Bệnh tâm thần - Một nguyên nhân của các vụ trọng án ở Điện Biên

Thứ Ba, 15/12/2009, 10:50
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên liên tiếp xảy ra các vụ án nghiêm trọng, mà thủ phạm là những người bị bệnh tâm thần. Toàn tỉnh có khoảng 500 bệnh nhân tâm thần nặng, nhưng hầu hết họ vẫn đang bị "thả nổi" tại cộng đồng. Do nhận thức cùng những hủ tục lạc hậu, nhiều bệnh nhân người dân tộc thiểu số mắc bệnh vẫn "được" chữa trị bằng cách cúng ma, đuổi tà!? Ước mơ về một bệnh viện, hay trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần tại địa phương này không biết bao giờ mới thành hiện thực…

Vô thức gây tội ác

Cho đến bây giờ nhắc đến vụ án xảy ra tại bản Đán Đanh, xã Keo Lôm (Điện Biên Đông), nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng. Mồng 3 tết, Lò Văn Sượi (42 tuổi) đã nổi cơn điên ra tay hạ sát vợ và hai con, chém bị thương một công an viên, trước khi tự sát. Hung thủ của vụ án này bị bệnh tâm thần do uống quá nhiều rượu.

Cách hôm xảy ra vụ án gần 3 tháng, Sượi cũng đã một lần nổi cơn thịnh nộ, vô cớ ném con xuống vực, rất may, đứa bé lại rơi vào đúng một bụi dây rừng chằng chịt nên đã thoát chết! Thượng tá Nguyễn Đình Du, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Đây là vụ án người tâm thần gây án kinh hoàng nhất từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho đến thời điểm này.

Do thiếu kiến thức về chăm sóc người bệnh, cùng với tâm lý chủ quan, hầu hết nạn nhân của các vụ án đau lòng xảy ra là người thân của bệnh nhân tâm thần. Như vụ án xảy ra tại bản Ho Cang, thị xã Mường Lay là một ví dụ. Buổi sáng hôm đó, Lò Văn Vẹn (34 tuổi), sau khi đi làm vườn về, bất ngờ nổi cơn hung bạo, dùng dao chém chết tại chỗ bố đẻ là ông Lò Văn Trong và chém trọng thương chị gái là Lò Thị Trọng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an thị xã Mường Lay tiến hành lệnh bắt khẩn cấp Lò Văn Vẹn, tổ chức khám nghiệm hiện trường, tử thi và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi của hung thủ. Sau này, kết luận giám định pháp y cho thấy Lò Văn Vẹn bị mắc bệnh tâm thần hoang tưởng. Thực tế, trước khi xảy ra vụ án đau lòng này, hung thủ đã có biểu hiện bị bệnh tâm thần, thường xuyên có những lời nói và hành vi bất thường, như: hay nói lảm nhảm, bỏ đi lang thang...

Khám, chữa bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Trung tuần tháng 12/2008, đối tượng Vương Văn Tiên (48 tuổi), ở tổ dân phố 3, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ bỗng nhiên vô cớ vác dao đi tìm ông Triệu Văn Hân là Bí thư Chi bộ tổ dân phố để "hỏi tội". Sau khi chém ông Hân bị trọng thương, Tiên tiếp tục vác dao ra đường... Khi Trung tá Nguyễn Hữu Tùng, Trưởng Công an phường Thanh Trường tiếp cận để khuyên giải, can ngăn, thì bị đối tượng chém nhiều nhát vào người gây trọng thương. Vương Văn Tiên có biểu hiện mắc bệnh tâm thần từ giữa năm 2008, thi thoảng anh ta vẫn ngồi nói lảm nhảm. Không ít lần giữa đêm khuya, Tiên ra bờ ao vừa mài dao, vừa chửi đổng cả tiếng đồng hồ...

Gần đây nhất, một bệnh nhân tâm thần khác là Hoàng Văn Thùy (38 tuổi), trú tại tổ dân phố 16, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ đã bất ngờ vác gậy gỗ đánh trọng thương mẹ đẻ là bà Lò Thị Nhượng, sau đó truy sát vợ là Lò Thị Thiên. Rất may chị Thiên dù bị Thùy đánh bị thương, nhưng vẫn kịp chạy thoát sang nhà hàng xóm. Khi lực lượng Công an nhận được tin báo xuống giải quyết thì Thùy cố thủ trong nhà, sau đó ném đá gây thương tích cho Trung tá Quàng Văn Hoán, Phó trưởng Công an phường Nam Thanh.

