Lời cảnh tỉnh từ những bệnh nhân tiêu chảy cấp:

Bệnh từ miệng mà vào…!

Thứ Bảy, 17/11/2007, 11:20
Có lẽ chưa thời điểm nào, viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia (Bộ Y tế) lại có đông bệnh nhân nằm điều trị như hiện nay. Dù bệnh viện đã phải mua thêm giường bạt, các thiết bị y tế nhưng cảnh 3, 4, thậm chí 5 người phải nằm chung một giường vẫn diễn ra. "Thủ phạm" của bệnh tiêu chảy cấp đang được xác định không chỉ là mắm tôm, mà còn một số thứ khác.

Nỗi lo của bệnh viện

Con số hơn 1.000 bệnh nhân trên toàn quốc nhiễm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn chưa là con số hoàn toàn chính xác bởi có nhiều người mắc bệnh dạng nhẹ không đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập.

Đón chúng tôi tại tầng 2, Khoa Điều trị tích cực - Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân bua: “Bệnh viện đã phải mua thêm 50 chiếc giường bạt mà vẫn không đủ chỗ. Các bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2, 3 người/giường”.

Rồi dẫn chúng tôi thăm các buồng bệnh. Bệnh nhân vào viện đông đến nỗi các bác sĩ, y tá không thể nhớ hết tên, tuổi của họ. Các bác sĩ phải bỏ tiền túi ra mua những tấm biển nhỏ đề tên bệnh nhân gắn lên ngực áo của họ.

Trong một buồng bệnh, không thể phân biệt được đâu là bệnh nhân, đâu là người nhà vì nhiều bệnh nhân quá nên bệnh viện cũng không có đủ quần áo cho mượn.

Cảnh thường thấy trong những ngày này tại khu vực cách ly của bệnh viện là các bệnh nhân nằm, ngồi la liệt trên các giường bạt ngoài hành lang. Người qua lại, ánh nắng gắt chiếu vào qua các cửa sổ khiến nhiều người phải lấy giấy, lấy báo che mặt.

Quá tải vốn là căn bệnh nan y của ngành y tế, nhưng với Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, quá tải trong bối cảnh bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp cứ ùn ùn vào viện đã gây không ít khó khăn và phiền phức cho cả người bệnh và các bác sĩ.

Hiện tại, Viện có hơn 300 bệnh nhân tiêu chảy cấp đang nằm điều trị, trong đó có hơn 240 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả. Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm khi người bệnh mắc phải thường có những biểu hiện lâm sàng rất nguy hiểm như mất nước nặng dẫn đến da nhăn nheo, tụt huyết áp, shock, suy thận.

Nhiều người khi được đưa vào cấp cứu, các bác sĩ không đo được huyết áp. Với những bệnh nhân này, biện pháp khẩn cấp nhất được áp dụng là truyền 2, 3 chai nước cùng một lúc trên tay, chân của bệnh nhân. “Gặp những trường hợp mất nước nặng không đo được huyết áp nữa, có khi bác sĩ phải cầm chai dung dịch truyền bóp cho chảy mạnh ồ ạt vào cơ thể để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp tâm sự.

Từ khi có bệnh nhân đầu tiên nhập viện ngày 23/-10, đội ngũ y, bác sĩ của Viện phải căng hết sức, làm việc không có ngày nghỉ, bữa ăn chính của họ là mỳ tôm. Đơn cử như bác sĩ Cấp, 5 giờ sáng anh phải có mặt tại Viện để làm báo cáo gửi Bộ Y tế, sau đó xuống các phòng bệnh nhân làm công tác chuyên môn.

Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân tiêu chảy cấp bị suy thận.

Công việc của anh thường kết thúc vào 21-22 giờ. Mỗi tuần, ngoài khối lượng công việc khổng lồ phải hoàn thành mỗi ngày, các bác sĩ phải luân phiên trực trong bệnh viện 3, 4 đêm.

Hầu hết các bệnh nhân không thuộc diện nguy cấp đến tính mạng, sau khi vào viện, được truyền nước, uống thuốc đều khỏe mạnh, có thể tự đi lại, trò chuyện bình thường. Chính vì vậy, nhiều người chủ quan và không chịu nổi cảnh 3, 4 người nằm chung một giường, đã “lặng lẽ” trốn viện.

Số bệnh nhân này chủ yếu ở Hà Nội, tự ý bỏ về nhà tự điều trị. Họ không ý thức được rằng việc trốn viện khi chưa khỏi hẳn bệnh là hành động biến mình thành một ổ dịch dễ dàng lây lan ra cộng đồng. Có trường hợp trốn viện là cô giáo của một trường mầm non, sau khi về nhà, tổ dân phố, trạm y tế phải đến tận nơi phân tích, khuyên nhủ, cô giáo này mới đồng ý quay trở lại bệnh viện điều trị.

Với các trường hợp trốn viện, bệnh viện đều có thông báo tới địa phương đề nghị theo dõi chặt bệnh nhân, thuyết phục bệnh nhân quay trở lại bệnh viện và hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bệnh nhân để tránh lây lan ra cộng đồng.--PageBreak--

Thứ thuốc hiệu quả nhất là ăn chín, uống sôi

Theo các bác sĩ tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, thời kỳ đầu mới bùng phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, phần lớn các bệnh nhân đều là nam giới.

