Bí mật ở lò sản xuất "siêu ngựa" Việt Nam

Thứ Tư, 15/02/2012, 09:20

Những chú ngựa đua nhà nòi gây giống từ những liều tinh chỉ bé bằng cái ruột bút bi được chở bằng hộp ni tơ thấm lỏng chuyên dụng bay vượt đại châu về đất Việt. Những chú ngựa cảnh mini chỉ nhỉnh hơn con chó béc giê có thể cùng chủ dạo bước thong dong trên vỉa hè, trong siêu thị. Những chàng “Bật Mã Ôn” dù có thắt ca vát, đóng comple, dận giày tây láng bóng nhưng hễ vào phòng hội thảo là cả trăm người cùng nhăn mặt, bịt mũi vì mùi… mồ hôi ngựa.

Tinh ngựa vượt trùng dương

Rầm rập, rầm rập. Những con ngựa đua vút đi như những mũi tên bắn ra khỏi cung để lại cho thảo nguyên đám bụi mờ đỏ huyền ảo trong sương sớm. Đám nài cong người, gò lưng trên lưng tuấn mã cùng một hướng xé gió. Vài chú chim ăn sớm giật mình bay vụt từ bãi cỏ lên thinh không. Đó là cảnh thường nhật ở lò sản xuất ngựa đua, ngựa mini đầu tiên của Việt Nam đặt tại Thái Nguyên.

Năm 1893, môn đua ngựa lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam bởi người Pháp, đến năm 1932, Hiệp hội ngựa đua Sài Gòn được thành lập và xây dựng trường đua Phú Thọ. Sau ngày giải phóng miền Nam, môn thể thao mang nặng tính cá cược này bị gián đoạn đến tận năm 1989, Sở TDTT TP HCM mới khôi phục trở lại.

Ở miền Nam, nguồn ngựa đua được nuôi tại Đức Hòa - Long An, Củ Chi - TP  HCM. Các tỉnh miền núi phía Bắc có Bắc Hà (Lào Cai), Trùng Khánh (Cao Bằng) cũng có đua ngựa mỗi lúc tết đến, xuân về. Giống ngựa Việt Nam tầm vóc nhỏ hay gọi là ngựa cỏ với chiều cao vây (cao tới vai) bình quân đạt 110 - 115 cm, khối lượng bình quân 165 - 175 kg, cưỡi chạy nhanh 25 - 28km/h, thành tích không đáng ở "vòng gửi xe" so với làng ngựa đua thế giới.

Một đại gia Pháp lần trong đống tài liệu thời thuộc địa Đông Dương ghi ở Sài Gòn có trường đua ngựa, ở Hà Nội có trường dạy ngựa liền tìm đến Việt Nam. Sài Gòn còn trường đua Phú Thọ nhưng Hà Nội nơi dạy ngựa chẳng còn vết dấu. Lên Thái Nguyên muốn thành lập trường đua ở Phúc Xuân gần hồ Núi Cốc, lấy Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi làm nơi luyện ngựa đua.

Ngựa đua ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trà - Phó Giám đốc Trung tâm - một nhà "ngựa học" sừng sỏ bảo với tôi: "Có những con ngựa đua cả triệu đô la cũng đừng hòng sờ được vào một cọng lông của nó. Việc nhập ngựa đua thuần chủng, thành tích cao dạng "nguyên đai nguyên kiện" về Việt Nam là điều rất khó nên trước nhu cầu ngựa đua đang phát triển, trung tâm mới làm đề tài nhập tinh ngựa đua về".

Chuyện mua tinh ngựa cũng lắm cái cười ra nước mắt. Nhóm một đạt thành tích cao được chào giá 10.000 đô/cọng tinh (tương đương trên 200 triệu) nhưng cũng mấy đơn vị nhập khẩu chào hàng rồi bỏ của chạy lấy người vì hàng quá hiếm, tính mạo hiểm cao. Nhóm tinh của ngựa đạt thành tích khiêm tốn cũng tầm trên chục triệu (thời giá năm 2006).

Đến công đoạn vận chuyển cũng thực là cầu kỳ. Tinh đựng trong bình nitơ lỏng bị các hãng máy bay cấm vì sợ cháy nổ nên phải đựng trong bình nitơ loại thấm lỏng luôn ở nhiệt độ âm 196 độ C.

Vốn đề tài như rắc mì chính. Năm 2006 được phê duyệt đề tài chỉ nhập 12 liều. Thủ tục lâu, cuối năm tinh về thì đã hết mùa ngựa cái động dục đành bảo quản để chuyển sang năm 2007. 72 liều tinh nhập ròng rã trong 3 năm mới nổi vì tiền ít.

