“Bệnh viện vệ tinh” có chữa được “căn bệnh” quá tải của Bệnh viện Việt Đức

Thứ Tư, 24/10/2007, 08:15
Quá tải được xem là "căn bệnh" kinh niên của các bệnh viện lớn ở Hà Nội. "Căn bệnh" này đã "cấp cứu" và chữa trị hàng chục năm nhưng vẫn... chưa khỏi. Tại bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc - Bệnh viện Việt - Đức, "căn bệnh" này đang được điều trị bằng "phương thuốc" mang tên: "Bệnh viện vệ tinh". Tuy vậy, nơi đây cũng đang tồn tại nghịch lý: bệnh nhân phẫu thuật xong không biết nằm ở đâu.

Bệnh viện quá tải, bác sĩ... quá sức

Sáng ngày 10/10/2007, Chúng tôi có mặt tại cổng Bệnh viện Việt - Đức - nơi được xem là bệnh viện ngoại khoa lớn nhất và uy tín nhất miền Bắc. Bãi gửi xe bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu, luôn trong tình trạng chật cứng, một số người nhà bệnh nhân phải phóng xe sang gửi tại Bệnh viện Phụ sản TW hoặc các bãi gửi xe ở đường Hai Bà Trưng cách đó vài trăm mét. Bên ngoài khu Điều trị, người nhà bệnh nhân ngồi chờ la liệt ở các gốc cây, vệ đường, bãi đỗ xe.

Đầu giờ sáng, các bác sĩ khu khám bệnh đã phải  tất tả. Bệnh nhân đổ về phòng khám này đủ các lứa tuổi, đủ các tỉnh, thành... nhiều trường hợp đã bỏ qua các tuyến cơ sở, quận huyện để lên thẳng Việt - Đức cho “chắc ăn”.

Đợi chờ ngoài cổng khu điều trị

Thậm chí, có nhiều ca thuộc dạng “trầy vi tróc vảy”, trạm y tế phường, xã xử lý vô tư nhưng vẫn đưa vào đây để được khám theo yêu cầu.

Chúng tôi bắt gặp anh Phan Văn Bình đang nằm cáng, máu me bê bết vì tai nạn giao thông. Khi tai nạn xảy ra, người nhà không đưa anh đến bệnh viện địa phương mà gọi xe taxi đưa thẳng từ Ninh Bình lên Bệnh viện Việt - Đức.

Ngay sáng ngày 10/10, phòng khám bệnh viện đón một trường hợp tai nạn khá đặc biệt và phức tạp: nạn nhân bị bắn bằng đạn ghém súng săn có độ sát thương rộng. Đó là ông Đỗ Quang Thụy, 52 tuổi đã được sơ cứu và chuyển từ Hải Phòng lên. Ông Thụy bị chính người yêu cũ của con gái, dùng súng săn cưa nòng bắn thẳng vào người. Hàng chục viên đạn ghém găm đầy vào vùng lưng.

Lập tức, nạn nhân được chuyển vào phòng Cấp cứu. Các bác sĩ đã phải bỏ ra nhiều giờ đồng hồ tỉ mỉ gắp hàng chục mảnh chì ra khỏi cơ thể người bị nạn. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được điều trị trong các điều kiện chăm sóc đặc biệt để tránh bị nhiễm độc chì ở vết thương. Theo thống kê trung bình, mỗi ngày bệnh viện đón tiếp 300-400 bệnh nhân đến khám bệnh.

Trong một ca trực buổi sáng, mỗi bác sĩ phải thăm khám cho hàng chục bệnh nhân, phải khám nhanh, chẩn đoán và đưa ra quyết định chính xác: nhận vào điều trị hay cấp đơn thuốc cho về... Bệnh nhân này vừa được chuyển vào khu điều trị, vài bệnh nhân khác bị tai nạn... lại được chuyển đến.

Nơi tập trung người bệnh đông nhất ở Bệnh viện Việt Đức là các khoa Chấn thương sọ não, Phẫu thuật chỉnh hình, Phẫu thuật gan mật.... và đặc biệt là Hồi sức cấp cứu. Chúng tôi có mặt tại đây và chứng kiến cảnh người bệnh vào liên tục, các bác sĩ, y tá chạy ngược, chạy xuôi, vây quanh là một dãy băng ca chở những người bệnh nặng, và các dãy ghế chật cứng những người bệnh đợi chờ.

Tính riêng ngày 10/10, tại khoa Chấn thương sọ não có 92 bệnh nhân nhưng chỉ có 78 người có giường nằm, 14 người còn lại phải nằm ghép hoặc nằm trên cáng. Tại khoa Phẫu thuật tim mạch, có 66 bệnh nhân nhưng chỉ có được 56 chiếc giường.