Theo gia đình kể lại, trước đây, anh ta từng nổi cơn điên truy sát và gây thương tích cho anh trai mình. Thùy mới kết thúc đợt điều trị bệnh thần kinh. Bác sĩ Lường Văn Long, Phó trưởng khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, quá trình điều trị tại bệnh viện, không ít lần anh ta cho các y, bác sĩ dính đòn và "ăn" giày, dép!?

Qua thống kê của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Điện Biên, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ giết người mà hung thủ là những người bị bệnh tâm thần, trong đó có 4 vụ xảy ra tại địa bàn vùng cao. Đáng chú ý, hầu hết các nạn nhân đều là người thân của hung thủ. Do tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức về quản lý, chăm sóc người bệnh nên nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nhưng với địa bàn tỉnh Điện Biên, do chưa có bệnh viện tâm thần nên người bệnh gây án được đưa vào dạng "cấp cứu" tại Bệnh viện đa khoa, sau đó lại bàn giao cho gia đình.

Trung tá Vũ Trọng Thưởng, Đội trưởng Đội trọng án, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Điện Biên thừa nhận: "Chủ thể gây án không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên sau khi bị đưa vào cơ sở y tế chữa bệnh tạm ổn định, bệnh nhân được bàn giao cho gia đình và chính quyền địa phương quản lý. Biên bản tay ba được ký kết, nhưng không thể nói trước là những bệnh nhân này không nổi cơn hung bạo, tiếp tục gây án".

Ước mơ về một bệnh viện tâm thần còn quá xa?

Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh có 470 bệnh nhân tâm thần (thể nặng). Bác sĩ Lương Văn Sáng, Trưởng khoa Tâm thần của Trung tâm cho biết, có đến 30% trong số các bệnh nhân có khả năng gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội (?). Mục tiêu đến năm 2010, sẽ phấn đấu giảm tỉ lệ này xuống 20%, nhưng bác sĩ Sáng cũng thừa nhận là rất khó vì nhiều lý do...

Do tỉnh Điện Biên chưa có bệnh viện tâm thần nên các bệnh nhân được quản lý theo cộng đồng. Con số 470 mới chỉ là danh sách có trong hồ sơ, ở các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu có người mắc bệnh, gia đình cũng không đưa đến cơ sở y tế; bệnh nhân bị coi là "ma" ám, việc đầu tiên họ làm là gọi thầy mo cúng tế!

Những năm gần đây, Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên trung bình phải tiếp nhận và điều trị mỗi năm từ 40 đến 60 lượt bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến thần kinh, 60% trong số đó là bệnh nhân nặng, không nhận thức được hành vi. Đặc thù miền núi, nhiều nơi người dân lạm dụng rượu, nên bệnh nhân mắc chứng bệnh loạn thần do rượu ngày càng tăng nhanh. Không có điều kiện kinh tế và nhận thức hạn chế, nên người dân hầu hết không được đưa đến bệnh viện, hoặc nếu có cũng chỉ điều trị ít ngày.

Bác sĩ Lương Văn Sáng cho biết, hầu hết người nhà bệnh nhân đều không được trang bị kiến thức đầy đủ để chăm sóc người bệnh tâm thần (với bà con dân tộc thiểu số, tình trạng này còn khá phổ biến). Bệnh nhân bị tâm thần phân liệt thể nặng, sẽ phải dùng thuốc suốt đời. Nhưng trong thực tế, hầu hết người bệnh sau khi bệnh ổn định, được đưa về nhà chăm sóc, lại tự tiện bỏ thuốc, không tuân theo các phác đồ điều trị của bác sĩ hướng dẫn nên bệnh tái phát. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán này, việc ra đời một bệnh viện tâm thần hoặc trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần để quản lý và chữa trị cho bệnh nhân tâm thần là hết sức cần thiết

Vũ Mạnh Hà
.
.