Bí ẩn về cánh đồng "trời đánh"

Thứ Năm, 15/03/2012, 16:25

Việt Nam là 1 trong 3 khu vực tập trung dông sét của thế giới, trung bình mỗi năm, nước ta phải lãnh tới 2 triệu cú đánh chí mạng của "ông trời". Trong bản đồ mật độ sét toàn quốc do Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công bố mới đây, tỉnh Điện Biên mà trung tâm là cánh đồng Mường Thanh là một trong những vùng dông sét "hỏi thăm" nhiều nhất, gây nên bao cái chết thương tâm và những thiệt hại to lớn về tài sản. Có gì bí ẩn khi Thiên Lôi lại thường xuyên ghé thăm và gây thảm họa ở cánh đồng trù phú bậc nhất miền Tây Bắc này?

Cặp vợ chồng “trời đánh” không chết

Tháng 3, những cơn gió Lào bắt đầu vượt dãy Pu Se Leng ràn rạt thổi hơi nóng về cánh đồng Mường Thanh, báo hiệu một mùa khô hanh khắc nghiệt nhất ở Tây Bắc. Trong khi người Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang co ro trong những đợt giá lạnh và mưa phùn thì ở Điện Biên trời lại nóng như đổ lửa. Mùa khô ở Tây Bắc kéo dài từ tháng 11 năm trước cho đến hết tháng 5 năm sau. Trong thời gian này, thi thoảng "ông trời" cũng ban phát những cơn mưa hiếm hoi nhưng sự thương tình lắm khi không trọn vẹn bởi đó là những trận mưa đá, kèm theo dông sét gây nhiều hậu quả khủng khiếp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Điện Biên mà trung tâm là cánh đồng Mường Thanh mỗi năm phải lãnh trung bình từ 50 đến trên dưới 100 cú sét với tần suất khá dày đặc. Sét đã trở thành thảm họa khi năm nào cũng gây nên nhiều cái chết cho người và gia súc cùng những thiệt hại lớn về tài sản. Thời gian gần đây, thiệt hại lớn nhất phải kể đến cú sét phá tan hoang Trạm phát sóng Tông Khao thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trên địa bàn xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng, làm mất sóng FM trên địa bàn nhiều ngày.

Nạn nhân mới nhất bị sét đánh chết là anh Lò Văn Thành, 29 tuổi ở bản Huổi Hốc, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên). Ngày 22/5/2011, anh Thành đi làm đồng về đến giữa cánh đồng Ba Cấu thì gặp dông. Chưa kịp tìm chỗ trú ẩn thì anh bị sét đánh chết tại chỗ. Cái chết tức tưởi của người đàn ông để lại nỗi đớn đau và đẩy cô vợ trẻ Lò Thị Kim, sinh năm 1986, cùng 2 cậu con trai mới chập chững vào thảm cảnh.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Văn Đức và chị Bùi Thị Nhiễu, 42 tuổi ở Tổ dân cư 12, phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ. Cặp vợ chồng này bỗng dưng một ngày trở nên “nổi tiếng” bởi đã thoát chết kỳ diệu khi bị Thiên Lôi "hỏi thăm". Mặc dù sự việc xảy ra cách đây đã vài năm nhưng khi kể lại câu chuyện cho tôi nghe, vợ chồng anh Đức vẫn còn run rẩy, ánh mắt thất thần.

Hôm đó là buổi chiều một ngày cuối tháng 7/2009, vợ chồng anh Đức cùng 5 người dân đang khai thác cát sỏi dưới sông Nậm Rốm gần khu vực cầu Mường Thanh thì cơn dông ập đến. Mọi người chạy đến trú mưa dưới một bụi tre um tùm cách bờ sông khoảng 100m. Cơn dông ầm ào ập đến rất nhanh, trên trời bất ngờ xuất hiện một chớp lóe loằng ngoằng kèm theo là tiếng nổ kinh hoàng nhằm thẳng vào bụi tre nơi 7 người đang trú mưa. Cú đánh từ trên trời này đã làm 7 người bất tỉnh ngay lập tức, nhưng điều kỳ diệu là tất cả đều thoát chết.

Vợ chồng anh Đức, chị Nhiễu và chiếc nón lá bị sét đánh thủng một lỗ to trên đỉnh.

Nặng nhất là trường hợp của chị Bùi Thị Nhiễu, nằm bất tỉnh, tim ngừng đập, da vàng như nghệ, 2 mắt mở trừng trừng. Không ai nghĩ chị còn sống nên khi đưa 2 vợ chồng về, mọi người chỉ xúm vào cứu chữa cho anh Đức, còn để chị nằm dưới chiếu giữa nhà chờ khâm liệm. Khoảng nửa tiếng sau, dù vẫn đang nằm trên giường, anh Đức hé mắt và cảm thấy hình như tay vợ động đậy nên mới yêu cầu đưa cả hai vào viện.

