Thu hút tài năng nghệ thuật hàn lâm trở lại cống hiến cho đất nước:

Bao giờ cho tới… ngày xưa?

Thứ Tư, 27/09/2017, 19:44
Những ngày giữa tháng 9, nhiều nghệ sĩ gắn bó với nhạc giao hưởng thính phòng vô cùng ngạc nhiên khi biết tin Việt Nam chuẩn bị có thêm một dàn nhạc giao hưởng tư nhân chào đời.

Dàn nhạc này đặt mục tiêu thu hút các nhân tài nghệ thuật âm nhạc cổ điển Việt Nam và xa hơn nữa là nhân tài nghệ thuật hàn lâm Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trở về với chế độ đãi ngộ đặc biệt, hứa hẹn sẽ đủ để nghệ sĩ yên tâm cống hiến tài năng, không phải lo lắng về mặt tài chính. Một nhà hát Opera hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế cũng "rục rịch" được triển khai tại Hà Nội. Giữa thời điểm người làm nghệ thuật than thở vì rất chật vật để sống được bằng nghề như hiện nay, dường như đây là chuyện rất xa xỉ…

Vừa vui vừa… ngờ

Vui mừng nhưng nghi ngờ, đó là phản ứng của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi nghe thông tin về dàn nhạc giao hưởng tư nhân và nhà hát Opera hiện đại ngang tầm quốc tế được xây dựng tại Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng giữa thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang đón một "cơn bão văn hóa" đủ các thể loại thì đây là một quyết định dũng cảm.

Bởi lẽ, dàn nhạc giao hưởng là tổ chức âm nhạc kinh điển, truyền thống, có lịch sử vài trăm năm đã "gieo hạt mầm" tại Việt Nam trên nửa thế kỷ. Đã có những thời kỳ, Việt Nam có rất nhiều tác phẩm khí nhạc. Hàng loạt nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi bằng các tác phẩm khí nhạc nổi tiếng: Hoàng Việt, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Linh, Đàm Liên, Nguyễn Đình Tấn, Ca Lê Thuần…

 Một số lượng lớn các tác phẩm khí nhạc chưa có điều kiện dàn dựng, công bố. Trước đây, các nhạc sĩ chỉ viết bằng tay rồi tổng phổ. Một số bản đã thất lạc, một số bản được nhiều gia đình giữ lại song văn bản không rõ ràng, muốn khôi phục đã rất khó. Có hàng trăm tác phẩm khí nhạc được đánh giá cao của thế hệ nhạc sĩ này.

PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Hiện nay, khoa sáng tác của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn tổ chức sáng tác hàng năm, mỗi năm sinh viên bắt buộc phải viết 1 giao hưởng. Phần lớn các sáng tác ít có điều kiện dàn dựng, phổ biến. Vì thế, một dàn nhạc giao hưởng hiện đại, đem lại giá trị tinh thần cao, được công chúng đón nhận và nghệ sĩ được đãi ngộ xứng đáng, có thể yên tâm "sống" bằng nghề, có nhà hát đủ đáp ứng về cơ sở vật chất cho hoạt động tập luyện, biểu diễn vẫn là ước mơ không chỉ của riêng các nghệ sĩ biểu diễn.

Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa cũng cho rằng, việc có dàn nhạc giao hưởng và nhà hát đẳng cấp quốc tế của Việt Nam là mơ ước của cả cuộc đời ông. Từ thời còn đi học ở Học viện Tchaikovsky, ông được biết, ngay từ những năm 1995-1996, nghệ sĩ Việt Nam theo đuổi nghệ thuật hàn lâm, trong đó có giao hưởng thính phòng rất nhiều.

Đây là những nghệ sĩ đã khẳng định được tài năng qua quá trình tuyển chọn, đào tạo đặc biệt của nước ngoài. Sau nhiều năm, thế hệ này cứ "rơi rụng" dần bởi mưu sinh sống bằng nhạc cổ điển khó quá, thu nhập từ nghề không giúp họ nuôi nổi bản thân, làm sao nuôi gia đình?

Nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề hoặc sang lập nghiệp ở nước ngoài. Những nghệ sĩ phải ở lại trong nước như ông hoặc tìm về hoạt động trong nước chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ. Có trở về, dù được ưu đãi, họ vẫn khá chật vật để mưu sinh, làm cùng lúc nhiều công việc, vừa biểu diễn, vừa giảng dạy, thậm chí thu nhập từ các hoạt động ở nước ngoài vẫn là nguồn tài chính chủ lực. Vì vậy, nghệ sĩ như ông không mong muốn gì hơn là sẽ có những dàn nhạc mới góp phần tích cực cải tạo chất lượng âm nhạc cổ điển.