Tuy vậy, so với quãng thời gian một năm trước đây, tình trạng quá tải cũng đã được giảm đáng kể. Tháng 9/2006, chúng tôi cũng đã đến Bệnh viện Việt - Đức và ghi nhận sự quá tải đến mức cao điểm. Giữa những ngày hè nóng nực nhưng bệnh nhân vẫn phải chịu cảnh 2-3 người nằm chung một giường, thậm chí nhiều bệnh nhân còn không có chỗ, buộc phải nằm lên cáng, xe đẩy, băng ca của bệnh viện trải la liệt ở hành lang.

Đấy là chưa kể mỗi bệnh nhân mổ lại có một vài người nhà vây quanh chăm sóc khiến bầu không khí càng thêm ngột ngạt. Các giường bệnh bảo hiểm hầu như ở tình trạng “cháy” và nhiều người dân mặc dù có Bảo hiểm y tế vẫn phải chen chúc ra khu khám bệnh theo yêu cầu.Bệnh viện Việt - Đức quá tải không chỉ làm cho chất lượng dịch vụ, phục vụ người bệnh giảm xuống mà còn “buộc” các y, bác sĩ ở đây phải làm việc... quá sức. --PageBreak--

Nhìn vào lịch mổ của Bệnh viện Việt - Đức thì nhiều người “phát sốt”: mỗi ngày mổ 80 ca theo lịch sắp đặt từ trước và khoảng 25-30 ca mổ cấp cứu. Lịch làm việc của các y, bác sĩ kín đặc: Sáng giao ban, mổ; chiều giải quyết việc hành chính, mổ cấp cứu.

Những hôm quá đông, lại có trường hợp phức tạp phải kéo dài ca mổ, bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ thì đã quá giờ trưa từ lâu, lại phải bước vào buổi làm việc chiều. Một bác sĩ ở đây tâm sự với tôi: “Trực cấp cứu triền miên, lắm hôm chạy nhiều, mổ nhiều, bước ra khỏi phòng mổ thì gần như kiệt sức”.

Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã kiên nhẫn chờ TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc bệnh viện suốt một ngày nhưng vẫn không thể gặp được. Khi chúng tôi đến ông đã ở trong phòng mổ, buổi chiều chúng tôi  quay lại thì ông đã đi học nâng cao nghiệp vụ.

Theo báo cáo công tác hàng tháng của Bệnh viện Việt - Đức thì số bệnh nhân được phẫu thuật trong một tháng luôn nhiều gấp 5 lần kế hoạch. Đơn cử kế hoạch tháng 5, số bệnh nhân được mổ là 334 người nhưng trên thực tế con số này tăng tới 1.614.

Dự án 6 “bệnh viện vệ tinh”

Bệnh viện Việt - Đức quá tải, các y, bác sĩ ở đây cũng quá sức theo là tình trạng kéo dài đã hàng chục năm nay. Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Nguyễn Thị Hoài Thu đã phải lên tiếng: "Ai không làm nghề y, mà vào Bệnh viện Việt - Đức sẽ thấy kinh khủng lắm! La liệt khắp nơi là bệnh nhân nhiều người gãy xương, gãy cốt rên la. Áp lực công việc đè nặng lên vai các cán bộ ở đây là rất lớn”.

Để giảm áp lực cho bệnh viện ngoại khoa hàng đầu này, từ năm 2003 Bộ Y tế đã lập dự án xây dựng các “bệnh viện vệ tinh” và khảo sát 14 bệnh viện tại các tỉnh miền Bắc và khu vực bắc miền Trung.

Ngày 4/11/2004, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã phê duyệt dự án xây dựng 6 “bệnh viện vệ tinh” nhằm tăng cường năng lực ở 2 lĩnh vực chính: phẫu thuật sọ não và phẫu thuật chấn thương (chi, bụng, ngực).

6 nơi được lựa chọn để xây dựng "vệ tinh" cho Bệnh viện Việt - Đức gồm: Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Thanh Hóa, Bệnh viện Bắc Ninh, Bệnh viện Việt - Tiệp, Bệnh viện Nam Định và Bệnh viện Phú Thọ. Đây sẽ là những bệnh viện "vệ tinh" giải quyết các trường hợp chấn thương ngoại khoa ngay tại địa phương để tránh tình trạng... tất cả các tỉnh phía Bắc đổ xô vào Bệnh viện Việt - Đức.

Trước tiên, các "vệ tinh" này sẽ được Bệnh viện Việt- Đức giúp đào tạo y bác sĩ, kỹ thuật viên để có thể thực hiện các ca mổ tương đương như tại Bệnh viện Việt - Đức: phẫu thuật sọ não, cột sống. Thực hiện đúng tính chất của các vệ tinh, những bệnh viện này sẽ nối mạng với Bệnh viện Việt - Đức để khi gặp các ca mổ phức tạp, các chuyên gia của Bệnh viện Việt - Đức có thể ngồi tại Hà Nội trợ giúp trực tuyến cho các phòng mổ "vệ tinh".

Mỗi bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt - Đức sẽ được trang bị 3 phòng mổ, 2 giường hồi tỉnh, 1 giường hồi sức và một hệ thống kết nối trực tuyến với Bệnh viện Việt - Đức.

