Bí mật của châm cứu dưới ánh sáng khoa học

Thứ Hai, 09/06/2008, 11:00

Một kỹ thuật điều trị đã hàng ngàn năm tuổi hiện thu hút sự quan tâm của y học hiện đại, với 40 mặt bệnh được Tổ chức Y tế thế giới WHO chính thức thừa nhận. Các nghiên cứu mới cho thấy, châm cứu gắn với hệ thần kinh và não bộ.

Châm cứu xuất hiện tại Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên tại phương Tây, nó trở thành tâm điểm chú ý chỉ mới rất gần đây. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới Trung Quốc và các phóng viên tháp tùng đã hào hứng mô tả sự kỳ diệu của châm cứu khi một nữ đồng nghiệp được mổ mà không cần gây mê. Đó là sự mở đầu cho việc nghiên cứu và ứng dụng châm cứu mạnh mẽ tại Mỹ và các nước phương Tây.

Ngày nay tuy châm cứu đã nổi danh toàn cầu, nhung nó vẫn chưa xóa được mối nghi ngờ rằng, có phải đó chỉ là một kiểu placebo (tác dụng tâm lý). Trong nhiều năm, giới nghiên cứu nhận thấy rằng, chỉ cần xuyên kim qua da cũng có thể có lợi cho một số bệnh nhân và khởi phát hàng loạt phản ứng sinh lý.

Thêm nữa, châm cứu có tác dụng placebo tiềm tàng để giải thích sự thành công của nó. Vì thế, tách biệt phần đóng góp của tác dụng sinh học thần kinh và hiệu ứng tâm lý đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với châm cứu.

Cách giải thích truyền thống dựa trên quan niệm năng lượng sống (khí) chạy theo các đường kinh trong cơ thể. Bệnh được xem là sự nghẽn khí hay mất cân bằng giữa hai loại khí âm và dương. Khí có thể lưu thông tới bề mặt cơ thể tại vài trăm vị trí đặc biệt gọi là huyệt, là nơi mà người châm cứu có thể tác động lên dòng khí nhằm khôi phục sự cân bằng và chữa bệnh.

Theo y học hiện đại, huyệt và đường kinh là gì? Đó là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng. Năm 1977, nhà thần kinh học Melzack của Trường đại học McGill, Canada (đồng tác giả của thuyết kiểm soát cổng trong sinh lý đau, cùng Wall) nhận thấy, khoảng 70% số huyệt có tương quan chặt chẽ với các điểm vận động và điểm trigger, là những điểm nhạy cảm đau cực đại trong hội chứng đau sợi cơ.

Năm 1984, Chan công bố phát hiện 309 huyệt nằm trên hay rất gần các dây thần kinh, 286 huyệt nằm trên hay rất gần các mạch máu chính, với các bó thần kinh nhỏ bao quanh (thần kinh mạch). Nhiều nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Vấn đề đường kinh còn đang gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, cơ chế thần kinh của châm cứu thì được khám phá từ năm 1973, khi giới nghiên cứu Trung Quốc nhận thấy, phong bế thần kinh ngoại biên bằng novocain sẽ vô hiệu hóa tác dụng của châm cứu tại các huyệt tương ứng.

Cây kim giảm đau

Mặc dù quan niệm khí, huyệt và đường kinh còn gây nhiều tranh cãi, nhiều bằng chứng cho thấy, cây kim có nhiều tác dụng sinh học, nổi bật nhất là giảm đau. Giáo sư Han Ji-sheng tại Trung tâm Thần kinh thuộc Đại học Y khoa Bắc Kinh là người mở đường cho hướng nghiên cứu này.

Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, nhóm nghiên cứu của ông thấy rằng, khi châm cứu, cơ thể giải phóng các moócphin nội sinh có tác dụng giảm đau. Han tiến hành điện châm trên chuột rồi truyền máu của chúng cho chuột không châm cứu. Sau  khi can thiệp, cả hai nhóm chuột đều giảm đáp ứng đối với kích thích gây đau, chứng tỏ các chất giảm đau nội sinh đã truyền qua máu trong thí nghiệm bắt chéo tuần hoàn đó.

Châm cứu cũng có tác dụng sâu trong não. Năm 2000 và 2002, các nhà khoa học thuộc Viện Y học cổ truyền Bắc Kinh và thuộc Đại học Y khoa Harvard công bố các nghiên cứu dùng kỹ thuật cộng hưởng từ chức năng (fMRI), một kỹ thuật theo dõi các tế bào thần kinh, để theo dõi sự thay đổi chức năng não bộ khi châm ở tay. Họ thấy hoạt tính thần kinh giảm tại hồi hải mã, dưới đồi và các hợp phần khác của hệ viền, là hệ thống liên quan với cảm giác đau.

Sự thay đổi cũng xuất hiện tại vỏ cảm giác bản thể, vùng não có trách nhiệm xử lý các tín hiệu đau. Như vậy châm cứu thể hiện tác dụng giảm đau tại nhiều mức độ cấu trúc của hệ thần kinh, như  tại tủy sống, trung não hay vỏ não.

Phóng thích các nội tiết tố, các chất truyền đạt thần kinh (như serotonin) và các moócphin nội sinh cũng được dùng để giải thích nhiều tác dụng sinh học khác của châm cứu, chẳng hạn thay đổi tuần hoàn máu hay chức năng hệ miễn dịch. Vì thế châm cứu cũng được xem là có thể tác động lên nhiều hệ thống chức năng trong cơ thể. Có nhiều bằng chứng lâm sàng thu được trong các thử nghiệm chặt chẽ (thuật ngữ chuyên môn gọi là các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát RCT) ủng hộ quan điểm này.

Cây kim lừa gạt

Năm 1998, Konrad Streitberger và đồng nghiệp tại Phòng gây mê thuộc Đại học Heidelberg, Đức, thiết kế thành công loại kim chỉ xuyên nhẹ trên bề mặt nhưng trông như đã xuyên qua da. Kết quả là người bệnh cảm giác được kim mà không biết rằng, thực ra nó chỉ xuyên nhẹ ở lớp thượng bì mà thôi. Nhóm nghiên cứu thấy châm kim thực sự cho kết quả tốt hơn châm giả.

Tuy nhiên, nghiên cứu của nhiều tác giả khác lại cho kết quả không giống như thế. Năm 2005, nhóm Irnich nghiên cứu 270 bệnh nhân đau đầu do huyết áp với nhĩ châm, châm giả ngoài huyệt và không châm. Họ thấy nhĩ châm cho kết quả tốt hơn không châm; tuy nhiên giữa châm thật và châm giả lại không thấy sự khác biệt. Các thử nghiệm tiếp theo cho thấy, châm giả cho kết quả nằm giữa châm thật và không châm.

Giải thích các kết quả phức tạp như thế là một chủ đề gây nhiều tranh luận. Một cách giải thích khả dĩ là với một số bệnh, châm cứu tác dụng qua các cơ chế sinh học chính xác khởi phát từ cây kim; trong khi đó, với các bệnh khác, tác dụng lại không đặc hiệu và khởi phát từ tâm lý (placebo). Cũng có khả năng cây kim tác dụng ở nhiều độ sâu khác nhau: bề mặt da, thượng bì và xuyên qua da.

Một số tác dụng phụ thuộc chính xác vào vị trí đặt kim, trong khi số khác thì không. Nếu đó là sự thật, việc kiểm soát placebo trong châm cứu có thể là bất khả thi. Và như vậy, cùng với bí ẩn về bản chất của huyệt và đường kinh, có thể châm cứu vẫn còn là một thách thức lâu dài đối với khoa học

Đỗ Kiên Cường
.
.