Tại Bệnh viện đa khoa Điện Biên, các bác sĩ đã phải sử dụng các biện pháp và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất mới giành giật lại được mạng sống chị Nhiễu từ bàn tay của Thần Chết. Sau hơn 2 giờ, chị Bùi Thị Nhiễu mới mở được mắt và thều thào cất được tiếng nói đầu tiên.

Theo các bác sĩ kể lại, việc 7 người bị sét đánh mà vẫn còn sống là rất hy hữu, đặc biệt với trường hợp của chị Bùi Thị Nhiễu thì đúng là may mắn độc nhất vô nhị từ trước đến nay ở Điện Biên. Chị Nhiễu bỏ khăn trên đầu chỉ cho tôi xem vết sét đánh năm kia. Tóc trên đỉnh đầu vẫn cháy hoe vàng, xoăn tít lại. Chiếc nón lá hôm đó chị đội trông tơi tả, thủng toác một lỗ rộng gần 20cm giờ được hai vợ chồng giữ lại làm kỷ niệm! Theo như vợ chồng chị Nhiễu kể lại, trước lúc sét đánh vài giây chị có cảm giác như "một cái gì" đó đang đến khiến rùng mình, gai người như có luồng điện chạy qua, rồi như một cú đập nhẹ vào đầu, chị không biết gì nữa.

Bụi tre nơi 7 người trú mưa và bị sét đánh.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, cơ thể chị dường như có cả ngàn con gì đó chui luồn dưới da thịt gây tê dại, mất cảm giác. Chị phải nằm liệt giường đúng 3 tháng, đầu óc lúc nào cũng mê mẩn, tay chân tê nhức, da vàng ệch. Sau 6 tháng tập đi chị mới bỏ được nạng, chập chững những bước đi đầu tiên. Sau cú "hỏi thăm" của Thiên Lôi đó, cả hai vợ chồng anh Đức và 5 người khác đều mất đi đến 70 - 80% sức khỏe. Có một điều lạ là dường như dạ dày của mọi người bị "thu hẹp lại" nên ăn được rất ít dù rất muốn ăn.

Những giả thuyết...

Người dân sinh sống ở thung lũng Mường Trời (Mường Thanh) từ lâu đã quá quen phải đối phó với những trận mưa dông kèm theo sấm sét khủng khiếp đến từ trên trời. Vào mùa mưa dông số vụ sét đánh khá đều, trải dài trên khu vực cánh đồng Mường Thanh, tần số khá dày đặc, tập trung ở khu vực phường Thanh Bình, Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, xã Thanh Nưa (thị trấn Nông Trường cũ), Thanh Xương, Thanh Chăn và xã Noong Luống. Đáng chú ý, các xã, phường ở khu vực cao như Noong Bua, Him Lam nhiều đồi núi lại ít bị sét "hỏi thăm".

Theo chị Trần Thị Thu Hoa, dự báo viên Trung tâm Khí tượng thủy văn Điện Biên (Đài Khí tượng thủy văn Tây Bắc) cho biết nhiều nơi có mật độ sét đánh khá dày đặc, như cánh đồng thuộc khu vực Sân bay Điện Biên Phủ, thuộc phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ và cánh đồng thuộc bản Pom La, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ông Lò Văn Hịa ở bản Pom La dẫn chúng tôi ra cánh đồng, chỉ một khoảng đất rộng vài chục mét vuông cách quốc lộ 279 khoảng 100m là nơi sét tập trung đánh xuống nhiều nhất (?).

Cánh đồng bản Pom La, Thanh Xương nơi sét hay “hỏi thăm”.

Năm ngoái một cặp vợ chồng đang làm cỏ lúa đã thoát chết trong gang tấc, khi vừa lên đến mặt đường, một cú sét kinh hoàng đã dọi thẳng xuống vị trí hai vợ chồng vừa làm cỏ, làm một vạt lúa đang thì con gái sém vàng, xơ xác. Trung tâm Khí tượng thủy văn Điện Biên mặc dù được trang bị cả hệ thống chống sét hiện đại nhất hiện nay nhưng cũng từng bị sét đánh sập cả cột ăng ten, phá hỏng hệ thống máy móc.

Hiện tượng sét đánh ở cánh đồng Mường Thanh từ lâu vẫn được cho là một trong những bí ẩn lớn nhất ở vùng Tây Bắc. Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ về hiện tượng thiên nhiên mang đến nhiều thảm họa này. Chính vì vậy người dân, thậm chí là cả một số cán bộ chúng tôi tiếp xúc ở Điện Biên Phủ đều cho rằng nguyên nhân của hiện tượng sét đánh tập trung ở cánh đồng Mường Thanh có thể là do vùng đất này có mỏ kim loại, cụ thể là bạc (chất dẫn điện tốt nhất).

