Bi hài chuyện thay tên đổi họ

Thứ Bảy, 13/11/2010, 16:45
Ấy là nói về cái chuyện thay tên đổi họ đang xảy ra như cơm bữa, trên các bản làng của người dân Cơ Tu. Bây giờ có cuộc sống “hiện đại” rồi, người Cơ Tu không muốn mang họ cha như truyền thống "phụ hệ" của mình. Họ rất dễ dàng chọn và đặt một cái họ tên nào đó cho con, nếu thấy thích. Đi xa hơn thế, họ còn đặt tên cho con em bằng những cái tên nghe như tên người Hàn Quốc, Nhật Bản lạ hoắc...

Xa dần truyền thống phụ hệ

Dân tộc Cơ Tu còn gọi là Ca Tu, Gao, Phương, Ca Tang, cư trú tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến Quảng Nam. Ngày trước, người Cơ Tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, chọc lỗ tra hạt. Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá, săn bắn và trao đổi hàng hóa theo cách vật đổi vật.

Theo truyền thống, người Cơ Tu theo chế độ phụ hệ, con lấy họ theo cha, chỉ con trai mới được thừa hưởng gia tài. Mỗi dòng họ người Cơ Tu đều có tên gọi riêng, nên phải theo tập tục Cơ Tu, khi người họ này đã lấy vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ họ này, mà phải tìm ở họ khác.

Theo điều tra dân số năm 1999 thì dân tộc này có dân số 50.458 người, đến nay điều tra lại thì trên 65.000 người. Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, người Cơ Tu chia thành ba nhánh chính: Cơ Tu Zal (tức người Cơ Tu sống ở vùng cao), Cơ Tu Phương (sống ở vùng trung du) và Cơ Tu Êếp hay Cơ Tu Zúp (sống ở vùng thấp).

Cứ mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục chúng tôi lại đau đầu vì cái chuyện thay tên đổi họ của thí sinh miền núi (nói chung). Theo quy trình kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi, chúng tôi kiểm tra chéo hồ sơ của các trường THPT huyện trước khi kỳ thi bắt đầu. Công việc phải làm là đối chiếu giữa giấy khai sinh với học bạ của các em.

Ngay cái cách ghi nơi sinh cũng thật lắm điều không thống nhất! Có cán bộ tư pháp xã chỉ ghi ngắn gọn: trạm y tế xã X,Y,Z. Có người còn lười hơn chỉ ghi vắn tắt cái tên xã, người thì ghi tên cái thôn là xong. Gay go nhất là nơi sinh thuộc về miền núi, chỉ cái địa danh nơi sinh (thay đổi biết bao lần), mỗi người ghi mỗi cách như Cơ Tu - Kơ Tu, Pa Cô - Pa Kô...

Về phía nhà trường cũng rắc rối không kém! Có em tên là Nguyễn Thị Thủy thì giáo viên chủ nhiệm không chịu ghi  theo giấy khai sinh làm cơ sở, lại nghe lời học sinh khai báo ghi là Nguyễn Thị... Thu Thủy! Chuyện rắc rối chưa dừng lại ở đây. Đối với thí sinh người dân tộc thiểu số, có tục đến một tuổi nào đó sẽ thay tên đổi họ theo phong tục tập quán, nên giấy khai sinh một đằng trong học bạ một nẻo! Vậy là cả hội đồng kiểm tra hồ sơ dự thi phải căng mắt ra đọc, hỏi ý kiến vị hiệu trưởng trường sở tại, rồi chỉnh sửa áp dấu đỏ vằn vện hoa cả mắt.

Vẫn chưa xong đâu! Một ngày trước ngày thí sinh chính thức bước vào phòng thi, hội đồng coi thi vẫn còn kiểm tra hồ sơ lần cuối, một số giáo viên kiểm tra lại thấy "chuyện lạ" nên hỏi han tùm lum. Lãnh đạo hội đồng chúng tôi vắt chân lên cổ làm đủ thứ việc, riêng cái việc giải thích vì sao giấy khai sinh một tên, học bạ một tên, phát điên cái đầu...

Vậy mà chuyện thay tên đổi họ đối với các vị cán bộ tư pháp xã thôn ở các huyện miền núi họ xem là chuyện rất đơn giản. Mặc kệ, dân muốn đổi tên, đổi họ thì mình cho đổi thôi. Người Cơ Tu tính ngày trong tháng theo chu kỳ thay đổi hình dạng của mặt trăng, căn cứ vào đó để họ đặt tên cho từng ngày. Cho nên, có những ngày cùng một tên gọi. Theo kinh nghiệm và quan niệm dân gian của họ, có ngày trồng sắn, khoai sẽ nhiều củ. Có ngày trồng cà, ớt sẽ sai quả, có ngày nên dựng nhà, cưới hỏi...

Vì sao nên nỗi?

Lâu nay, các nhà đài nước ta vẫn thường xuyên chiếu phim Hàn Quốc khiến bao người dân Cơ Tu "ăn theo phim Hàn, ngủ theo phim Hàn". Thế là nảy sinh phong trào đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở các huyện miền núi bắt chước, đặt tên con theo tên diễn viên và nhân vật trong phim Hàn Quốc. Trường hợp này nhiều lắm! Một nửa Cơ Tu, nửa Hàn Quốc như là Pơloong San Diu, con trai của anh Pơloong A Gương; Alăng Na Ra con gái của A Lăng Ân; Briu Thị Hy Su con gái của Briu Nhỏ; Riah Thị Su U con gái của Riah Như; Blup Thị Na Su con gái của Blup Né...