Cọng tinh bằng ruột bút bi có thể tích 0,5 ml, một lần ngựa đực "sung sướng tới đỉnh" phải cỡ 35-40 cọng.  Đắt ở thành tích bởi giá sản xuất vài đô nhưng có những con ngựa đua giá bằng cả cái máy bay của bầu Đức, hàng năm đóng phí bảo hiểm ngang một cái ôtô hạng sang không thể lấy tinh vì khi lấy tinh đã "về hưu" trên con đường binh nghiệp rồi.

Giá cả đắt đỏ như thế nên tinh ngựa khi nhập về phải có ba bên nghiệm thu gồm doanh nghiệp nhập, Bộ môn sinh sản và thụ tinh nhân tạo của Viện Chăn nuôi và Trung tâm.

Trực ngựa đẻ hơn trực… vợ đẻ

Lượt đầu về số lượng 12 liều của 2 con đực khác nhau nên đơn vị nhập phải giao 14 liều, mỗi loại thừa ra một liều để rút xác suất, giải đông, kiểm tra trên kính hiển vi tỷ lệ sống. Kính này có phần mềm vô cùng tinh vi giúp chụp lại kết quả, sao lưu hình ảnh động, kiểm tra bao con sống, hoạt lực ra sao, tỷ lệ tiến thẳng của tinh trùng thế nào hệt như máy bắn tốc độ giao thông. Cuối cùng cả ba bên ký tên trên cọng tinh giá ngót hai tấn thóc rồi… bỏ.

Khác với nhiều loài gia súc khác, ngựa có đặc điểm thời gian chịu đực dài cả tuần lễ, không xác định được thời điểm chính xác rụng trứng là đi tong vài chục triệu một liều tinh. Do vậy mà phải thử thật kỹ bằng cách dắt ngựa đực “thí tình” đi qua đàn ngựa cái, con nào thò cổ ra khỏi chuồng, ngửa mặt hí vang trời, quay mông, cong đuôi, khụy chân, đái dắt, thậm chí cho ngựa đực cắn vào mông là động dục chắc chắn.

Ngày đấy phối chưa chắc đã được vì trứng chưa rụng nên phải dắt ngựa ra giá kiểm tra. Trong một tuần động dục, kiểm tra ngày 2 lần. Thời điểm trứng gần rụng cứ 4 tiếng kiểm tra một lần vì sau 8 tiếng trứng rụng không gặp tinh là hỏng. Kiểm tra mỗi con như thế 15 lần.

Phối ngựa phải bốn người như một kíp mổ, một người giữ ngựa cái, một người tay lăm lăm cầm súng bắn tinh hướng nòng vào tử cung, một người phụ lấy tinh giải đông, một người phụ lắp cọng tinh vào súng. Tỷ lệ đậu thai của ngựa chỉ trên 30% đã là may mắn.

Sau 21 ngày kiểm tra, ghi nhật ký, khám thai mà không có kết quả, từ lãnh đạo đến công nhân chuồng nuôi mặt dài như… mặt ngựa.

Rút kinh nghiệm kiểm tra, rà soát từng bước, thời điểm xem sai sót ở đâu. Việc trực chiến ngựa đẻ hơn cả vợ đẻ bởi đẻ bọc nguyên ối không phát hiện trong vòng mươi phút là ngựa con chết ngạt.

Đẻ thai to phải can thiệp bằng cách lôi theo nhịp rặn đẻ của ngựa mẹ. Mỗi lần co bóp tử cung là mắm môi cầm chân ngựa mà lôi. Kéo mạnh sẽ gãy cẳng ngựa non mà kéo yếu thì sẽ chẳng giúp nổi ngựa mẹ.

Tinh của hai giống ngựa Westgale và Oldenbuger được nhập từ CHLB Đức phối giống cho 59 ngựa cái lai 25% máu Cabadin, có tỷ lệ thụ thai 45,76% quả là một kỳ tích.

Ngựa có màu lông hồng nhạt, tía mật phù hợp thị hiếu thể thao. Đến 24 tháng tuổi, ngựa đực đạt 266  - 268 kg, ngựa cái đạt 257 - 258 kg, cao to lừng lững.

Như những siêu mẫu, vòng ngực ngựa đua nở rộng chỉ thị cho sức khỏe tốt, khả năng hô hấp, hồi phục nhanh. Nhờ gen di truyền từ những ông bố nòi kị mã, ngựa lai đều có cổ chân chắc, dẻo, đi đứng linh hoạt, không có trường hợp bị đi duỗi cổ chân - điều tối kị với ngựa đua.

Chúng có kết cấu thân hình rắn chắc, thanh săn, bụng thon, từ đầu đến móng vó cân đối phù hợp với hướng xé gió, lướt nhanh như những cỗ siêu xe trên trường đua F1. Ngựa chạy tốt là những con có móng tròn đều, lòng sâu không bị chạm nền đường, giảm tối đa lực ma sát tác động.

