Bảo tồn đa dạng sinh học cho tương lai

Thứ Tư, 19/01/2011, 22:35
Đồ trang trí bằng ngà voi, ví tiền bằng da kỳ đà, gọng kính bằng đồi mồi... Quỹ Thiên nhiên Thế giới lên tiếng báo động: việc kinh doanh đồ lưu niệm đang che giấu cho sự tàn sát loài vật quý hiếm.

1. Ó biển

Từ lâu Cơ quan FBI (Mỹ) đang theo dõi những kẻ buôn bán loài ó biển. Loài này có hẳn một văn phòng bảo vệ, chúng là biểu tượng của nước Mỹ nhưng người ta vẫn luôn săn bắt lậu loài chim oai vệ này. Chúng đã bị tàn sát từ lâu.

Vào năm 1953, bị săn lùng và bị ngộ độc bởi các "tiến bộ" trong nông nghiệp (đây là loài chim đầu tiên mà người ta tìm thấy dấu vết thuốc trừ sâu trong não và trứng) nên chúng đã ở giới hạn của sự tuyệt chủng. Từ đấy loài này đã được bảo vệ. Về mặt chính thức, chỉ có thổ dân da đỏ còn được quyền dùng thân thể của ó biển (chết do tai nạn hoặc tự nhiên) trong những mục đích tôn giáo.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận chỉ một cọng lông cánh của ó biển được bán với giá 100USD, một cây gậy của thầy pháp với vuốt, đầu và lông cánh, du khách sẵn sàng bỏ ra 3.000USD để tưởng tượng họ là Sitting Bull (một tù trưởng da đỏ Sioux - ND) thì những kẻ săn bắt ó biển vẫn bất chấp các luật lệ nghiêm cấm bằng mọi giá.

2. Rùa biển

Đồi mồi là một trong các loại rùa bị săn bắt nhiều nhất do bộ vảy màu vàng hồng và trong suốt, xếp lớp như ngói. Đắt giá nhất là mai của đồi mồi nhỏ vì có màu tương phản mạnh. Chúng được bán với giá 350USD/kg tại vùng Viễn Đông.

Thịt của loài rùa biển cũng rất được ưa chuộng, nhất là tại châu Á. Trứng rùa được tiêu thụ tại hầu hết các nước vùng duyên hải nhiệt đới. Nạn lấy cắp trứng rùa trên những bãi biển mà chúng thường sinh đẻ cộng với việc tàn sát rùa cái đã suýt gây ra sự tuyệt chủng của loài rùa luth (loài duy nhất không có mai cứng mà chỉ là một lớp da dày bao các mảng xương).

Sụn của loài rùa xanh được dùng để làm món súp rùa nổi tiếng. Bộ mai của chúng được chế biến thành nhạc cụ. Ở Pháp, việc nhập khẩu mọi sản phẩm từ rùa biển đều bị cấm. Tuy nhiên, đã có lần hải quan tịch thu được 32 bộ mai và nhiều đồ lưu niệm bằng mai rùa, đồi mồi.

3. Cá ngựa

Mỗi năm có đến 20 triệu con cá ngựa lọt vào lưới của ngư dân. Chẳng ai biết tình trạng hiện nay của giống cá đặc biệt này. Nhưng từ nhiều năm nay người ta đã nhận thấy loài cá này ngày càng hiếm. Ngay cả loài cá ngựa đốm Hippocampus ramulosus tồn tại cách nay đã 40 triệu năm cũng đã biến mất khỏi vùng bờ biển Bretagne.

Các cửa hiệu bán đồ lưu niệm ở bờ biển vẫn còn bán chúng dưới dạng phơi khô hay ngâm trong nhựa thông. Có đến 32 quốc gia dính dáng vào việc buôn bán cá ngựa. Mối đe dọa lớn nhất của chúng là ở vùng Viễn Đông. Chúng được xem như là dược liệu quý trong y học cổ truyền và người ta tìm thấy chúng trong mọi loại thuốc bột, thuốc nước, thuốc mỡ. Loài cá ngựa lớn Hippocampus ingens phơi khô được bán với giá 1.200USD/kg, đắt hơn cả trứng cá caviar.

Tại Nhật cá ngựa khô có giá đến 12USD/con. Sự hiện diện ngày càng nhiều của chúng trong các hồ kính trên khắp thế giới  rất có thể sẽ là bản án tử cho giống loài cá ngựa.