Cũng dễ hiểu bởi giới mày râu hay nhậu nhẹt hơn phụ nữ và món ưa chuộng của họ như thịt chó, lòng lợn, đậu rán lại thường dính dáng đến mắm tôm. Rất nhiều trường hợp trong gia đình có 2, 3 người đều bị tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện.

Có trường hợp cả nhà 4 người phải vào viện điều trị như bệnh nhân Nguyễn Quang Tr (ngõ Hồng Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nguyên nhân nhiễm bệnh là gia đình này ăn thịt chó chấm mắm tôm và vịt quay.

Điều đáng nói là sau rất nhiều thông báo của ngành y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của phường và tại các chợ cũng không còn bày bán mắm tôm công khai, nhiều người vẫn vì thú vui ăn uống cố đi lùng mua để ăn và hậu quả là không chỉ bản thân mà ngay chính người thân trong gia đình họ bị mắc bệnh.

Chúng tôi tìm gặp bệnh nhân Lê Thị L, 27 tuổi ở Định Công, quận Hoàng Mai. Chị L đang có bầu gần 8 tháng và đã nằm điều trị được 2 ngày tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia. Chị L kể, gia đình chị ăn thịt chó chấm với mắm tôm sống. Sau khi ăn vài tiếng, chị bị đau bụng và nôn mửa.

Các bác sĩ tại trạm y tế phường đề nghị chị vào viện khám, xét nghiệm. “Khi biết mình bị nhiễm vi khuẩn tả, tôi lo nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe đứa con trong bụng, mấy hôm nay vẫn thấy thai đạp khỏe, hy vọng cháu sẽ không sao”, chị L kể.

Chị nói, chị có biết về dịch tiêu chảy cấp nhưng nghĩ ăn uống tại nhà sẽ vệ sinh hơn ở hàng quán nên gia đình chị đã “quên” không đề phòng món mắm tôm.

Trong số các bệnh nhân nhiễm tả, có một số người đang mang thai, trong đó có 2 bệnh nhân đã chuyển dạ phải chuyển sang Viện C. Một điều may mắn là các trường hợp này đều đã sinh con an toàn.

Một buổi chiều ở Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, chúng tôi gặp hai cặp anh, chị em ruột là sinh viên đang nằm điều trị. Nguyên nhân khiến các em nhiễm bệnh là do ăn thức ăn mua sẵn tại chợ. Hai chị em Lê Thị Hà và Lê Thị Hằng (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cùng vào viện một ngày. Các em đang trọ tại phường Định Công.

Hà kể, chiều 4/11, em đi chợ và mua dưa bắp cải muối, dồi lợn rán về nấu cơm ăn như bình thường. Cả phòng trọ của em có 5 người đều ăn nhưng chỉ có hai chị em Hà, Hằng bị nặng nhất. Cả đêm hôm ấy, Hà vật vã thức trắng vì “miệng nôn, trôn tháo”.

Sáng hôm sau, khi đi khám tại trạm y tế phường, hai chị em được đưa vào thẳng bệnh viện. Cô em gái Lê Thị Hằng kể: "Em khỏe hơn chị Hà, đi lại được nên các bác sĩ cho phép về nhà trọ lấy quần áo mang vào bệnh viện. Nhưng khi về đến nhà, ông bà chủ nhà vừa nhìn thấy em là tránh xa... ra".

Hà và Hằng cho biết, hai em chỉ mong muốn mọi người hãy nhìn chị em cô như những nạn nhân bởi bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm không lây qua đường hô hấp và không đáng bị xa lánh. Hằng nói gần như khóc: “Chúng em sẽ chẳng bao giờ dám mua thức ăn sẵn ngoài chợ nữa chị ạ, sợ quá rồi”.

Tại phòng bệnh 302, chúng tôi cũng được gặp hai anh em Phan Việt Bắc và Phan Quốc Việt. Việt và Bắc cũng là sinh viên. Hai em cho biết, họ ăn chuối rồi đau bụng.... Cả hai không hiểu nguyên nhân tại sao mình lại mắc bệnh.

Cho đến thời điểm này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, “thủ phạm” gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm không chỉ là mắm tôm sống, mắm tép mà đã mở rộng sang nguồn nước, tiết canh, rau sống, thực phẩm chín bán sẵn tại các chợ như giò, chả, thịt quay.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng đã bày tỏ lo ngại dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ lan rộng tại miền Trung do ở đây đang phải chống chọi với bão lụt. Một điều đáng lo khác là vi khuẩn tiêu chảy có khả năng lây lan rất nhanh.

Nếu chất thải của bệnh nhân không được xử lý nghiêm thì chỉ sau 5-6 tiếng đã có thể lây thứ phát sang người thứ 2, thứ 3. Cho đến thời điểm này, thứ thuốc phòng dịch hiệu quả nhất vẫn là ăn chín, uống sôi và vệ sinh sạch sẽ.

Ngọc Yến
.
.