Bi kịch cuộc sống con người qua tác phẩm của nghệ sĩ Ấn Độ

Thứ Hai, 03/04/2017, 20:40
Khi đoàn tàu Sabarmati Express bị phóng hỏa ở ga Godhra thuộc bang Gujarat miền tây Ấn Độ giết chết 60 tín đồ Hindu vào năm 2002 làm nổ ra cuộc bạo loạn đẫm máu chống Hồi giáo tại bang này, nghệ sĩ 42 tuổi Jitish Kallat nảy sinh ý tưởng sáng tác tác phẩm từ chất liệu nhựa mang tên “cỗ xe bằng xương” gợi lên hình ảnh đau thương do bạo lực.

Vào giữa tháng 3-2017, một triển lãm mang tên gọi “Here After Here” của nghệ sĩ Jitish Kallat diễn ra tại thủ đô Delhi của Ấn Độ mô tả những biến động xã hội và chính trị nước này. Cuộc triển lãm dưới sự điều hành của nhà sử học Catherine David, bao gồm trên 100 bức tranh, ảnh, video và tác phẩm điêu khắc do Kallat sáng tạo từ năm 1992 cho đến ngày nay.

Tác phẩm Kallat triển lãm tại Arario Gallery, Seoul (Hàn Quốc).

Những tác phẩm của Kallat trải rộng từ những sự kiện lịch sử quốc gia và mối lo ngại toàn cầu, từ vũ trụ bao la cho đến những vấn đề vụn vặn trong đời sống thành thị và mối liên kết trong gia đình.

Một tác phẩm khác thường phản ánh cái nhìn của Kallat về con người thành phố Mumbai - đó là bộ sưu tập những bức ảnh về túi áo sơ mi của nam giới đựng đủ thứ linh tinh như: bút bi, điện thoại di động, hộp đựng kính đeo mắt, những điếu thuốc lá vấn tay truyền thống của Ấn Độ. Một loạt hình ảnh liên tục làm liên tưởng đến những câu chuyện chưa kể về công nhân và công việc của họ trong thành phố tù túng.

Cỗ xe bằng xương (nhựa) của Kallat mô tả sự khủng khiếp của bạo lực diễn ra tại bang Gujara.

Trong một tác phẩm khác là những phố cổ Mumbai, những vỉa hè vỡ vụn, những căn nhà lụp xụp cùng nhiều món đồ vật... Sự cộng sinh của cảnh nghèo và công nghệ hiện đại trong đất nước Ấn Độ cũng được thể hiện trong tác phẩm của Kallat.

Jitish Kallat.

Kallat chào đời, sống và làm việc tại thành phố Mumbai. Ông bắt đầu sáng tác từ khi còn là học sinh Trường Nghệ thuật Jamsetjee Jeejebhoy ở Mumbai. Các tác phẩm của Kallat được triển lãm rộng rãi tại nhiều nhà bảo tàng nổi tiếng trên thế giới bao gồm: Tate Modern (London, Anh), Mori Art Museum (Tokyo, Nhật Bản), Martin Gorpius Bau (Berlin, Đức) Gallery of Modern Art (Brisbane, Australia), Kunst Museum (Bern, Thụy Sĩ) v.v...

Diên San (tổng hợp)
.
.