Nhìn lại các giải thưởng văn hóa nghệ thuật: Bảng phong thần rớt giá

Thứ Hai, 13/04/2015, 10:45
Đêm 6/4, Tại TP HCM, Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2015 đã diễn ra tại Nhà hát thành phố. Trước đó Giải thưởng HTV Awards cũng đã có đêm trao giải hoành tráng tại Nhà hát Hòa Bình. Có thể coi đây là hai giải thưởng ở chặng cuối mùa giải thưởng văn hóa nghệ thuật dịp đầu năm. Dù là hai giải thưởng được trông đợi nhiều từ công chúng nhưng các gương mặt đoạt giải vẫn không khó đoán. Và những điểm sáng của hai giải thưởng này dường như chìm khuất giữa “cơn mưa” giải thưởng có quá nhiều chiêu trò tai tiếng thời gian qua.

Giải thưởng… vịn scandal

Với tiêu chí và các hạng mục gần như không thay đổi trong nhiều năm thì sự mới mẻ, hấp dẫn của các giải thưởng, ban tổ chức chỉ biết trông đợi vào gương mặt đề cử. Thế nhưng, họ đều là cái tên quen thuộc, hầu như năm nào cũng góp mặt.

Ca sĩ Tùng Dương có đến 8 lần đoạt giải Cống hiến và tự bản thân cũng thấy ngại khi mình gần như "chai" mặt với các giải thưởng khác.

Tại giải Cống hiến lần 10-2015, Mỹ Tâm lần thứ ba đoạt giải "Ca sĩ của năm". Đông Nhi và Noo Phước Thịnh tiếp tục "càn quét" các hạng mục "Nữ, nam ca sĩ được yêu thích nhất" tại các giải thưởng phía Nam. Vũ Cát Tường luôn trong tầm ngắm của hạng mục "Nghệ sĩ mới", "Nhạc sĩ mới" hoặc "Nghệ sĩ triển vọng".

Điều đó cũng dễ hiểu vì nghệ sĩ có thành tựu nghệ thuật nghiêm túc cũng như gương mặt mới trong năm còn khiêm tốn thì các giải thưởng lại nở rộ như nấm sau mưa.

Không những vậy hàng loạt các giải thưởng văn hóa nghệ thuật như Zing Music Awards, Mai Vàng, Làn sóng xanh, Cống hiến, Ấn tượng VTV, HTV Awards...  có các hạng mục na ná nhau như kiểu "nghệ sĩ xuất sắc", "nghệ sĩ của năm", "nghệ sĩ triển vọng"...

Để "lấp" đầy hạng mục, rất nhiều cái tên được lặp đi lặp lại. Thậm chí, thiếu hụt nghệ sĩ đủ tiêu chí để đề cử, giải "Làn sóng xanh" đành hủy hai  hạng mục "Nhóm nhạc" và "Gương mặt của năm".

Gương mặt nổi trội ít nên kết quả giải thưởng dễ đoán là điều hiển nhiên. Khán giả không hề bất ngờ khi Mỹ Tâm một lần nữa ẵm giải, hay "Bốn chữ lắm" của Phạm Toàn Thắng lại nhận giải "Bài hát của năm" tại Cống hiến 2015.

Ca sĩ Mỹ Tâm được mệnh danh là nữ hoàng vắng mặt tại các giải thưởng trong nước.

Để hâm nóng, làm mới mình, nhiều giải thưởng không còn chuộng những ngôi sao nổi tiếng nữa mà "ăn theo" những cái tên ầm ĩ, đang là tâm bão của dư luận. Vin vào ngôi sao tai tiếng không chỉ thu hút được fan hâm mộ của họ như ngôi sao nổi tiếng mà còn gây tò mò, tranh cãi để thu hút dư luận.

Tuyên bố mặc kệ scandal, chỉ quan tâm đến độ hot của nghệ sĩ, giải "Ngôi sao của năm" vinh danh Sơn Tùng M-TP ở hạng mục "Mỹ nam của năm". Với liên tiếp nghi án đạo nhạc đình đám cùng hành vi gây tranh cãi, Sơn Tùng có thể nói là cái tên nóng nhất và cũng tai tiếng nhất của làng ca sĩ năm qua.

