Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự “dung dưỡng” cát tặc, làm loạn sông Tiền?

Thứ Tư, 24/04/2013, 06:15

Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thời gian qua đã trở thành điểm nóng của dư luận và gây bức xúc trong nhân dân. Đáng chú ý, Bí thư huyện Hồng Ngự Nguyễn Hồng Lâm (tên thường gọi là Sáu Lâm) được cho là người đứng sân sau điều hành gần 10 doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát trái phép trên sông Tiền. Không những vậy, ông Lâm còn được biết đến là một đại gia nuôi cá có tiếng ở Đồng Tháp, đi xe hơi tiền tỉ và tổ chức đánh bài ăn tiền cùng thuộc cấp.

Liên quan đến những sai phạm của ông Nguyễn Hồng Lâm, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã công bố quyết định đình chỉ chức vụ Bí thư Huyện ủy trong vòng 90 ngày vì có dấu hiệu vi phạm những điều đảng viên không được làm, đồng thời làm rõ vai trò của ông Lâm trong việc dung dưỡng một số doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Và mới đây, ngày 2/4, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp đã triển khai quyết định kiểm tra trách nhiệm đối với ông Ngô Xuân Cảnh - Phó Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự và ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự về việc giám sát cán bộ cấp dưới, kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài sản công. Trong đó, có những việc liên quan đến chủ trương, quy trình quản lý tài nguyên và khai thác cát trên sông Tiền, đoạn qua thủy phận Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Bảo kê cho cát tặc

Tuyến sông Tiền qua thủy phận Đồng Tháp dài hơn 107 km, với tổng trữ lượng cát gần 200 triệu m3, trong đó trữ lượng khai thác cát (đến năm 2020) là hơn 56 triệu m3 cát xây dựng. Với trữ lượng cát dồi dào, tỉnh Đồng Tháp có 27 khu vực mỏ cát được cấp phép hoạt động, với gần 60 phương tiện đăng ký khai thác. Nhưng thực tế, qua rà soát của ngành chức năng, số phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền là gần 200 phương tiện (trong đó 10 xà lan có trọng tải từ 100 - 450 tấn, 50 ghe sắt từ 50 - 150 tấn, ghe gỗ 15 - 80 tấn) của các doanh nghiệp, cá nhân thuê mướn… hoạt động "chui", ngày đêm thi nhau "đục khoét" đáy sông.

Một điểm nóng và nhức nhối về nạn khai thác cát trái phép là đoạn sông Tiền qua thủy phận huyện Hồng Ngự, với chiều dài khoảng 30 km. Kết quả thăm dò nơi đây có tổng trữ lượng cát lên tới 58 triệu m3 (trong đó cát xây dựng là trên 15 triệu m3, Với trữ lượng cát dồi dào này và sự dung túng, tiếp tay của lãnh đạo địa phương nên tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra một cách rầm rộ, hoạt động công khai khiến người dân bức xúc và trở thành điểm nóng của dư luận.

Mỗi ngày, trên tuyến sông Tiền khu vực giữa huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự có đến cả trăm xà lan khai thác cát hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Hàng chục xáng cạp, xà lan, ghe thuyền từ khắp nơi đổ về khai thác trái phép, khiến tình trạng sạt lở ở Đồng Tháp ngày càng tăng cao. Toàn tỉnh có 100 điểm sạt lở, kéo dài trên phạm vi hơn 17 km.

Trong quá trình đi thực tế ở sông Tiền, nhiều người dân khẳng định sở dĩ cát tặc lộng hành như vậy là có sự tiếp tay của lãnh đạo địa phương, mà trong đó trực tiếp là ông Nguyễn Hồng Lâm, Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự. Đồng thời, ông này còn “giấu mặt” điều hành gần 10 doanh nghiệp, cá nhân ngang nhiên "rút ruột" lòng sông Tiền. Ông Lâm  cũng là chủ 2 chiếc xáng cạp, thường xuyên hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Tiền, đoạn qua xã Thường Phước 2" - ông L., một chủ xáng cạp ở Hồng Ngự nói.