Dự án này được thực hiện trong thời gian 3 năm từ năm 2005 đến 2007 với tổng kinh phí được Bộ Y tế phân bổ là 100 tỉ đồng. Giai đoạn 1: Bệnh viện Việt - Đức sẽ tổ chức các khóa đào tạo các y, bác sĩ ở bệnh viện vệ tinh theo chương trình học chính quy 8 khóa một năm.

Kết thúc khóa học, bệnh viện sẽ tổ chức thi lấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, ai không đạt kết quả sẽ phải ở lại tiếp tục đào tạo. Từ đầu năm 2007, bệnh viện đã đón 180 bác sĩ, điều dưỡng viên về đào tạo miễn phí hoàn toàn.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ đầu năm 2007: hàng tháng, các đoàn chuyên gia của Bệnh viện Việt - Đức xuống các “bệnh viện vệ tinh” để đào tạo nâng cao nghiệp vụ và phổ biến các kỹ thuật mới.Có thể xem dự án xây dựng 6 “vệ tinh” mà Bệnh viện Việt - Đức đi đầu là một dự án cần nhân rộng trong các bệnh viện lớn ở Hà Nội. --PageBreak--

Tín hiệu đáng mừng!

Trong buổi thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu với Ban giám đốc Bệnh viện Việt - Đức ngày 8/9/2007, một vấn đề nghiêm túc được đặt ra: mặc dù tình trạng quá tải đã được khắc phục nhờ các “bệnh viện vệ tinh” nhưng cơ sở hạ tầng ở ngay tại bệnh viện trung tâm lại cần phải “cấp cứu”.

Giám đốc Bệnh viện, TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định: Với đội ngũ cán bộ hơn 8.000 người, trong đó có các bác sĩ ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, Bệnh viện Việt - Đức có khả năng thực hiện 200 ca mổ/ngày. nhưng trớ trêu là: mổ xong không có chỗ cho bệnh nhân nằm.

Hiện tại, bệnh viện có 969 giường bệnh, không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh và có muốn kê thêm giường cũng... không có chỗ mà kê.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2007, Bệnh viện Việt - Đức đã thực hiện 14.800 ca mổ, dự kiến đến hết năm nay bệnh viện sẽ thực hiện khoảng 30 nghìn ca.

Hiện nay, tất cả các kỹ thuật khó và hiện đại nhất trên thế giới đã được bệnh viện áp dụng trong 9 giàn mổ hiện đại tương đương với châu Á và thế giới. Ngoài ra, Bệnh viện Việt - Đức cũng đã thực hiện các ca ghép thận tự thân và đang tiến hành các bước chuẩn bị cho các ca phẫu thuật ghép gan.

Từ tháng 8/2006, phía bệnh viện đã gửi hồ sơ xin phép xây dựng thêm một khu nhà 12 tầng (với tổng kinh phí khoảng 150 tỉ đồng) ở một khu đất trống trong bệnh viện nhằm tăng cường cơ sở khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Nguồn kinh phí xây dựng khu nhà này, Bệnh viện dự tính chỉ  xin kinh phí nhà nước một phần, một phần sẽ do bệnh viện tự vận động các nhà đầu tư. Bệnh viện cũng đề xuất ý tưởng bên cạnh việc nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh cho người nghèo cần xây dựng một khu vực dành cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao hiện đang ngày càng tăng trong xã hội.

Sau khi thị sát tại khoa Tiết niệu, khoa Hồi sức cấp cứu, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã đồng ý với ý kiến của BGĐ Bệnh viện Việt - Đức: Phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng để tận dụng tối đa năng lực của hơn 8.000 cán bộ, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân chứ không phải chỉ triển khai xong dự án các “bệnh viện vệ tinh” là dừng lại!

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thông báo: Bộ Y tế đã chính thức đồng ý giao cho Bệnh viện Việt - Đức 10 ha đất ở Gia Lâm để kêu gọi cổ đông đóng góp xây dựng bệnh viện mới.

Về nguyện vọng mở rộng khu vực dành riêng cho các dịch vụ chất lượng cao, Bộ trưởng cho đây là một nhu cầu chính đáng. Đồng thời ông nhấn mạnh: trước hết phải thực hiện thật tốt việc khám chữa bệnh cho đại đa số nhân dân, cho người nghèo, gia đình chính sách bởi đó là tiêu chí cao nhất của một bệnh viện công.

Bộ trưởng cũng đã đề nghị đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội trả lời những vướng mắc xung quanh vấn đề xin phép xây dựng của Bệnh viện Việt - Đức. Đại diện phía Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết: tòa nhà 12 tầng là phù hợp với yêu cầu kiến trúc của thành phố.

Lại một dự án nữa ra đời nhằm giảm tải cho Bệnh viện Việt - Đức. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa ai dám khẳng định một sớm, một chiều đã giải quyết được bài toán bệnh viện quá tải

Hoàng Thắng
.
.