4. Kỳ đà

Loài kỳ đà có thể sống dọc theo vành đai sa mạc, từ Sahara đến Pakistan. Kỳ đà sa mạc Varanus griseus dường như ít gặp kẻ thù. Nhưng bộ da của chúng đã mang lại bất hạnh đến mức chúng đang ở bên bờ tuyệt chủng. Cũng như các họ hàng ở châu Phi và châu Á, chúng có lớp da mỏng, mềm mại, có những vảy nhỏ.

Lớp vảy thật đều đặn của bộ da kỳ đà có thể làm ra những chiếc ví thật tuyệt vời mà các du khách rất thích. Người Pháp đặc biệt ưa chuộng những vật dụng bằng da kỳ đà và mới đây hải quan Pháp đã tịch thu được 1.254 thắt lưng, túi xách và ví bằng da kỳ đà.

5. Sò ốc

Năm này qua năm khác, những loại sò ốc ngày càng hiếm dần. Trong năm 2006, người ta đã tịch thu được 606 vỏ sò ốc và san hô thuộc các loài sắp tuyệt chủng trong hành lý của du khách. Cũng như đối với nhiều loài dưới biển, phải chờ đến khi việc đánh bắt trở  nên khó khăn, người ta mới hiểu rằng cần phải gióng hồi chuông báo động. Đó là trường hợp của loài ốc dơi dài 25cm mà hiện giờ việc mua bán đã được quy định chặt chẽ. Từ nhiều thế kỷ nay vỏ ốc dơi được dùng để làm đồ trang sức. Việc phát triển du lịch đã dẫn đến sự khai thác quá mức giống loài này.

Số phận của loài ốc xà cừ Địa Trung Hải cũng không khá hơn gì. Đã từ lâu tại Italia người ta dùng chúng trong ngành thủ công mỹ nghệ. Vỏ của chúng được dùng làm cúc áo. Tuy thế các phương pháp đánh bắt truyền thống không làm cho quần thể của chúng bị lâm nguy. Nhưng từ 3 thập niên gần đây, ngành du lịch dưới biển đã khiến số lượng của chúng giảm sút đáng kể. Trên khắp thế giới, hàng chục ngàn tấn vỏ sò ốc được mua bán hàng năm.

6. Bướm

Loài Ornithoptera alexandrae với sải cánh rộng 25cm là loài bướm ngày lớn nhất thế giới. Nhưng chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng trong thời gian ngắn. Được ghi tên trong Sách Đỏ, việc khai thác chúng với mục đích thương mại đã bị cấm. Người ta chỉ gặp chúng giữa vùng rừng rậm Đông Nam Á. Sâu bướm chuyên ăn lá dây leo aristoloche, còn bướm lại thích thưởng thức mật hoa dâm bụt mà chúng giúp thụ phấn. Nhưng thói quen dinh dưỡng này đã gây hại cho chúng. Nạn phá rừng tại châu Á đã khiến chúng không còn thức ăn.

Rút vào những khoảng rừng còn lại, bị bao quanh bởi các khu trồng trọt đầy thuốc trừ sâu, loài bướm Ornithoptera vẫn còn bị săn lùng. Bướm lớn tránh lên tầng ngọn cây, còn lũ ấu trùng không có cơ may đó. Người ta bắt bướm để bán cho những kẻ sưu tập và du khách.

Trên thế giới, rất nhiều loài có cánh khác cũng đang phải trả giá đắt cho vẻ đẹp của chúng. Người ta cũng có thể cắt cánh của chúng ra xếp thành những bức khảm lộng lẫy để trang hoàng khung gương hay làm thành những bức tranh tuyệt mỹ. Lúc ấy thì khó mà nhận dạng ra chúng được.

7. Voi

Cũng nên nhắc đến loài voi. Một tấm thân nặng 7 tấn, cặp ngà dài hơn 3m, vẫn tiếp tục mọc dài thêm và nặng đến 100kg mỗi chiếc. Loài vật khổng lồ này đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn voi để lấy ngà. Từ năm 1989 luật nghiêm cấm việc mua bán ngà voi đã có hiệu lực, điều này đã dẫn đến việc thiêu hủy các kho ngà voi tại những nước châu Phi. Nếu tiếp tục cho phép buôn bán ngà voi, nạn bắn giết voi để lấy ngà cuối cùng sẽ dẫn đến sự kết thúc giống loài. Có năm Pháp đã tịch thu được 182 mẫu ngà voi thô và 3.939 hiện vật làm từ ngà voi.

Việc bảo tồn tính đa dạng sinh học luôn gắn bó với việc bảo tồn con người. Nhưng thật kỳ lạ là con người lại luôn thích giữ một mẫu vật của sinh vật chết. Đừng để sau này con cháu chúng ta chỉ biết được những loài vật trên qua hình ảnh

Minh Luân (theo Figaro Magazine)
.
.