Là huyện mới thành lập, nên nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ bản ở huyện Hồng Ngự rất lớn. Có sự “bảo kê” của ông Nguyễn Hồng Lâm, các doanh nghiệp và cá nhân (trong đó có Nguyễn Hồng Vũ (em trai ông Lâm) Giám đốc Công ty Hoàng Vũ chuyên kinh doanh xây dựng, san lấp mặt bằng; các đối tượng Nguyễn Văn Mươn, Trần Văn Liệt (chủ xáng cạp, xà lan khai thác cát) móc nối với các ban quản lý dự án để trúng thầu san lấp mặt bằng.

Ông Nguyễn Hồng Lâm, lúc chưa bị đình chỉ Bí thư huyện ủy Hồng Ngự "điểm" những khu vực nóng về nạn khai thác cát trái phép đã "hạ nhiệt" cho PV Chuyên đề ANTG.

Khai thác cát suốt ngày đêm

Dẫn chúng tôi ra bờ sông Tiền, đoạn qua ấp Thượng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự), ông Nguyễn Văn Hậu (ngụ xã Thường Thới Tiền) nói một cách chua xót: "Chỗ này, trước đây lực lượng Công an đã bắt quả tang 3 xà lan khai thác cát trái phép nên giờ dòng sông mới im ắng trở lại. Chứ bình thường, tụi nó (xáng cạp, xà lan khai thác cát - PV) hoạt động hà rầm cả ngày lẫn đêm".

Còn những người dân ở xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) kể lại, trước đây, đêm nào cũng vậy, từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, hàng chục xáng cạp, xà lan trọng tải lớn thi nhau "cào xé" khai thác cát trên sông Tiền, khiến tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng, nhiều tài sản, nhà cửa của người dân đi theo "hà bá".

Không chịu nổi sự đe dọa của “cát tặc”, tối ngày 11/9/2012, hàng chục người dân cùng với lực lượng Công an xã Phú Thuận B đã bắt quả tang chiếc xà lan mang biển kiểm soát (BKS) ĐT-19504 (có tải trọng khoảng 300 tấn) do ông Trần Văn Liệt làm chủ. Mấy ngày sau người dân vẫn phát hiện các xà lan khác tiếp tục khai thác cát, nên báo lực lượng công an xã. Tuy nhiên, các đối tượng khai thác cát ngoan cố, quay lại tấn công cả lực lượng thi hành công vụ.

Đỉnh điểm, tối 19/9/2012, Trần Văn Liệt thuê đối tượng tên Xô điều khiển ghe sắt mang BKS ĐT-18.856 cùng với Hản, Quý, Thân và Thâu tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Tiền, đoạn qua thủy phận thuộc ấp Phú Lợi B (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự).

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt giữ một số đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Hồng Ngự.

Đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng Công an và xã đội Phú Thuận B dùng phà khách Mười Đẩu ngăn cản và bắt giữ. Khi đó, Xô điện thoại báo cho Liệt biết, Liệt điều khiển tàu sắt mang BKS AG-15.669 (có trọng tải khoảng 200 tấn) từ bến đò Mương Lớn chạy xuống xã Phú Thuận B để giải vây và đụng vào mạn trái phà khách gây hư hỏng, đồng thời làm 2 công an viên đi trên phà bị thương. Chỉ khi lực lượng Công an xã bắn chỉ thiên, Liệt mới cho xà lan dừng lại, rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Đến ngày 14/1/2013, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản. Riêng Trần Văn Liệt bỏ trốn, đến ngày 17/2/2013 mới ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông.

Công ty "kinh tài" cho Huyện ủy

Liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Tiền, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với 6 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên (cát sông) và trốn thuế. Trong số các đối tượng bị bắt giam, có Dương Tấn Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Ngự Bình, gọi tắt là Công ty Ngự Bình), Phan Thanh Vân (Phó giám đốc), Lương Công Thành (Kế toán trưởng) và Nguyễn Văn Mươn (chủ xà lan khai thác cát)...

