Bí ẩn của chứng bệnh mù mặt

Thứ Hai, 30/03/2009, 06:20
Barry mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ gọi là "prosopagnosia" - tức là bệnh mù mặt - khi đó bệnh nhân không thể nhận ra gương mặt của bất cứ ai, kể cả người thân trong gia đình và ngay bản thân mình!

Những ký ức sớm nhất của Barry Wainwright là cảm thấy như mình bị xã hội ruồng bỏ. Nhìn về quá khứ, ông thấy tuổi thơ và tuổi thiếu niên của mình là những chuỗi ngày bị khinh miệt. Barry Wainwright, 54 tuổi, nói: "Tôi không thể có bạn bè được. Giao tiếp với những đứa trẻ khác là điều không thể vì vừa biết người đó thì, chỉ lát sau không biết ai là ai cả.

Lúc lên 7 tuổi, trong một dịp cùng ăn trưa và tán gẫu với một bạn học cùng lớp. Chúng tôi hỏi han nhau về gia đình, sở thích và cùng đá bóng với nhau. Nhưng chỉ một lúc sau, khi người bạn đó bước đến nói chuyện thì tôi không hề biết đó là ai và tại sao cậu ta biết quá nhiều về tôi như thế?

Một lần khác mẹ tôi gặp tôi ngoài phố và nói chuyện với tôi suốt 5 phút nhưng tôi không biết bà là ai". Mặc dù Barry không nói với ai về vấn đề của mình song cha mẹ ông rất lo lắng về tình trạng kỳ lạ của con trai. Các chuyên gia tâm thần và tâm lý học chẩn đoán Barry bị suy yếu tinh thần hay mắc chứng tự kỷ nhẹ. Nhưng Barry lại có chỉ số IQ khá cao. Cuối cùng, Barry cũng lấy vợ và trở thành kỹ sư hóa, có 2 con. Cách đây 3 năm tình ngờ Barry có cơ hội duy nhất khám phá căn nguyên về vấn đề của mình.

Ở Anh có khoảng 1,5 triệu người mắc chứng bệnh này, với các mức độ khác nhau, song nhiều người không hề biết mình đang mắc bệnh mù mặt. Bệnh có thể xuất hiện từ lúc lọt lòng mẹ, như trường hợp của Barry Wainwright, hay do  một chấn thương vùng đầu - trong cả 2 trường hợp đều dẫn đến việc làm gián đoạn tiến trình ghi nhận thông tin bình thường của não cho phép nhận diện gương mặt. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân có thể trò chuyện bình thường với một ai đó, nhưng chỉ vài phút sau là không nhận ra họ. Với những bệnh nhân này, họ phải biết cách ghi nhớ mặt người dựa theo những "dấu hiệu" như là quần áo, âm giọng, cử chỉ và đặc điểm như là có mang kính hay không.

Sau khi rời trường học, Barry chọn công việc lặng lẽ trong phòng thí nghiệm để tránh tiếp xúc với những người mới. Ngay đến việc xem phim cũng là một vấn đề - nếu nhân vật thay đổi quần áo giữa 2 cảnh khác nhau thì Barry không tài nào nhận ra đó là ai. Cũng giống như những người đồng bệnh khác, Barry đã lập ra những chiến lược riêng cho mình để có thể sống cuộc đời bình thường.

Ông giải thích: "Tôi học cách nhận diện một người căn cứ theo bối cảnh. Ví dụ, có một số nơi mà tôi biết sẽ tình cờ gặp những ai đó quen biết. Tôi ghi nhớ người đó mang giày như thế nào hay mang kính gì. Nếu ai đó nói chuyện với tôi về công việc thì tôi sẽ suy đoán người đó là ai căn cứ theo đặc điểm bên ngoài. Sau đó tôi sẽ nói chuyện vài phút và kết nối những yếu tố trong câu chuyện để nhận diện chính xác người này. Nhưng đối với phụ nữ thì khó hơn vì họ thường thay đổi kiểu giày dép xoành xoạch".

