Báo động căn bệnh thế kỷ

Chủ Nhật, 06/12/2020, 09:53
Trong số những ca mắc HIV mới tại Việt Nam, đáng buồn khi có nhiều học sinh, sinh viên do quan hệ tình dục đồng giới hoặc bị lạm dụng tình dục... Trong khi đó, nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam đang tăng và tăng rất nhanh, đây là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20, thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học. Nhóm đồng tính nam được dự đoán là một trọng những quần thể nhiễm HIV nhiều nhất trong giai đoạn sắp tới.

Chờ lấy thuốc điều trị kháng virus ARV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Học sinh, sinh viên cũng nhiễm HIV

Đến lấy thuốc ARV (thuốc điều trị ức chế virus HIV) tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chàng thanh niên 25 tuổi N.V.K ngồi lặng im trên ghế chờ ở hành lang tầng 2. Xung quanh K. cũng có rất nhiều người đang chờ tới lượt lấy thuốc. Sau một hồi do dự, K. mới chia sẻ, em phát hiện nhiễm HIV cách đây 2 năm, khi đang là sinh viên. Vì lo mọi người kỳ thị nên lần nào đến lấy thuốc, K. cũng đội mũ, đeo khẩu trang.

Theo chia sẻ của K. thì chàng trai này bị lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, cũng không biết mình bị lây từ khi nào, chỉ tới khi thấy cơ thể mỏi mệt, đi khám làm xét nghiệm mới biết. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi K. là trường hợp nhiễm HIV ở độ tuổi còn khá trẻ.

Giấu vẻ đau buồn trong đáy mắt, K cho biết: Năm thứ 2 đại học, em có quan hệ đồng giới với một người quen qua mạng. Sau đó thì chia tay và em có quen thêm một bạn cũng từ mạng xã hội. Chàng trai không ngờ rằng, một vài lần “quan hệ” không sử dụng bao cao su đã khiến mình phải gánh hậu quả nặng nề. 

Không chỉ K., tại đây chúng tôi gặp một số người nhiễm HIV do lây truyền qua đường tình dục còn khá trẻ. Theo một nhân viên tư vấn lây truyền HIV, có học sinh cấp 2 bị lạm dụng tình dục đồng giới trong một thời gian dài nhưng gia đình không phát hiện. Tới khi cậu bé xuất hiện các triệu chứng của bệnh, bố mẹ đưa đi khám mới ngã ngửa con bị lạm dụng bởi một người đàn ông lớn tuổi.

TS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, không chỉ sinh viên mà có không ít học sinh cấp 2, cấp 3 đã nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới. Đây là một thực trạng rất đáng báo động. Là người gắn bó với công tác phòng chống HIV/AIDS nhiều năm nay, TS Nguyễn Thị Minh Tâm đã gặp rất nhiều trường hợp vị thành niên, thanh niên nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới. Theo chị, nguyên nhân khiến các em nhỏ mắc căn bệnh thế kỷ là do bị lạm dụng tình dục.

“Có em ở Hà Nội chia sẻ, họ bị chính các “ông già” đồng tính dụ dỗ khi vào công viên chơi. Những người này không dám lộ diện như các đồng tính trẻ là sử dụng mạng xã hội để tìm bạn tình, mà để “che đậy” giới tính, họ thường ra công viên tìm bạn tình, hoặc tìm cách dụ dỗ các em nhỏ”, bà Tâm cho biết.

Theo TS Tâm, chuyện này không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Trong số những ca nhiễm HIV mới trong 1 năm qua, phát hiện ra một số học sinh cấp 3 đang theo học tại một huyện miền núi phía Bắc. Khi các cán bộ phòng, chống HIV đi tìm hiểu, các em cho biết mình bị lạm dụng tình dục đồng giới nhưng không khai đối tượng vì các em hoảng sợ do bị đe dọa nhiều lần.

“Những đối tượng đồng tính nam nhiều tuổi, khi quan hệ thường không thích dùng bao cao su vì giảm khoái cảm. Khi trẻ em bị những người này dụ dỗ, lạm dụng tình dục, nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao”, TS Tâm nói.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Bên cạnh tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20 là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học. “Sinh viên nam nhiễm HIV do quan hệ đồng giới không phải chỉ ở khối trường xã hội, mà còn có ở khối trường khoa học kỹ thuật”, TS Tâm cho biết.

Theo chia sẻ của TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, số ca mắc mới hằng năm có trên 50% người nhiễm HIV dưới 24 tuổi, tử vong ở các thành phố lớn là ở nhóm này, trong đó có sinh viên. Sinh viên nhiễm HIV do các em không hiểu về nguy cơ quan hệ tình dục không dùng bao cao su sẽ nhiễm HIV.

Người nhiễm HIV phát hiện sớm, điều trị thuốc ARV đúng liệu trình, sống thêm được 50-60 năm.

Xu hướng tìm bạn tình qua mạng

TS Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, nhóm mại dâm nam đồng tính là nhóm nguy cơ lây HIV cao nhất. Nhóm này thường ở lứa tuổi từ 18-35. Họ tìm bạn tình chủ yếu thông qua các mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn thường hoạt động núp bóng dưới các cơ sở massage, xông hơi, spa và công viên, quanh hồ...

“Những người hành nghề còn có ý thức dùng bao cao su và  uống thuốc dự phòng chống phơi nhiễm ARV (PrEP) để giảm nguy cơ. Tuy nhiên, có người hành nghề gặp khách lần đầu còn dùng bao, khi quen rồi không dùng nữa, bản thân họ còn “cặp” rất nhiều bạn tình, nguy cơ lây nhiễm HIV lớn”, TS Tâm cho biết.

