song tiếc là đã không có điều chỉnh phù hợp, kịp thời - mà cách điều chỉnh hiệu quả nhất, đơn giản nhất là học chính cách "lái thuyền" của người lái thuyền phía sau mình.

Một câu chuyện khác, cùng một bài học như vậy nhưng với kết cục khác. Đó là câu chuyện khi ra đời một Đài truyền hình thứ hai phủ sóng toàn quốc. Khi Đài truyền  hình kỹ thuật số VTC ra đời, với lợi thế công nghệ kỹ thuật số và một số ưu thế mới trong quản trị doanh nghiệp, nhiều lao động trẻ năng động và sáng tạo, đã thổi một luồng gió mới vào "bữa ăn truyền hình" của người Việt, nên đã nhanh chóng thu hút nhiều khán giả của VTV. Một loạt cán bộ từ VTV đã đổ về đầu quân cho VTC. Vị trí độc tôn của VTV thực sự bị "đe dọa".

Nhưng không khó để nhận ra rằng, chỉ một thời gian ngắn sau khi có Đài VTC, VTV đã có những bước cải tiến rõ rệt, chẳng những không ngại áp dụng những bài học mới từ "kẻ đi sau đáng sợ" mà còn chủ động khắc phục những hạn chế của mình và rút kinh nghiệm từ những hạn chế của cả đối thủ. Chất lượng và sự hấp dẫn của các chương trình VTV tăng lên không ngừng, trong khi con thuyền VTC sau một thời gian có sự bứt phá ngoạn mục đã có những biểu hiện hụt hơi và tụt lại phía sau xa hơn.

Người ta thấy một số gương mặt  từ VTV trước đây chuyển sang VTC nay lại tìm cách quay về chốn xưa, thậm chí kéo theo cả những gương mặt sáng giá do chính VTC đào tạo ra. Và trong ví dụ thứ hai này, sự soán ngôi số 1 của “kẻ sinh sau đáng sợ” đã không xảy ra như một số người trông đợi.

Và cái gì đến thì cũng phải đến. Trong "cơn gió" tái cấu trúc cả nền kinh tế thì việc điều chỉnh "cách lái thuyền buồm" - tái cơ cấu các doanh nghiệp - thực sự là một giải pháp không thể khác cho những "con thuyền" - doanh nghiệp - có thể thoát khỏi sự chìm đắm để vượt qua thác ghềnh mà tăng tốc đi đến bến bờ tươi sáng. Và trong các biện pháp để thuyền chạy tốt hơn, rõ ràng là biện pháp thay người lái thuyền ở những con thuyền đang đi quá chậm hoặc sắp chìm phải là một biện pháp hàng đầu.

Điều đó lý giải sự đồng thuận cao của dư luận đối với việc "thay tướng" ở VNPT theo quyết định của Bộ trưởng Bộ TT&TT, ngày 6/8 vừa qua.

Giờ đây, trong cuộc đua ở giai đoạn mới, ở vị trí số 2 trong thị trường viễn thông Việt Nam, VNPT lại là "kẻ đi sau" Viettel. Và người cầm lái con thuyền VNPT bây giờ có nhiệm vụ nặng  nề, khó khăn hơn rất nhiều nếu muốn đưa con thuyền của mình về vị trí cũ - số 1 - của nó trên đường đua. Theo lý thuyết "đua thuyền buồm", trong quá trình xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu tới đây, VNPT chẳng những phải khắc phục được những hạn chế vừa qua của mình, tích cực học tập tất cả những cái hay của đối thủ, mà còn chủ động phát hiện được cả những hạn chế của "người lái thuyền phía trước" để đưa ra "cách lái" tốt nhất, tốt hơn cả đối thủ, cho "con thuyền" của mình.

Chúng ta hãy hy vọng và chờ xem con thuyền đi sau sẽ tăng tốc như thế nào để có một  tốc độ lớn hơn đối thủ đang đi ở phía trước. Và "người lái thuyền phía trước"  - Viettel, nếu cho rằng mình đang là vô địch thì đương nhiên sẽ cứ mãi là vô địch, rằng mình đang là nhất tức là mình chẳng có sai sót hay hạn chế gì cả, thì chính là đã mắc vào sai lầm của "người đi trước" trước đây. Và nếu biết về "lý thuyết đua thuyền buồm" thì họ cũng sẽ không ngần ngại học tập những bài học mới từ chính đối thủ đang đi ngay sau mình.

Đi sau phải học người đi trước, ai cũng biết vậy. Nhưng đi trước cũng càng cần học kẻ đi sau, vì nếu không, sẽ không còn là người đi trước.

Có thể tin rằng cuộc "đua thuyền buồm" của các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu sẽ làm cho bức tranh kinh tế của cả đất nước chúng ta ngày càng trở nên sống động và sáng sủa hơn

Sỹ Văn
.
.