Barry kể về người vợ Margaret, 53 tuổi, của mình: "Chúng tôi gặp nhau lúc tôi 19 tuổi và tôi yêu ngay cá tính của cô ấy. Lúc đầu cô ấy tưởng tôi là người khiếm nhã. Tôi còn nhớ sau vài tuần quen nhau tôi tình cờ gặp cô ấy ngoài phố. Cô ấy bước đến chuyện trò nhưng tôi chỉ biết nhìn trân trân mà không biết đó là ai rồi tiếp tục bước đi. Sau sự cố này cô ấy thật sự đau khổ. Nhưng cô ấy là người đầu tiên thật sự chấp nhận vấn đề của tôi.

Sau này khi có con với nhau, vợ tôi thường cho con cái mặc quần áo với màu sắc nhất định cũng như để kiểu tóc đặc biệt để tôi có thể nhận ra. Khi các con lớn lên, tôi nhận diện qua cử chỉ của chúng. Còn bây giờ mỗi khi mua sắm với nhau, vợ tôi thường mặc bộ đồ màu đỏ chói để tôi luôn nhận ra cô ấy giữa đám đông.

Người bệnh mù mặt không nhận ra gương mặt người khác.

Cách đây 3 năm, Barry Wainwright phát hiện không chỉ có mình mắc chứng mù mặt kỳ lạ này qua một chương trình phát thanh về nó. Sau đó Barry bắt đầu lao vào tìm kiếm tài liệu về căn bệnh và tìm gặp Giáo sư Khoa Thần kinh Brad Duchaine - chuyên gia về chứng mù mặt ở Đại học London. Giáo sư Duchaine bắt đầu thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đối với Barry và xác định ông bị chứng mù mặt.

Để điều trị, Giáo sư Duchaine tổ chức cho Barry quan sát hình ảnh gương mặt của những người nổi tiếng lẫn người bình thường. Khi được nhìn lại lần thứ hai cũng với những hình ảnh đó thì Barry nhận ra được. Nhưng sau khi mỗi hình ảnh được thay đổi kiểu tóc hay đồ trang sức thì Barry không thể dựa vào dấu hiệu nào để nhận ra được ai. Ngay đến hình ảnh của mình trong gương Barry cũng không nhận ra.

Nhưng cũng giống như những trường hợp mù mặt khác, Barry nhận ra được chi tiết đồ vật hay bối cảnh. Giáo sư Duchaine cho biết 50% trong các trường hợp mắc chứng mù mặt là do yếu tố gien, nhưng khoa học chưa xác định được gien đặc biệt gây bệnh.

Giáo sư nói: "Trường hợp đầu tiên được phát hiện vào năm 1976. Chúng tôi nhận ra rằng chứng prosopagnosia mắc phải là do tổn thương vùng đầu, đột quị hay tổn thương não. Nhưng đối với chứng prosopagnosia phát triển thì chúng tôi chưa biết được gì nhiều. Còn đối với chứng mù mặt bẩm sinh thì hiện giờ chưa ai biết nguyên nhân của hiện tượng là do tổn thương phôi thai trong thai kỳ hay không. Nếu như có một giai đoạn phôi thai bị thiếu oxy thì não bộ sẽ bị tác động đáng kể".

Giáo sư Duchaine cho biết phần não nhận diện gương mặt khác với phần não nhận thức đồ vật. Khi có vấn đề với một hệ thống, thì phần khác của não sẽ phát triển nhiều hơn để bù trừ. Trong trường hợp của Barry, ông không nhận ra gương mặt nhưng có thể biết rõ đồ vật để dựa vào đó mà xác định đối tượng nhìn thấy.

Hiện nay y khoa không có cách nào để trị bệnh hay làm giảm thiểu triệu chứng cho Barry. Tuy nhiên, trong gia đình của Barry không có ai mắc chứng bệnh này

Diên San (theo ABC)
.
.