Bí quyết thành công của hai GĐĐH đứng đầu Trung Quốc

Thứ Hai, 20/09/2010, 07:35
Hai cuốn sách của 2 CEO (Tổng giám đốc) nổi tiếng Trung Quốc là Mã Vân, người sáng lập trang web Alibaba và Nhiệm Chính Phi, người sáng lập Tập đoàn Huawei và phát triển công nghệ 3G tại quốc gia hơn 1,3 tỉ người đã và đang thu hút giới chuyên môn cũng như nhiều độc giả quan tâm.

Trở thành CEO lớn nhất Trung Quốc từ 2.000USD tiền vay

Cách đây gần 1 năm (tháng 11/2009), tạp chí Business Week đã xếp Mã Vân là 1 trong 40 người có ảnh hưởng lớn nhất năm 2009. Cũng trong tháng 11/2009, tạp chí Times bình chọn Mã Vân là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất năm 2009. Trang web Alibaba do Mã Vân sáng lập hiện là trang web thương mại đứng thứ hai Trung Quốc, chỉ sau trang web nổi tiếng thế giới eBay. Nhưng ít người biết rằng, trước khi trở thành người sáng lập trang web Alibaba, Mã Vân là một giáo viên, nhưng đã quyết định chuyển nghề (tháng 4/1995) và vay 2.000 USD để sáng lập "Trang vàng Trung Quốc" (China Pages), một trong những công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ mạng tại Trung Quốc (tháng 5/1995).

Sau 2 năm (1997-1999) hợp tác với Phòng Thương mại để ra mắt trang web Thương mại, Mã Vân đã thành công trong việc thuyết phục nhà đầu tư chi nửa triệu NDT để lập trang web Alibaba. Kể từ đó phương thức Business to Business chính thức đi vào hoạt động. Thông qua trang web này, giới doanh nghiệp có thể giao lưu buôn bán và phát triển kinh tế. Mã Vân không thể có thành công ngày hôm nay nếu không nhận được sự ủng hộ của cộng sự và nhân viên - Giá cổ phiếu có thể sẽ thành bọt, nhưng giấc mơ Internet không bao giờ tan vỡ.

Điều đáng nói là, tuyên bố phát triển trang web Alibaba được Mã Vân đưa ra ngay sau khi ông mổ ruột thừa. Nhưng với quyết tâm để có thể rút ngắn thời gian thành công - từ 36 tháng xuống 18 tháng, Mã Vân và nhân viên của trang web Alibaba đã làm nên kỳ tích.

Giới chuyên môn đánh giá cao khả năng thuyết phục nhà đầu tư của Mã Vân bởi sau chưa đầy 6 phút ông đã khiến Tôn Chính Nghĩa, Giám đốc công ty chuyên đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực phần mềm ngân hàng và trang web thương mại điện tử chi 20 triệu USD để lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển trang web Alibaba. Khả năng thuyết phục của Mã Vân lợi hại tới mức khiến Thái Sùng Tín, đại diện của Công ty Investor AB đầu tư vào trang web Alibaba quyết định bỏ mức lương 750.000USD/năm để làm việc cho ông với mức lương 500NDT/tháng.

Trong mắt giới chuyên môn, Alibaba là một trong ít trang web có mô thức kinh doanh Business to Business lớn nhất Trung Quốc. Nhưng để phát triển được như ngày hôm nay, ngoài những nhân tố kể trên còn phải nói tới tinh thần tự cường mạnh mẽ và tự cổ vũ bản thân của Mã Vân. Mã Vân từng nói, ngay từ nhỏ đã xác định, không được dựa dẫm vào bất cứ đâu mà phải tự vươn lên bằng chính thực lực của mình. Nhiều người nói rằng, phong cách làm việc độc lập cùng sách lược khó đoán trước, cộng thêm sự kiên trì đến cùng, Mã Vân luôn trở thành nhân vật tiêu điểm trong ngành thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão tại Trung Quốc.

Có một thực tế được nhiều người quan tâm, đó là Mã Vân đã bỏ tất cả những nỗ lực của mình thời trai trẻ để dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn, bất trắc. Sau 2 lần thi mới tốt nghiệp trung học và 3 lần thi mới đỗ đại học (Sư phạm), nhưng chỉ đi dạy được 6 năm, Mã Vân đã quyết định bỏ nghề để theo nghiệp kinh doanh. Mã Vân thẳng thắn bày tỏ - muốn làm nên sự nghiệp, điều quan trọng nhất không phải là mục tiêu và phương pháp, mà là có quyết tâm đánh đổi tất cả cho mục tiêu đó hay không và đây là điều đặc biệt quan trọng.

Tại thời điểm thành lập "Trang vàng Trung Quốc", nhiều người đã cho rằng, Mã Vân là kẻ lừa đảo bởi trang web này không tồn tại. Điều này đúng một phần bởi đến tháng 8/1995, Trung Quốc mới chính thức kết nối Internet và khi đó Mã Vân mới chứng minh được với mọi người về việc làm của mình. Thậm chí cơ quan chức năng Trung Quốc đã phải chi 1,4 triệu NDT để mua lại công ty của Mã Vân. Đây là số vốn giúp Mã Vân phát triển những ý tưởng của mình.

