Bài toán “gỡ vướng” trong chống buôn lậu thuốc lá

Thứ Hai, 21/11/2016, 15:43
Chỉ tính trong quý 3, số lượng thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu tại Long An là trên 747 ngàn gói. Theo thống kê, số thuốc lá lậu bị thu giữ qua các cửa khẩu trên địa bàn Long An trong 9 tháng đầu năm là gần 1.900 ngàn gói. Còn tại cửa khẩu Mộc Bài lực lượng chống buôn lậu trong 9 tháng đầu năm đã bắt giữ 78 vụ buôn lậu, với 68 đối tượng vi phạm và trị giá hàng tỉ đồng, trong đó đa phần là thuốc lá.

1. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, Long An đã nhiều lần khó xử bởi đối tượng buôn lậu có những người từng gắn bó với các anh trong công tác dân vận. Tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài vấn đề còn phức tạp hơn bởi buôn lậu là “nghề” chính của nhiều cư dân.

Những đối tượng trọng điểm được coi là thường xuyên có khả năng vận chuyển, buôn lậu rất đa dạng, bao gồm cư dân biên giới hai nước, hành khách xuất nhập cảnh thường xuyên, nhân viên phục vụ các casino, vũ trường phía bên kia bên giới, tài xế, nhân viên phục vụ xe bus, xe tải và kể cả các nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.

Theo quy định, mỗi ngày, người dân khu vực này được mua sắm số lượng hàng hóa qua biên giới không quá 200 ngàn đồng. Nhiều người đã tận dụng triệt để quy định này để đưa hàng hóa qua cửa khẩu về bán lại kiếm lời. Nhiều đối tượng cũng “tranh thủ” quy định này để thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng. Chúng còn tìm cách tiếp cận du khách để thuê, nhờ mang hàng hóa giúp.

Kho tang vật tại Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây.

Theo ông Nguyễn Dư Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, dân buôn thường đi trên xe bus liên vận ngụy trang để vận chuyển hoặc nhờ hành khách đi cùng xe mang hộ hàng hóa, tiền tệ khi làm thủ tục qua cửa khẩu. Hải quan nơi đây đã không ít lần bắt được những chiếc xe bus, xe tải, xe con, xe máy được gia cố lại để dễ chứa thuốc lá lậu, như nâng cao hệ thống ghế, nới rộng gầm xe, khoét cốp xe máy... Có chiếc ôtô 4 chỗ đi du lịch nhưng khi về mang theo... gần 10 ngàn bao thuốc lá nhập lậu.

Mánh khóe, thủ đoạn và sự liều lĩnh của những kẻ buôn lậu thuốc lá ở khu vực Mỹ Quý Tây không hề kém cạnh. Thuốc lá sau khi vận chuyển bằng các phương tiện thủy, bộ... qua biên giới, được chẻ nhỏ, chở đi bằng các xe máy đã đôn nòng, móc cốp để chứa được nhiều hàng, chạy bạt mạng, bất chấp sự nguy hiểm đến các điểm tập kết.

Trên tỉnh lộ 10, con đường nối từ Đức Hòa, Long An về TP HCM, người đi đường chẳng lạ gì hình ảnh các nài thuốc, trong đó có nài chỉ có... một chân, phóng xe như thế nào. Người tham gia giao thông chỉ còn biết nép vào lề “nhường đường cho xe các anh qua”.

Các chiến sĩ đồn biên phòng Mỹ Quý Tây đã không ít lần đối mặt với nguy hiểm. Không ít lần đối tượng buôn lậu liều mình lao xe thẳng vào các chốt chặn... Nhiều trường hợp dân buôn lậu đi theo đoàn lớn, yểm trợ để giải vây cho nhau khi bị công an bắt. Có khi chúng tổ chức theo dõi, nắm bắt hoạt động của cơ quan chức năng bằng cách công khai giăng võng ngay trước đồn biên phòng, cán bộ đi đâu chúng theo đó. 

Từ đầu năm 2016 đến nay, nạn buôn bán thuốc lá bùng phát mạnh mẽ trở lại. Nghiêm trọng nhất là những vụ chủ lô thuốc lá lậu ở Long An đã huy động 11 người khác cùng nhiều ghe máy đuổi theo cướp lại tang vật là thuốc lá lậu và đánh chết cán bộ quản lý thị trường ngày 15-9, hay vụ xe con chở đầy thuốc lá lậu gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy tại TP HCM ngày 21-9.

Một chiếc ô tô là phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu.

Ngày 18-10, cơ quan chức năng phát hiện một vụ buôn lậu thuốc lá với số lượng lớn bằng xe tải, Công an huyện Đức Huệ đã truy đuổi, chặn bắt. Đám buôn lậu đã “dàn trận”, dùng một xe hàng khác và nhiều xe máy “yểm trợ” chiếc xe chở hàng, chèn ép, gây rối, thậm chí tông thẳng xe vào lực lượng truy bắt...

Tại hội đàm về chống buôn lậu thuốc lá tại các tỉnh trọng điểm được Báo CAND tổ chức hôm 7-10 vừa qua, Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã nhấn mạnh về tính phức tạp của tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra tại biên giới đất liền và biển trên cả nước và những ảnh hưởng, hệ lụy gây ra trực tiếp đến nền kinh tế đất nước và thất thu ngân sách. Tổng cục Cảnh sát đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu.