Mọi con đường của ngựa đua đều phải là thành tích chạy nhanh. Không phụ công người lai tạo, ở cung đường 1.000m, con lai chạy đạt 42,86 km/h  đến 43,47km/h, cao hơn hẳn ngựa mẹ (32 km/h).

Cửa ải luyện ngựa

Nài ngựa là những công nhân của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi. Muốn cưỡi được ngựa phải có những bước làm quen kỳ công còn hơn cả tán gái.

Bước một phải tiếp xúc ngay từ nhỏ giữa nài và ngựa bằng xoa tắm, chải lông, bắt cương, cho hàm thiếc. "Ngựa thích nhẹ nhàng và dứt khoát. Nhẹ nhàng vuốt ve, dứt khoát tay cầm cương sát miệng, đi dứt khoát, thập thò là bị bắt nạt ngay.

Bước vào chuồng để làm bất cứ động tác gì phải đi từ hướng thẳng với mặt nó để con vật nhìn thấy  chứ ở đằng sau tiến tới dễ xơi nguyên cả đôi vó ngựa hay bị ngựa cắn.

Lúc trưởng thành ngựa đua phải được đưa vào giá chịu lực tập cưỡi. Gặp con bất kham, nài phải đem xuống suối, nước ngập ngang lưng để chúng không đá được rồi luyện. Ngựa nào bất kham sau luyện tập đều là ngựa quý vì nó có sức khỏe kinh hồn", Tiến sĩ Trà tiết lộ.

Nghe phong thanh Trung tâm đã lai tạo được ngựa đua, có lắm đại gia trong Nam ôm cả bọc tiền bay ra đây ngắm ngựa rồi nằng nặc đòi mua khiến cho Ban lãnh đạo đơn vị phải từ chối suốt vì sợ mất vật liệu làm đề tài nghiên cứu.

Ở nước ngoài, một người có thế lực và giàu lắm mới sở hữu một hoặc vài con ngựa đua. Ngựa đua chính là một chứng chỉ đỏ tuyệt vời giúp họ bước lên hàng ngũ đại gia, quý tộc. Có ngựa tham gia vào các giải đấu lớn là cả một vinh dự cho người chủ. Có con ngựa mang vòng nguyệt quế về vẻ vang cho Tổ quốc nó sinh ra.

Vì thế tất cả các khâu từ sinh sản, ăn uống, tập luyện và ứng thí của ngựa đua được con người chăm sóc rất tỉ mỉ.

Điều kiện ở ta còn nghèo nên ngựa đua vẫn xơi chế độ như ngựa thường. Con Châu Phi, con Sao Chổi, con Mi Hót, con Hồng Nhung, con Nhài Thơm… đều có chung đặc điểm lấy tên mẹ ghép vào vần đầu.

Nài Dương Văn Quốc tháo gióng, dắt con Châu Phi ra khỏi chuồng. Vừa thoát khỏi nơi tù túng, chật hẹp, con vật chân bồn chồn, chờ một cú thúc chân của nài là lao thẳng. Chạy vài vòng chưa đã, khi bị chủ ghì cương dừng lại, miệng nó vẫn phì phì, chân chồm lên như một chiếc xe đua đề pa lên dốc.

Nài Quốc phụ trách 10 con ngựa trong đó có 4 ngựa đua: "Giống ngựa thồ Cabadin hay giật mình đến nỗi gặp vật lạ như cái bao tải trên đường là giật bắn còn ngựa đua vô tư. Con Châu Phi này đã từng theo tôi nửa tháng xuống quay phim “Thiên mệnh anh hùng” ở trường quay Cổ Loa. Nó khôn đến nỗi bình thường thả trên bãi, đến giờ ăn cám là tự động về trước cửa phòng, phì phì mũi, gõ chân xuống như một ám hiệu làm nũng đòi ăn".

Mỗi ngày anh Quốc cùng các công nhân khác đảm trách chạy luyện từ 2-3 con ngựa, mỗi con 4 vòng, mỗi vòng 1,2 km. Vua tốc độ của Trung tâm giờ vẫn thuộc về con Châu Phi với kỷ lục 45 km/h.

Đó là trên đường luyện bằng đất lẫn sỏi, ngựa chạy còn ghê chân chứ trên đường đua cát mịn, có nhiều con ganh nhau tốc độ sẽ được đẩy lên hết cả trăm phần trăm sức mạnh trong từng tế bào, trong mỗi thớ gân.

Tôi ngồi lên con Châu Phi cho anh Quốc dắt. Trên lênh khênh, đung đưa ở độ cao 1,45m, chòng chành tựa như ngồi thuyền thúng chỉ một chốc phải nài nỉ để được xuống.

