Bi hài chuyện mùa lễ hội

Thứ Bảy, 07/03/2009, 13:55
Trong xu hướng thương mại hóa các lễ hội, đang xuất hiện những điều “chướng tai gai mắt”. Dưới đây là những chuyện bi hài mà PV Chuyên đề ANTG ghi được “trên đường đi lễ xuân đầu năm”. Những mong câu chuyện này không chỉ “mua vui” đầu xuân mà còn là lời kiến nghị gửi đến những người làm công tác tổ chức lễ hội.

Trần tục hóa... lòng thành

Tôi xin mở đầu bài viết bằng chuyện “cười ra nước mắt” của một đồng nghiệp kể lại khi đi lễ đầu năm ở Phủ Tây Hồ. Một bà to béo sau khi kính cẩn nâng mâm ngũ quả đặt lên bệ thờ, bà ta sờ vào bụng ông tượng một cái rồi xoa lên mặt mình và ngồi khấn: “Con cầu xin đức thánh thần linh thiêng phù hộ cho nhà con làm ăn tươi tốt, buôn hàng trót lọt, cầu cho Công an, Quản lý thị trường có mắt như không...”.

Câu khấn nực cười này được một người bên cạnh đáp lại: “Con cầu xin đức thánh thần anh linh cho nhà chức trách mắt sáng lòng trong để bắt được những ai buôn lậu như người ngồi bên cạnh”.

Thế là bà kia sửng cồ lên, suýt úp cả mâm lễ lên đầu người vừa khấn. Thì ra chị này thấy bất bình với lời khấn quá vô văn hóa mới đáp lại.

Trước khi kể ra đây những bi hài về chuyện khấn vái, tôi cũng đã xin kính cẩn tạ tội trước thần phật vì trót “nghe trộm” những lời khấn đến các ngài. Không phải người viết bài này không thành kính nhưng có lẽ những lời khấn đó không đáng được đến tai và làm phiền lòng các đức anh linh. Sau đây là một lời khấn “đáng ghi vào từ điển” mà chúng tôi ghi ở Đình Bia Bà La Khê, Hà Đông.

- “Con cắn cỏ, cắn rơm lạy chín phương trời, lạy chư Phật mười phương, con lạy Đức Thánh Bà. Đức Thánh Bà linh thiêng về giúp con, họ Bùi tên Đức ở Hà Nội tỉnh, Đống Đa huyện... đập bể nồi cơm thằng hàng xóm, nhà nó cháy to như cháy chợ Hà Đông vì dám tranh chấp đất mấy năm nay. Bịt mồm bịt miệng kẻ bán hàng bên cạnh, cho nó khuynh gia bại sản, sập tiệm, mua khô bán héo để con phát tài phát lộc, mua tươi bán tốt... Năm nay nhà con lên chức trưởng phòng...”.

Giáo lý nhà Phật dạy rằng: “Nếu như thắp hương là để cầu Phật độ trì thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc hoặc phát cái gì đó, như thế thì không thể nào thực hiện được. Thắp hương, dâng hoa chỉ là bày tỏ tấm lòng thành kính của chúng ta đối với Đức Phật, đồng thời học tập nơi tấm gương đạo hạnh của Ngài.

Nếu như Đức Phật vạn năng có quyền định đoạt mọi thứ, với tấm lòng từ bi của Ngài thì những đệ tử của Ngài đã siêu thăng từ lâu rồi, hà tất phải để đệ tử khắc khổ tu hành như vậy. Theo Phật giáo, vận mạng của ai là do chính mình, mình tạo nhân gì thì gặt quả đó”. (Theo “Quan điểm cơ bản của Phật giáo” do Thiện Long - Hàn Long Ẩn chuyển ngữ).

Và đương nhiên, soi theo triết lý lòng thành của nhà Phật thì những câu khấn kiểu “xin xỏ chạy chọt” như trên thì đến “mùa quýt” cũng khó thành hiện thực và họ sẽ chỉ tốn công, tốn của nếu tiếp tục cầu xin kiểu đó!

Méo mó hóa... lễ hội

Lễ hội được xem là nơi để thể hiện bản sắc địa phương, bản sắc vùng miền. Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) có điểm phân biệt với các lễ hội khác đó là: hát Quan họ. Vẫn những liền anh, liền chị nhưng họ không còn cái vẻ ấp úng, cái nét duyên của những người hát quan họ truyền thống, thay vào đó là các diễn viên đoàn ca kịch trông rất “Pro” (chuyên nghiệp).

Vẫn những câu quan họ thiết tha “người ơi người ở đừng về” nhưng chỉ tiếc không có bến nước mênh mang cho liền chị ngồi tựa mạn thuyền mà chỉ có cái ao xi măng nước tù nước đọng.

Nhiều du khách đi hội cũng không hiểu gì cứ tưởng như... công đức nhà chùa, thấy hát quan họ cũng cầm cả nắm tiền lẻ ném vù vù xuống ao. Chỉ khổ cho mấy vị trong ban tổ chức, không vớt thì bẩn hồ, lãng phí, “tiếc” mà vớt thì trông chả còn ra thể thống gì.

Từ khi lễ hội được xác định là “ngành công nghiệp không khói” thì lễ hội thay đổi hẳn tính chất: từ tính chất bản sắc chuyển hẳn sang tính chất dịch vụ, kiếm tiền. Lắm khi sự biến tướng đó méo mó đến mức khó chấp nhận. Đơn cử là tượng của Chu Văn An ở Văn Miếu ngay giữa thủ đô Hà Nội.