Thông qua những dàn nhạc như thê,ë những nghệ sĩ tài năng đang làm việc ở nước ngoài sẽ trở về trong hạnh phúc. Hy vọng này hoàn toàn không viển vông bởi theo ông quan sát thì nhiều năm trở lại đây, ngay trên đất Nga, không ít nghệ sĩ làm việc cho các dàn nhạc lớn, có quy mô quốc gia đã chuyển sang các dàn nhạc do các ngân hàng bảo lãnh. Đây cũng chính là "lò" đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ thành công trên thế giới. Đến nay, lực lượng nhạc công, nhạc sĩ của họ đã tăng lên, thậm chí vượt số lượng yêu cầu trong nước và "xuất khẩu" sang nhiều quốc gia phát triển khác. Ngược lại, tại Việt Nam, lực lượng này lại đang hạn chế hơn so với giai đoạn trước đó.

Nỗi niềm nghệ sĩ

Thực tế, câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về thực trạng âm nhạc cổ điển nói riêng, nghệ thuật hàn lâm nói chung không mới, nếu không muốn nói là đã trở thành quá quen thuộc và người làm nghề bắt buộc phải thích nghi, chấp nhận. Anh Tuấn - một trong số những người dẫn chương trình truyền hình thành công đã xúc động kể rằng anh "xuất thân" là một nghệ sĩ cổ điển. Vì đời sống quá khó khăn, năm 1997, Anh Tuấn quyết định chuyển nghề.

Nhạc kịch, một trong số các bộ môn nghệ thuật hàn lâm không quá khó tiếp cận công chúng.

Với một người đam mê âm nhạc, đây luôn là một quyết định khó khăn. 20 năm gắn bó với công việc mới, nghề dẫn chương trình cho anh nhiều thứ, kể cả danh vọng lẫn vật chất, nhưng Anh Tuấn vẫn luôn mong muốn được gắn bó với nghề. Vai trò Giám đốc điều hành Dàn nhạc giao hưởng tư nhân mới chào đời chưa phải là công việc một nghệ sĩ biểu diễn mong muốn song ít nhất như thế, Anh Tuấn cũng sẽ được gắn bó với lĩnh vực anh yêu thích. Và biết đâu, sẽ có một ngày anh lại được đứng biểu diễn trên sân khấu, dù rằng, với một nghệ sĩ biểu diễn, đã 20 năm ít luyện đàn như anh, hành trình này thật khó.

Tình trạng nghệ sĩ tài năng bỏ nghề làm việc khác cho thu nhập cao hơn hoặc sang nước ngoài lập nghiệp diễn ra trong một thời gian dài đã để lại những hệ lụy đáng tiếc. Mới đây nhất, trong Liên hoan âm nhạc Á - Âu do Việt Nam đăng cai, các thành viên trong ban tổ chức đã rất khó khăn khi không tìm kiếm đủ nhạc công theo yêu cầu. Một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ nước ngoài gửi đến dàn dựng, dù được đánh giá rất cao nhưng buộc phải từ chối vì trình độ không tương đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương năng động nhất về kinh tế, có đời sống văn hóa, giải trí sôi động nhất cả nước, nghệ thuật hàn lâm cũng đã được thành phố dành những ưu ái, đầu tư nhất định. Một số tài năng như Nguyễn Mạnh Duy Linh, Phúc Hải, Phúc Hùng, Đào Nhật Quang… lần lượt trở về đầu quân cho Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO).

Môi trường hoạt động đủ để nghệ sĩ yên tâm cống hiến là mong ước của hầu hết các nhạc công.

Những chương trình biểu diễn chất lượng cao, những cuộc liên hoan quy mô lớn, thu hút hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước như "Giai điệu mùa thu" được duy trì hàng năm đã góp phần đáng kể để tạo môi trường cho nghệ sĩ phát huy tài năng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một môi trường đủ để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, yên tâm dồn sức cống hiến tài năng cho nghệ thuật vẫn là câu chuyện dài.

Ngoài hoạt động biểu diễn, dàn dựng, sáng tạo tác phẩm mới, những tài năng ấy vẫn đang đảm nhận nhiều công việc khác. Gắn với chuyên môn nhất là chuỗi chương trình đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần với người trẻ. Đây là hoạt động được thành phố đầu tư kinh phí, đã góp phần mang về nguồn thu cho HBSO.

Đổi lại, các gương mặt tài năng của nhà hát, bất kể nổi tiếng đến đâu cũng sẽ phải có những giờ, những buổi giao lưu, trao đổi, giới thiệu tác giả, tác phẩm nghệ thuật cổ điển miễn phí cho học sinh, sinh viên - một phần việc mà lẽ ra giáo viên dạy tiểu học, phổ thông là đủ. Riêng cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho nghệ sĩ hoạt động nghề nghiệp cũng là vấn đề nan giải khi hàng trăm con người của nhà hát chưa có "chốn định cư".