Thế mà nài Quốc bảo ngựa càng chạy nhanh ngồi càng êm, càng cưỡi ngựa lâu càng nghiện đến nỗi chán hết tất cả những cỗ máy di chuyển ăn nhiên liệu ngoài cỏ.

Khuyển mã chi tình. Con Cao Đổi mà đại gia Khanh mua của Trung tâm đã 2 năm, giờ quay lại nhờ anh Quốc huấn luyện vẫn nhớ mặt nài cũ, vẫn quật đuôi lia lịa, lỗ mũi xoắn xuýt hít hà.

Mất 2 tháng huấn luyện Cao Đổi thuần thục để cưỡi, anh lại được vời xuống trang trại của tư gia để dạy người này cưỡi ngựa.

Hết lang thang khắp khu chuồng ngựa tôi lại theo "Bật Mã Ôn" Thân Văn Luân ra bãi chăn 140 con. Một mình anh Luân bầu bạn với 140 con ngựa và một chiếc đài con con. Tới giờ nghỉ, anh chỉ việc huýt sáo cái là toàn bộ đàn ngựa tự động răm rắp về chuồng của mình.

Giấc mơ những con ngựa bỏ gọn trong va li

Ngoài xu hướng ngựa đua, TS Nguyễn Văn Đại - vị Giám đốc “Trung tâm Trâu ngựa” như anh vẫn từng đùa vui bảo xã hội đang có nhu cầu về ngựa cảnh, ngựa mini.

"Ngựa mini là giống ngựa chỉ cao 80cm, nặng khoảng 80 kg như con chó béc giê cỡ lớn, hiền lành, gần gũi, làm bầu bạn chữa bệnh tưởng cho những người tự kỷ, hay làm dẫn đường cho người mù.

Ngựa mini ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi.

Nhỏ hơn nữa là dòng ngựa pony chỉ 30-40 kg, không cưỡi được kể cả trẻ con, chỉ dắt đi dạo. Ngựa siêu mini gây sốt ở Anh, Mỹ, chúng được ngủ cùng giường, ngồi cùng ghế, đi dạo siêu thị, tiệm ăn với chủ".

Cách đây 2 năm Trung tâm nhận nuôi 5 con ngựa mini đầu tiên. Từ quê hương xứ lạnh, lông bết từng cục, to như nắm tay trẻ con, nhỏ như ngón tay người lớn nên công nhân phải tỉ mẩn cắt từng cụm lông, tắm rửa sạch từng ly, từng tí. Sau một năm mới cắt xong, chúng thay lông mới, có con đổi hẳn màu vì trước bị để quá bẩn không nhận ra màu lông nguyên thủy.

Khi ngựa mini đẻ, cả Giám đốc, Phó giám đốc xuống tận nơi thăm. Có ngọn cỏ nào ngon nhất, xanh nhất cũng để dành làm quà tặng. Hiện nay anh Đại đang nhờ người thân ở nước ngoài "xách tay" hộ vài con ngựa siêu mini về mà vẫn chưa được…

Những cán bộ ở Trung tâm học ở trong trường về không được bố trí công việc ngay mà phải làm công nhân từ cào phân, làm vệ sinh đến tắm chải, dắt, cưỡi, ít thì 6 tháng, nhiều phải 1 năm.

Mới ra trường ông Trà được phân về Viện Chăn nuôi làm rồi "dúi" đi cơ sở 3 năm dưới trại ngựa. Lúc đầu còn đếm năm một, hết hạn chẳng thấy được về lại đếm ba năm một. Đếm mãi, đếm mãi, một, hai, ba, bốn, năm… mười cái ba năm rồi vẫn còn ở đây, giờ bảo về Hà Nội cũng chẳng muốn.

Đồng lương ba cọc ba đồng, anh em nói vui có sống như phong lan rừng, hít khí trời, thở sương đêm không ăn, không tiêu cả đời cũng chưa mua nổi dăm mét đất thủ đô nên vẫn gắn với kiếp chăn ngựa, với những chìm nổi của nghề.

Giám đốc Đại từng bị ngã ngựa, rạn sọ não đi viện an dưỡng 20 ngày. Đặng Đình Hanh, Giám đốc trước cũng bị ngựa hất ngã cắm đầu vào bụi rậm trong lúc cưỡi. Chuyện gãy chân, gãy tay, rụng răng vì ngựa cũng là chuyện thường thôi ở Bá Vân.

Thời nay điều kiện còn "sướng" chứ thời bố nài Quốc còn làm, ông đã từng cưỡi ngựa từ khu Nước Hai trên Cao Bằng về Thái Nguyên trên quãng đường vài trăm cây số ròng rã mất mấy ngày trời

Xứ Đoài
.
.