Bát nháo thị trường nhân sâm

Thứ Tư, 30/05/2012, 15:40
Nếu trong lĩnh vực ẩm thực có bát trân bát bửu thì trong đông y cũng có "tứ bảo" là sâm - nhung - quế - phụ. Sâm là dược liệu quý mà trong đông y gọi là thần dược. Nếu xưa chỉ có vua chúa, hoặc gia đình giàu có, quyền quý cao sang mới được dùng sâm, thì nay người có tiền có của vẫn dùng sâm. Tuy nhiên điều đáng nói là dẫu có tiền nhưng không phải ai cũng ăn được đúng sâm, khi mà một thị trường đã hình thành với hàng trăm chủng loại, hàng ngàn mặt hàng, thật giả lẫn lộn. Đã có nhiều nhà giàu bỏ ra hàng chục triệu đồng để được ăn những thứ rễ cây hoang dại có khi bị trúng độc!

Uống sâm hồi dương lại… mau chết!

Anh Lê Tấn K., ngụ quận 2, TP HCM, đến giờ kể lại cái chết của cha anh mà vẫn còn day dứt. Cách đây 3 năm, cha anh, ông Lê Tấn B. bị bệnh nặng và sắp sửa ra đi. Hôm đó nhằm ngày Dần, "ngày tuổi" của ông cụ và "kỵ" với nhiều người khác trong gia đình. Với lại, gia đình anh K. có người thân ở Mỹ, lúc còn tỉnh táo ông cụ có nguyện vọng muốn được gặp mặt trước khi nhắm mắt.

Quả thật là điều vạn nan khi từ Mỹ, thu xếp để về được đến quê nhà đã mất vài ba ngày, trong khi thần chết cứ  từng giờ đến gần với ông cụ. Gia đình quyết định, bằng mọi giá phải kéo dài sự sống cho ông thêm vài ngày nữa. Xưa nay, việc kéo dài thêm cuộc sống cho người sắp mất, chỉ có một cách duy nhất là cho dùng sâm hồi dương. Chỉ cần mài loại sâm này sắc lấy nước và cho uống, người bệnh dẫu có sắp chết cũng sống thêm được một vài ngày nữa.

Sâm hồi dương cực kỳ đắt tiền. Nếu không có nhu cầu bức thiết thì người ta không mua, vì chỉ dùng cho việc hồi sinh một lần duy nhất. Gia đình anh K. không phải diện nghèo khó, hơn nữa lại có người nhà ở Mỹ chuyển tiền về để mua sâm. Anh ra đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM), mua hộp sâm hồi dương với giá 25 triệu đồng, rồi mang về cho ông cụ sử dụng.

Đúng theo hướng dẫn, gia đình đã chưng cất và lấy nước bón cho người bệnh. Quả là thần dược, chỉ sau một lát uống sâm, người bệnh đã có thần sắc trở lại, tươi tỉnh hơn trước. Không những vậy, ông cụ còn tỉnh tới mức có những biểu hiện ra dấu nói chuyện. Cả gia đình vui mừng quây quần bên cụ, chờ người thân từ nước ngoài về. Theo tính toán, sau 3 ngày, người thân về kịp và ngày ra đi của ông cụ cũng là ngày đại cát cho con cháu. Đây là đêm đầu tiên anh K. ngủ được một giấc ngon lành, bởi người bệnh không kêu rên, anh K. không phải trở dậy liên tục lúc nửa đêm.

Đẫy giấc, mới sáng sớm anh K. đã trở dậy chăm sóc cho ông cụ. Thế nhưng anh lay gọi mãi mà người bệnh không thức giấc. Linh tính có điều chẳng lành, anh kéo chiếc chăn ra. Một luồng lạnh toát chạy dọc sống lưng: Ông cụ đã chết từ khi nào, tay chân lạnh ngắt...

Ông Lưu Quang Việt, chủ doanh nghiệp Hồng Sâm Bank ở Hàn Quốc có cửa hàng giao dịch tại 332 đường Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú (TP HCM), nói rằng có thể gia đình anh K. đã mua phải hàng giả. Là người sống nhiều năm ở Hàn Quốc, tận mắt chứng kiến từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến, ông Việt nói rằng để có được củ hồng sâm và đặc biệt là sâm hồi dương, phải tốn rất nhiều công phu.

Sâm Hàn Quốc được gọi là nhân sâm, vì nó có dáng dấp hình người. Tuy nhiên, không phải củ sâm nào cũng đều có hình dáng này. Cây sâm từ lúc trồng cho tới lúc thu hoạch phải mất 6 năm ròng rã. Tất cả củ sâm khi mới đào lên đều có màu trắng như nhau, gọi chung là bạch sâm hay là nhân sâm. Trong số hàng trăm ngàn củ mới có vài củ đầy đủ hình dáng gồm đầu, hai tay và hai chân. Đây là loại củ sâm tập trung nhiều thành phần tốt nhất. Củ sâm lột vỏ, hấp chín, phơi dưới nắng tự nhiên và qua một quy trình bào chế công phu, mới tạo nên màu đỏ hồng được gọi là hồng sâm. Chỉ riêng hồng sâm đã có tới 4 loại, và thiên sâm là loại cao cấp nhất, hiệu quả đến độ có khả năng hồi sinh mà dân gian vẫn gọi là "sâm hồi dương".