Không có nhà hát cố định riêng, thế nên, mỗi chương trình, mỗi vở diễn, nghệ sĩ tự tập luyện. Những tiết mục cần tập luyện tập thể, họ phải mượn địa điểm. Được lựa chọn một thời gian dài cho các nghệ sĩ múa là một khoảng trống trong khu nhà cao tầng của các hội văn học, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, 81 Trần Quốc Thảo. Lớp kính thông thường không thể ngăn nổi ánh mặt trời gay gắt nên tập luyện ở đây cũng là một cửa ải khiến nghệ sĩ dễ nản lòng.

Cần lắm một "ngôi nhà"

Nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật hàn lâm không có nhà hát làm "nơi định cư"  là thực trạng chung của cả nước, không riêng của TP Hồ Chí Minh. Việc các đơn vị tư nhân cùng tích cực "nhập cuộc" với những chế độ đãi ngộ cao, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại sẽ góp phần tháo gỡ đáng kể những "nút thắt" trong quá trình phát triển nghệ thuật và phát huy tài năng của người nghệ sĩ.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, khi chúng ta có một ngôi nhà đẹp, một môi trường làm việc thuận lợi thì sẽ kêu gọi, tập hợp được những thành viên ưu tú nhất. Nếu có được nhà hát với cơ chế đãi ngộ như nhà đầu tư hứa hẹn, chắc chắn nhà hát sẽ đón nhận những tài năng âm nhạc kinh điển trở về.

Nhưng chỉ có một dàn nhạc, một nhà hát cho riêng nhạc giao hưởng thính phòng thôi thì chưa hẳn phù hợp. Chưa kể, việc đặt nhà hát ở Hồ Tây, Hà Nội theo dự kiến của nhà đầu tư không phải không có trở ngại. Khán giả của giao hưởng thính phòng còn ít. Khu vực xây dựng nhà hát khá xa trung tâm.

Khán giả xem chương trình, nhất là vào mùa đông, 11 đến 12 giờ đêm mới từ Hồ Tây về nhà ở các khu vực khác sẽ rất bất tiện. Chuyện lấy gì để "nuôi" dàn nhạc, nuôi nhà hát cũng cần tính toán. Có thể chúng ta đã có "kho" tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới để dàn dựng, biểu diễn nhưng nếu chỉ có những Beethoven, Mozart, Abraham, Abraham, Tchaikovsky thôi thì chưa đủ. Âm nhạc kinh điển thế giới rất hay nhưng không có những tác phẩm thấm đẫm tinh thần người Việt, văn hóa Việt.

Chúng ta cần có những tác phẩm khí nhạc Việt Nam và cần cả lực lượng khán giả trẻ được nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ lúc còn bé. Họ phải được giới thiệu đâu là kèn trumpet, saxophone, clarinet, âm thanh của violin quyến rũ như thế nào… Làm được điều này thì âm nhạc không thể chỉ chuyển tải một chiều từ nghệ sĩ đến khán giả mà sẽ cần thêm rất nhiều hoạt động tương tác sinh động và thú vị, đủ hấp dẫn người trẻ.

Một giải pháp khác, theo nhiều nhạc sĩ là nên xây dựng nhà hát tổ hợp. Nghệ sĩ Việt Nam hay nhắc đến Sydney với nhà hát con sò hoặc nhà hát tại Bắc Kinh như một niềm mơ ước. Ở đó, opera chỉ là một số phòng biểu diễn. Giao hưởng có một số phòng. Số còn lại phân bổ cho nhiều bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác. Với Việt Nam, đó có thể là sân khấu để diễn tuồng, chèo, cải lương, kịch nói…

Trong tương lai, đây cũng sẽ là nguồn thu lâu dài để bù đắp khoản đầu tư cho nghệ sĩ, cho nhà hát. Như thế thì phải phát triển khán giả và đây là một quá trình dài. Việc thu hút khán giả đến các chương trình không đơn thuần chỉ là công bố trên Internet hay phương tiện nào đó. Điều quan trọng người làm chương trình phải hiểu được khán giả của mình. Và rất có thể, thế hệ hôm nay sẽ chưa nhiều người đến với nhà hát, đến với nghệ thuật hàn lâm nhưng hoạt động này vẫn phải duy trì.

Khán giả cho tương lai vẫn cần được nuôi dưỡng. Bởi, khán giả vẫn là yếu tố quan trọng quyết định thu hút nhân tài về nghệ thuật hàn lâm trở lại cống hiến cho cộng đồng, đất nước một cách lâu dài.

Minh Hà
.
.