Theo chia sẻ của TS Nguyễn Thị Minh Tâm, nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM) thông qua một số app để hẹn hò tìm bạn tình. Nhóm này có nhu cầu quan hệ tình dục rất lớn, trung bình một người có từ 2-5 bạn tình, thậm chí còn nhiều hơn, hoặc không chỉ quan hệ tình dục với nam mà còn cả nữ nhưng rất nhiều người lại thiếu kiến thức về tình dục an toàn. Hơn nữa, nhóm này còn sử dụng ma túy tổng hợp để tạo hưng phấn khi quan hệ, dẫn đến không kiểm soát được hành vi, không sử dụng bao cao su,... càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV (nhiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Theo một nghiên cứu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong 1 tháng qua tại Hà Nội, có 43% người đồng tính nam quan hệ từ 4-5 bạn tình; tỷ lệ dùng bao cao su thường xuyên chỉ chiếm 40-50%.

Cần một giải pháp

Ước tính số lượng MSM tại Việt Nam hiện có khoảng 178.000 người. Bày tỏ lo lắng, TS Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, nhóm MSM, nhóm chuyển giới nữ nhiễm HIV đang tăng rất mạnh tại Việt Nam. Nếu như năm 2011-2012, tỷ lệ nhiễm chỉ 3% thì năm 2018 đã tăng lên gấp 4 lần (12%). 

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh thành phố nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3%), TP Hồ Chí Minh 13,8%, Bà Rịa - Vũng Tàu 16%, Khánh Hòa 14,6%, Hải Phòng 5,3%. Theo nghiên cứu của Viện Y tế toàn cầu, Đại học Washington, Mỹ năm 2019 ở 5 tỉnh/thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Kiên Giang thì từ năm 2017-2050 ước tính sẽ có khoảng trên 107.000 ca nhiễm HIV mới trong nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV. Tỷ lệ dùng bao cao su thường xuyên khi quan hệ tình dục đồng giới giảm mạnh: từ 42% năm 2012 xuống còn 9,7% năm 2016.

Một trang mạng hẹn hò của đồng tính nam.

Một nghiên cứu thuần tập trong nhóm MSM tại Hà Nội của trường Đại học Y Hà Nội mới đây cho thấy 11% trong 1.893 người tham gia nghiên cứu khảo sát đầu vào là người có HIV, 21% nhiễm giang mai, 23% nhiễm chlamydia và 13% nhiễm lậu. Trong số mẫu máu của 75 người nhiễm HIV, 27 (36%) mẫu được khẳng định là mới nhiễm HIV và hầu hết các ca mới nhiễm là ở nhóm trẻ, trên dưới 24 tuổi.

Người đồng tính lớn tuổi phát hiện nhiễm HIV muộn và điều trị ở giai đoạn muộn cũng khá nhiều. “Tỷ lệ mới nhiễm trong 1 năm qua theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội là 7%. Mỗi năm có thêm 7% người MSM nhiễm HIV, nếu sau 10 năm chúng ta không có biện pháp phòng, chống thì cộng đồng này sẽ nhiễm hết”, TS Nguyễn Thị Minh Tâm nhận định.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó đến năm 2025 có 30% và năm 2030 có 40% số MSM được tiếp cận điều trị PrEP tương ứng với khoảng 72.000 người cần được điều trị PrEP trong 5 năm tới. Vậy, giải pháp nào cho nhóm MSM đang tăng nhanh như hiện nay?

Theo TS Tâm, đối với nhóm này, biện pháp tiếp cận tuyên truyền chủ yếu thông qua mạng xã hội. Để truyền thông tốt, phải lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí, sức khỏe sinh sản, tình dục, tình yêu... qua đó truyền tải thông điệp phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, chỉ có 2 biệp pháp chính, là dùng bao cao su và điều trị dự phòng chống phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus ARV (PrEP).

Phương pháp điều trị PrEP đang được nhiều nước trên thế giới triển khai vì thể hiện được rõ hiệu quả giảm lây nhiễm HIV trong đồng giới nam. Việt Nam bắt đầu triển khai PrEP vào 2017, đến nay có hơn 13 nghìn người dùng và 80% trong số đó là cộng đồng MSM. Tuy hiệu quả cao nhưng do nhận thức, nhiều trường hợp bỏ sử dụng giữa chừng.

Qua khảo sát ở Thái Nguyên, tỷ lệ dùng chỉ được 50%, chưa đạt được kỳ vọng là 70-80%, vì nhiều bạn trẻ chỉ muốn dùng trải nghiệm. Trong khi ở TP Hồ Chí Minh lại có hơn 90% người sử dụng trong 3 tháng do có chiến lược truyền thông tốt... Theo TS Hoàng Đình Cảnh, tới đây nên đưa bạn tình của những người có HIV vào điều trị PrEP nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, việc triển khai điều trị PrEP là hiệu quả, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới Bộ Y tế sẽ mở rộng nhanh chương trình như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn hiện nay để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV.

Bộ Y tế sẽ linh hoạt tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc kết hợp, đa dạng hóa nhiều mô hình trong cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để đảm bảo phù hợp với khách hàng, chú trọng giải pháp tiếp cận đối với nhóm người trẻ tuổi có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV hiện nay, đặc biệt là các MSM trẻ tuổi. Đồng thời thúc đẩy các chính sách đảm bảo bền vững khi chương trình kết thúc tài trợ.

Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Theo luật sửa đổi, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành. Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay.

Đối tượng này cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng.


Đến 31-8-2020, cả nước có 213.008 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và chủ yếu ở đối tượng nam giới.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.090 trường hợp nhiễm HIV (ở độ tuổi 16-29 (45%) và 30-39 (31%)), 1.392 bệnh nhân tử vong.

Trần Hằng
.
.