Bí ẩn di tích Cát Tiên

Chủ Nhật, 09/09/2007, 10:44
Triển lãm "Cổ vật Cát Tiên - dấu ấn của một thánh địa huyền bí" được tổ chức từ ngày 28/8/2007 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 1 phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã hé lộ cho người xem một phần bí ẩn của Di tích Cát Tiên (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng).

Những di tích này được biết đến từ những năm 80 của thế kỷ XX. Những kết quả khai quật cho thấy khu di tích này có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, văn hóa rất quý giá.

Bộ Linga-Yoni lớn nhất Đông Nam Á

Linga-Yoni là hai “sinh thực khí” (mô phỏng bộ phận sinh dục của nam và nữ) theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo được tôn thờ một cách kính cẩn ngang với những vị thần Brahma (vị thần tạo ra thế gian, bất diệt), thần Visnu (thần bảo vệ), thần Siva (thần hủy diệt), thần Uma (thần chiến thắng) hay tượng thần Ganêsa (phúc thần, mình người đầu voi)...

Năm 1996, đoàn khảo cổ học Trung tâm Khảo cổ học Viện KHXH vùng Nam Bộ tiến hành khai quật ở gò 1A (khu di chỉ Cát Tiên, Lâm Đồng) đã phát hiện một cặp Linga-Yoni bằng sa thạch. Linga cao 2,1m, đường kính 0,7m, nặng 3,435kg; Yoni có chu vi dài 2,25m (chưa kể bệ nước). Cặp Linga-Yoni này được xác định là lớn nhất Đông Nam Á.

Di tích Cát Tiên được nhân dân địa phương và cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng phát hiện từ năm 1985. Đây là một quần thể di tích rộng lớn bao gồm nhiều di tích nằm rải rác dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai với chiều dài hơn 15 km từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ (Cát Tiên), trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực xã Quảng Ngãi với 7 cụm di tích và nhiều di tích đơn lẻ.

Theo bà Phạm Thị Hải, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng thì ngoài những cổ vật bằng đá, bằng vàng, bạc, đồng, thạch anh như chum, vò, đĩa, chân đèn, mặt tượng... miêu tả cuộc sống của con người, kết quả khai quật di tích còn cho thấy 265 bức phù điêu bằng vàng tìm thấy ở khu vực Cát Tiên như mê cung của các thần linh.

Những mảnh vàng có khắc ký tự được tìm thấy ở di tích.

Với phong cách nghệ thuật thanh tú, tao nhã trong đường nét, hài hòa trong tỉ lệ, hình ảnh chủ đạo trên vàng là các thần: Siva, Umapavati, Tu sĩ, Nam thần, Nữ thần, vũ nữ, người dâng lễ, cảnh chiến binh...; các động vật dưới hình thái vật tổ như: sư tử, voi, lợn rừng, rắn, cá, bò, dê, chim...; các hoa văn sóng nước, hoa lá uốn lượn cánh sen kết dải, hoa dây. Các đề tài đều phản ánh đời sống tinh thần, tôn giáo của một cộng đồng người trong lịch sử.

Nhiều bí ẩn chưa được giải mã

Qua 8 lần khai quật suốt từ năm 1988 đến nay với hàng ngàn thánh thất, đền đài, các nhà khoa học đoán định di tích này xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Thế nhưng chủ nhân của di tích là ai thì vẫn là một “câu hỏi lớn không lời đáp”.

Bên cạnh đó các hình vẽ ở 265 mảnh vàng được người xưa sử dụng phổ biến kỹ thuật vẽ chìm trong vàng và kỹ thuật gò. Các nét vẽ, nét gò mảnh mai, phóng khoáng, hòa nhập vào nhau tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về một thời kỳ rực rỡ, hưng thịnh.

Trên bề mặt các mảnh vàng, người ta thấy những ký tự Sancrit (một loại chữ viết cổ) song cũng chưa ai giải mã được những thông điệp ghi trên đó. Có thể nói đó là 265 tác phẩm nghệ thuật với một phong cách riêng, bản sắc riêng: tinh tế, hấp dẫn, sinh động tạo nên phong cách nghệ thuật bí ẩn, kỳ thú, diễn tả những ma lực của thần linh mà đặc trưng nghệ thuật là biểu tượng của sự sinh sôi, tái tạo một khát vọng vươn tới.

Bên cạnh đó, hiện vật khiến nhiều nhà khoa học phải đi tìm tài liệu nghiên cứu nhằm giải mã xuất xứ của nó là chiếc hộp bạc chạm hình sư tử, được tìm thấy trong hố thờ ở gò 6A của di tích.

Chiếc hộp hình oval dài, trên mặt chạm gò một con sư tử trong tư thế nằm, xung quanh có hoa văn trang trí với môtíp rất lạ mà các nhà khoa học khẳng định: chưa từng thấy trong bất cứ một di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.

Đến nay, người trong giới vẫn chỉ phỏng đoán hiện vật xa lạ này có thể đến từ vùng Lưỡng Hà hoặc Trung Á (vùng văn hóa Kushana thuộc Liên Xô).

Ngoài những mảnh vàng dát mỏng cắt hình bông hoa hoặc khắc chữ cổ được tìm thấy nhiều trong quần thể di tích này, các nhà khảo cổ còn gặp những mảnh vàng chạm hình người nhiều đầu nhiều tay và hình người khỉ.

Nhận định bước đầu có thể đây là những nhân vật trong sử thi Ramayana của Ấn Độ như khỉ thần Hanuman, vua quỷ Ravana. Một nghi vấn khác liên quan đến Phật giáo: trong một hố thờ chứa đầy tro có 8 lá vàng chạm hình voi, rùa xếp ở bốn cạnh và bốn góc cùng một lá vàng chạm hình rắn 7 đầu uốn hình vòng cung. Người ta cho rằng đây có thể là hình tượng rắn 7 đầu bảo vệ di hài Đức Phật.

Kỳ lạ nhất là chiếc áo linga bằng đồng dài 52cm, rộng 25cm và 3 chiếc áo linga bằng đất nung lần đầu tiên được tìm thấy trong các di tích thời tiền sử ở nước ta.

Những chiếc linga này đều có nắp, bên trong chứa các linga nhỏ hơn bằng vàng, bạc, đồng và sắt.

Tiến sĩ Đào Linh Côn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học (Viện KHXH vùng Nam Bộ) khẳng định: “Đây là những hiện vật giá trị, lần đầu tiên phát hiện ở Cát Tiên và cũng chưa từng thấy ở đâu. Theo tôi được biết, ngay cả ở Ấn Độ và vùng Đông Nam Á, cũng chưa có tài liệu nào nhắc đến. Có thể chúng mang yếu tố bản địa”.

Khách du lịch quốc tế tham quan những hiện vật tìm thấy ở di tích Cát Tiên.

Ông Dương Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Du lịch và Thể thao tỉnh Lâm Đồng cho chúng tôi biết, nhận thức được giá trị và ý nghĩa lịch sử, văn hóa xã hội của di tích Cát Tiên, tỉnh đã thành lập Ban quản lý di tích để nghiên cứu và bảo vệ. Trước đây đã có tình trạng kẻ gian vào đào trộm cổ vật, song đến nay các dấu tích đền đài đã có hàng rào bảo vệ và tổ an ninh canh gác.

Hiện tại địa phương cũng đã tiến hành xây dựng đề án quy hoạch tổng thể và chi tiết cho các di tích

Minh Tiến
.
.