"Có thể người này đã mua trúng sâm giả. Vì nếu đích thực là sâm hồi dương thì không thể nào có tình trạng này xảy ra. Thậm chí, sâm hồi dương tốt đến mức có người sắp chết, nhưng dùng thứ này, đã sống tiếp được vài tháng nữa", ông Việt nói.

Rất khó phân biệt sâm thật - giả trong một thị trường rộng mênh mông.

Ăn sâm ngọc linh... bị lở mồm

Đó là trường hợp của chị Hoàng Thanh X.., ở quận 2, TP HCM. Trong một chuyến du lịch Kon Tum, chị X. được một "thổ dân" ở đây giới thiệu món sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên ở độ cao trên 2.000m, có giá trị cao hơn cả nhân sâm Triều Tiên, Hàn Quốc. Nghe danh sâm Ngọc Linh đã lâu và thấy đúng với hình dáng mà chị đã từng thấy, chị X. đã bỏ ra 30 triệu đồng để mua 1kg. Nhà chị có người già, và chính vợ chồng chị cũng có nhu cầu vì nghe đâu dùng sâm Ngọc Linh đàn bà sẽ trở nên đỏ da thắm thịt, phơi phới trẻ trung, còn đàn ông thì cái "khoản ấy" lại rất sung mãn và duy trì bền lâu.

Sau 100 ngày thắc thỏm chờ đợi vì phải ngâm rượu đúng thời gian, hôm đó vợ chồng chị rót ra và mỗi người uống một ly con để tận hưởng hương vị và tác dụng của thần dược. Nhưng hỡi ôi, rượu vừa uống vào thì cả vợ lẫn chồng, từ môi, miệng, và ác nhất là tận trong cổ họng cũng bị… ngứa! Ngứa đến độ không chịu được. Hốt hoảng, anh chị vội vã chở nhau đi bác sĩ.

Hóa ra, chị X. đã bị lừa, mua nhằm củ ráy! Thạc sĩ Lê Thanh Sơn, công tác tại Viện Dược liệu, cho biết hiện nay sâm Ngọc Linh giả trên thị trường rất nhiều. Ông cho biết, loại mà nhấm vào bị ngứa là loài ráy thuộc họ Araceae, có hình dáng bên ngoài giống với sâm Ngọc Linh thật. "Nếu người dân mua phải loại này về ngâm rượu uống chưa biết tác hại của nó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn nó không có tác dụng bồi bổ cơ thể", thạc sĩ Lê Thanh Sơn khẳng định. Tuy nhiên chắc chắn là có độc, vì chỉ cần đụng vào là ngứa ngáy, miệng môi phồng rộp.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mộng, trợ lý truyền thông của Công ty Trường Xuân Thịnh Corp., công ty độc quyền nhập khẩu sản phẩm hồng sâm Cheong Kwan Jang của Hàn Quốc, có cửa hàng trưng bày tại 221 Hai Bà Trưng, quận 3, cho biết việc sử dụng các loại cây cỏ khác làm giả sâm khá phổ biến. Nhân sâm giả thường được làm từ đậu đũa dại, sâm đất, thương lục, niễng rừng và hoa sơn sâm, trong đó sâm đất và thương lục hay được dùng nhất.

Thạc sĩ Lê Thanh Sơn cũng cho biết, việc giả sâm Ngọc Linh rất dễ dàng vì có nhiều loài cây rất giống. Giá cao cấp nhất là dùng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loại này. Nếu mua phải loại này vẫn còn khá may mắn vì dù sao nó cũng chắc chắn không độc hại gì. Loại giả thứ hai là sâm Vũ Diệp và Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí còn kém hơn so với loại sâm giả đã nói trên. Loại này có giá 200 ngàn đồng/kg. Loại thứ 3 là dùng củ ráy như trên đã đề cập.

Một thị trường náo loạn!

Từ xưa đến giờ, nhân sâm Triều Tiên được coi là cây thuốc quý đứng đầu. Nếu trong lĩnh vực ẩm thực ngày xưa có các món cao sang và đại bổ là "bát trân bát bửu", thì trong đông y cũng có bộ "tứ bảo" bởi tính bổ dưỡng, quý hiếm, đó là sâm - nhung - quế - phụ. Trong đó, sâm được xếp đứng đầu.

Từ năm 1973, Việt Nam phát hiện được loài sâm Ngọc Linh, chất lượng tương đương với sâm Triều Tiên về mặt dinh dưỡng và dược liệu. Kể cả sâm Ngọc Linh có những công năng mà sâm Triều Tiên không có được như:  sự hiện diện của hợp chất saponin chính yếu majonosid R2 (Dammaran kiểu ocotillol) và là hàm lượng chính của cây sâm Việt Nam (chiếm khoảng 50% saponin toàn phần), cùng với 26 saponin dammaran mới  đã làm cho sâm Ngọc Linh còn có những tác dụng khác như kháng khuẩn, chống stress tâm lý. Đây là đặc điểm ưu việt của sâm Việt Nam mà sâm Triều Tiên không có.