Khó khăn chung là đối tượng chủ mưu cầm đầu không ra mặt, thuê người vùng biên giới vận chuyển, manh động sẵn sàng đối phó, huy động đồng bọn, lực lượng chống trả lại cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng chống buôn lậu ở biên giới còn mỏng, trang bị công cụ, phương tiện còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, công tác phối hợp chưa đồng bộ, một số văn bản pháp luật còn chồng chéo.

2. Việc xử lý rốt ráo, triệt để tình trạng buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu đã tồn tại nhiều năm nay có vẻ “bất khả thi” bởi những rào cản khó gỡ do vướng luật.

 Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong 1 năm qua, lực lượng công an các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, bắt giữ 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá lậu, trên 6.000 đối tượng vi phạm, tịch thu 10,3 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng, phạt tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 21 tỉ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ông Vũ Văn Cường cho biết, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp là do sự chênh lệch giá cả. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, giá bán thuốc lá chính ngạch được điều chỉnh tăng theo thuế suất tiêu thụ đặc biệt (từ 65 lên 70%) và tỉ lệ đóng góp Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (từ 1 lên 1,5%) thì tình trạng buôn bán, kinh doanh thuốc lá lậu ngày càng gia tăng do lợi nhuận cao ngất.

Thuốc lá lậu đang chiếm gần 20% thị phần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, gây thất thu ngân sách nhà nước gần 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Chưa kể thuốc lá lậu chứa hàm lượng chất độc hại nhiều hơn quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nài thuốc trên mọi nẻo đường.

Việc xử lý hành vi buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất. Nhiều địa phương than “vướng” luật, khó xử lý. Nghị định 124/2015 /NĐ-CP quy định mức xử lý hình sự của hành vi buôn lậu thuốc lá là 500 bao trở lên. Tuy nhiên, Nghị định này lại chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, hiện các địa phương vẫn đang áp dụng Thông tư 36/2012, mà thông tư này lại quy định: “Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, phải từ 1.500 bao trở lên đến dưới 4.500 bao.

Sự chồng chéo về luật và thông tư hướng dẫn vô tình gây khó cho công tác xử lý tang vật cũng như các biện pháp chế tài. “May mắn vụ nào bắt được số lượng thuốc lá lậu trên 1.500 bao thì dễ xử lý, còn nằm trong khoảng từ 500 đến 1.500 thì lại lúng túng, nhiều nơi vẫn “để đó” chờ thông tư mới”, một cán bộ quản lý thị trường Long An cho biết.

Theo ông Huỳnh Văn Ù, Trưởng Công an huyện Đức Huệ, Long An thì rất nhiều trường hợp khi bắt được người vận chuyển thuốc lá lậu, số lượng thuốc lá chỉ có... 499 bao, dưới mức xử lý hình sự. Nhiều trường hợp bắt quả tang mà không xử lý hình sự được đã dẫn đến việc dân buôn lậu “nhờn” luật.

3. Hầu hết các địa phương đều có ý kiến đề xuất nên tăng chế tài, giảm số lượng thuốc lá ở mức xử phạt hình sự xuống dưới 500 bao, thậm chí thấp hơn nữa, có như vậy mới đủ sức răn đe những kẻ buôn lậu đang ngày càng manh động và thách thức cơ quan chức năng.

Các lực lượng chức năng trung ương, địa phương và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai quyết liệt Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương trong cả nước chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu (đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn...).

Hiện nay các loại thuốc lá lậu như Jet, Hero, Esse, người tiêu dùng vẫn có thể tìm mua tại các điểm bán lẻ một cách công khai, dễ dàng.

Khoét cốp, đôn nòng đề vận chuyển được nhanh và nhiều.

Bộ luật Hình sự 2015 có điều chỉnh quy định xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá nhập lậu tại Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 190 và 191) căn cứ trên giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng thay vì tính trên số lượng bao như trước đây. Điều này đã gây thêm khó khăn cho việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá. Giả sử tính giá sàn thị trường là 15 ngàn đồng/ bao, như vậy mức quy định 100 triệu đồng thì số lượng phải trên 6.000 bao mới bị xử lý hình sự. 

Hiệp hội thuốc lá đã có một vài đề xuất nhằm tăng hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị trích 50% Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu. Có ý kiến nên tái xuất thuốc lá lậu sang nước thứ 3 không có chung biên giới với Việt Nam.

Tuy nhiên, làm sao có thể giám sát hết được số thuốc tái xuất không “tìm đường” thẩm lậu ngược lại? Như vậy việc bắt rồi tái xuất chỉ là một vòng luẩn quẩn. Do đó có rất nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục tiêu hủy thay vì tái xuất thuốc lá lậu tang vật.

Việt Nam là thành viên của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá FCTC (hiệu lực 17-3-2005): Trong đó Khoản 4c, Điều 15, của FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy”.

Tái xuất thuốc lá điếu nhập lậu là đi ngược với quy định trên. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đồng ý đề xuất tăng số tiền từ 3.500 đồng/bao lên 4.500 đồng/bao cho công tác tiêu hủy.

Chống buôn lậu thuốc lá nói riêng và buôn lậu các mặt hàng khác nói chung cần sự nỗ lực, quyết liệt từ nhiều phía. Thứ nhất là từ các cơ quan chức năng, phải có sự kết hợp đồng bộ. Thực tế, vì rất nhiều lý do, có lý do đảm bảo thông tin nên thiếu sự phối hợp, “mạnh ai nấy chống” vì vậy hiệu quả không cao. Thứ hai các văn bản pháp luật phải thống nhất, nếu “vênh” nhau thì các biện pháp chế  tài không đủ mạnh khiến các đối tượng “nhờn” luật.

Đức Hà
.
.