Không chỉ lấy tên người Hàn Quốc, người ta còn lấy tên các hiệu xe máy Nhật nổi tiếng đặt tên cho con, như cu cậu Bhờ Nước Yamaha là con trai của Bhờ Nước Uyn (ông này mới sắm được cái xe máy Nhật?) ở thôn Apat, xã A Vương... Giải thích điều này, ông cụ Bh'riu Liếc cho biết: "Người Cơ Tu có thói quen đặt tên con gắn với kỷ niệm đáng nhớ. Chuyện bình thường, pháp luật không cấm, cũng không ảnh hưởng gì đến quản lý".

Một hai trường hợp nghĩ cũng bình thường, nhưng nếu hiện tượng trên mà trở thành phong trào, thì sẽ tác động đến đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào, và yếu tố lai căng sẽ không chỉ dừng ở cái tên? Bà Thị Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: "Vấn đề thay tên đổi họ của người Cơ Tu, thực ra đã xuất hiện cách đây nhiều năm".

Chính cái điều tưởng chừng nhỏ nhặt này đã làm ra không ít trở ngại cho chính quyền, cũng như các  trường học. Nguyên nhân chính của việc này, chủ yếu là do trình độ nhận thức, sự hiểu biết pháp luật của bà con còn yếu kém, thêm vào đó là tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường. Những cán bộ tư pháp vẫn còn nhớ chuyện "thật như đùa", 3 anh em trong cùng một gia đình, mà có đến... 3 họ khác nhau! Chuyện xảy ra tại một xã vùng cao của huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Đáng ngạc nhiên hơn, sau khi kiểm tra đã tiếp tục phát hiện ở một số thôn trên địa bàn xã Jơ Ngây, Sông Kôn có hàng chục gia đình mang 3 họ như thế: Alăng, Nguyễn và Lê, Alăng, Lê và Cao... Sự trùng hợp "ngẫu nhiên" của các gia đình trên rất đáng lo ngại, vì họ Alăng là một trong những họ tộc lớn nhất của người Cơ Tu. Vậy mà, không tự hào về họ tộc mình, gia đình ông Alăng R Thôn Đào, xã Sông Kôn, Đông Giang) có 5 người con, lại cải họ cho người lớn mang họ là Nguyễn Văn M, con thứ hai tên Lê Văn M.

Hoặc ở xã Cà Dăng, trong gia đình, người anh tên là Lê Duy H, thì người em kế tiếp lại mang họ là Cao Văn H. Chỉ đến những người em tiếp theo, gia đình mới quay trở về họ cũ Alăng như gốc gác thực sự. Hay để "hiện đại hóa" họ tên của mình, có người còn đổi họ Pơloong của mình sang họ Phong như diễn viên phim Hồng Công, rồi từ đó sinh con đẻ cái lại cho "ra đời" một họ Phong mới. Thậm chí, dễ dãi quá mức, có trường hợp: "Họ mày xấu quá, đổi theo họ của tao nè" như lời rủ rê của các bạn. Mãi đến khi nhà trường đòi nộp giấy khai sinh, mới biết các em ấy khai "miệng", không đúng họ tên cha mẹ đặt cho.

Một bộ phận giới trẻ người Cơ Tu rất hiện đại.

Chuyện không nhỏ...

Các già làng nghe chuyện này buồn rầu cho biết: Người Cơ Tu vốn chỉ có 13 họ chính. Sau này những người trẻ thích gì làm nấy, đã "phát triển" lên đến 33 họ: Alăng, Arất, Ating, Bh'riu, Zơrâm, Bh'nướch, Aviết, Riah, Rapat, C'lâu v.v... Truyền thống của người Cơ Tu đã quy định rất rõ con cháu phải mang họ cha và không được thay đổi bất cứ họ nào ngoài dòng tộc mình, bao đời nay, đó là quy ước "bất thành văn" của người Cơ Tu. Thế mà những năm gần đây, quy ước đó dần dần bị lãng quên, thậm chí sẽ  "biến mất"...

Theo già làng Bríu P'răm, (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, hiện ở tại thôn B'hơơ Hồng, xã Sông Kôn, Đông Giang), trước đây việc thay đổi họ tên bắt nguồn từ việc bảo mật thông tin cho những người tham gia chống Pháp, Mỹ cứu nước. Thậm chí một người có đến 5, 6 tên họ cũng là chuyện vạn bất đắc dĩ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, tự tiện thay tên đổi họ là điều họ tộc không thể chấp nhận được.

Tất nhiên, hệ lụy của việc thay tên đổi họ một cách thiếu nhất quán là "nhãn tiền", và thực tế đã có không ít người phải chịu rất nhiều phiền toái do hậu quả của việc làm này khi vay vốn trồng rừng, làm thẻ đỏ, lập hồ sơ học bạ cho học sinh... Có trường hợp như anh Arất N trong khi cả gia đình đều mang họ Alăng nhưng phần anh lại mang họ Arất, nên khi anh đi khai sinh cho các con hay làm giấy tờ đất đai liên quan đến gia đình, anh N gặp không ít phiền toái.  Việc thay tên đổi họ không nhất quán này đã gây không ít phiền toái cho nhiều cơ quan, đơn vị khi tiến hành điều tra, khảo sát dân số.

Tình trạng đồng bào miền núi tìm cách "hiện đại hóa" tên tuổi của mình, đã và đang gây xáo trộn nghiêm trọng cho truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số. Về sau, nguy cơ xảy ra hôn nhân cùng huyết thống hoặc gần huyết thống, cũng như khả năng biến mất tộc họ truyền thống rất dễ xảy ra. Hậu quả ngày càng lớn hơn, một khi nhà nước muốn định hướng phát triển dân số, kinh tế - xã hội - giáo dục và y tế cho đồng bào thôn bản...

Đoàn Vũ Hào
.
.