Chính vì tính quý giá của sâm nên giá bán của mặt hàng này cực kỳ đắt, và nhân cơ hội đó đã xuất hiện hàng loạt loại sâm giả, sâm nhái trên thị trường mà người dùng nếu không cẩn trọng rất dễ bị mất nhiều tiền ôm về của dỏm.

Bà Thúy Mộng cho biết hiện thị trường sâm Việt Nam khá phong phú với nhiều công ty kinh doanh, nhập và xách tay về hàng ngàn mặt hàng, hàng ngàn chủng loại từ nhiều nước trên thế giới, từ Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, vùng Viễn Đông Nga, Mỹ và Canada, và đặc biệt là nhan nhản sâm Trung Quốc.

Có lần, công ty bà đã phát hiện và mua được một hộp sâm Heaven tức thiên sâm, y chang nhãn hiệu Cheong Kwan Jang, nhãn hiệu sâm đứng đầu Hàn Quốc. Sản phẩm của Cheong Kwan Jang có giá 30 triệu đồng/hộp 300gam, nhưng hộp sâm này bán chỉ có… 300 ngàn đồng. Công ty sâm có nhãn hiệu Cheong Kwan Jang đã mua, phân tích và khẳng định trong thành phần có các chất của sâm nhưng rất thấp, và công ty cũng bó tay không biết là loại sâm gì!

Mục sở thị, chúng tôi tìm đến đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc quận 5, TP HCM, con đường chuyên bán các loại sản phẩm dược liệu đông y. Cửa hàng thứ nhất là Ngọc Nga. Đưa ra 3 hộp sâm loại trọng lượng 600 gam, với 3 mức giá 900 ngàn, 950 ngàn và 1.05.0000 đồng/hộp, người đàn ông bán hàng nói là hàng Trung Quốc liên doanh với Hàn Quốc sản xuất, và còn nói: "Đây là hàng xách tay mới có giá này, chứ nếu là hàng nhập thực sự thì giá phải 3-4 triệu đồng một hộp".

Gian hàng của Hồng Sâm Bank.

Cửa hàng thứ hai số 81 Hải Thượng Lãn Ông, cũng có các hộp trọng lượng 600 gam, có giá từ 2,5 triệu đến 4,2 triệu đồng. Lạ là xưa nay về mẫu mã đều in trực tiếp trên vỏ hộp thiếc, nhưng hộp sâm có giá 3,2 triệu mà tôi cầm trên tay thì lại là một tờ giấy được in và bọc lên hộp, dán không chặt. Khi hỏi vì sao có sự khác lạ này, khách nhận được câu trả lời là "Chúng tôi chỉ bán như vậy”.

Nói về sâm tươi, sâm ngâm thuốc, bản thân những người kinh doanh sâm lâu năm cũng không thể nào phân biệt được đâu là sâm Hàn Quốc, đâu là sâm Trung Quốc. Đơn giản bởi lẽ đã… ngâm vào rượu rồi, không còn nhận diện được nữa.

Ông Lưu Quang Việt, hiện vẫn nhập các mặt hàng sâm tươi, sâm khô, các sản phẩm sâm đã bào chế từ Hàn Quốc về Việt Nam, cho biết hiện thị trường Việt Nam có rất nhiều loại sâm Trung Quốc, người dùng rất dễ bị nhầm. Dẫn chứng, ông đưa ra 3 hộp An Cung Ngưu Hoàng, nhưng có 3 màu khác nhau và giá khác nhau. Trong mỗi hộp có 10 viên sâm bọc vỏ nhựa, loại hộp màu đỏ có giá 1,3 triệu; loại màu vàng hiện có giá 1.050.000đ, loại vỏ hộp màu xanh có giá trên 600 ngàn đồng. Những người kinh doanh  in các loại vỏ hộp và lấy ruột loại màu xanh bỏ vào hộp vàng, lấy ruột loại màu vàng bỏ vào hộp đỏ và bán nâng giá lên, chênh lệch tới mấy trăm ngàn một hộp.

Ngoài các biện pháp mà công ty thiết kế như logo in chìm, ngũ sắc, dán tem nhập khẩu và tem chống hàng giả, hiện cũng có nhiều cách để phân biệt các loại sâm trên thị trường, nhưng chính những người buôn bán lâu trong nghề cũng không dám chắc là phân biệt được chính xác.

Bà Thúy Mộng cho biết, công ty của bà đã cùng với quản lý thị trường truy quét hàng nhái hàng giả, tuy nhiên chỉ làm theo đợt, chiến dịch, rồi lại đâu vào đấy, nên hiệu quả cũng không cao. Còn theo ông Việt thì mua sâm thực ra là mua từ lòng tin mới có cơ hội dùng đúng sản phẩm thật. "Nhiều khi thấy tội cho người tiêu dùng mình, có tiền, bỏ ra bạc triệu, nhưng lại dùng phải thứ chưa chắc đã là sâm"!

Đặng Vỹ
.
.