Bảo tàng lãnh tụ Lênin ở Phần Lan

Thứ Hai, 07/04/2014, 19:40

Chỉ hơn một tháng mở cửa trở lại sau thời gian tu bổ, Viện Bảo tàng Lênin tại thành phố Tampere (Phần Lan) đã có lượng khách tham quan kỷ lục. Tòa bảo tàng nổi tiếng này tái hoạt động nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của lãnh tụ quốc tế vô sản Vladimir Ilich Lênin (21/1/1924-21/1/2014).

Sau hơn một thế kỷ bị Nga Sa hoàng đô hộ kể từ thời điểm năm 1806, đến năm 1917 khi chính quyền Xôviết được thành lập sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đích thân Chủ tịch Hội đồng Dân ủy (tên gọi của Chính phủ Xôviết lúc ấy) Lênin đã ký sắc lệnh trao trả độc lập, cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Phần Lan láng giềng.

Sự kiện khó quên này là một trong những lý do khiến chính quyền thành phố Tampere quyết định xây dựng Bảo tàng Lênin vào mùa hè năm 1946, đúng một năm sau khi kết thúc Thế chiến II tang thương nhất trong lịch sử nhân loại, nhằm tôn vinh tư tưởng của Lênin đã chỉ đạo Hồng quân đánh bại chủ nghĩa phát xít hung tàn.

Địa điểm được chọn chính là tòa nhà số 28 phố Hameenpuisto, nơi từng diễn ra kỳ Đại hội bí mật của đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (RSDRP) vào năm 1906, cũng là thời điểm hai nhà cách mạng kiệt xuất V. Lênin và Josef Stalin gặp nhau lần đầu tiên trong khuôn khổ Đại hội RSDRP.

Toàn cảnh tòa nhà Viện bảo tàng Lênin giữa trung tâm thành phố Tampere.

Tampere là đô thị có mật độ dân cư cao nhất so với tất cả các thành phố khác trong vùng Bắc Âu. Còn tòa bảo tàng ở Tampere là Viện Bảo tàng Lênin đầu tiên được khánh thành bên ngoài lãnh thổ Liên Xô, hiện thời do Hội Hữu nghị Phần Lan - Nga quản lý và điều hành. Trong tòa bảo tàng trưng bày những tài liệu, hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật mô tả các hoạt động của lãnh tụ Lênin và cuộc Cách mạng vô sản Nga.

Ngoài ra, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm đặc biệt mang tính chuyên đề, liên quan đến cuộc đời của Lênin và lịch sử Liên bang Xôviết.

Năm 1986, nhân 40 năm thành lập, Viện Bảo tàng Lênin ở Phần Lan đã được Đoàn chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô ra quyết định tặng thưởng Huân chương Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Liên Xô cho các công dân và hội đoàn nước ngoài.

Sau khi Liên bang Xôviết tan rã, lượng khách tham quan bảo tàng Lênin tại Tampere vẫn không sụt giảm, chứng tỏ hình ảnh nhà lãnh tụ thiên tài luôn sống mãi trong lòng công chúng ngưỡng mộ.

Một gian trưng bày trong viện bảo tàng.

Theo tờ Helsingin Sanomat, nhật báo của Phần Lan, thì một nhóm trí thức ở thủ đô Helsinki đang xúc tiến vận động quyên góp, để xây dựng một tượng đài lãnh tụ Lênin tại một địa điểm thuộc nội đô thủ đô Phần Lan

Kim Dung (theo Helsingin Sanomat)
.
.