Bắt tội phạm nhờ sự trợ giúp của Internet

Thứ Sáu, 29/06/2007, 15:27
Khi chiếc xe tuần tra của cảnh sát đến được một trong những căn hộ trên Đồi Morningside hôm 14/4, nơi một nữ sinh viên 23 tuổi của Trường đại học Columbia bị nhục hình suốt 19 tiếng đồng hồ, kẻ tấn công cô đã biến mất...

Tuy nhiên, bên trong chiếc xe tuần tra, các máy tính laptop vẫn luân chuyển thông tin thông qua liên kết không dây tới trung tâm đầu não công nghệ cao tại Trụ sở chỉ huy cảnh sát - nằm cạnh cầu Brooklyn của Manhattan.

Cô gái đã vượt qua tai ương kinh hoàng đó, trong khi kẻ phạm pháp chỉ 5 ngày sau phải tra tay vào còng số 8. Vụ này được xem là một kỳ tích mới của mạng máy tính chống tội phạm siêu tinh nhuệ của Sở Cảnh sát New York (NYPD, Mỹ) trong việc tra tìm và đối chiếu nickname (biệt danh) trên mạng với tên thật của một đối tượng phạm tội.

Đến nay đã được 2 năm thử nghiệm, sáng kiến kỹ thuật này ngày càng được cải tiến thêm để trở thành một trong những công cụ chống tội phạm có hiệu quả nhất của NYPD.

Vận dụng phương thức điều tra hiện đại

Phần cốt lõi nhất, gọi là mạng, được đặt trong một phòng không cửa sổ tận lầu 8 tại One Police Plaza. Đó là một công cụ tìm kiếm, không như Google hay Yahoo, có khả năng chuyển thật nhanh thông tin đến các sĩ quan cảnh sát điều tra tại hiện trường. Bên trong căn phòng được gọi là Trung tâm Phòng chống tội phạm, các điều tra viên dán mắt vào màn hình máy tính (tại chỗ) và màn hình trung tâm cao gần 5 mét.

Màn hình trung tâm có thể hiển thị từ bản đồ, biểu đồ, đồ thị, hình ảnh lấy từ vệ tinh, cho đến những bức hình từ camera giám sát an ninh. Một số dữ liệu trong đó trở thành tư liệu điều tra thường ngày của cảnh sát, chẳng hạn như tố cáo tội phạm, hồ sơ tiền án của đối tượng và địa chỉ nhà đối tượng từng cư ngụ.

Trung tâm còn kết nối lại thứ thông tin mà trước kia thường để trong “kho lưu trữ” hồ sơ hoặc đâu đó trong sổ tay của từng điều tra viên: Tên của những người từng đến thăm một phạm nhân trong các trại giam thành phố và New York, các mật danh, ghi chép tất cả những cuộc gọi 911 được thực hiện từ bất kỳ địa chỉ nào ở thành phố trong hơn 10 năm qua, danh sách các hình xăm, sẹo và biệt danh của những tên tội phạm khét tiếng.

Cơ sở dữ liệu “biệt danh” cung cấp một  phần chứng cứ quan trọng trong vụ điều tra kẻ bạo hành cô cử nhân Columbia. Nó giúp cảnh sát truy tìm ra một cựu phạm nhân 30 tuổi có biệt danh (nickname trên mạng Internet) là Pooh.

Chỉ huy cảnh sát Raymond W. Kelly cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều thông tin, nhưng vấn đề là làm sao xử lý cho hiệu quả”.

Cần biết rằng, trung tâm này không đặt nặng số lượng vụ án đã được triệt phá thành công, hay bắt giữ được bao nhiêu người. Có nhiều lúc không thể nói vụ án này dễ hay khó, quan trọng là các điều tra viên của chúng tôi luôn làm việc hết mình để nhận dạng tội phạm càng sớm càng tốt”.

Trung tâm này là nơi ứng dụng công nghệ quan trọng nhất của NYPD kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi trung tâm hình thành nên Comstat, hệ thống sử dụng máy tính để theo dõi và truy tìm các loại tội phạm khắp New York, và triển khai cảnh sát tuần tra các khu vực trọng điểm. Comstat được xem là nhân tố quan trọng trong việc giảm nhanh chóng tỉ lệ tội phạm trong thành phố New York.

Cơ sở dữ liệu của trung tâm này bao gồm cả hồ sơ hành pháp từ 15 năm trở lại đây, và đến cuối năm nay sẽ cập nhật xong hệ thống hồ sơ từ 25 năm trở lại đây. Tuy ban đầu trung tâm chỉ nhận điều tra những vụ án giết người hoặc trọng án, nay các đồng nghiệp từ xa lên tu nghiệp có thể ứng dụng tại chỗ trước khi về thực hành trên máy của họ.

Theo Phó chánh thanh tra Kenneth G. Mekeel, những công việc mất thời gian lục hồ sơ như trước kia giờ chỉ cần đưa vào máy tính và chờ... 30 giây là có kết quả.

Các điều tra viên tiếp tục theo một đầu mối khác do cô cử nhân đó cung cấp. Cô cho biết kẻ tấn công cô lúc rời căn hộ đã chôm chiếc thẻ rút tiền tự động (ATM) của cô.

Theo dấu thẻ ATM đó và biết nó được sử dụng tại một điểm trả tiền tự động trên phố tây 141, các điều tra viên kiểm tra ngay máy quay hình an ninh. Camera ấy có lưu hình ảnh người đàn ông gần giống với ảnh phác thảo do cảnh sát vẽ ra.

Sau khi công bố bức ảnh đó tại nhiều nơi công cộng, có 2 người gọi đến xác nhận với cảnh sát, rằng gã đó có nickname trên mạng là Pooh.

Rà soát các nickname trên mạng, các nhà điều tra biết biệt danh “Pooh” ấy là của Robert A.Williams - kẻ từng có tiền án mưu sát vào năm 1996 và thụ án hết 8 năm.

Ảnh phạm nhân Robert A.Williams lấy từ trại giam (nơi hắn từng thụ án) được gởi đến các đồn cảnh sát khắp thành phố kể từ sáng ngày 19/4.

Ngay trong đêm đó, khi vừa bước ra khỏi một tòa nhà cao tầng tại Hollis (Queens), nơi sau đó cảnh sát được báo là có mất trộm, Robert A.Williams bị chộp cổ và “mẻ cá lớn” lần này thành công vượt mọi mong đợi

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.