Chu Văn An nổi tiếng là người liêm khiết thời Trần, do bất bình trước bọn quan tham nhũng nhiễu, ông đã dâng sớ xin nhà vua chém 7 tên nịnh thần. Yêu cầu không được chấp nhận nên ông đã xin từ quan về quê dạy học.

Vậy mà, tượng Chu Văn An ở Văn Miếu trong những ngày này hai tay cầm 2 nắm tiền đầy ự. Nhiều du khách đến thắp hương đầu năm ở Văn Miếu ngoài việc thắp hương cầu khấn không quên mang tiền lẻ nhét vào tay ông để cầu xin tài lộc, may mắn.

Sau tết Nguyên đán là thời gian các lễ hội liên tiếp diễn ra. Mỗi lễ hội như thế kéo theo một bộ máy dịch vụ khổng lồ để phục vụ khách thập phương. Từ dịch vụ đi lại, trông xe, bến đò, phục vụ hương vàng lễ lạt, ăn uống, ngủ nghỉ, thậm chí là cả khấn thuê như ở Đình Bia Bà La Khê, Hà Đông, Hà Nội.

Ở những nơi này, tất cả  mọi thứ đều nhộm nhoạm. Trong lần đi xuống Đình Bia Bà La Khê, tôi quan sát và phát hiện ra có ông thầy đồ viết chữ nào cũng nhang nhác giống các quân trong... cờ tướng.

Tôi xin hai chữ “Hoàng Thắng” hí hửng mang về Hà Nội khoe với cô bạn học ngành Hán Nôm thì được cô dịch cho đó là 2 từ Pháo - Mã: “Chữ này thì người phàm có học có hành như tôi còn khó luận nữa là người âm. Nhất là các thánh thần mỗi ngày phải đọc hàng nghìn lá sớ”. Qua phân tích những lá sớ của những người đi cùng đoàn, mới phát hiện ra cũng có nhiều thầy viết chữ Nho thật nhưng toàn... sai chính tả.

Lại còn có chuyện những người làm dịch vụ “ăn theo” lễ hội phân biệt đối xử với khách thập phương. Càng dân thành phố, càng người nước ngoài;  trai càng đạo mạo, oai phong, gái càng thướt tha duyên dáng càng phải “chém đẹp”...

Ở Hội Lim, tôi chứng kiến cảnh các bãi giữ xe tự phát cứ thấy biển 29, 30, 31 (biển số Hà Nội) là “chém nhiệt tình”. Những người làm nghề dịch vụ mang tâm lý “Lương Sơn Bạc” - “lấy của người giàu chia cho người nghèo” ra hành xử ngay trong lễ hội mà chính quyền địa phương không thể nào can thiệp nổi.

Không hiểu về văn hóa - Đừng “ghi tên” vào BTC lễ hội!

Về vấn đề văn hóa trong các lễ hội, PV ANTG đã trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái - Nhà Nghiên cứu văn hóa, Giảng viên bộ môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam -Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước hết bà khẳng định, cùng với tín ngưỡng, yếu tố văn hóa là thứ cần và quyết định đối với các lễ hội vì bản thân lễ hội đã là một hoạt động mang đầy tính văn hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây lễ hội đã bị thương mại hóa đi nhiều.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác có một thói quen là đi lễ hội trước ngày nó diễn ra: “Vì nếu tham gia đi vào chính hội thì “đau lòng” lắm. Đơn giản là vì chúng tôi không muốn mất đi những hình ảnh đẹp, cảm giác đẹp của những ngày lễ hội trước đây. Bạn thử tượng tượng xem: Hội Lim bây giờ người ta hát quan họ ông ổng trên loa phóng thanh. Mùi mực nướng, cá chỉ vàng thơm lừng cả khu vực tổ chức lễ hội. Chùa Hương vốn là chốn thiền tịnh thì dưới chân núi đầy những quán nhậu thịt thú rừng...”.

Bà cho rằng lỗi một phần thuộc về “kiến trúc sư” của các lễ hội này. Các địa phương nên đặt ra các quy định, hương ước về lễ hội để phổ biến trong nhân dân, khi xây dựng các chương trình lễ hội thì nên tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Chúng tôi cũng hết sức đồng tình với quan điểm này vì rõ ràng, ở nhiều địa phương, thành phần ban tổ chức lễ hội thấy toàn quan chức, mỗi người “ghi tên” một tý mà chả thấy có nhà nghiên cứu văn hóa nào cả. Điều đó dẫn đến việc các lễ hội đang ngày càng bị méo mó, biến tướng, thậm chí còn không ai nhận ra lễ hội này là... lễ hội nào nữa!

Mặc dù đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng ở Việt Nam chúng ta, không khí lễ hội vẫn ngập tràn và “chấp” cả khủng hoảng. Điều đó minh chứng cho tín ngưỡng và sự lạc quan... hiếm thấy của con người Việt Nam. Nhưng người dân dù có lạc quan đến mấy, lòng thành đến mấy nhưng nếu công tác tổ chức cứ “lởm khởm” mãi thế này, e rằng sẽ đến lúc họ sẽ không còn mặn mà với nét đẹp văn hóa dân gian này nữa!

Hoàng Thắng - Phương Thảo
.
.