Ông Mã Vân.

Sau 6 năm sáng lập Alibaba, danh tính của Mã Vân đã xuất hiện trong bảng xếp hạng 40 người giàu nhất Trung Quốc - được tạp chí Forbes xếp thứ 27 với tài sản 370 triệu USD.

Sinh ra (15/10/1964) trong một gia đình nghèo ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nhưng hiện Mã Vân là Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Yahoo Trung Quốc, Hội viên Hiệp hội Tư vấn công thương của APEC, Giám đốc Học viện Thương mại Alibaba trực thuộc Trường đại học Sư phạm Hàng Châu. Cách đây 10 năm (tháng 10/2000), Mã Vân được Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn là một trong 100 lãnh đạo tương lai trên thế giới. Trong năm 2008, Mã Vân được bình chọn là 1 trong 30 CEO ưu tú nhất thế giới, là 1 trong 25 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất đến mạng Internet.

"Người cha tinh thần" xuất sắc của giới doanh nghiệp

Với doanh số đạt 65,88 tỉ NDT (có tài liệu nói 16 tỉ USD), năm 2007 Tập đoàn Huawei đã trở thành 1 trong 100 doanh nghiệp điện tử mạnh nhất Trung Quốc nhưng người sáng lập và phát triển công nghệ 3G lập nghiệp chỉ với số vốn đăng ký 20.000NDT. Do đó, Nhiệm Chính Phi được giới chuyên môn đánh giá là "người cha tinh thần" xuất sắc của giới doanh nghiệp Trung Quốc.

22 năm trước (1988), chẳng ai biết tới Nhiệm Chính Phi, nhưng tới năm 2008, Huawei được xếp trong các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới, cung cấp thiết bị và giải pháp mạng cho 31 trên tổng số 50 nhà khai thác viễn thông hàng đầu thế giới tại hơn 100 quốc gia và trên 1 tỉ người sử dụng. Tập đoàn Huawei có khoảng 40.000 nhân viên và tính đến tháng 6/2006, Huawei đã thực hiện thành công hơn 40.000 dự án. Mức doanh thu bán hàng năm 2005 của Huawei đạt 46,9 tỉ NDT, lợi nhuận đạt 5,15 tỉ NDT. Đến năm 2008, doanh số là 23,3 tỉ USD.

Ông Nhiệm Chính Phi.

Tuy là đàn em của các hãng nổi tiếng như Alcatel, Motorola, Siemens, Ericsson... trong ngành công nghệ viễn thông thế giới, nhưng Huawei hiện đã trở thành một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công, đó là trong khi nhiều hãng viễn thông hàng đầu thế giới đều thực hiện chính sách giảm nhân viên, giảm nghiên cứu phát triển hoặc bỏ qua thị trường thì Huawei lại coi đây là cơ hội để tập trung mở rộng nghiên cứu phát triển.

Giới chuyên môn đánh giá cao việc Huawei thắng thầu thiết lập mạng HSDPA (công nghệ truy nhập gói tốc độ cao) trong vòng đúng một tuần tại 13 sân vận động cách xa nhau ở nhiều thành phố Malaysia. Đến nay Huawei đang đứng đầu thế giới về cung cấp sản phẩm mạng NGN, đứng đầu về cung cấp sản phẩm IP DSLAM, đứng thứ hai về cung cấp sản phẩm truyền dẫn quang, đứng đầu về CDMA 450, Wireless CRBT... Huawei đang phấn đấu để trở thành 1 trong 3 hãng viễn thông đứng đầu thế giới về doanh thu.

Nhiệm Chính Phi luôn đặt kế hoạch để trong 2-3 năm tới phải làm thế nào để có thể tồn tại được và tiếp tục tồn tại luôn là nguyên lý hàng đầu. Điều đáng nói là Nhiệm Chính Phi đã tìm ra sự khác biệt giữa Huawei với các công ty quốc tế lớn khác. Tạp chí Time cho rằng, Huawei đã chính thức tham gia vào quá trình toàn cầu hóa cùng với các hãng lớn như Lucent Technologies, Sony Ericsson, Cisco. Những bài viết của Nhiệm Chính Phi được giới doanh nghiệp truyền tụng như "thánh kinh". Số bài viết đã in và chưa công bố của Nhiệm Chính Phi lên tới hàng trăm.

Giới chuyên môn cho rằng, thành công ngày nay của Huawei có công không nhỏ của đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Trong khi tại các địa phương khác, doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập 33% thì doanh nghiệp ở Thâm Quyến chỉ phải đóng 15%, doanh nghiệp mới thành lập 2 năm đầu tiên được miễn thuế, 3 năm tiếp theo được giảm 50%... Để phục vụ chiến lược phát triển, Huawei được mua một khu đất rộng tới 1,3 km2 với giá ưu đãi

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.