Qua tìm hiểu của PV Chuyên đề ANTG, Công ty TNHH Ngự Bình (có trụ sở tại phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được biết đến là công ty cung cấp tài chính cho Huyện ủy Hồng Ngự trong một thời gian dài do Dương Tấn Quốc làm giám đốc, với chức năng chuyên khai thác cát, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình dân dụng, giao thông, mua bán vật liệu xây dựng, có 2 xáng cạp khai thác cát. Điều khó hiểu, mặc dù là doanh nghiệp khai thác cát, sau khi đóng thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng... thì mỗi năm công ty này phải nộp cho Huyện ủy Hồng Ngự với số tiền gần 1 tỉ đồng.

Về việc này, ông Nguyễn Hồng Lâm cũng đã thừa nhận với báo chí, bản thân ông cũng không rõ vì sao công ty này phải nộp số tiền đó hằng năm. Theo ông Lâm, thì việc nộp tiền này đã có... tiền lệ từ trước. Theo đó, mỗi năm Công ty TNHH Ngự Bình phải nộp cho Huyện ủy số tiền 850.000.000 đồng. Số tiền này được Huyện ủy Hồng Ngự cáo báo về Văn phòng Tỉnh ủy và chi tiêu theo quy định.

Trung tâm huyện Hồng Ngự, hiện đang là một "đại công trường" xây dựng hạ tầng cơ bản, nên nhu cầu san lấp rất lớn và thành miếng mồi "béo bở" cho cát tặc.

Công ty Ngự Bình có một mỏ cát được cấp phép và 3 cần cẩu. Đến tháng 10/2011 thì công ty này hết giấy phép ngưng hoạt động. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng cát tăng cao, nên Ban thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự đã thống nhất cho Công ty Ngự Bình lấy 3 cần cẩu đến khai thác cát tại mỏ cát được cấp phép trước đó. Với điều kiện, mỗi tháng công ty này phải nộp 30 triệu đồng/tháng cho Huyện ủy Hồng Ngự. Trong quá trình khai thác, đến cuối tháng 10/2012, Công ty Ngự Bình phải ngưng hoạt động, vì lúc này cả giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng đều bị Cơ quan điều tra bắt giữ để làm rõ về hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên (cát sông) và hành vi trốn thuế.

Chỉ tính riêng trong năm 2012, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện, bắt giữ 56 vụ khai thác cát trái phép. Qua củng cố hồ sơ, đã khởi tố 13 vụ. Nghiêm trọng nhất là sai phạm tại Công ty TNHH Ngự Bình. Đến nay Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 6 bị can để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (cát sông) và trốn thuế.

“Phát hiện cát tặc thì gọi cho tôi!”

Tại thời điểm ông Nguyễn Hồng Lâm chưa bị đình chỉ chức vụ Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự, PV Chuyên đề ANTG đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Lâm về thông tin ông có hoạt động khai thác cát và “bảo kê” cho gần 10 doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát? Lúc đó, ông Nguyễn Hồng Lâm phủ nhận hoàn toàn các thông tin này. Ông khẳng định: “Bản thân tôi không hề có phương tiện khai thác cát như dư luận phản ánh. Gia đình tôi sống bằng nghề nuôi cá. Thời gian qua, lãnh đạo huyện Hồng Ngự rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác này, nhưng bằng mọi giá phải lập lại trật tự, kiên quyết xử lý đối với tổ chức cá nhân vi phạm. Khi nào phát hiện cát tặc cứ gọi trực tiếp cho tôi…”.

Ông Nguyễn Hồng Lâm từng giữ chức Huyện đội trưởng huyện Hồng Ngự, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự. Đến năm 2005 làm Phó bí thư Thường trực, rồi Bí thư từ năm 2009 cho đến ngày bị đình chỉ chức vụ (ngày 23/2/2013).

Văn Vĩnh
.
.