Từng nói không với những cái tên đầy thị phi như Phi Thanh Vân, Phương My ở mùa giải 2011, nhưng năm nay, khó khăn buộc Zing Music Awards "phản bội" tiêu chí "không scandal" của mình. Hạng mục "Nam ca sĩ được yêu thích nhất" và "Nghệ sĩ triển vọng" của Zing Music Awards đều có tên Sơn Tùng M-TP. Dĩ nhiên, dư luận phản ứng ầm ĩ.

Theo đà dư luận, cái tên này tiếp tục xuất hiện vào tận top 3 các đề cử trong đêm trao giải. Kết quả, Sơn Tùng M-TP trắng tay. Lúc này người ta mới vỡ nhẽ, hóa ra đó chỉ là miếng mồi câu chiêu dụ đám đông trót "mê" hoặc "ghét" chàng ca sĩ này theo dõi giải thưởng?

Sơn Tùng MT-P là gương mặt được nhiều giải thường o bế để gây sự chú ý.

Với những khán giả không thường xuyên theo dõi "Bài hát yêu thích" năm 2014, chỉ cần xem qua bảng xếp hạng hàng tháng cũng dễ dàng biết "Quê em mùa nước lũ" của Phương Mỹ Chi đoạt giải cao nhất năm.

Không biết có phải sợ vì thế mà Gala "Bài hát yêu thích" kém hấp dẫn, ban tổ chức tiếp tục mời nhân vật có nhiều phát ngôn gây sốc, động chạm như Trác Thúy Miêu làm khách mời lẫn MC để gây chú ý?

Riêng ca sĩ Thu Minh nhận giải thưởng "Nghệ sĩ toàn mỹ", một trong số các giải kỳ quặc của Yan Online Awards. Trong khi năm qua, với tư cách là Đại sứ bảo vệ động vật Việt Nam, Thu Minh vướng không ít lùm xùm quanh chuyện dùng mật gấu tươi để xoa bóp(!) Ngoài ra, ca khúc "Hangover" của cô còn bị dân mạng gọi là thảm họa khi ca từ vô cùng ngô nghê.

Một cách hữu ý hay vô tình, vin theo scandal, các giải thưởng đã tiếp tay cho sự xuống dốc lương tâm nghề nghiệp, hướng đến góc thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng...

Phát ngượng vì… nhận giải?

Đêm trao giải Cống hiến 2015 tại Nhà hát TP HCM lại tiếp tục vắng mặt Mỹ Tâm như những lần trước đây. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bất đắc dĩ được ban tổ chức mời lên nhận giải thay cho cô. Lý do như mọi lần: Mỹ Tâm bận lưu diễn, không về kịp.

Nhưng từ khi ca sĩ này bắt đầu vắng mặt ở giải Cống hiến và rất nhiều giải thưởng khác, dư luận cho rằng cô đã ngán ngẩm các giải thưởng trong nước?

Nhất là khi Mỹ Tâm từng chia sẻ: "Đến thời điểm này tôi đã hoạt động nhiều năm trong nghề, giải thưởng nào cũng có. Nếu đề cử mà tôi không đến tham gia, mọi người nghĩ rằng Mỹ Tâm đã có giải nước ngoài nên không thèm, mà nếu đến, lại cho rằng tôi ở đâu cũng có mặt. Tôi không muốn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nên cách tốt nhất là các giải thưởng không cần đề cử tôi nữa. Tôi đã từng chia sẻ mong muốn các ca sĩ trẻ cũng có cơ hội được nhận giải, chứ nếu cứ có một gương mặt năm nào cũng đoạt giải hết thì không hay. Thẳng thắn mà nói, điều này sẽ làm âm nhạc Việt đi thụt lùi".

