Bí ẩn trẻ sơ sinh bị khuyết não

Thứ Ba, 13/05/2014, 12:45

Theo báo cáo điều tra của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố tháng 9/2013, con số những vụ trẻ sơ sinh bị khuyết não (anencephaly) tăng cao bất thường tại bang Washington, mỹ gây bối rối cho giới chức nước này. Nguyên nhân chưa được rõ ràng song vụ việc đã làm bùng phát hàng loạt những cáo buộc trên Internet cho rằng có sự liên quan của một địa điểm tập trung rác thải hạt nhân gọi là Hanford Site.

Tháng 8/2012, Bộ Y tế bang Washington (DOH) nhận được cuộc gọi điện thoại từ nữ y tá Sara Barron làm việc tại một bệnh viện nông thôn cho biết về một “con số quá cao những trẻ sơ sinh bị khuyết một phần não” – đó là một phần lớn “não, xương sọ và phần da đầu” của em bé bị khuyết mất trong quá trình phát triển. Đây là hậu quả của dị tật ống thần kinh (NTD) do phần đầu mút của ống thần kinh trong phôi thai bị hở. Dị tật thường xảy ra vào khoảng giữa ngày 23 và 26 trong thai kỳ.

Báo cáo của các nhà dịch tễ học CDC cho biết, có 23 trường hợp NTD xảy ra từ tháng 1/2010 đến tháng 1/2013 tại khu vực 3 hạt của bang Washington là Benton, Franklin và Yakima. Tỷ lệ mắc phải tật khuyết não trung bình tên toàn nước Mỹ là 2,1 trong 10.000 trẻ sơ sinh, trong khi tỷ lệ này ở khu vực 3 hạt nói trên là 8,4.

Trong suốt 30 năm hành nghề y tá, Sara Barron chỉ chứng kiến 2 trường hợp trẻ sơ sinh bị khuyết não nhưng vào năm 2012, chị nhìn thấy 2 ca như thế trong 2 tháng liên tục. Barron cũng báo cáo về sự tăng đột biến những ca sinh khuyết não tương tự tại một bệnh viện khác nằm không xa nơi chị làm việc. Cuộc gọi của y tá Barron đã thúc giục các nhà dịch tễ học hành động. Nhưng họ vẫn chưa biết được chuyện gì đã xảy ra.

Trong khi đó, người ta nghi ngờ nguyên nhân của sự tăng đột biến tật khuyết não bắt nguồn từ Hanford Site nằm ở hạt Benton miền Trung bang Washington. Hanford Site là nơi đầu tiên quân đội Mỹ tiến hành nghiên cứu sản xuất bom hạt nhân thuộc Dự án Manhattan  trong Thế chiến II. Nơi này có lịch sử rò rỉ rác thải phóng xạ hạt nhân kéo dài 60 năm. Chính quyền liên bang Mỹ đã triển khai chương trình lớn nhất nước Mỹ nhằm tẩy độc môi trường khu vực Hanford Site dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2040.

Tấm biển cảnh báo trước khu Hanford Site.

Từ năm 1943 đến 1946, Hanford Site có 9 lò phản ứng hạt nhân nằm dọc bờ sông Columbia và 5 khu phức hợp sản xuất plutonium dùng để chế tạo khoảng 60.000 vũ khí hạt nhân cho kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của quân đội Mỹ. Hàng ngày, nước được bơm lên từ sông Columbia để làm mát các lò phản ứng hạt nhân và sau đó quay trở lại con sông.

Có thông tin cho rằng từ năm 1944 đến 1971, vài terabecquerel (đơn vị đo phóng xạ trong hệ thống đo lường quốc tế) chất thải phóng xạ tuôn xuống sông Columbia mỗi ngày. Không chỉ có nước sông mà cả không khí cũng bị ô nhiễm phóng xạ từ Hanford Site. Quá trình xử lý plutonium làm giải phóng các chất đồng vị phóng xạ ra không khí và gió đưa chúng lan rộng ra khắp bang Washington và các bang lân cận như Idaho, Oregon, Montana và thậm chí đến tận tỉnh British Columbia của Canada.

Từ năm 1945 đến 1951, mức độ ô nhiễm phóng xạ trong không khí  được coi là nặng nề nhất. Các nuclide phóng xạ còn gây nguy hiểm cho cây trồng nông nghiệp, cá và vật nuôi. Sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) giải mật tài liệu về môi trường ở Hanford Site vào năm 1986, 2.000 cư dân sống dưới hướng gió của nơi này đã kiện vụ việc ra tòa nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu.

Năm 2013, chất thải phóng xạ rò rỉ từ một bể chứa ở Hanford Site được phát hiện và thông báo đến Jay Inslee – Thống đốc bang Washington. Ngay sau đó, thống đốc có phản hồi cho rằng, thực tế có 6 bể chứa bị rò rỉ phóng xạ đồng thời nhấn mạnh không có mối nguy hiểm tức thời. Mà phải mất một thời gian rất dài để “tẩy độc” nước ngầm và sông Columbia bị ô nhiễm phóng xạ!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.