Một số ý kiến khác thì khẳng định: do ngày xưa Điện Biên Phủ là chiến địa, khắp nơi còn đầy vũ khí, bom mìn ở dưới đất nên thường "hút" sét từ trên trời xuống. Bí hiểm và đẫm màu huyễn hoặc hơn là thông tin đồn thổi từ truyền thuyết của dân tộc Thái. Xưa kia vua Thái Lạng Chượng (thế kỷ thứ X - PV) trước khi chết đã chôn cất nhiều vàng bạc châu báu ở khu vực bản Pom Loi (đồi an táng) nay thuộc phường Nam Thanh. Để bảo vệ khu mộ của vua, người ta đã xây dựng 3 hầm mộ giống hệt nhau, chôn nhiều "thiết bị" "gọi" sét trừng trị kẻ nào xâm phạm (?!). Điều này lý giải tại sao Pom Loi, nhất là khu vực cánh đồng Tông Na Luồng lại hay có sét.

Lại có lời đồn rằng trước đây em trai vua Đèo Văn Long là Đèo Văn Ún (Tri châu Điện Biên, thường gọi là Châu Ún) cũng cất giấu nhiều của cải ven sông Nậm Rốm (?!), nay thuộc địa bàn phường Thanh Bình nên sét cũng hay tập trung đánh vào khu vực này.

Ý kiến của nhà khoa học

Mang theo những điều đồn thổi về cánh đồng bí ẩn ở Điện Biên về Hà Nội, chúng tôi tìm gặp một “chuyên gia về dông sét” của Việt Nam, đó là TS Nguyễn Xuân Anh, Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam). Theo như TS Anh cho biết, tất cả những đồn thổi về nguyên nhân của hiện tượng sét đánh ở cánh đồng Mường Thanh đều thiếu căn cứ và không có cơ sở khoa học. Hoàn toàn không có chuyện dưới đất có mỏ kim loại, vàng bạc châu báu hay vũ khí, bom mìn thì sẽ "hút" sét được từ trên trời xuống. Nếu có hiện tượng đó thì tại sao các khu vực mỏ kim loại lớn, nhất là ở khu vực ôn đới lại không phải là trung tâm dông sét.

Nguyên nhân của hiện tượng dông sét xuất hiện nhiều trước tiên là do nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, đối lưu thường xuyên hình thành và do đó hoạt động dông mạnh. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, yếu tố địa hình cũng có thể ảnh hưởng nhiều tới mật độ sét và tạo nên những "rốn sét'' - điểm mà sét đánh tập trung hơn xung quanh nhiều lần. Cần phải có những quan trắc và đo đạc thực tế thì mới có thể định vị chính xác các vị trí này.

Sét là hiện tượng phóng điện trong một đám mây giữa các vùng điện tích trái dấu, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa mây với đất. Các nhà khoa học chia ra 2 loại là sét âm và sét dương. Sét âm xuất hiện từ phần dưới đám mây đánh xuống đất, loại này chiếm đến 90% và thường xuất hiện trong những cơn mưa dông lớn, còn sét dương thường xuất hiện từ trên đỉnh đám mây. Loại sét dương này xuất hiện bất ngờ và khá nguy hiểm bởi xuất hiện lúc trời quang đãng, không có mưa dông.

Qua nghiên cứu cho thấy, những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng. Cánh đồng Mường Thanh nằm ở khu vực có địa hình khá phức tạp, núi cao bao bọc, chịu ảnh hưởng của gió Lào, khí hậu 2 mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa). Theo thống kê, khu vực này trung bình có khoảng 75 ngày có dông trong năm, mùa dông bắt đầu từ khá sớm (tháng 3), mạnh nhất vào tháng 5, 6 và kết thúc vào tháng 10. Các cơn dông đầu tiên sau những đợt nắng nóng thường có nhiều sét.

Người dân cần được trang bị kiến thức về sét và các biện pháp phòng tránh sét thông dụng và hiệu quả bảo vệ an toàn tính mạng bản thân, gia đình và tài sản. Hiện nay, Viện Vật lý Địa cầu đang thử nghiệm cảnh báo sét sớm trước 30-60 phút ở một số địa phương, giúp người dân đang làm việc ngoài trời có thời gian đi về nơi trú ẩn an toàn. Phương pháp này, nếu triển khai có hiệu quả sẽ được nhân rộng trên các địa phương trọng điểm về dông sét.

TS Nguyễn Xuân Anh hướng dẫn phòng chống sét an toàn và hiệu quả: Các cơ quan công sở, nhà dân cần lắp đặt hệ thống thu sét phù hợp và đúng tiêu chuẩn. Còn khi gặp mưa dông thì tốt nhất nên vào trong nhà để trú ẩn. Nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không sử dụng điện thoại và phải rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Nếu đang ở ngoài trời thì tuyệt đối không trú mưa dưới các cây cao, tránh xa các vật dụng kim loại, những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

Vũ Mạnh Hà
.
.