Đã "tuyên bố" "các giải thưởng không cần đề cử tôi nữa" nhưng lướt qua hầu hết các hạng mục "nữ ca sĩ xuất sắc" hoặc "ca sĩ của năm" của các giải thưởng đều có tên "họa mi tóc nâu". Vì lẽ này, Mỹ Tâm bị gắn cho biệt danh là ca sĩ vắng mặt nhiều nhất ở các giải thưởng.

Những nghệ sĩ mới như Huyền Sambi, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Trần Trung Quân... tâm sự rằng đã từng rất ao ước và vinh hạnh khi lần đầu tiên được có tên trong bảng đề cử. Tuy nhiên, có vẻ như bây giờ rất ít giải thưởng cho các nghệ sĩ được sự ao ước và vinh hạnh ấy. Chính Đàm Vĩnh Hưng, đi lên từ những giải thưởng kiểu đó, mà rồi lại có lúc phải phát biểu rằng: "…Cũng bắt đầu thấy chán giải thưởng rồi… Với lại, giải thưởng nào cũng bị nhiễm virus hết…"(?).

Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân là một trong số những nghệ sĩ mới được vinh danh tại giải Cống hiến 2015.

Trước đêm trao giải, Cánh Diều 2014 đã ồn ào đủ chuyện, đặc biệt là việc nghệ sĩ Quyền Linh tiết lộ nhiều nghệ sĩ chẳng còn mặn mà đến tham dự. Nhiều đạo diễn, diễn viên cho hay, uy tín của Cánh Diều bị nghi ngờ khi năm nào, tất cả các phim từ "được nhất" cho đến "siêu thảm họa" đều ngồi chung một mâm cho xôm tụ hay theo kiểu "vơ bèo gạt tép".

Năm nay, điều này đã được minh chứng khi không có giải Cánh Diều Vàng dành cho phim điện ảnh và Cánh Diều Bạc lại có đến 3 phim, ai cũng hiểu "vui là chính" và "hòa cả làng là mục tiêu".

Ở nhiều giải thưởng khác, các tên tuổi người mẫu được vinh danh lại khiến công chúng ngơ ngác vì gương mặt lạ huơ lạ hoắc và chẳng hiểu "nghệ sĩ" này đã có đóng góp gì?

Nhiều lùm xùm quanh những giải thưởng, cuộc thi trên truyền hình trước đây như "Bài hát yêu thích", "The Voice"... đã khiến khán giả nghi ngờ vào sự công tâm của người cầm cân nảy mực.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi bức xúc: "Nghệ sĩ quay lưng vì bản thân giải thưởng của nước ta bây giờ mang nặng tính chất giải trí, rất ít giá trị nghệ thuật. Theo tôi thì không có giải thưởng nào uy tín hết. Thứ nhất kết quả bầu chọn, chấm giải như thế nào hiếm khi công khai, minh bạch. Thứ hai, giải thưởng uy tín thì đòi hỏi người chấm giải phải có uy tín, bản thân họ có uy tín không? Có bột mới gột nên hồ, không có những tác phẩm xuất sắc, không có tài năng đúng nghĩa thì các giải thưởng chỉ là chọn cái bớt dở nhất trong những cái dở nhất thôi".

Đồng quan điểm này, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nguyên Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM cho rằng: "Các giải thưởng hiện nay đã bị thương mại hóa nhiều, ý đồ chủ yếu phục vụ nhà tài trợ. Do vậy, tôi thấy các giải thưởng hiện nay chẳng khác gì mấy các gameshow thực tế trên truyền hình".

Ứng xử văn hóa từ giải thưởng

Câu chuyện của Sơn Tùng M-TP nhiều lúc cũng được coi là một yếu tố ăn khách? Nhà báo, nhạc sĩ Hữu Trịnh, Phó trưởng ban tổ chức giải Cống hiến thẳng thắn: "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP nếu xét về mặt lý thì không vấn đề vì nó được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho lưu hành (mặc dù phải thay phần beat). Đó là cơ sở để chúng tôi đưa vào danh sách tham khảo. Nhưng nếu phân tích trên góc độ chuyên môn thì bài hát này hàm lượng sáng tạo không cao. Ðây là bài hát dựa trên bản hòa âm, phối khí của người khác. Do đó đặt trong tiêu chí giải Cống hiến là những tìm tòi sáng tác thì ca khúc này không hợp".

Riêng hạng mục "Nghệ sĩ mới của năm", nhà báo Hữu Trịnh kiên quyết từ chối gương mặt này với lý do Sơn Tùng không phải là một hình ảnh tích cực. "Khi tôn vinh một nghệ sĩ của năm bên cạnh hoạt động sáng tạo về nghệ thuật thì cũng cần quan tâm đến nhân cách của con người đó" - ông nói.

Trước đó không lâu, anh này cũng bị "Làn sóng xanh 2014" cấm cửa. Đây là giải trung thành với tiêu chí "không scandal". Còn trong danh sách đề cử "Người mẫu được yêu thích nhất" của Giải thưởng truyền hình HTV Awards thiếu vắng hai người mẫu hạng A là Hà Anh và Võ Hoàng Yến.

Lý do cũng chỉ xoay quanh chuyện váy áo và đời tư của hai cô siêu mẫu. Hà Anh từng bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấm diễn 3 tháng vì mặc trang phục phản cảm. Còn người mẫu Hoàng Yến liên tục lùm xùm với nghi án tình tiền với "ông bầu" Minh Chánh, nghi án dùng chất kích thích, lái xe gây tai nạn...

Nhiều giải thưởng đã kiên quyết nói "không" với scandal ngay từ đầu, như một cách làm sạch và nâng cao uy tín giải thưởng.

Riêng giải Cống hiến, để tránh những hồ nghi về tính minh bạch như những năm trước đây và nêu cao tính dân chủ, ban tổ chức gửi thư mời bình chọn đến từng tòa soạn và tòa soạn sẽ tùy cử phóng viên.

Giai đoạn kiểm phiếu cũng có sự tham gia của các nhà báo với người của ban tổ chức chứ không tách riêng phần kiểm phiếu của nhà báo và ban tổ chức riêng lẻ.

Có ý kiến cho rằng nếu những nghệ sĩ đã được đề cử và đoạt giải nhiều lần như Mỹ Tâm, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà... thì không nên đề cử nữa để tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ và tránh nhàm chán.

Về phía đơn vị tổ chức, họ cho rằng dù nghệ sĩ có quyền từ chối đề cử nhưng việc tri ân, công nhận những đóng góp, cống hiến của ca sĩ đó vẫn thuộc về công chúng. Điều này mang tính chất khách quan, công bằng khi đánh giá nền nhạc Việt trong năm. Vậy nên "Giai điệu tự hào" dù trước đó đã xin rút khỏi giải Cống hiến 2015 nhưng hầu hết các nhà báo đều bầu chọn để vinh danh ở hạng mục "Chuỗi chương trình của năm".

Cách ứng xử này được cho là văn minh, chuyên nghiệp, đúng tính chất tôn vinh những nhân tố tích cực của giải thưởng.

Nhưng số lượng những giải thưởng làm được như thế hiện nay quá ít ỏi giữa xu thế chung đang mang gam màu không mấy sáng sủa. Giải thưởng là dịp để giới nghệ sĩ nhìn lại chặng đường năm qua mình đã làm được những gì, chưa làm được những gì để động viên, khích lệ nhau. Từ đó nhìn ra khó khăn để cùng nhau phấn đấu, cống hiến cho nghệ thuật.

Ứng xử văn hóa không chỉ đòi hỏi từ người tổ chức mà cũng đòi hỏi từ phía người nhận giải. Từ chối nhận, hoặc không thể đến nhận họ vẫn nên có những ứng xử đúng mực với sự tôn vinh, tri ân mà ban tổ chức và công chúng dành cho mình. Quay lưng hay chê bôi giải thưởng cũng không phải là cách để nghệ sĩ  nâng tầm giá trị.

Mai Quỳnh Nga
.
.